Bảo tàng Bình Phước trên hành trình số: Di sản quốc gia được nâng tầm bằng công nghệ “Make In Vietnam – Made By FPT”
Trong bối cảnh toàn quốc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên không gian số trở thành một nhiệm vụ cấp bách và đầy ý nghĩa. Việc ứng dụng công nghệ vào việc quảng bá và phát huy di sản văn hóa Việt Nam nói chung, di sản Bình Phước nói riêng, đánh dấu một bước tiến mới quan trọng. Số hóa di sản văn hóa, xây dựng bảo tàng 3D là xu hướng tất yếu trong công tác phát huy di sản văn hóa trong kỷ nguyên số. Tại Bình Phước, hành trình số hóa bảo tàng không chỉ là một dự án công nghệ đơn thuần, mà còn là minh chứng sống động cho sự kết hợp giữa trách nhiệm với quốc gia và năng lực đổi mới sáng tạo của người Việt.
Tham quan không gian trưng bày bảo tàng 3D tại địa chỉ: https://baotang3d.binhphuoc.gov.vn/
Hành trình số hóa Bảo tàng tỉnh Bình Phước, được tư vấn và triển khai bởi FPT, đặt mục tiêu trọng tâm là ứng dụng công nghệ để lưu trữ an toàn các hiện vật lịch sử quốc gia, nâng cao trải nghiệm khách tham quan và mở rộng cánh cửa tiếp cận văn hóa Bình Phước cho mọi người dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, du khách tìm hiểu di sản một cách tiện lợi, nhanh chóng, hiện đại và lôi cuốn. Dự án hướng tới nâng cao hiệu quả phục vụ công chúng muốn tìm hiểu, trải nghiệm không gian di sản Bình Phước.
Các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút công bố hệ thống bảo tàng 3D
Điểm đặc biệt làm nên sức hút và giá trị của dự án chính là việc song hành cùng một hệ thống giải pháp công nghệ thông tin tổng thể và đồng bộ, “Make in Vietnam – Made by FPT”. Tập đoàn FPT, với vai trò tiên phong trong chuyển đổi số tại Việt Nam, đã mang đến những công nghệ cốt lõi để kiến tạo không gian bảo tàng số.
Trước tiên phải kể đến công nghệ quét 3D Laser & 3D Photogrammetry – những công cụ kỹ thuật số mạnh mẽ được phát triển bởi FPT, cho phép “chụp lại” từng chi tiết, đường nét và màu sắc của hiện vật cùng toàn bộ không gian trưng bày. Hệ thống bảo tàng 3D được xây dựng trên mục tiêu là chuyển thông tin các hiện vật được lưu trữ và trưng bày từ dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số. Kết quả là những mô hình 3D và bản sao số có độ chính xác gần như tuyệt đối, là nền tảng vững chắc cho công tác bảo tồn và nghiên cứu lâu dài.
Không chỉ có vậy,công nghệ VR360 còn giúp tạo dựng một không gian bảo tàng ảo chân thực và sống động trên nền tảng số. Khách tham quan có thể “bước đi” trong bảo tàng ảo, ngắm nhìn hiện vật từ mọi góc độ chỉ với một vài thao tác đơn giản. Việc này giúp thu hút khách tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu thông tin dễ dàng, sinh động, hấp dẫn hơn trên không gian trưng bày 3D trực tuyến, phá bỏ mọi rào cản địa lý. Chỉ cần một thiết bị thông minh có kết nối Internet, mọi lúc mọi nơi, người dân có thể tham quan Bảo tàng một cách sinh động và chi tiết.
Dự án được triển khai khẩn trương trong 3 tháng tại Bảo tàng tỉnh Bình Phước, với sự tham gia của đội ngũ 50 chuyên gia và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.
Đại diện đội ngũ triển khai dự án của FPT
Việc ứng dụng công nghệ “Made by FPT” không chỉ dừng lại ở việc tạo ra bản sao số đơn thuần, nó còn là một bước mở ra một kỷ nguyên mới trong cách chúng ta bảo tồn, lan toả và phát huy giá trị di sản.
Di sản văn hóa – thay vì chỉ được lưu giữ trong không gian vật lý giới hạn – giờ đây được bảo vệ một cách vĩnh cửu trong “kho báu số”, nơi mà từng hiện vật đều được gìn giữ nguyên vẹn, sẵn sàng truyền lại cho các thế hệ mai sau như những cột mốc sống động của ký ức dân tộc.
Công nghệ ấy còn giúp những giá trị ấy được lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không gian trưng bày ảo mở ra cánh cửa để hàng triệu người dễ dàng tiếp cận, khám phá lịch sử, văn hóa Bình Phước và Việt Nam một cách sinh động, hấp dẫn. Việc triển khai hệ thống bảo tàng 3D không chỉ tăng cường hiệu quả tuyên truyền, mà còn trở thành công cụ tiếp thị hữu hiệu, tạo nguồn khách dồi dào và khơi gợi sự hứng thú của công chúng. Mỗi hiện vật giờ đây không còn là một khối vật chất tĩnh lặng, mà là câu chuyện sống động có khả năng chạm tới cảm xúc, kích thích nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của người xem – từ đó làm bừng sáng hình ảnh của bảo tàng cũng như vùng đất Bình Phước trong tâm trí du khách.
Chính những dữ liệu được số hóa tỉ mỉ ấy đã tạo nên một hệ thống quản lý khoa học và thông minh. Nhờ khả năng tìm kiếm và tổ chức thông tin hiệu quả, công tác lưu trữ, bảo tồn và nghiên cứu của bảo tàng cũng trở nên chính xác, thuận tiện và bền vững hơn bao giờ hết.