C-Talk FDI: Bảo mật chủ động & Tự động hóa – Chìa khóa giảm thiểu rủi ro vận hành doanh nghiệp
Ngày 25/10/2024 vừa qua, FPT IS phối hợp cùng Trend Micro đã tổ chức thành công sự kiện C-Talk FDI tại TP. Hồ Chí Minh, thu hút hơn 30 lãnh đạo và diễn giả từ các doanh nghiệp lớn từ Prudential Việt Nam, Hitachi Asia Việt Nam, Pepsi Co, FPT,… tham dự.
Với chủ đề: “Tăng cường tính minh bạch và bảo mật chủ động trong vận hành doanh nghiệp FDI”, thông qua các bài trình bày và phiên tọa đàm với nội dung thực chiến, phiên Đối thoại chuyên đề lần đầu tiên được triển khai với tính tương tác cao; sự kiện C-Talk FDI đã tạo nên một diễn đàn “phẳng”, kết nối các diễn giả cấp cao và khách tham dự cùng chia sẻ, đối thoại trực tiếp về xu hướng biến động cũng như những thách thức chuyển đổi số của các doanh nghiệp FDI, đồng thời nhấn mạnh vào những câu chuyện về bảo mật thông tin dữ liệu, cùng những giải pháp thiết thực và chia sẻ kinh nghiệm để giúp các doanh nghiệp FDI tăng cường an toàn thông tin trên không gian mạng.
Hội thảo có sự tham dự của hai vị khách mời đặc biệt bao gồm ông Trần Lê Quốc Sơn – Phó Tổng Giám đốc Công nghệ (Chief Information Officer), Prudential Vietnam; bà Lê Uyên Thảo – Quản lý cấp cao Phát triển kinh doanh, TV Hub Entertainment & Media Group và các lãnh đạo cấp cao từ FPT IS, giải pháp tự động hóa akaBot và nền tảng bảo mật Trend Micro
Rủi ro bảo mật không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn từ trong nội bộ doanh nghiệp
“Nếu không đầu tư đủ và không cân bằng rủi ro từ cả bên ngoài lẫn bên trong, các doanh nghiệp sẽ gặp phải những lỗ hổng trong vận hành” – Ông Phan Thanh Sơn, Phó chủ tịch Điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh, FPT IS phát biểu khai mạc sự kiện. Trong bối cảnh biến động toàn cầu tạo ra những sự dịch chuyển sang mạng lưới cung ứng số, nếu doanh nghiệp FDI không chuyển đổi số cùng chuyển đổi xanh kịp thời sẽ bị đào thải không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực quốc tế. Tuy nhiên, ông Sơn nhấn mạnh chuyển đổi số cũng mang đến những thách thức về bảo mật và quản lý dữ liệu, thực tế hiện nay các doanh nghiệp chỉ đang ưu tiên bảo vệ dữ liệu từ các mối đe dọa bên ngoài mà quên mất rằng các mối đe dọa và sai sót từ nội bộ cũng quan trọng không kém.
Ông Phan Thanh Sơn – Phó chủ tịch Điều hành, Giám đốc phát triển kinh doanh, FPT IS phát biểu khai mạc sự kiện
Tiếp nối chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Trend Micro, cho biết khác với những năm trước đây khi doanh nghiệp Việt còn chưa dành nhiều sự quan tâm đến bảo mật thông tin thì hiện nay, nhu cầu bảo mật đã tăng lên rất cao. Hệ thống bảo mật còn cần đóng vai trò như một hệ thống phòng thủ và tăng cường ứng dụng công nghệ trí tuệ AI vào bảo mật thông tin trên không gian mạng. “Hacker chỉ cần 14 ngày đã có thể xâm nhập lỗ hổng tấn công vào doanh nghiệp. Trong trường hợp này, các doanh nghiệp thường cần ít nhất 6 tháng để có được một bản vá bảo mật hoàn chỉnh. Tại Trend Micro, chúng tôi luôn đồng hành cùng nội bộ doanh nghiệp sâu sát để đảm bảo sẽ cung cấp nhanh chóng bản vá ảo từ thời điểm lỗ hổng được công bố trên thị trường.” – bà Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.
Bà Nguyễn Minh Hoàng – Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Trend Micro phát biểu khai mạc sự kiện
Chiến lược chuyển đổi số của doanh nghiệp FDI: Đâu là trở ngại lớn nhất?
Trong phần đối thoại trực tiếp giữa ông Dương Việt Tùng – Giám đốc vận hành, akaBot, FPT IS và ông Trần Lê Quốc Sơn – Chief Information Officer, Prudential Vietnam đã thảo luận về chủ đề “Chiến lược chuyển đổi số tổng thể trong doanh nghiệp FDI”. Tại đây, ông Trần Lê Quốc Sơn đúc kết hành trình chuyển đổi số của Prudential Vietnam nằm ở 3 thành tựu nổi bật: Một là, thực hiện được xuyên suốt chiến lược chuyển đổi và nâng cấp hạ tầng dài hạn; Hai, thay đổi nhận thức và văn hóa ứng dụng tự động hóa trong doanh nghiệp và ba là có thể nâng cao tính ứng dụng của công nghệ AI và GenAI trong năm 2024.
“Trở ngại lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số đến từ sự khác biệt giữa nguồn lực và công nghệ toàn cầu với bối cảnh địa phương, làm sao khai thác sức mạnh của các đối tác toàn cầu trong môi trường và yêu cầu pháp lý tại Việt Nam. Dù vậy, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ Việt Nam, trở ngại này dần trở thành lợi thế nếu chúng tôi có thể nhúng được mô hình toàn cầu vào thực tiễn địa phương, điều này đòi hỏi sự thay đổi tư duy và nỗ lực của cả lãnh đạo và đội ngũ.” – Ông Sơn chia sẻ.
CIO của Prudential Vietnam cũng có những góc nhìn rất mới mẻ khi đánh giá hiệu quả và ROI của các dự án tự động hóa. Ông cho rằng ROI từ các giải pháp công nghệ cần chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là đầu tư nền tảng, chưa tạo ra giá trị ngay. Giai đoạn thứ hai mới là khi giải pháp bắt đầu sinh lợi. Thay vì chỉ tập trung vào tiết kiệm chi phí nhân sự, doanh nghiệp cần chuyển sang tạo giá trị thông qua quản trị, giảm rủi ro và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Như vậy, cách tiếp cận ROI sẽ bền vững và thực tế hơn.
Ông Dương Việt Tùng – Giám đốc vận hành, akaBot, FPT IS và Ông Trần Lê Quốc Sơn – Chief Information Officer, Prudential Vietnam trao đổi thảo luận
Ưu tiên của các doanh nghiệp FDI: Giảm thiểu rủi ro tấn công mạng bằng cách chủ động tăng cường bảo mật
Nhằm ngăn chặn tấn công trong quá trình chuyển đổi số, ông Lê Minh Nghĩa – Chuyên gia tư vấn bảo mật cấp cao, Trend Micro Việt Nam đã chia sẻ cách xác định các rủi ro và đưa ra giải pháp đối phó. Theo ông chia sẻ, trong bối cảnh các thủ thuật xâm nhập dữ liệu trái phép ngày càng tinh vi, việc chỉ dựa vào bảo mật nâng cao là không đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công vào người dùng và doanh nghiệp. Do đó, cần có khả năng phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa có thể vượt qua hệ thống phòng thủ.
Để tránh thiệt hại nghiêm trọng và sự lây lan rộng rãi, doanh nghiệp cần ngăn chặn nhiều loại mối nguy hại nhất có thể, đồng thời phát hiện và phản ứng nhanh khi sự cố xảy ra, Trend Micro tập trung vào giải pháp bảo mật toàn diện với các thành phần cốt lõi như ASRM (giảm thiểu rủi ro bề mặt tấn công) và XDR (phát hiện và phản hồi mở rộng). Các công cụ này giúp doanh nghiệp giành quyền kiểm soát và nhìn nhận rõ hơn về rủi ro, từ đó nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và phản ứng với các mối đe dọa tấn công.
Ông Lê Minh Nghĩa – Chuyên gia tư vấn bảo mật cấp cao, Trend Micro Việt Nam trình bày Giải pháp ngăn chặn rủi ro bảo mật và giảm thiểu rủi ro bề mặt tấn công mạng
Để bổ sung cho chủ đề này, ông Lương Văn Dũng – Chuyên gia tư vấn an ninh bảo mật – Trung tâm an toàn, bảo mật thông tin, FPT IS cũng đã có những chia sẻ về cách thức đối phó và tăng cường an toàn thông tin trên không gian mạng. Ông cho biết hiện nay các lỗ hổng bảo mật ngày càng tăng trưởng lên đến 17.648 lỗ hổng, điều này cho thấy mức độ bị xâm nhập thông tin trên không gian mạng đang xảy ra với tần suất cao. Khi thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp áp dụng nhiều nền tảng công nghệ rời rạc vào sản xuất kinh doanh và dễ tạo ra nhiều lỗ hổng bảo mật từ đó làm tăng nguy cơ bị tấn công mạng. Các hệ thống không đồng nhất thường không được quản lý, giám sát chặt chẽ, dẫn đến thiếu sót trong bảo mật. Giải pháp FPT EagleEye.mSOC sẽ giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực phòng vệ, chuẩn bị sẵn sàng phản ứng với những tình huống xấu nhất. Công cụ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phát hiện và xử lý rủi ro an toàn thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Ông Lương Văn Dũng – Chuyên gia tư vấn an ninh bảo mật – Trung tâm an toàn, bảo mật thông tin, FPT IS chia sẻ về cách thức đối phó và tăng cường an toàn thông tin trên không gian mạng
Bài học đúc kết cho doanh nghiệp FDI trong bảo mật thông tin và tối ưu vận hành
Điểm nhấn của hội thảo là phần tọa đàm với chủ đề “Công thức thành công cho lộ trình chuyển đổi số – tối ưu vận hành toàn diện doanh nghiệp FDI” được điều phối bởi bà Lê Uyên Thảo – Quản lý cấp cao Phát triển kinh doanh, TV Hub Entertainment & Media Group. Các chuyên gia đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của các doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số và trong đó, yếu tố bảo mật là vấn đề then chốt được chú trọng.
Theo góc nhìn của chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật, ông Lê Minh Nghĩa – Chuyên gia tư vấn bảo mật cấp cao, Trend Micro Việt Nam nhận định: “Khi xây dựng chiến lược chuyển đổi số thì doanh nghiệp cần phải đi kèm với giải pháp bảo mật ở giai đoạn mở đầu và song hành cùng nhau xuyên suốt lộ trình.” Đồng tình quan điểm về cách thức bảo mật trong doanh nghiệp, ông Lương Văn Dũng – Chuyên gia tư vấn an ninh bảo mật – Trung tâm an toàn, bảo mật thông tin, FPT IS chia sẻ thêm: “Việc đầu tư vào bảo mật cũng giống như việc xây nhà, doanh nghiệp cần kiểm tra từ những viên gạch đầu tiên để tạo nền tảng vững chắc cho các giai đoạn sau. Điều này vừa giúp doanh nghiệp tăng tốc phát triển số hóa, vừa đảm bảo không bị xâm phạm về dữ liệu.”
Đối với những doanh nghiệp ứng dụng hệ thống công nghệ rời rạc sẽ có nhiều dữ liệu ở các hệ thống khác nhau, việc bảo đảm an toàn cho tất cả các nguồn của dữ liệu sẽ trở nên phức tạp hơn. Và hướng đi chuyển đổi số của doanh nghiệp cũng cần đặt trọng tâm vào sự thông suốt của dữ liệu từ nguồn thông tin nào, ở đâu và do ai phụ trách. Nếu như không chuyển đổi số mà vẫn tiếp tục vận hành thủ công, doanh nghiệp sẽ không biết mình đang hoạt động như thế nào để chỉ đạo phù hợp với chiến lược kinh doanh và thị trường.
Phương án cho vấn đề này là các doanh nghiệp FDI cần tận dụng sức mạnh của phân tích dữ liệu để có thể điều hướng kết quả vận hành cũng như cải thiện đưa ra quyết định và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Lúc này, doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề tự động hóa quy trình để tiết kiệm thời gian cũng như tăng năng suất làm việc, đồng thời giảm thiểu sai sót từ các thao tác thủ công. Nhận định về vấn đề này, ông Dương Việt Tùng – Giám đốc vận hành, akaBot cho biết: “Tự động hóa quy trình bằng trợ lý ảo robot phần mềm đang được ứng dụng mạnh mẽ trong các doanh nghiệp. Các giải pháp tự động hóa còn được nâng cấp và kết hợp với AI, là công cụ đắc lực giúp người dùng có được các gợi ý về nhu cầu của khách hàng, đưa dữ liệu về cùng một nơi và có thể phân tích dữ liệu dựa trên nguồn dữ liệu đầu vào.”
Trên hành trình chuyển đổi số bên cạnh yếu tố công nghệ, tính tuân thủ và việc chọn lựa đối tác cũng đóng vai trò then chốt và ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của doanh nghiệp. Với kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại Prudential Việt Nam, ông Trần Lê Quốc Sơn đưa ra lời khuyên: “Hai yếu tố chính đóng vai trò quyết định cho sự khởi động và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam là tính tuân thủ và sự hợp tác với đối tác công nghệ toàn cầu, ví dụ như FPT. Tuân thủ các quy định không chỉ là yêu cầu mà còn giúp thúc đẩy sáng tạo và giúp việc chuyển đổi số đạt chuẩn toàn cầu.”
Phiên tọa đàm với chủ đề “Công thức thành công cho lộ trình chuyển đổi số – tối ưu vận hành toàn diện doanh nghiệp FDI”
Buổi hội thảo khép lại với sự đúc kết kinh nghiệm chuyển đổi số từ Prudential Việt Nam và những chia sẻ từ các chuyên gia của FPT IS, Trend Micro và akaBot. Từ những thông tin được bàn luận trong buổi hội thảo, các doanh nghiệp FDI tham dự đã có thể hình dung được bức tranh công nghệ cũng như lộ trình chuyển đổi số phù hợp với tổ chức của mình, đặc biệt là ứng dụng tự động hóa và xây dựng hàng rào bảo mật hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp FDI tuy có nhiều thách thức giữa việc cân bằng quy chuẩn quốc tế với tuân thủ pháp lý ở Việt Nam, nhưng với sự phát triển của các công ty công nghệ trong nước, tiến trình đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ không còn xa và ngày càng mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Về sự kiện C-Talk
Được tổ chức lần đầu vào 2023 ở cả Việt Nam và Malaysia, chuỗi sự kiện C-Talk là nơi quy tụ các lãnh đạo và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số, cùng nhau thảo luận chuyên sâu về câu chuyện số hóa thành công, cũng như phương thức ứng dụng các giải pháp công nghệ và xu hướng chuyển đổi số mới nhất. 100% người tham dự sự kiện đều thuộc cấp quản lý, trưởng phòng hoặc giám đốc khối, lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp – những cá nhân có cái nhìn chuyên sâu và bao quát nhất trong việc tối ưu quy trình chuyển đổi số, tự động hóa trong doanh nghiệp.