Chuyên gia FPT chia sẻ về ứng dụng AI thực tiễn trong ngành tài chính ngân hàng tại sự kiện ACCA
Vào ngày 23/5 vừa qua, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) đã tổ chức sự kiện “Định hình Tương lai Tài chính Việt Nam với AI: Xu hướng Quốc tế, Ứng dụng Hiện tại và Tầm nhìn của Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC)” nhằm tìm hiểu về tiềm năng và những ứng dụng của AI vào lĩnh vực tài chính. Đại diện FPT, ông Lương Ngọc Bình – Chuyên gia tư vấn AI – Data khối Tài chính – Ngân hàng, FPT IS, Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ thực tiễn về ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến ngành tài chính toàn cầu ở mọi cấp độ từ tự động hóa quy trình, phân tích dữ liệu đến phòng chống gian lận và quản lý rủi ro. Sự kiện đóng vai trò như một cây cầu kết nối giữa chính phủ, các doanh nghiệp tài chính – công nghệ và các đối tác quốc tế, nhằm cùng nhau xác định định hướng phát triển, cơ hội hợp tác và giải pháp chiến lược cho tương lai ngành tài chính Việt Nam.
Với vai trò là đơn vị công nghệ đồng hành cùng các tổ chức tài chính trong hành trình chuyển đổi số, đại diện FPT, ông Lương Ngọc Bình – Chuyên gia tư vấn AI – Data khối Tài chính – Ngân hàng, FPT IS, Tập đoàn FPT đã có những chia sẻ thực tế về ứng dụng AI thực tiễn trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam. Ông cho biết: “AI đang được ứng dụng trong ngành tài chính ngân hàng gồm 6 nhóm chính gồm: Chăm sóc khách hàng, cá nhân hóa sản phẩm dịch vụ, tuân thủ quy định, tự động hóa quy trình, quản lý rủi ro và đầu tư tài chính”.
Ở mảng chăm sóc khách hàng, AI đã có thể xử lý tới 70% yêu cầu thường gặp, chỉ còn khoảng 30% trường hợp phức tạp mới cần đến con người. Điều này giúp giảm tải lượng xử lý cho tổng đài đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Đối với việc tuân thủ pháp lý, AI đóng vai trò giám sát liên tục, hỗ trợ các tổ chức tài chính tuân thủ chặt chẽ các quy định từ Ngân hàng Nhà nước đến chuẩn mực quốc tế, giảm thiểu rủi ro vi phạm. Trong quản lý rủi ro, AI cho thấy hiệu quả rõ rệt khi phát hiện gian lận và bất thường trong giao dịch. Ông Bình đưa ra ví dụ điển hình như American Express, tổ chức đã giảm được 50% các trường hợp gian lận nhờ triển khai công nghệ AI. Đồng thời, AI còn giúp cá nhân hóa sản phẩm tài chính theo độ tuổi, hành vi, và nhu cầu của từng khách hàng, mang đến trải nghiệm “đúng người – đúng thời điểm”. Đặc biệt, AI rút ngắn quy trình phê duyệt vay vốn từ vài ngày xuống chỉ còn 30 phút, mở ra một chuẩn mực mới cho tốc độ và hiệu quả trong vận hành.
Hội thảo khép lại với nhiều thông tin hữu ích về định hướng và chiến lược ứng dụng AI trong hoạt động doanh nghiệp. Các lãnh đạo tổ chức tài chính và các chuyên gia đều nhận định rằng AI không chỉ là một vũ khí, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn. Doanh nghiệp cần biết cách tận dụng nó để thúc đẩy tăng trưởng và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.