Chuyên gia FPT IS đề xuất chiến lược quản trị dữ liệu tổng thể cho ngành Tài chính
Vừa qua, ông Phạm Quang Nhật Minh – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển AI, FPT IS đã tham dự tọa đàm “Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành tài chính trong kỷ nguyên số” tại sự kiện Vietnam Digital Finance 2024. Cùng với lãnh đạo bộ ngành và doanh nghiệp, chuyên gia FPT IS chia sẻ sáng kiến trong chiến lược quản trị dữ liệu tổng thể cho ngành tài chính dựa trên sức mạnh công nghệ.
Sự kiện Vietnam Digital Finance 2024 với chủ đề Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số.
Vietnam Digital Finance 2024 được bảo trợ của Bộ Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và tập đoàn IEC phối hợp đồng tổ chức. Với chủ đề Đổi mới quy trình nghiệp vụ và hệ thống thông tin ngành Tài chính trong kỷ nguyên số, sự kiện mang đến một bức tranh toàn diện về các chiến lược của ngành Tài chính, kinh nghiệm về chuyển đổi số, khai thác dữ liệu, hiện đại hóa hạ tầng thông tin, quản lý rủi ro giám sát và phát hiện các mối đe dọa an ninh mạng trong ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực chứng khoán nói riêng.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề tập trung là thể chế, công nghệ và con người; thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.
Thứ trưởng Bùi Văn Khắng cho biết, ngành tài chính đã tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, đẩy mạnh phát triển các ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng; tăng cường triển khai, thử nghiệm các công nghệ mới như AI, Bigdata,.. nhằm phục vụ các hoạt động chuyên ngành cốt lõi (tài chính nhà nước, thuế, hải quan, thị trường tài chính…) và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp (nâng cao năng lực dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh các ứng dụng có tương tác với người dân, doanh nghiệp…).
Để làm rõ hơn về các vấn đề trên, tại chương trình, các chuyên gia cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xu hướng về chuyển đổi số nói chung và trong lĩnh vực tài chính nói riêng, từ đó đề xuất ứng dụng công nghệ mới (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet vạn vật) vào các lĩnh vực hoạt động quản lý và chỉ đạo điều hành của ngành tài chính.
Ông Phạm Quang Nhật Minh – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển AI phát biểu tại toạ đảm sự kiện.
Tại toạ đảm sự kiện, ông Phạm Quang Nhật Minh – Giám đốc Nghiên cứu Phát triển AI đưa ra góc nhìn toàn diện về chiến lược quản trị dữ liệu và ứng dụng AI cho ngành tài chính. Ông Minh phân tích, công nghệ AI được tạo nên dựa trên dữ liệu và thuật toán. Nếu dữ liệu đầu vào không tốt thì mô hình AI được tạo ra không hoàn thiện, chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Do đó, dữ liệu đã trở thành tài sản chiến lược, quyết định đến hiệu quả quản lý, hoạch định chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức. Vì vậy, việc xây dựng một chiến lược quản lý dữ liệu toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng dữ liệu hiện đại là yêu cầu cấp thiết đối với ngành tài chính.
Chuyên gia FPT IS đề xuất hành động trọng tâm gồm: (1) Tích hợp dữ liệu đa nguồn: ví dụ ở Bộ tài chính, cần kết nối dữ liệu từ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, và các nguồn khác… (2) Chuẩn hóa dữ liệu, khi tích hợp dữ liệu đa nguồn như vậy, cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị dữ liệu để đảm bảo tính nhất quán, chính xác và dễ dàng chia sẻ; (3) Ứng dụng Dữ liệu Lớn (Big Data Analytics) và AI để xử lý và phân tích khối lượng dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định và xây dựng chính sách, tạo thêm các giá trị gia tăng từ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp, chính phủ; (4) Đảm bảo an toàn, an ninh cho dữ liệu; (5) Xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành; (6) Nâng cao năng lực phân tích dữ liệu và ra quyết định dựa trên dữ liệu cho cán bộ nhân viên.
Trên vai trò là đối tác công nghệ, đồng hành hơn 30 năm trong quá trình chuyển đổi số với ngành Tài chính – Ngân hàng, FPT đã xây dựng dựng khung chiến lược chuyển đổi số bền vững dựa trên công nghệ mới data, AI, Cloud… giải quyết 6 bài toán trụ cột gồm: (1) Xây dựng core system đạt chuẩn; (2) Hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin và (3) Quản trị dữ liệu Ngân hàng trên nền tảng điện toán đám mây; (4) Tối ưu hoá quản trị vận hành; (5) Tối ưu trải nghiệm khách hàng; (6) Đảm bảo an toàn bảo mật thông tin tuyệt đối. Do đó, FPT cam kết cùng ngành Tài chính Việt Nam ứng dụng công nghệ mới, công nghệ lõi nhằm đột phá vận hành, phát triển bền vững.