CodeLearn – Vì một thế hệ Việt làm chủ tư duy lập trình
Giành giải Vàng tại Stevie Awards 2025 – hạng mục “Đổi mới sáng tạo trong công nghệ giáo dục”, nền tảng học lập trình CodeLearn tiếp tục khẳng định sứ mệnh tiên phong vì một thế hệ Việt làm chủ tư duy số. Cùng với tinh thần của Nghị quyết 57/NQ-CP trong thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo, FPT không ngừng nâng cấp CodeLearn với công nghệ AI, mang đến trải nghiệm học tập cá nhân hóa, hiện đại cho mọi đối tượng.
Nền tảng CodeLearn đã mang về giải Vàng ở hạng mục “Giải thưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giáo dục”
Khoảng cách công nghệ – khoảng cách cơ hội
Trong thời đại mà dữ liệu và thuật toán chi phối mọi mặt đời sống, lập trình không còn là kỹ năng dành riêng cho kỹ sư phần mềm. Đó đang trở thành một “ngôn ngữ sống” – thiết yếu không kém gì tiếng Anh hay Toán học. Thế nhưng không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới, cơ hội tiếp cận với lập trình vẫn chưa đồng đều, vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận các tài nguyên học tập chất lượng và hầu hết còn nặng lý thuyết, ít thực hành.
Riêng tại Việt Nam, sự bất bình đẳng này càng trở nên nghiêm trọng khi nhu cầu nhân lực IT trong nước liên tục tăng cao. Theo báo cáo tháng 09/2024 của TopDev, Việt Nam đang cần bổ sung ít nhất 500.000 nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Một bên là cơ hội nghề nghiệp rộng mở, một bên là hàng triệu người không thể bước chân vào thế giới số vì thiếu công cụ tiếp cận – nghịch lý này đang đặt ra thách thức lớn cho giáo dục Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Nếu không hành động kịp thời, khoảng cách công nghệ sẽ trở thành rào cản phát triển, khiến nhiều người bị bỏ lại phía sau trên hành trình hội nhập số.
CodeLearn – Khi lập trình trở thành “ngôn ngữ phổ thông”
Trước bối cảnh trên và thực tế vấn đề trong việc dạy và học công nghệ thông tin tại Việt Nam, anh Cao Văn Việt (1988), sau là “cha đẻ” của sản phẩm giải pháp dạy lập trình lớn nhất do người Việt phát triển, đã nảy ra ý tưởng xây dựng hệ thống tự động trong giảng dạy lập trình tại Việt Nam, để người dạy chỉ cần tạo bài giảng một lần, còn người học có thể vào học bất cứ lúc nào.
Bước ngoặt đến với anh Cao Văn Việt vào năm 2018, khi anh được giao tổ chức một cuộc thi lập trình tại Nhật Bản. Trong 18 ngày, anh cùng cộng sự xây dựng hệ thống chấm điểm code tự động, thay vì sử dụng phần mềm có sẵn. Thành công của cuộc thi trở thành tiền đề cho một ý tưởng lớn hơn: tạo ra nền tảng học lập trình giúp hàng triệu người tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng.
Anh Cao Văn Việt, FPT – “cha đẻ” của nền tảng học lập trình trực tuyến CodeLearn
Từ một công cụ chấm điểm “vô danh”, chỉ sau hơn một tháng, CodeLearn chính thức ra đời – tích hợp đầy đủ tính năng giảng dạy, thực hành, chấm điểm và xếp hạng. Với triết lý “học đến đâu, thực hành đến đó”, nền tảng được thiết kế theo từng chủ đề nhỏ, yêu cầu người học viết mã để giải quyết vấn đề cụ thể, sau đó được hệ thống tự động đánh giá. “Người học có thể học và kiểm tra mọi lúc, không cần phụ thuộc vào giáo viên như cách học truyền thống”, anh Việt chia sẻ.
Không đơn thuần là một nền tảng EdTech, CodeLearn mang theo khát vọng dài hơi: phổ cập công nghệ, thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục, đưa lập trình đến gần hơn với tất cả mọi người – từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm, người chuyển nghề hay bất kỳ ai khao khát thay đổi cuộc sống bằng công nghệ. Ban đầu, CodeLearn được áp dụng nội bộ tại FPT để đào tạo cho nhân viên mới. Sau hai tháng, phần mềm thể hiện hiệu quả, được nhiều lãnh đạo tập đoàn đánh giá cao. Nhóm của Việt quyết định đưa giải pháp ra thị trường để ai cũng có thể học.
Một hệ sinh thái học lập trình toàn diện, từ kiến thức đến năng lực thực chiến
Khác với những nền tảng học lập trình đơn thuần chỉ cung cấp video bài giảng hoặc tài liệu đọc, CodeLearn được thiết kế như một hệ sinh thái học tập toàn diện, bao gồm: học lý thuyết – luyện tập – thử thách – thi đấu – tham gia cộng đồng – kết nối mentor – cập nhật công nghệ mới. Từng bước trong hệ sinh thái này đều được thiết kế cẩn thận, đảm bảo tính liên tục trong hành trình học và luôn duy trì động lực cho người học.
Nền tảng đang sở hữu hơn 2.000 bài tập thực hành được phân loại kỹ lưỡng từ kiến thức cơ bản đến các thuật toán nâng cao
Hiện tại, nền tảng đang sở hữu hơn 2.000 bài tập thực hành được phân loại kỹ lưỡng theo kỹ năng, độ khó và chủ đề, từ kiến thức cơ bản (các cấu trúc điều khiển, biến, hàm…) đến các thuật toán nâng cao (tìm kiếm, sắp xếp, đệ quy, lập trình hướng đối tượng, dynamic programming…). Đặc biệt, các bài tập đều có thể code trực tiếp ngay trên nền tảng, với trình biên dịch tích hợp và hệ thống chấm điểm tự động. Mỗi khi người học gửi lời giải, hệ thống sẽ phân tích lỗi logic hoặc cú pháp, gợi ý hướng sửa, giúp việc học trở nên tương tác và hiệu quả tức thì.
Điểm nổi bật của CodeLearn là khả năng ứng dụng công nghệ AI để cá nhân hóa trải nghiệm học tập. Dựa trên hành vi học, tốc độ hoàn thành bài, mức độ chính xác và thời gian xử lý, hệ thống sẽ phân tích dữ liệu học tập của từng người dùng để đề xuất bài học, lộ trình, thử thách và sự kiện phù hợp. Nhờ đó, người học không bị cảm giác “lạc giữa rừng bài tập”, mà luôn có định hướng rõ ràng – biết mình đang ở đâu, cần học gì tiếp theo, và cần cải thiện điều gì để tiến bộ.
Ngoài ra, CodeLearn còn tổ chức nhiều hình thức học tập phong phú như cuộc thi lập trình định kỳ (Code War), hệ thống thử thách theo thời gian thực (Real-time Challenge), bảng xếp hạng học viên theo từng kỹ năng, giúp tăng tính cạnh tranh tích cực và tạo cảm giác học “có mục tiêu, có đích đến”. Người học không chỉ phát triển kỹ năng lập trình, mà còn rèn luyện được tư duy phản biện, khả năng phân tích và xử lý tình huống – những năng lực thiết yếu của một kỹ sư công nghệ hiện đại.
CodeLearn tổ chức nhiều hình thức học tập phong phú như cuộc thi lập trình định kỳ Code War
Một trong những rào cản lớn nhất khiến người học lập trình bỏ cuộc giữa chừng là thiếu người hỗ trợ khi gặp khó khăn. Hiểu được điều đó, CodeLearn đã chủ động xây dựng mạng lưới hơn 100 mentor – các chuyên gia công nghệ, kỹ sư lập trình nhiều năm kinh nghiệm tại FPT và các doanh nghiệp đối tác, đóng vai trò như “người đồng hành” xuyên suốt quá trình học tập.
Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, mentor tại CodeLearn còn là người truyền cảm hứng và định hướng tư duy, giúp học viên vượt qua các chướng ngại tâm lý thường gặp như sợ sai, ngại hỏi, thiếu định hướng hoặc mất động lực. Các mentor có thể tương tác trực tiếp với người học qua hệ thống nhắn tin tích hợp trên nền tảng, các buổi live-stream giải bài tập, webinar chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, hoặc hỗ trợ theo nhóm qua các cộng đồng riêng trên mạng xã hội.
Chính sự đồng hành này đã làm nên độ “bám dính” cao của học viên với nền tảng – điều hiếm thấy trong các sản phẩm EdTech hiện nay.
Khi AI viết code: Có còn cần học lập trình?
Trong bối cảnh AI ngày càng mạnh mẽ, có thể tự viết code, tối ưu thuật toán và thậm chí tự kiểm thử phần mềm, không ít người đặt câu hỏi: Liệu còn cần học lập trình nữa không, khi máy móc có thể làm thay chúng ta mọi thứ?
Nhưng chính trong kỷ nguyên AI, tư duy lập trình – chứ không chỉ kỹ năng viết mã – mới là điều cốt lõi. AI có thể viết code, nhưng con người vẫn cần tư duy logic, khả năng phân tích và định hướng vấn đề, để ra đề bài đúng cho máy, đánh giá và điều chỉnh kết quả theo mục tiêu. Lập trình không chỉ là một nghề, mà đã trở thành “ngôn ngữ chung” để tương tác với công nghệ – một kỹ năng nền tảng mà thế hệ trẻ cần sở hữu để không bị tụt lại.
CodeLearn cũng đang tích cực tích hợp công nghệ AI để nâng cao trải nghiệm học tập
CodeLearn cũng đang tích cực tích hợp công nghệ AI để nâng cao trải nghiệm học tập. “Trong tương lai – đặc biệt là trong kỷ nguyên AI – CodeLearn sẽ còn tiến xa hơn nữa nhờ chính sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi dự định sẽ tích hợp AI để giúp người học được đánh giá sâu hơn về đoạn code đã viết, đồng thời có thể tương tác như một gia sư cá nhân luôn đồng hành, giải đáp và dẫn dắt trong suốt quá trình học. Không dừng lại ở đó, chúng tôi cũng sẽ ứng dụng AI để phát triển các tính năng học tập cá nhân hóa, đảm bảo mỗi người đều có lộ trình phù hợp với năng lực và tốc độ riêng. Đặc biệt, CodeLearn đang mở rộng thêm các khóa học và sân chơi về AI, giúp người học trang bị vững vàng kỹ năng trong lĩnh vực đang định hình tương lai này”, “cha đẻ” của CodeLearn chia sẻ.
Từ một ý tưởng giáo dục – đến hành trình triệu người dùng
Sau 5 năm hoạt động, CodeLearn đã vượt ra khỏi khuôn khổ một nền tảng học tập thử nghiệm. Với hơn 1.000.000 người dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới, nền tảng đã được triển khai tại nhiều đơn vị đào tạo uy tín như FPT Education, FPT Polytechnic, FUNiX… Từ tháng 6/2024, CodeLearn chính thức thương mại hóa và nhanh chóng ghi nhận doanh thu 620 triệu đồng chỉ trong 6 tháng đầu tiên – một con số ấn tượng khi xuất phát điểm là sản phẩm phi lợi nhuận.
Không chỉ được thị trường công nhận, CodeLearn cũng liên tục nhận được các giải thưởng lớn về đổi mới sáng tạo và công nghệ giáo dục như:
- Giải Vàng Stevie Awards 2025 – hạng mục “Giải thưởng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ giáo dục”
- Giải Nhân tài Đất Việt 2022
- Giải Sao Khuê 2020, Make in Vietnam 2020, và iKhien 2019 của Tập đoàn FPT.
Những thành tích này là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ CodeLearn – những người tin rằng học lập trình là cơ hội không ai nên bị bỏ lỡ.
Hành trình của CodeLearn chưa dừng lại. Từ một nền tảng dạy code cơ bản, CodeLearn đang phát triển thêm các khóa học về trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, tư duy thuật toán… với định hướng trang bị tư duy số toàn diện cho người học.
Nền tảng này cũng đang hướng đến việc phối hợp cùng chương trình phổ thông và đại học, đưa lập trình trở thành môn học thiết yếu ngay từ ghế nhà trường. Xa hơn, CodeLearn đặt mục tiêu trở thành mô hình giáo dục lập trình quốc tế nhưng vẫn “Make in Vietnam”, đồng thời mở rộng ra thị trường Đông Nam Á – nơi có nhu cầu lớn về chuyển đổi số và giáo dục công nghệ.