FPT cùng lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam bàn về chiến lược “Vươn ra toàn cầu”
Vừa qua, tại FPT Tower, FPT IS đã tổ chức thành công sự kiện mở màn cho chuỗi workshop “The Next” với chủ đề “Vươn ra toàn cầu”. Sự kiện có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ 30 doanh nghiệp lớn.
Toàn cầu hóa là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng khi các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều bài toán khó về nguồn lực, khách hàng, lộ trình phát triển và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong số đầu tiên của chuỗi workshop “The Next” với chủ đề “Vươn ra toàn cầu”, các lãnh đạo FPT và doanh nghiệp đã cùng chia sẻ những góc nhìn đa chiều cũng như kinh nghiệm quý báu dựa trên hành trình toàn cầu hóa.
Các lãnh đạo FPT và doanh nghiệp cùng chia sẻ những góc nhìn đa chiều trong sự kiện đầu tiên của chuỗi workshop “The Next” với chủ đề “Vươn ra toàn cầu”.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, bà Bùi Nguyễn Phương Châu – Giám đốc Vận hành FPT IS chia sẻ: “Trên hành trình 36 năm phát triển, FPT may mắn gặp được nhiều người thầy và người bạn quý, giúp rút ngắn thời gian và tích lũy nhiều kinh nghiệm toàn cầu hóa. FPT mong muốn trở thành người bạn đồng hành tin cậy của doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong chuyển đổi số mà còn về chiến lược kinh doanh, văn hóa và quản trị. Chúng tôi hy vọng buổi workshop sẽ là cơ hội để những câu chuyện thực tiễn trên con đường toàn cầu hóa được chia sẻ cởi mở và thẳng thắn”.
Bà Bùi Nguyễn Phương Châu hy vọng buổi workshop sẽ là cơ hội để những câu chuyện thực tiễn trên con đường toàn cầu hóa được chia sẻ cởi mở và thẳng thắn.
Đúc kết từ hành trình vươn ra nước ngoài trong 25 năm qua, bà Bùi Nguyễn Phương Châu cho biết FPT nhận ra có 3 điểm tối quan trọng: sự cạnh tranh khốc liệt trên trường quốc tế là phương thức tôi rèn đội ngũ tốt nhất; việc tuân thủ chuẩn mực quốc tế và tìm kiếm mô hình toàn cầu hóa thành công là cốt lõi để chinh phục thị trường nước ngoài.
Ông Nguyễn Thành Nam cho biết những người FPT đầu tiên ra ngoài mang theo tinh thần “đếk biết gì cũng tiến”.
Cũng trong buổi workshop, ông Nguyễn Thành Nam – Thành viên Hội đồng sáng lập kiêm Cố vấn Tập đoàn FPT, đồng thời là người chịu trách nhiệm mở đường ra nước ngoài cho FPT, chia sẻ những câu chuyện thực tế về thành công cũng như thất bại trong hành trình xuất khẩu phần mềm. Ông cho biết những người FPT đầu tiên ra nước ngoài mang theo tinh thần “đếk biết gì cũng tiến”, sau đó trưởng thành hơn nhờ vào những va chạm trên thị trường quốc tế. Từ kinh nghiệm những ngày đầu “go global” của FPT, ông Nam cho biết niềm tin vào khả năng của bản thân là yếu tố quan trọng quyết định thành bại. Với những tiến bộ của công nghệ ngày nay, toàn cầu hóa không nhất thiết phải sang nước ngoài, chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể làm được nhờ vào kết nối toàn cầu.
Ông Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Austdoor đúc kết lại 2 bài học từ câu chuyện toàn cầu hóa của doanh nghiệp mình.
Ông Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Austdoor kể lại nguồn gốc giấc mơ toàn cầu hóa đến từ chuyến công tác Mỹ trong những năm 2010. Trải qua 10 năm ấp ủ, cho tới thời điểm Covid gần đây, Austdoor mới có được dấu ấn đầu tiên trên thị trường quốc tế với đơn hàng xuất khẩu thành công sang Mỹ. Ông Tuấn đúc kết lại 2 bài học toàn cầu hóa từ chính câu chuyện của doanh nghiệp mình: “Muốn đi ra toàn cầu, đầu tiên ông chủ phải có tư duy toàn cầu, thứ hai là phải có sự chuẩn bị về chuyên môn, con người và quản trị”.
Ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho biết khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp này trong những ngày đầu tiếp cận các thị trường nước ngoài là cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Chia sẻ về những thách thức khi tiến ra toàn cầu, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho biết khó khăn lớn nhất trong những ngày đầu tiếp cận các thị trường nước ngoài là cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Sunhouse đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiếp cận khách hàng Mỹ vào thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Nhận thấy Trung Quốc có chuỗi cung ứng lớn, có kỹ thuật tiết kiệm giá thành, Sunhouse đã có bước đi chiến lược liên doanh với các doanh nghiệp Trung để học hỏi kỹ thuật, tăng cường cạnh tranh. “Chúng tôi đúc kết 3 bài học lớn cho toàn cầu hóa. Đầu tiên phải chuẩn hóa sản phẩm, quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai là phải nắm bắt tốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, đừng ngại học hỏi, khách hàng sẽ dạy cho chúng ta nhiều bài học quý” – ông Phú chia sẻ.
Tại phần thảo luận, các khách mời đến từ các doanh nghiệp lớn như Khóa Việt Tiệp, Canifa, May 10, Sơn Hà, Nhựa Châu Âu, Tập đoàn Hồ Gươm, Nhựa Pha Lê… đã cùng chia sẻ nhiều câu chuyện thực tiễn và kinh nghiệm toàn cầu quý báu.
Sau buổi đối thoại cởi mở, ông Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh: “Doanh nghiệp Việt Nam hãy học từ nhau, đó chính là tinh thần gắn kết của một cộng đồng”. Ông tổng kết những bài học nổi bật nhất sau workshop, đó là tinh thần “đếk biết gì cũng tiến”, hội nhập văn hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tìm ra cách vận hành quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Ông cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang có lợi thế tốt về chính trị và kinh tế, các doanh nghiệp Việt nên tận dụng thời cơ để thúc đẩy nhanh hơn quá trình toàn cầu hóa và nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
30 khách mời tham quan trụ sở chính của Tập đoàn FPT, khu vực làm việc và nghe giới thiệu về các sản phẩm Made by FPT.