FPT đồng hành cùng hơn 700 đại biểu tại hội nghị Thành phố Thông minh Việt Nam – châu Á
Ngày 2/12, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á, do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức, đã diễn ra thành công với chủ đề “Thành phố thông minh – Kinh tế số – Phát triển bền vững”.
Sự kiện quy tụ đại diện các sở, ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như VNPT, FPT, Viettel, MobiFone và hơn 700 đại biểu trong nước và quốc tế. Trong khuôn khổ sự kiện, ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Giám đốc Phát triển kinh doanh, Công ty TNHH FPT IS, Tập đoàn FPT, đã tham gia điều phối phiên tọa đàm quan trọng với chủ đề “Thành phố thông minh – Kinh tế số – Phát triển bền vững”.
Một số diễn giả, chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến trong phiên chiều 2/12/2024 của hội nghị.
Phiên thảo luận có sự góp mặt của bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh. Hai đại biểu đã thảo luận sôi nổi về cách khai thác, quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả để giải quyết những thách thức đô thị cấp bách như giao thông, môi trường, dịch vụ công và an ninh. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm từ quá trình tích hợp dữ liệu và chuyển đổi số tại TP. Hồ Chí Minh cũng được chia sẻ, qua đó nhấn mạnh vai trò của hợp tác công – tư và đề xuất chiến lược sáng tạo để thúc đẩy kinh tế số cũng như nâng cao hiệu quả dịch vụ công.
Tại phiên tọa đàm, bà Võ Thị Trung Trinh nhấn mạnh những thách thức trong việc thu thập và xử lý dữ liệu lớn, khi các đơn vị còn tồn tại rào cản “lô cốt dữ liệu”. UBND TP. Hồ Chí Minh đã kiên quyết chỉ đạo các đơn vị chủ động tích hợp dữ liệu vào kho dữ liệu dùng chung mà không cần loại bỏ hệ thống hiện có. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự hỗ trợ đồng bộ từ các sở, ngành, đặc biệt là Sở Thông tin và Truyền thông, để đảm bảo sự hài hòa và hiệu quả trong vận hành.
Việc Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu đã mở ra nhiều cơ hội, song bà Trinh cho rằng đây chỉ là một phần của bức tranh tổng thể. Điều cốt lõi nằm ở văn hóa chia sẻ dữ liệu, biến dữ liệu thành tài sản chung được khai thác và sử dụng hiệu quả. Bà nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không quyết tâm thay đổi tư duy và hành động, tiến trình này sẽ mãi chỉ dừng lại ở lý thuyết”.
Một điểm sáng trong chiến lược xây dựng thành phố thông minh là mô hình hợp tác công – tư (PPP) và mở rộng thêm yếu tố “people” (người dân). Lấy người dân làm trung tâm để phát triển, TP. Hồ Chí Minh thông qua ứng dụng công dân số đã thiết lập kênh kết nối giữa chính quyền và người dân, tạo cơ hội để người dân tham gia góp ý, qua đó hoàn thiện dịch vụ công, tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Bàn về tương lai, bà Trinh nhấn mạnh TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới hạ tầng đồng bộ để triển khai trí tuệ nhân tạo (AI). Chiến lược không chỉ dừng ở các ứng dụng rời rạc mà tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu tích hợp để triển khai AI trên quy mô lớn, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội cho thành phố.
Bà cũng khẳng định vai trò của các doanh nghiệp lớn như FPT, Viettel, VNPT… trong việc đồng hành cùng thành phố giai đoạn 2025-2030. TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục mở rộng sân chơi với các chính sách hỗ trợ đầu tư chuyển đổi số, IoT, và các lĩnh vực công nghệ tiên phong, đồng thời cung cấp hạ tầng số hỗ trợ các tỉnh thành khác, thể hiện vai trò đầu tàu trong khu vực.
Ông Phan Thanh Sơn, Tập đoàn FPT và bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP. Hồ Chí Minh trao đổi trong phiên tọa đàm.
Kết thúc phần chia sẻ, ông Phan Thanh Sơn đưa ra thông điệp kết luận cho phần chia sẻ của bà Trinh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” về mong muốn và cam kết sẵn sàng đồng hành cùng các tỉnh thành khác trong việc xây dựng một cộng đồng đô thị thông minh phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh.
Là một phần trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, hội nghị đã trở thành diễn đàn lớn để Hà Nội cùng các địa phương và đối tác quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác công nghệ. Với tầm nhìn chiến lược về xây dựng đô thị thông minh, hội nghị phản ánh cam kết mạnh mẽ của Hà Nội trong việc tạo lập môi trường hợp tác đa cấp, kết nối doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, nhà khoa học với chính quyền và tổ chức quốc tế, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Bên lề hội nghị, các gian triển lãm đã giới thiệu nhiều giải pháp, nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ xây dựng đô thị thông minh, quản lý năng lượng, môi trường và kết nối giao thương. Sự kiện không chỉ là nơi hội tụ những ý tưởng đổi mới mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn quản lý đô thị.