FPT góp phần thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực bán dẫn giữa Việt Nam và Nhật Bản
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến chung Nhật Bản – Việt Nam trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1” được ký kết giữa chính phủ hai nước, đoàn Kyushu – Nhật Bản gồm 20 đại diện từ các doanh nghiệp, trường đại học và cao đẳng kỹ thuật đã có chuyến thăm và làm việc với FPT tại Hà Nội.
Chuyến thăm nhằm trao đổi về chiến lược hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, tăng cường chuỗi cung ứng nhân sự giữa hai quốc gia, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ bán dẫn toàn cầu và đã có những mong muốn hợp tác bước đầu đầy triển vọng.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản mong muốn thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân sự ngành bán dẫn với FPT.
Chương trình trao đổi cũng có sự góp mặt của ông Matsumoto Izumi – Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT cùng các đại diện, chuyên gia trong ngành bán dẫn của FPT.
Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, với nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế là một trong những trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực tiềm năng cho lĩnh vực này.
Đại diện Đại sứ quán Nhật bản cùng các chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn đến từ Kyushu – Nhật Bản.
Ông Koga Yukihara, Secretary – General, Kyushu Semiconductor & Digital Innovation Association (SIIQ) – trưởng đoàn Kyushu chia sẻ: “Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn tại Nhật Bản đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là các kỹ sư thiết kế vi mạch và chuyên gia công nghệ cao. Chúng tôi – Kyushu – nơi từng là thủ phủ bán dẫn, “Đảo Silicon” của Nhật Bản đang không ngừng đẩy mạnh chiến lược thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, không chỉ trong nước mà còn mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Việt Nam, với tiềm năng về nhân lực trẻ, giỏi công nghệ và có nền tảng đào tạo ngày càng phát triển, là một trong những điểm đến quan trọng mà chúng tôi hướng tới trong việc bổ sung nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của của Kyushu nói riêng và toàn đất nước Nhật Bản nói chung”.
Chuyến thăm của đoàn Kyushu có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu thực trạng đào tạo nhân lực bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là các chương trình đào tạo tại các trường đại học và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phía Nhật Bản chia sẻ nhu cầu tuyển dụng nhân sự, từ đó tạo cầu nối giữa doanh nghiệp Nhật Bản với các tổ chức đào tạo và nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Trong buổi làm việc, đoàn Kyushu bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các chương trình đào tạo bán dẫn của FPT và năng lực kỹ sư Việt Nam. Theo đó, hướng tới đạt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân sự bán dẫn vào năm 2030, đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, FPT đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Điển hình, FPT cung cấp chương trình đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn bậc đại học chính quy tại các trường đại học thuộc hệ thống FPT, chương trình đào tạo Công nghệ bán dẫn bậc cao đẳng liên kết quốc tế với BTEC, cùng chương trình chứng chỉ quốc tế về Thiết kế Vi mạch FPT Jetking. Mô hình đào tạo không chỉ chú trọng lý thuyết mà còn tập trung vào thực hành thông qua mô hình “học tập thực chiến,” nơi sinh viên có cơ hội tham gia trực tiếp vào các dự án thực tế với doanh nghiệp. Nhờ vào hệ sinh thái của FPT, sinh viên cũng được tiếp cận các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm hiện đại và các dự án chip “Make in Vietnam,” làm quen với công nghệ tiên tiến và sẵn sàng gia nhập vào chuỗi cung ứng nhân lực bán dẫn ngay sau khi tốt nghiệp.
Ông Trần Đăng Hoà, Tập đoàn FPT chia sẻ tại sự kiện.
Ông Trần Đăng Hoà, Tập đoàn FPT, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của đoàn Kyushu và tin tưởng vào tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của FPT, và chúng tôi luôn cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là bán dẫn. Với vị trí chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào và hệ sinh thái công nghệ phát triển, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi tin rằng sự kết nối giữa FPT và Kyushu sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, không chỉ đào tạo nhân sự mà còn trong nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng vi mạch. Hy vọng trong thời gian tới, chúng ta có thể nhanh chóng triển khai các chương trình hợp tác cụ thể để góp phần thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam – Nhật Bản phát triển bền vững”.
Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhiều quy trình đã được tự động hóa, dẫn đến yêu cầu cao hơn đối với lực lượng lao động. Thay vì số lượng nhân sự lớn, ngành bán dẫn hiện đòi hỏi các chuyên gia và kỹ sư cấp cao có chuyên môn sâu. Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh, đội ngũ bán hàng cũng cần đóng vai trò là chuyên gia để có thể tư vấn chính xác và hiệu quả nhất cho khách hàng. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, đoàn Kyushu cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nguồn nhân lực bán dẫn đa dạng từ nhiều quốc gia và đảm bảo bình đẳng giới theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là một xu hướng quan trọng nhằm tạo ra một môi trường làm việc toàn diện, phát huy tối đa tiềm năng của đội ngũ kỹ sư trong ngành công nghiệp công nghệ cao.
Tập đoàn FPT đã đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn từ hơn một thập kỷ trước. Đến tháng 3/2022, việc thành lập công ty thành viên FPT về chip bán dẫn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam. Một số thành tựu đáng chú ý của FPT trong lĩnh vực này nổi bật như ra mắt dòng chip “Make in Vietnam” – Power Management IC (PMIC) và chip vi mạch IoT ứng dụng trong lĩnh vực y tế, có khoảng 200 kỹ sư thiết kế vi mạch, hợp tác với hơn 30 khách hàng tại Nhật Bản, Đài Loan và Việt Nam.
Sự kiện gặp gỡ lần này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa FPT và Kyushu nói riêng, cũng như giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Với cam kết đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân sự, hai bên kỳ vọng sẽ thiết lập được một mô hình hợp tác bền vững, giúp nâng cao chất lượng nhân lực bán dẫn và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành công nghiệp này trên toàn cầu.