FPT IS làm chủ công nghệ chữ ký số từ xa – xu hướng tất yếu trong thời đại số
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa cho Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) với tên thương mại là FPT.eSign, khẳng định năng lực và kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này của FPT IS.
Hình thức ký số từ xa FPT.eSign, đáp ứng đầy đủ tính pháp lý và bảo mật theo tiêu chuẩn Châu Âu eIDAS, được coi là lựa chọn lý tưởng cho các giao dịch điện tử trong ngành Ngân hàng – Tài chính, Bảo hiểm, Chứng khoán, Tài chính công (Hải quan, Thuế, Kho bạc…). Với FPT.eSign, người dùng không phải sử dụng các thiết bị như USB token, SIM, Smart card mà vẫn có thể ký đến hàng chục nghìn tài liệu cùng lúc ngay trên máy tính, điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
FPT IS được cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa kể từ tháng 12/2021.
FPT IS bắt đầu cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng tại Việt Nam từ 2010 và đầu tư nghiên cứu giải pháp ký số từ xa từ năm 2018. Đến tháng 08/2021, FPT IS được tổ chức Tayllorcox cấp chứng chỉ quốc tế cho dịch vụ ký số từ xa, và chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa vào tháng 12/2021. Thị trường hiện có khoảng hơn 20 tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, nhưng chỉ có 4 đơn vị nhận được giấy phép từ Bộ cho loại hình ký số từ xa này.
Xu hướng ký số từ xa dự báo sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ngân hàng số, giao dịch online… “Trong lĩnh vực chữ ký số, việc tích hợp khả năng ký số vào hệ thống CNTT chuyên ngành là thách thức lớn nhất mà nhiều đơn vị đang phải đối mặt. Với đội ngũ và năng lực sẵn có, chúng tôi tin tưởng FPT IS sẽ tích cực đẩy mạnh việc tích hợp chữ ký số vào các hệ thống CNTT hiện nay để giúp chữ ký số từ xa thực sự mang lại hiệu quả trong các giao dịch điện tử”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia – Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Lễ trao giấy phép.
Đáp lại kỳ vọng của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, thay mặt FPT IS, ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch công ty cam kết sẽ đầu tư công nghệ và nguồn lực tốt nhất để đảm bảo cho hệ thống ký số an toàn, tuân thủ pháp luật, tạo niềm tin cho người sử dụng.
“FPT IS am hiểu về pháp lý, công nghệ và có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn, triển khai và tích hợp các giải pháp chữ ký số nói chung và ký số từ xa nói riêng. Các giải pháp về chữ ký số của FPT IS đang được ứng dụng thành công tại hơn 20 ngân hàng, tổ chức tài chính trên toàn quốc như FE Credit, Home Credit, HDSaison, Mcredit, CIMB, VIB, OCB, HDBANK…cùng hơn 80.000 khách hàng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, FPT.eSign đã được tích hợp vào các phần mềm khác như Hợp đồng điện tử FPT.eContract, Hóa đơn điện tử FPT.eInvoice, Giải pháp số hóa quy trình và giao việc tự động FPT SPro, Bộ ứng dụng quản lý doanh nghiệp Base…giúp tạo nên các giải pháp trọn gói, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu tổng thể của doanh nghiệp”, ông Triều khẳng định.
Là giải pháp do chính FPT IS nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ, FPT.eSign được coi là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái “Made by FPT IS”, góp phần đảm bảo tính pháp lý và bảo mật cho các giải pháp số.
Xem thêm về FPT.eSign tại đây.