FPT sẵn sàng ươm mầm nhân lực, song hành thúc đẩy tiềm năng thị trường bán dẫn Việt Nam – Hoa Kỳ
Vừa qua, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS kiêm Chủ tịch FPT Semiconductor đã tham dự Lễ công bố Quỹ An ninh và Đổi mới sáng tạo Công nghệ Quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Cùng với đại diện tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bán dẫn, các lãnh đạo đã cùng nhau khai mở góc nhìn về việc đề xuất sáng kiến, hợp tác tăng cường hoạt động đào tạo nhân lực và phát triển công nghệ cho thị trường bán dẫn tiềm năng tại Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sự kiện do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Bang Arizona tổ chức. Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, Lễ công bố Quỹ An ninh và Đổi mới sáng tạo Công nghệ Quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhân kỷ niệm một năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hai nước. Sự kiện cũng là dấu mốc quan trọng trong lộ trình triển khai đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ.
Lễ công bố Quỹ An ninh và Đổi mới sáng tạo Công nghệ Quốc tế (ITSI) của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Được thành lập theo Đạo luật CHIPS của Hoa Kỳ năm 2022, Quỹ ITSI được thiết kế để tăng cường năng lực bán dẫn và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng bán dẫn trên toàn thế giới, áp dụng cho 8 quốc gia chiến lược được lựa chọn cho sáng kiến này gồm Costa Rica, Mexico, Panama, Indonesia, Philippines, Kenya, Ấn Độ và Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tài trợ ASU 13,8 triệu USD để thúc đẩy phát triển nhân tài và xây dựng các khuyến nghị về chính sách công trên khắp các quốc gia này.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper nhận định trong tương lai chương trình sẽ tạo điều kiện để chuyên gia Việt Nam tham gia và khẳng định năng lực trong ngành bán dẫn. “Hoa Kỳ tự hào đầu tư vào tương lai của Việt Nam thông qua các chương trình phát triển lực lượng lao động, qua đó tạo ra mối quan hệ đối tác lâu dài. Cùng nhau, chúng ta đang xây dựng mối quan hệ giữa các tổ chức sẽ định hình ngành công nghiệp bán dẫn trong nhiều năm tới”.
Các lãnh đạo từ đơn vị công nghệ bán dẫn hàng đầu tại tọa đàm “Tăng cường đầu tư và thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam”.
Về phía các doanh nghiệp, chia sẻ tại tọa đàm “Tăng cường đầu tư và thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn Việt Nam”, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS đã cùng các lãnh đạo từ đơn vị công nghệ bán dẫn hàng đầu trao đổi về mục tiêu khai phá cơ hội trong ngành, đặc biệt trong hoạt động thu hút và phát triển nhân lực bán dẫn.
Ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS chia sẻ về cơ hội trong ngành bán dẫn tại tọa đàm.
“Chúng ta nhìn thấy gap – chênh lệch giữa hoạt động đào tạo với tiêu chuẩn khi thực hành tại doanh nghiệp. Nhận thức rõ vấn đề trên, FPT luôn nỗ lực xoá nhoà chênh lệch này, xây dựng quy chuẩn học tập và làm việc quốc tế. Cũng giống như việc thành lập Đại học FPT nhằm đào tạo nhân lực cho ngành phần mềm, chúng tôi thiết kế chiến lược tương tự với ngành bán dẫn. Ngay sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Trường đại học FPT phối hợp với FPT Semiconductor thành lập Khoa Vi mạch và bán dẫn với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu về vi mạch, bán dẫn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực này”, ông Hoà cho biết.
Lịch sử chuyển đổi ngành bán dẫn đã đi từ Hoa Kỳ cho tới các nước từ Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc và hiện nay là cơ hội dịch chuyển cho Việt Nam. Với cơ hội đầu tư từ Quỹ ISTI, Việt Nam sở hữu lợi thế về nhân lực có nền tảng vững mạnh về môn STEM, đồng thời nước ta có nhiều nét tương đồng với các quốc gia dùng đũa như Nhật Bản, Hàn Quốc… những quốc gia đã đạt thành tựu trong ngành bán dẫn, do đó chúng ta sẽ là điểm đến tiềm năng của ngành bán dẫn tương lai.
Ông Hoà bày tỏ, Quỹ ITSI và sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ sẽ mở ra cách thức mới cho Việt Nam phát triển ngành bán dẫn toàn diện, không chỉ trong lĩnh vực phần mềm truyền thống trước đây. Trên hành trình đó, FPT cam kết đầu tư và phát triển nguồn lực, công nghệ, mở rộng hợp tác toàn diện với doanh nghiệp Hoa Kỳ và quốc tế để thúc đẩy chuỗi cung ứng ngành bán dẫn.
Hiện nay, trong lĩnh vực chip bán dẫn, FPT là công ty Việt Nam đầu tiên thiết kế chip thương mại hóa, có đơn đặt hàng 70 triệu chip cho Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và hợp tác với nhiều tổ chức, công ty trên toàn cầu. Về việc phát triển nguồn lực, FPT có chương trình đào tạo trong mảng chip từ đại học, cao đẳng tới các chương trình đào tạo hợp tác cùng chuyên gia Việt Kiều hàng đầu, các trường đại học trên thế giới, tạo điều kiện để sinh viên theo học, thực hành tại các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Mô hình này giúp mở rộng nguồn lực nhanh chóng, là nền tảng để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là có 50.000 – 100.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030.