FPT và Palo Alto Networks cùng doanh nghiệp sản xuất xây dựng chiến lược an ninh mạng
Vào ngày 14/5 vừa qua, Tập đoàn FPT phối hợp cùng Palo Alto Networks và Elite, với sự hỗ trợ từ VSIP, đã tổ chức hội thảo “Tầm nhìn và chiến lược an ninh mạng trong ngành Sản xuất”. Sự kiện đã mang đến cái nhìn tổng quan và cụ thể về những rủi ro an ninh mạng trong quá trình vận hành các hệ thống doanh nghiệp sản xuất. Đồng thời, các chuyên gia đã chia sẻ những bài học và kinh nghiệm “thực chiến” quý giá trong việc ứng phó và xử lý sự cố khi doanh nghiệp không may trở thành mục tiêu tấn công.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Lê Quang Vĩnh Phúc – Phó Giám đốc Khối Doanh nghiệp FPT IS, Tập đoàn FPT chia sẻ: “Hiện nay, dây chuyền sản xuất tại các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng được hiện đại hóa và thông minh để tối ưu hiệu suất và chất lượng. Tuy nhiên, sự hiện đại đó cũng đi kèm với nhiều rủi ro, đặc biệt là các rủi ro về an ninh mạng. Do đó, việc trang bị các giải pháp bảo mật trong hệ thống doanh nghiệp không chỉ là xu thế mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với mọi tổ chức sản xuất. Trong hành trình này, FPT và Palo Alto Networks Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng hệ thống an ninh mạng vững chắc và chủ động ứng phó với mọi mối đe dọa.”
Chia sẻ tại hội thảo với chủ đề “Tăng cường an ninh hạ tầng sản xuất với nền tảng bảo mật AI từ Palo Alto Networks”, ông Nguyễn Thái Bình – Chuyên gia tư vấn giải pháp bảo mật tại Palo Alto Networks đã chỉ ra ba mối đe dọa chính về an ninh mạng mà các doanh nghiệp sản xuất hiện nay đang đối mặt gồm: Tấn công ransomware vào dây chuyền sản xuất, truy cập từ xa không an toàn và lây nhiễm từ chuỗi cung ứng. Ông Bình nhận định: “Điều đó cho thấy, bề mặt tấn công hệ thống doanh nghiệp hiện nay đã mở rộng ra rất nhiều: từ người dùng làm việc từ xa, các thiết bị văn phòng, cho đến các thiết bị nằm sâu trong khu vực sản xuất. Tất cả đều có thể trở thành điểm khởi phát cho sự cố an ninh mạng nếu không được bảo vệ đúng cách”. Để đối mặt với các thách thức trên, ông Bình cho rằng các doanh nghiệp cần phải phân chia quá trình đầu tư an ninh mạng theo từng bước cụ thể, giúp đảm bảo việc triển khai các giải pháp bảo mật luôn phù hợp với quy mô và mức độ trưởng thành của doanh nghiệp.Bên cạnh đó, ông cũng mang đến một hệ sinh thái bảo mật toàn diện dành riêng cho ngành sản xuất từ Palo Alto Networks, bao gồm:
- Strata – Giải pháp tường lửa thế hệ mới, bảo vệ hạ tầng mạng toàn diện
- Prisma Access Browser – Bảo vệ truy cập từ xa an toàn và linh hoạt
- Cortex XSIAM – Hệ thống giám sát và phản ứng tự động, ứng dụng AI trong việc phát hiện và xử lý sự cố
Bộ giải pháp này giúp bảo vệ liên tục 24/7 cho hệ thống OT và dây chuyền sản xuất, đồng thời giảm thiểu tối đa thời gian phát hiện và phản hồi khi xảy ra sự cố an ninh mạng.
Trong năm 2024, ước tính có hơn 659.000 vụ tấn công mạng, có tới 46,15% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam đã từng phải đối mặt với ít nhất một vụ tấn công mạng. Đáng lo ngại hơn, có đến 6,77% trong số đó thường xuyên trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công. Chia sẻ về kinh nghiệm ứng cứu dữ liệu tại doanh nghiệp, ông Âu Phú Hiệp, Kỹ sư bảo mật FPT IS, Tập đoàn FPT đã giới thiệu lộ trình triển khai các giải pháp bảo mật thông tin một cách bài bản và có chiến lược, bao gồm ba giai đoạn theo thời gian gồm: phòng thủ cơ bản, phòng thủ chủ động và bảo vệ toàn diện. Mục tiêu là dịch chuyển từ phòng thủ thụ động sang phòng thủ chủ động, thông minh, có các kịch bản ứng phó với mọi hình thức tấn công, đồng thời theo dõi và ngăn chặn các tấn công từ bên trong. Ông Hiệp cho biết: “Lộ trình này cho thấy việc đầu tư vào an toàn bảo mật là một quá trình liên tục và cần được thực hiện từng bước, từ xây dựng nền tảng vững chắc đến việc triển khai các giải pháp chủ động và toàn diện để bảo vệ doanh nghiệp trước những mối đe dọa ngày càng phức tạp”.
Các chuyên gia từ FPT và Palo Alto Networks đều thống nhất quan điểm rằng yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược an ninh mạng hiện nay là doanh nghiệp phải “chủ động để không bị động” trong việc bảo vệ hệ thống thông tin. Việc đầu tư bài bản vào hạ tầng bảo mật không chỉ giúp doanh nghiệp phòng ngừa và phản ứng kịp thời trước các sự cố, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao uy tín, bảo vệ tài sản dữ liệu và duy trì tính liên tục trong hoạt động sản xuất. Đây chính là những yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong kỷ nguyên số hóa.