Chuyển đổi xanh ngành gỗ | Cơ hội phát triển lâu dài cho ngành

Chuyển đổi xanh ngành gỗ | Cơ hội phát triển lâu dài cho ngành

Chuyển đổi xanh ngành gỗ hiện đang là xu hướng phát triển và mục tiêu của toàn thế giới nhằm giảm các tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, nhiều thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang đưa ra các tiêu chuẩn xanh cho đối tác mới ký kết hợp đồng giao thương, điều này buộc các doanh nghiệp ngành gỗ ở trong nước phải cấp thiết chuyển đổi xanh để thích ứng và tồn tại. Cùng tìm hiểu chi tiết về chủ đề này trong bài viết dưới đây.

1. Chuyển đổi xanh ngành gỗ – yêu cầu cấp bách để phát triển

Chuyển đổi xanh là việc xây dựng nền kinh tế sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, tiết kiệm đồng thời mức phát thải đạt từ mức thấp đến cực thấp. Chuyển đổi xanh hướng đến việc giảm tác động tiêu cực từ con người đến môi trường và tình trạng suy giảm hệ sinh thái. Nền kinh tế xanh đòi hỏi các đơn vị sử dụng năng lượng sạch, tái tạo và thân thiện với môi trường đồng thời đảm bảo sức khỏe của con người.

Chuyển đổi xanh giúp bảo vệ môi trường
Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường

Ngành gỗ Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 14,5 tỷ USD năm 2023, đang đối mặt với thách thức lớn khi các tiêu chuẩn môi trường quốc tế ngày càng nghiêm ngặt. Các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản đang áp dụng các quy định khắt khe về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ, yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh. 

Nhiều quy định từ thị trường quốc tế có thể kể đến như: Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu có hiệu lực từ 31/12/2024, tiêu chuẩn giảm phát thải nhà kính áp dụng tại EU và Hoa Kỳ từ năm 2027, yêu cầu chứng chỉ bền vững tại thị trường Nhật Bản, và nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp tại thị trường Đức. Việc chuyển đổi xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn về tính bền vững là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Khai thác và sử dụng gỗ hợp lý
Doanh nghiệp cần chuyển đổi xanh ngành gỗ để đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu

Chuyển đổi xanh ngành gỗ không chỉ giúp tuân thủ quy định mà còn mở ra cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế và phát triển bền vững. Doanh nghiệp cần nhanh chóng nâng cao nhận thức về tính bền vững, áp dụng quản lý rừng bền vững, và cải tiến công nghệ để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. 

Tối ưu quy trình sản xuất
Việc chuyển đổi xanh ngành gỗ giúp nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường hơn

2. Cơ hội cho doanh nghiệp gỗ khi thực hiện chuyển đổi xanh

Việc chuyển đổi xanh ngành gỗ tại Việt Nam mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội phát triển lớn và lâu dài giúp họ có thể có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

2.1. Vật liệu thân thiện môi trường lên ngôi

Mặc dù không được sử dụng nhiều trong thiết kế sản phẩm nội thất trước đây, gỗ là nguyên liệu có cơ hội lớn trong ngành xây dựng với Mass Timber. Nhờ khả năng phát thải thấp, dễ tái chế và có thời gian phân hủy nhanh chóng, vật liệu gỗ cũng sẽ được ứng dụng trong cách ngành khác như ngành tiêu dùng, bao bì, ngành năng lượng sinh khối tái tạo,…

Ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp có khả năng phát thải âm sẽ đạt lượng tín chỉ Carbon để bù đắp cho ngành công nghiệp khác. Trong giai đoạn 2010-2020, ngành lâm nghiệp đã phát thải khoảng 30,5 triệu tCO2e đồng thời hấp thụ tới -69,8 triệu tCO2e.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp đang đối mặt với thách thức lớn là phải xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định từ trong nước và nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của ngành, đồng thời bảo đảm các mục tiêu bền vững môi trường và cam kết quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phát triển hạ tầng quản trị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, và cộng đồng trong việc tận dụng cơ hội từ thị trường tín chỉ Carbon.

Gỗ có lượng phát thải thấp
Gỗ là vật liệu thân thiện với môi trường và có lượng phát thải thấp

2.2. Sự bùng nổ của thị trường Carbon

Ngành công nghiệp gỗ tại Việt Nam có cơ hội lớn nhờ việc tận dụng tín chỉ Carbon, đặc biệt là nguồn Carbon lâm nghiệp. Với 14,2 triệu hecta rừng, chiếm 42% diện tích quốc gia, trong đó hơn 10 triệu hecta là rừng tự nhiên, Việt Nam có tiềm năng đáng kể trong việc tạo ra tín chỉ Carbon nếu quản lý hiệu quả và chứng minh sự tăng trưởng sinh khối cũng như giảm phát thải. Đáng chú ý, Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) tương đương 10,3 triệu tín chỉ Carbon thông qua việc chuyển nhượng tín chỉ Carbon rừng.

Việc trồng rừng ven biển để chống xói mòn và bảo vệ đất ở khu vực phía Nam và Tây Nam, như Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Sóc Trăng, Bạc Liêu, và Kiên Giang mang đến cho nước ta cơ hội phát triển lớn. Trong lĩnh vực chế biến gỗ, các doanh nghiệp xây dựng hệ thống kiểm đếm phát thải khí nhà kính và truy vết dấu chân Carbon (Carbon footprint), họ có thể tạo ra số lượng tín chỉ Carbon dồi dào để thương mại hóa, từ đó có thêm nguồn thu ngoài sản phẩm chính. 

Các ngành như Mass Timber, với việc sử dụng số lượng gỗ lớn và phát thải chế biến thấp, cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng cho quá trình chuyển đổi xanh ngành gỗ. Việc thúc đẩy trồng rừng, đặc biệt là cây gỗ lớn sẽ hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển không chỉ ngành công nghiệp gỗ mà còn đóng góp vào mục tiêu bền vững toàn diện.

Biểu đồ thị trường Carbon
Thị trường Carbon bùng nổ thúc đẩy cơ hội chuyển đổi xanh ngành gỗ

2.3. Nguồn tín chỉ Carbon dồi dào từ rừng

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập một khung pháp lý toàn diện để quản lý ngành lâm nghiệp, bao gồm Luật Lâm nghiệp, hệ thống VNTLAS (Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp), các Nghị định 102/2020/NĐ-CP và 156/2018/NĐ-CP, cùng các quy định liên quan. Chính phủ cũng đang xây dựng quy định để thiết lập thị trường tín chỉ Carbon, với Nghị định 06/2022/NĐ-CP là bước tiến quan trọng. 

Theo đó, đến cuối năm 2027, sẽ có các quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, và quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Bắt đầu từ năm 2025, sẽ triển khai thí điểm cơ chế trao đổi tín chỉ Carbon trong các lĩnh vực tiềm năng, và từ năm 2028, sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức sẽ được vận hành.

Để hỗ trợ thị trường tín chỉ Carbon, doanh nghiệp cần một cơ sở hạ tầng dữ liệu lâm nghiệp và nông nghiệp hoàn chỉnh. Hệ thống này sẽ giúp người dân, tổ chức, và doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc, xác minh giao dịch và quản lý phát thải khí nhà kính. Chuyển đổi số và thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về nông lâm nghiệp sẽ nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và giảm chi phí hành chính, từ đó tối đa hóa lợi ích từ thị trường tín chỉ carbon.

Ngoài ra, lãi suất thương mại cao ở Việt Nam đã làm giảm sự đầu tư vào trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác dài. Để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn và gia tăng thu nhập từ tín chỉ Carbon, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các định chế ngân hàng và bảo hiểm. Họ cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để thúc đẩy việc trồng rừng gỗ lớn, không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao mà còn thu hút đầu tư từ tín chỉ Carbon.

Nâng cao giá trị rừng bằng tín chỉ carbon
Rừng cung cấp nguồn tín chỉ Carbon dồi dào, mang lại giá trị cao cho ngành lâm nghiệp và gỗ

3. Thách thức trong chuyển đổi xanh ngành gỗ tại Việt Nam

Bên cạnh những cơ hội lớn, doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức trong việc chuyển đổi xanh ngành gỗ. Dưới đây là 4 thách thức lớn mà doanh nghiệp có thể gặp trong quá trình “xanh hóa” ngành gỗ.

3.1. Khó khăn về mặt pháp lý 

Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5 – 2 triệu m³ gỗ tròn và gỗ xẻ từ các quốc gia nhiệt đới, trong đó phần lớn gỗ có rủi ro về pháp lý. Con số này chiếm từ 30 – 40% tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu của ngành. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành gỗ Việt Nam mà còn làm giảm cơ hội sử dụng gỗ nhập khẩu có rủi ro thấp và khai thác nguồn gỗ rừng trồng trong nước, vốn đến từ hàng triệu hộ nông dân.

Chuyển đổi xanh đem đến lợi ích về tài chính
Rủi ro về pháp lý là thách thức lớn trong việc chuyển đổi xanh ngành gỗ tại Việt Nam

3.2. Bài toán đầu ra tại các thị trường lớn  

Các thị trường xuất khẩu lớn đang áp dụng quy định ngày càng nghiêm ngặt về tính hợp pháp và bền vững của sản phẩm gỗ. Đặc biệt, Quy định chống phá rừng của EU (EUDR), có hiệu lực từ cuối tháng 6/2023, yêu cầu tất cả các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường EU phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp và không gây ra hiện tượng mất rừng.

3.3. Yêu cầu về mức giảm phát thải Carbon trong sản xuất

Hiện tại, các yêu cầu về giảm phát thải Carbon chỉ mới áp dụng tại thị trường EU. Tuy nhiên, các thị trường lớn khác như Nhật Bản có thể sớm đưa ra những yêu cầu tương tự vì Nhật Bản là một trong hai thị trường chính cho viên nén gỗ. Đây là vấn đề quan trọng mà doanh nghiệp cần chú ý.

Trong khi xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơ chế điều chỉnh Carbon biên giới (CBAM), thì ngành gỗ sẽ chịu tác động gián tiếp.

Với Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon cho biết hiện chưa yêu cầu kiểm kê phát thải khí nhà kính theo dạng nhà máy đối với các doanh nghiệp ngành gỗ. Tuy nhiên, vì ngành gỗ liên quan đến sản xuất công nghiệp, theo quy định, các cơ sở công nghiệp tiêu thụ năng lượng từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và có thể bị phân bổ hạn ngạch phát thải. Do đó, không chỉ các doanh nghiệp nhiệt điện mà cả các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, bao gồm ngành gỗ, cũng có thể phải đối mặt với việc áp dụng hạn ngạch phát thải trong tương lai.

Doanh nghiệp cần giảm phát thải CO2
Việc giảm phát thải Carbon trong sản xuất là thách thức khi chuyển đổi xanh ngành gỗ

3.4. Mức độ sẵn sàng chuyển đổi của các doanh nghiệp còn thấp

Sản xuất xanh gắn liền với việc chuyển đổi công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng và giảm nhu cầu sử dụng nhân lực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong quá trình này. Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp còn thấp, chủ yếu do các vấn đề sau:

  • Chi phí đầu tư cao: Việc chuyển đổi công nghệ yêu cầu một khoản đầu tư ban đầu lớn, mà nhiều doanh nghiệp chưa thể đáp ứng.
  • Năng lực công nghệ và nhân sự hạn chế: Nhiều doanh nghiệp chưa có đội ngũ nhân sự đủ kỹ năng và công nghệ cần thiết để thực hiện chuyển đổi hiệu quả.
  • Thiếu đối tác chuyên nghiệp: Thiếu các đối tác tư vấn và cung cấp giải pháp chuyên nghiệp có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
  • Quản trị chưa tốt: Quản trị sản xuất và quản lý nhân sự của nhiều doanh nghiệp vẫn còn yếu kém, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện chuyển đổi.
Chuyển đổi xanh đang là xu hướng
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp ngành gỗ thấp do chi phí đầu tư cao

4. Case study chuyển đổi xanh của Công ty sản xuất đồ nội thất MillerKnoll 

MillerKnoll, thành lập từ sự hợp nhất của Herman Miller và Knoll vào năm 2021, là tập đoàn nội thất toàn cầu. Với hơn 10,900 cộng sự trên toàn cầu và doanh thu đạt 4.09 tỷ USD trong năm tài chính 2023, MillerKnoll cam kết mang đến những sản phẩm và giải pháp nội thất chất lượng cao, góp phần tạo nên một thế giới bền vững và công bằng hơn cho khách hàng, cộng đồng và thế hệ mai sau.

 Knoll tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Sáng kiến Toàn cầu Clinton năm 2006 và gia nhập Sàn giao dịch Khí hậu Chicago (COC) để đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Năm 2020, Herman Miller được EcoVadis vinh danh là một trong 1% công ty hàng đầu về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

MillerKnoll hướng đến phát triển nội thất bền vững
MillerKnoll – doanh nghiệp nội thất hướng tới phát triển bền vững hàng đầu thế giới

Các hoạt động của MillerKnoll hướng đến chuyển đổi xanh:

MillerKnoll cam kết giảm khí thải carbon, sử dụng tài nguyên hiệu quả và thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường. Họ hợp tác với nhà cung cấp và nhân viên để thực hiện quy trình sản xuất bền vững, đạt được mức giảm 40% phát thải từ rác thải bao bì tại 14 cơ sở sản xuất toàn cầu.

MillerKnoll tập trung vào việc giảm khí thải carbon trong hai lĩnh vực chính: sản phẩm và vận hành. Doanh nghiệp nỗ lực gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo và làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để giảm thiểu khí thải gián tiếp (Scope 3).

Kế hoạch hành động của MillerKnoll được xây dựng dựa trên ba nguyên tắc chính:

  • Toàn diện: Bao phủ toàn bộ tác động của tất cả các thương hiệu trong tập đoàn.
  • Thực tế: Căn cứ vào cơ sở khoa học và điều kiện thực tế.
  • Hợp tác: Phối hợp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.

Các bước hành động cụ thể của MillerKnoll bao gồm:

  • Thống nhất dữ liệu khí thải: Sau khi mua lại Knoll vào năm 2021, MillerKnoll đã triển khai phần mềm để hợp nhất dữ liệu về khí thải carbon từ tất cả các thương hiệu, giúp có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về tác động môi trường của mình.
  • Cam kết toàn cầu: MillerKnoll đặt mục tiêu dài hạn giảm khí thải carbon vào năm 2030, phù hợp với Thỏa thuận Paris của Liên Hợp Quốc.
  • Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi): Tập đoàn dự định phát triển mục tiêu giảm khí thải toàn công ty dựa trên Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi).
  • Hợp tác vận chuyển xanh: Tại khu vực Châu Âu và Châu Á – Thái Bình Dương, thương hiệu HAY thuộc MillerKnoll đã hợp tác với Maersk ECO Delivery để vận chuyển sản phẩm bằng phương pháp ít phát thải hơn.
  • Sản phẩm bền vững: HAY đã phát triển loại mút xốp polyurethane mới cho dòng ghế About A Lounge (AAL) và Uchiwa, được sản xuất từ nguyên liệu tái tạo, giúp giảm khí thải carbon từ 80% đến 82% so với loại mút xốp truyền thống.
MillerKnoll tập trung phát triển sản phẩm bền vững
MillerKnoll đặt các bước hành động phát triển sản phẩm bền vững

Chuyển dịch điện mặt trời

MillerKnoll đã tiến một bước quan trọng trong chuyển đổi năng lượng với hai thỏa thuận mới. Cụ thể, các cơ sở tại Spring Lake, Michigan và East Greenville, Pennsylvania hiện sử dụng 100% năng lượng từ thủy điện và điện gió. Hai cơ sở này chiếm 25% tổng mức tiêu thụ năng lượng của toàn công ty, phản ánh nỗ lực đáng kể của MillerKnoll trong việc giảm tác động môi trường.

Hợp tác với nhà cung cấp

Trong năm 2023, MillerKnoll đã cập nhật bảng điểm đánh giá nhà cung cấp, đặt ưu tiên hàng đầu cho các tiêu chí phát triển bền vững. Các nhà cung cấp giờ đây được đánh giá không chỉ dựa trên chi phí và chất lượng mà còn dựa trên sự hỗ trợ đối với mục tiêu môi trường của công ty.

MillerKnoll tiến hành kiểm toán độc lập hàng năm tại các nhà máy của nhà cung cấp để đảm bảo tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử, tập trung vào năm lĩnh vực chính: Môi trường, Lao động, Tiền lương và Thời giờ làm việc, Sức khỏe và An toàn lao động, và Hệ thống Quản lý.

Công ty cũng cam kết thúc đẩy sự đa dạng, công bằng, hòa nhập và thuộc về (DEIB) trong chuỗi cung ứng. Qua các nỗ lực này, MillerKnoll hướng tới xây dựng các mối quan hệ hợp tác bền vững với các nhà cung cấp, cùng nhau đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Song hành xây dựng mối quan hệ bền vững
MillerKnoll xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với nhà cung cấp để đạt được mục tiêu

Thay đổi thiết kế sản phẩm

MillerKnoll cam kết giảm tác động đến môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa, thông qua nhiều sáng kiến hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp đã bổ sung 50% nhựa tái chế vào túi nhựa tại nhà máy Greenhouse, sử dụng 127 tấn vật liệu tái chế trong bao bì, giảm đáng kể khai thác tài nguyên và rác thải. Từ năm tài chính 2021, MillerKnoll đã giảm 40% rác thải bao bì nhựa sử dụng một lần tại 14 cơ sở toàn cầu, nhờ thay thế xốp EPS bằng giấy, giảm độ dày màng nhựa và ưu tiên vật liệu tái chế.

Để giải quyết rác thải đồ nội thất, MillerKnoll triển khai các chương trình:

  • rePurpose tại Hoa Kỳ, tìm “ngôi nhà mới” cho hơn 1.500 tấn đồ nội thất đã qua sử dụng và hỗ trợ hơn 300 tổ chức phi lợi nhuận.
  • Chương trình thu hồi sản phẩm tại Vương quốc Anh, tái chế toàn bộ sản phẩm của NaughtOne.

Nhờ những nỗ lực này, MillerKnoll đang tiến gần hơn tới mục tiêu kinh doanh gắn liền với trách nhiệm môi trường, hướng tới một tương lai xanh và bền vững hơn.

Thiết kế vì môi trường

Đội ngũ Thiết kế vì Môi trường (DfE) của MillerKnoll tập trung vào việc đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm bền vững và nhu cầu khách hàng về không gian lành mạnh. Họ thường xuyên thực hiện đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA – ISO14067) để đo lường tác động môi trường.

Minh bạch về nguồn gốc nguyên liệu

Nền tảng Ecomedes của MillerKnoll cung cấp thông tin chi tiết về nguyên liệu và chứng nhận của bên thứ ba cho tất cả các thương hiệu. Công cụ này giúp khách hàng chọn sản phẩm thân thiện với môi trường và tự động hóa phép tính hiệu suất sản phẩm, hỗ trợ các mục tiêu bền vững.

Tăng cường sử dụng vật liệu tái chế

  • Hợp tác với NextWave Plastics: Là thành viên sáng lập của NextWave Plastics, MillerKnoll tiên phong trong việc sử dụng nhựa thu gom từ đại dương. 
  • Ghế Aeron: Việc sử dụng nhựa đại dương trong Ghế Aeron đã ngăn chặn hơn 54 tấn rác thải nhựa không được quản lý vào đại dương tính đến cuối năm tài chính 2022.
  • Các sản phẩm tiêu biểu khác: Ghế Fiber của Muuto chứa 80% vật liệu tái chế, trong khi Ghế Eames Shell của Herman Miller được làm từ 100% nhựa tái chế sau công nghiệp.

MillerKnoll cam kết giảm tác động môi trường bằng cách ngăn chặn phá rừng và suy thoái rừng, yêu cầu chứng nhận FSC® cho toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đặt mục tiêu đến năm 2030:

  • Giảm 50% khí thải carbon từ sản phẩm và hoạt động, đồng thời giảm khí thải từ nhà cung cấp.
  • Ngừng sử dụng nhựa dùng một lần và giảm tất cả các loại rác thải.
  • Sử dụng ít nhất 50% vật liệu tái chế và chọn mua vật liệu bền vững.

Trong năm tài chính 2023, MillerKnoll đã ngăn chặn 300 tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Công ty tiếp tục nỗ lực phát triển bền vững, cung cấp sản phẩm chất lượng và bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.

Kéo dài vòng đời sản phẩm
MillerKnoll hưởng tới phát triển bền vững, ngăn chặn rác thải nhựa dùng 1 lần

5. Khuyến nghị từ FPT IS giúp các doanh nghiệp gỗ triển khai chuyển đổi xanh

Tính đến năm 2050, ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với các quy định ESG ngày càng nghiêm ngặt từ các thị trường lớn như EU, Mỹ, và Nhật Bản, doanh nghiệp cần chuẩn bị các bước sau:

Môi trường (Environmental)

  • Chứng chỉ gỗ bền vững: Áp dụng và đạt chứng chỉ FSC, PEFC cho nguyên liệu gỗ. Đảm bảo minh bạch về nguồn gốc và quy trình khai thác.
  • Sản xuất sạch hơn: Đầu tư công nghệ tiên tiến để giảm nước thải, khí thải, và bụi gỗ. Xử lý chất thải theo tiêu chuẩn, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn.
  • Giám sát phát thải (ISO14064-1): Đo lường và giám sát phát thải ở cả ba phạm vi (Scope 1, 2, 3).
  • Sử dụng năng lượng tái tạo: Tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời và sinh khối. Nâng 
  • Thiết kế sản phẩm xanh (ISO14067): Phát triển sản phẩm gỗ có tuổi thọ cao, dễ tái chế, và sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện môi trường.
  • Mục tiêu giảm phát thải theo SBTi: Theo hướng dẫn của SBTi để đặt mục tiêu và lên kế hoạch giảm phát thải.
  • Hợp tác với nhà cung cấp: Giảm phát thải trong chuỗi cung ứng, nơi thường chiếm hơn 50% tổng phát thải của doanh nghiệp. Kêu gọi các nhà cung cấp tham gia vào nỗ lực vì môi trường.

Xã hội (Social)

  • Chuỗi cung ứng có trách nhiệm: Xây dựng chuỗi cung ứng minh bạch và có khả năng truy xuất nguồn gốc. Hỗ trợ nhà cung cấp nhỏ, địa phương, đặc biệt là các cộng đồng dân tộc thiểu số và phụ nữ để tiếp cận thị trường.
  • Phát triển cộng đồng: Đầu tư vào cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, ưu tiên tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hỗ trợ các chương trình giáo dục và y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Môi trường làm việc an toàn: Đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ và đào tạo về an toàn lao động.
  • Đa dạng và hòa nhập: Xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, tôn trọng sự đa dạng và không phân biệt đối xử. Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ và người khuyết tật vào các vị trí quản lý.

Quản trị (Governance)

  • Minh bạch thông tin: Công khai thông tin về hoạt động kinh doanh và tác động môi trường, xã hội. Thực hiện kiểm toán nội bộ định kỳ và công bố kết quả cho các bên liên quan.
  • Quản trị rủi ro: Xây dựng hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả, bao gồm các rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị. Chủ động phòng ngừa và ứng phó với các rủi ro tiềm ẩn.
  • Truyền thông về ESG: Quảng bá hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm gỗ bền vững, qua đó cải thiện uy tín thương hiệu, tăng lợi nhuận gộp, và thu hút nhà đầu tư tiềm năng.

Hướng tới mục tiêu Chuyển đổi xanh ngành gỗ, doanh nghiệp cần phải giảm lượng khí thải Carbon từ những hoạt động hay quản lý việc cắt giảm trong nội bộ, chuỗi cung ứng. Đồng thời bù đắp thêm lượng khí thải khó tránh khỏi.  Và để giảm lượng khí thải, điều đầu tiên cần làm chính là phải hiểu chúng, dữ liệu thông tin phải chính xác. Ngoài ra, các công ty có trách nhiệm cần đảm bảo cung cấp báo cáo dữ liệu chuẩn chỉnh, kỹ lưỡng và khách quan để xác nhận một cách minh bạch những thông số đó. 

Giải pháp kiểm kiểm kê khí nhà kính VertZéro – Sản phẩm thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by FPT hướng tới số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường. Bên cạnh đó còn có tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, giúp doanh nghiệp theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế. 

Giao diện phần mềm VertZéro
Giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro từ FPT IS

Với những thông trên đây, FPT IS hy vọng quý doanh nghiệp đã hiểu hơn về chủ đề chuyển đổi xanh ngành gỗ. Việc chuyển đổi xanh không chỉ giúp doanh nghiệp thích ứng với xu hướng toàn cầu mà còn giúp các sản phẩm gỗ của doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.

Chia sẻ:
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân