Ứng dụng công nghệ vào số hoá lưu trữ di sản văn hoá
Các di sản văn hóa, cổ vật có thể tiết lộ cho chúng ta biết được rất nhiều điều, về các kỷ nguyên của nhân loại, về sự phát triển, tiến hóa của vạn vật trên trái đất này hay các quy luật của tự nhiên. Bản thân các di sản văn hóa không những chỉ mang trong nó những tri thức nghìn năm của thế giới, bản sắc, lịch sử và giá trị của nhân loại mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ mà con người luôn muốn được chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, các công nghệ mới giúp con người có thể dễ dàng làm những điều phi thường như du hành vũ trụ, siêu máy tính dự báo thời tiết, công nghệ AI… và đặc biệt là các công nghệ hình ảnh, số hóa đa chiều, robot tự động hóa,.. giúp tạo lập phiên bản dạng số của một vật thể với tính trực quan cao nhất có thể như công nghệ ảo hóa,3D, công nghệ thực tại ảo VR,.. giúp con người có thể “chạm” vào các cổ vật một cách sống động và thú vị mặc dù không được tiếp cận với di sản gốc thực sự. Công nghệ hiện đại với các giải pháp tối ưu có thể giúp con người bảo tồn, quảng bá và khai thác các tài nguyên số có giá trị, giúp lan tỏa các giá trị nhân văn sâu sắc của cha ông nghìn xưa để lại, giúp con người thấu hiểu được nguồn gốc của mình và thế giới xung quanh.
1. Tại Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và hết sức đa dạng với vô số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử đất nước nói chung và lịch sử của 54 dân tộc anh em. Đây là những kho báu văn hóa của Việt Nam, trong đó nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO xếp loại di sản của nhân loại, đồng thời cũng có những tiềm năng kinh tế to lớn có thể và cần được khai thác một cách hiệu quả để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững. Tuy nhiên, theo thời gian, các di sản ngày càng có nguy cơ bị mai một, hư hại, vì thế việc số hóa và bảo tồn các di sản này là rất quan trọng và cấp thiết.
Việc số hóa di sản ở Việt Nam đã được manh nha thực hiện từ khoảng 20 năm về trước, nhưng vẫn chưa được triển khai rộng rãi, đồng bộ. Cho đến nay Chính phủ đã có quyết định triển khai chương trình cụ thể về số hóa di sản giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên mục tiêu số hóa 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu là vấn đề cần sự góp sức của cả cộng đồng.
Việc tạo ra các di sản kỹ thuật số cần phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định về định dạng, metadata, tiêu chuẩn lưu trữ – bảo tồn,.. các tiêu chuẩn này đã và đang được nghiên cứu và ban hành bởi các tổ chức lớn, có uy tín trên thế giới. Việc tạo ra các di sản kỹ thuật số này không những chỉ để chiêm ngưỡng, bảo tồn mà còn để ứng dụng sâu rộng vào nhiều lĩnh vực khoa học, nghiên cứu, và để số hóa các di sản văn hóa từ đó ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực cần tuân theo ba nguyên tắc cốt lõi:
- Nguồn gốc thực nghiệm: các bản số hóa di sản được sử dụng trong khoa học và nghiên cứu các di sản văn hóa một cách dễ dàng, bản số hóa di sản có tính minh bạch, tin cậy và cần thiết được xác thực.
- Bảo tồn kỹ thuật số vĩnh viễn: có thể sử dụng các di sản kỹ thuật số và lưu trữ, bảo tồn với phương pháp khoa học, bảo quản lâu dài cho thế hệ tương lai. Kế hoạch bảo tồn cần có sự tham gia quản lý, đóng góp của các tổ chức,cơ quan quan trọng hoặc của các tổ chức quốc tế.
- Dân chủ hóa công nghệ: việc số hóa các di sản phải hướng tới cho phép các nhà nghiên cứu, người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản trong việc khai thác di sản số cùng với các dữ liệu có liên quan.
Ngày nay, những đột phá nghiên cứu gần đây về máy tính, đồ họa, công nghệ robot và thị giác máy tính đã hội tụ để tạo ra công cụ mạnh mẽ để số hóa các di sản văn hóa giúp phần đảm bảo được các nguyên tắc trên.
Có thể thấy việc số hóa và lưu trữ – bảo tồn các di sản văn hóa kỹ thuật số ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như tham quan trực tiếp. Không những thế, việc số hóa các di sản văn hóa đã, đang và sẽ tạo ra những nội dung số như những tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa, các hình ảnh, không gian, sự chuyển động và bối cảnh của di sản kỹ thuật số sẽ thỏa mãn các giác quan của người thưởng thức. Bởi vậy, ngoài tầm quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị của di sản số, việc số hóa lưu trữ còn góp phần bảo tồn cho nhân loại những tác phẩm nghệ thuật cho muôn đời sau.
Di Sản Số (Digital Heritage)
Di Sản Số là một khái niệm mới, nhằm chỉ các di sản văn hóa được lưu trữ và bảo tồn dưới dạng số hóa. Những di sản này có thể là tài liệu, tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, hoặc bất cứ thứ gì có giá trị văn hóa và có thể được lưu trữ dưới dạng số.
Di sản số tĩnh
- Bao gồm các tài liệu kỹ thuật số như mô hình 3D, hình ảnh, tài liệu văn bản, âm thanh và video được lưu trữ trên máy tính, dữ liệu đám mây hoặc thiết bị lưu trữ khác.
- Di sản số động
- Bao gồm các trang web, ứng dụng và các nền tảng trực tuyến khác được sử dụng để tạo ra và chia sẻ nội dung kỹ thuật số.
- Di sản số hay số hóa di sản là giải pháp phù hợp hợp nhất để đáp ứng tốt nhất ngân sách và kế hoạch bảo tồn và giữ gìn di sản văn hóa thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, vật thể và phi vật thể.
- Di sản số mang lại nhiều lợi ích cho việc bảo tồn, khai thác và quảng bá di sản văn hóa, bao gồm:
- Giúp lưu trữ và bảo quản di sản một cách hiệu quả. Di sản số có thể được lưu trữ và bảo quản ở định dạng kỹ thuật số, giúp tránh các tác động của thời gian và môi trường.
- Tăng cường khả năng tiếp cận và khai thác di sản. Di sản số có thể được truy cập và khai thác từ xa, giúp mọi người có thể tiếp cận với di sản văn hóa dù ở bất cứ đâu.
- Nâng cao nhận thức về giá trị của di sản. Di sản số giúp người dùng hiểu rõ hơn về các di sản văn hóa, từ đó nâng cao nhận thức về giá trị của chúng.
2. Các giải pháp di sản số phổ biến hiện nay
Không Gian Tham Quan Ảo
- VR360 Virtual Tour hay VR360 Tour được tạo ra từ việc liên kết những tấm ảnh 360 độ lại với nhau, những tấm ảnh này có thể là ảnh chụp lại từ thực tế hoặc là một bản thiết kế 3D.
- VR360 là giải pháp cơ bản và thông dụng nhất để lưu trữ và tái hiện không gian di tích lịch sử, bảo tàng, khu lưu niệm,….dưới dạng trang web nhằm phục vụ chuyến tham quan cho du khách ở bất kì đâu chỉ với chiếc điện thoại .
- Bằng các thiết bị máy ảnh, máy quét kỹ thuật số hiện đại, hình ảnh 360 chất lượng cao giúp địa phương truyền tải được lịch sử, văn hóa và địa điểm du lịch đến khách hàng một cách rõ ràng và sinh động; góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng và quảng bá hình ảnh cho địa phương.
Mô Hình Hóa Hiện Vật – Di Sản Vật Thể
- Quét 3D là quá trình phân tích một vật thể hoặc môi trường thực tế để thu thập dữ liệu ba chiều về hình dạng và có thể là ngoại hình của nó (ví dụ: màu sắc, kích thước, mảng chi tiết,..). Dữ liệu thu thập được sau đó có thể được sử dụng để xây dựng các mô hình 3D kỹ thuật số nhằm mục đích lưu trữ bảo tồn hoặc tạo ra một bản in mới
- Dữ liệu 3D thu thập được rất hữu ích cho nhiều ứng dụng khác nhau. Các ứng dụng phổ biến khác của công nghệ này bao gồm thực tế tăng cường [Augmented Reality – AR], chụp chuyển động [Motion Capture], nhận dạng cử chỉ [Gesture Recognition], lập bản đồ robot [Robotic Mapping], thiết kế công nghiệp, chỉnh hình và phục hồi chức năng , kỹ thuật đảo ngược và tạo mẫu [3D Modeling], kiểm tra chất lượng / số hóa các hiện vật văn hóa [Digital Heritage]
Bài viết độc quyền của chuyên gia FPT IS
Đồng tác giả: Hà Thị Hạnh – Chuyên gia thiết kế giải pháp và Trần Nguyễn Minh Nhựt – Trưởng phòng tư vấn giải pháp akaVerse Hồ Chí Minh |