Tỉnh Bình Phước được vinh danh giải thưởng ASOCIO dành cho chính phủ số
Mới đây, tại Tokyo, Nhật Bản, tỉnh Bình Phước được trao giải thưởng ASOCIO 2024 dành cho chính phủ số do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO) trao thưởng, khẳng định các thành tựu của địa phương trong chiến lược chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đại diện chính quyền tỉnh Bình Phước nhận giải thưởng Chính phủ số ASOCIO 2024.
Ông Nguyễn Minh Quang – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước đã đại diện chính quyền tỉnh nhận giải. Lễ trao giải nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Công nghệ Số Digital Trust Forum (ASOCIO Digital Summit). Sự kiện quy mô lớn diễn ra trong ba ngày từ 6-8 tháng 11 tại Tokyo, Nhật Bản với hơn 600 đại biểu tham dự, trong đó có 400 đại biểu từ Nhật Bản và 200 đại biểu quốc tế.
Giải thưởng ASOCIO là giải thưởng Công nghệ thông tin (CNTT) thường niên được trao cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc và những đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và ứng dụng CNTT tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO.
UBND tỉnh Bình Phước nhận giải thưởng ASOCIO 2024 hạng mục Chính phủ số.
Năm 2023 vừa qua, Bình Phước đã thể hiện tầm nhìn và nghiêm túc thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số, bước đầu gặt hái nhiều thành tựu trong cả hoạt động kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật như đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao nhất khu vực Đông Nam Bộ – 8,34% và được vinh danh tại Giải thưởng Kỹ thuật số Việt Nam 2023 ở hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với giải pháp công nghệ số đạt giải là “Hệ thống thông tin nguồn Bình Phước”.
Những kết quả đạt được cho thấy quyết tâm lớn của Bình Phước trong chiến lược chuyển đổi số, làm nền tảng vững chắc để Bình Phước tiếp tục hiện thực hoá theo định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chuyển đổi số – Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Ông Nguyễn Minh Quang – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước đã chia sẻ “Với quyết tâm xây dựng nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, thân thiện, vì nhân dân phục vụ, trong các năm qua, tỉnh Bình Phước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Chính quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử đã và đang từng bước hình thành xã hội số, phát triển kinh tế số và phục vụ người dân trong tỉnh tốt hơn. Tất cả nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Bình Phước là “Phát triển bền vững hướng tới đô thị thông minh, văn minh, hiện đại”, hướng tới trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững và là điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Nam Bộ”.
Quá trình thực hiện phát triển chính quyền số tới nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thứ nhất, tỉnh Bình Phước đã xây dựng và triển khai Chính quyền điện tử với nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính một cách thuận tiện và nhanh chóng; triển khai Trang web Chuyển đổi số và chuyên mục cùng tên trên cổng thông tin của tỉnh nhằm phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trên 90% cán bộ trong các sở, ban, ngành và UBND các cấp được đào tạo về kỹ năng công nghệ và chuyển đổi số. Trong năm 2023, tỉnh phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 20 khóa đào tạo cho hơn 13.199 cán bộ, nhân viên, cùng một lớp riêng cho 7.429 thành viên nhóm công nghệ số cộng đồng.
Thứ hai, Bình Phước đã chính thức ban hành chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, đạt 100% triển khai các Trung tâm Điều hành Tích hợp (IOC) ở cấp huyện, hạ tầng băng rộng cố định phủ sóng toàn bộ 843 thôn, bản.
Thứ ba, tỉnh Bình Phước đã triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử, giúp cải thiện việc quản lý thông tin dân cư trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính chính xác và nhanh chóng; đã đưa vào vận hành Nền tảng dịch vụ chính quyền địa phương (LGSP), kết nối hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia. Nền tảng này tạo điều kiện kết nối theo chiều ngang và chiều dọc ở 4 cấp độ bao gồm 188 đơn vị hành chính và 46 đơn vị ngoài công lập và liên kết trực tiếp với nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia (NDXP).
Thứ tư, Bình Phước đã ban hành Quy định về bảo mật thông tin đối với tất cả các ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Một nhóm ứng phó sự cố an ninh mạng đã được thành lập với các quy định cụ thể điều chỉnh hoạt động của nhóm.
Tập đoàn FPT vinh dự là một trong những đơn vị được lựa chọn đồng hành cùng UBND Tỉnh Bình Phước trên hành trình chuyển đổi số, bao gồm: Xây dựng và chuẩn hóa, tích hợp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các ngành trọng tâm trong kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh như xây dựng, giáo dục, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp, giao thông, công thương, lao động, thương binh và xã hội, khoa học công nghệ; kế hoạch và đầu tư, văn hóa, thể thao và du lịch… và xây dựng nền tảng IoT phục vụ chuyển đổi số.
Trong các hoạt động chuyển đổi số từ nay đến năm 2030, Bình Phước sẽ chú trọng hơn nữa đến các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ số của người dân, nâng cao năng lực điều hành của cán bộ trong môi trường điện tử, đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua các dịch vụ công để đạt được kết quả tốt nhất trong hoạt động hoàn thiện chủ trương xây dựng Chính phủ số.