Chủ tịch FPT IS: Ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với thế giới
“Nếu nhìn sang Nhật Bản, họ đã phát triển công nghệ từ hàng chục năm nay, và những phần mềm đó rất khó để thay thế. Việt Nam đi sau, chính vì thế sẽ có cơ hội đưa những công nghệ mới nhất vào” – ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) nhận định.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn và thách thức sau đại dịch như hiện nay, chuyển đổi số được đánh giá đang đóng vai trò trọng yếu đối với doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm phần lớn trong nền kinh tế và trên thị trường chứng khoán. Theo đó, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu suất, cũng như tăng trưởng toàn diện và bền vững.
Góp mặt tại Talkshow Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 mới đây, ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS nhấn mạnh, chuyển đổi số tương tự như chất xúc tác, chứ không phải là chi phí. Tức, chuyển đổi số sẽ giúp tất cả các hoạt động kinh tế phát triển. Và theo dữ liệu thống kê thực tế thì bất kể khi nền kinh tế đi xuống hoặc đi lên thì chi tiêu cho chuyển đổi số vẫn được duy trì.
“Ở Việt Nam, quý I chúng ta đánh dấu một chút sụt giảm về GDP, tuy nhiên mục tiêu của cả năm vẫn là 6,5%. Trên thế giới, kinh tế cũng bị ảnh hưởng nhưng họ không cắt giảm các hoạt động liên quan chuyển đổi số thì rất hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam cũng theo xu hướng của thế giới, vẫn duy trì đầu tư cho chuyển đổi số vì nó chính là chất xúc tác cho hoạt động kinh doanh phát triển” – ông Hòa nói.
Ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT IS.
Theo thống kê, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đã chiếm đến gần 40% GDP của Việt Nam. Chính vì vậy, nhóm doanh nghiệp này cần được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển vì họ là tương lai của đất nước. Riêng tại FPT IS, ông Hòa cho biết đơn vị đã phát triển một số giải pháp phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như akaBot hay Ubot. Kết quả là:
“Khi quan sát khoảng 10.000 khách hàng đang sử dụng hệ thống của chúng tôi thì dữ liệu thực tế chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp càng thực hiện chuyển đổi số, càng ứng dụng công nghệ thì hoạt động kinh doanh càng tốt lên, có những đơn vị tăng trưởng bằng lần. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng giúp tiết giảm thời gian sử dụng tác vụ, thời gian chờ, nhân công…cũng phải đến vài chục phần trăm”.
Dù chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao, nhưng không ít doanh nghiệp vẫn băn khoăn về các giải pháp chuyển đối số được cung cấp bởi các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam so với nước ngoài. Trả lời về vấn đề này, ông Hòa đánh giá, đó là thực tế của 5 năm trước.
FPT IS đã kinh doanh ở 30 quốc gia trên toàn cầu, và thực tế là giải pháp akaBot của FPT IS không ra mắt ở thị trường Việt Nam trước mà được triển khai ở nước ngoài trước, khi có kết quả thành công ở nước ngoài mới mang về Việt Nam. Chính việc đó đã tạo sự tự tin cho các giải pháp số khác và giúp các sản phẩm Make in Viet Nam ngày càng được tin dùng.
Ông nói thêm: “Nếu so sánh với các sản phẩm nước ngoài thì sản phẩm của Việt Nam có một lợi thế rất lớn đó là đặc tính bản địa – lợi thế hơn hẳn so với các sản phẩm quốc tế”.
FPT IS trong 3 năm nay cũng đã chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực và các chuyên gia đến từ khắp nơi trên thế giới, kết hợp cùng những công nghệ 4.0 như AI, Cloud, Big Data, Blockchain…cho những sự thay đổi trong tương lai.
Nhận định về cơ hội sắp tới, ông Hòa cho rằng ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán của Việt Nam đang có lợi thế rất lớn so với thế giới. Nếu nhìn sang Nhật Bản, họ đã phát triển công nghệ từ hàng chục năm nay, và những phần mềm đó rất khó để thay thế. Việt Nam đi sau, chính vì thế sẽ có cơ hội đưa những công nghệ mới nhất vào, cũng như với sự quyết tâm của Chính phủ và các Bộ ban ngành trong chuyển đổi số, mọi sự thay đổi sẽ diễn ra rất nhanh chóng.