Chủ tịch FPT IS: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo – Bệ phóng để doanh nghiệp vươn ra toàn cầu”
Vừa qua, Ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS đã tham dự và chia sẻ tại sự kiện Inno Vietnam – Japan Meet-up Vol.3 do JETRO, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) tổ chức.
Sự kiện nhằm ra mắt Tuyển tập “Thúc đẩy đổi mới mở – Hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản” do JETRO phối hợp với Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology) thực hiện. Trong đó, Chủ tịch FPT IS là một trong 8 lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu được JETRO mời chia sẻ về nhu cầu đổi mới sáng tạo mở nhằm thúc đẩy cơ hội hợp tác trong hoạt động hai nước.
Tại sự kiện, với phần chia sẻ về “Đổi mới sáng tạo mở tại FPT”, ông Hòa nhận định: “Việt Nam đến nay được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động trên toàn cầu. Đồng thời, theo cáo Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 của NIC, giai đoạn 2014 – 2023, nhìn vào bức tranh đầu tư start-up tại Việt Nam, hơn 4,6 tỷ USD đổ vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, thông qua 835 thương vụ”.
Chủ tịch FPT IS là một trong 8 lãnh đạo của các doanh nghiệp hàng đầu được JETRO mời chia sẻ tại sự kiện.
Ông Hòa cho biết thêm, với vị thế là đối tác công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực, Tập đoàn FPT trong 35 năm qua nỗ lực đưa Gene “sáng tạo” tới mỗi nhân sự dựa trên 3 khía cạnh cốt lõi. Thứ nhất, xây dựng văn hoá đổi mới & mô hình Khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp. Khởi nghiệp trong công ty là cách FPT tạo thách thức và động lực giúp nhân sự sáng tạo hơn nữa trong sân chơi công nghệ và cũng là bệ phóng để FPT vươn ra toàn cầu.
Thứ hai, xây dựng chương trình đổi mới trong nội bộ. Đơn cử như giải thưởng Sáng tạo FPT – iKhiến với mục tiêu tìm kiếm những sáng kiến ứng dụng công nghệ trong công việc, mang lại hiệu quả về mặt kinh tế và quản trị; tiếp tục là địa chỉ để các nhà sáng tạo giới thiệu, phát triển, nhân rộng sản phẩm và tạo mạng lưới những người có cùng đam mê và tầm nhìn. Đến nay, thông qua chương trình iKhiến, Tập đoàn ghi nhận hơn 7.000 ý tưởng đổi mới. Nhiều sản phẩm công nghệ ra đời, góp phần nâng cao 30% năng suất lao động.
Cuối cùng, mở rộng đổi mới sáng tạo mở từ bên ngoài và đào tạo đội ngũ nhân tài. FPT hợp tác với các trường, viện trên toàn cầu để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo. Công ty thành lập Trung tâm Nghiên cứu AI Quy Nhơn hay Trung tâm R&D FPT IS Đà Nẵng, từ đó xây dựng một môi trường thu hút, nuôi dưỡng nhân tài công nghệ, cùng Việt Nam tăng tốc vườn ươm công nghệ.
Ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch FPT IS chia sẻ tại sự kiện.
Đồng thời, FPT thúc đẩy mô hình Khởi nghiệp trong lòng doanh nghiệp. “Khởi nghiệp trong công ty là cách chúng tôi tạo thách thức và động lực giúp nhân sự sáng tạo hơn nữa trong sân chơi công nghệ. Để đưa sản phẩm từ ý tưởng ra thực tiễn, chúng tôi cung cấp một hệ sinh thái hỗ trợ đủ đầy nhất từ quy trình, nhân sự, thị trường, tài chính… để đội ngũ tập trung vào làm sản phẩm (product fit) – điều quan trọng nhất ở giai đoạn đầu. Đến nay, FPT phát triển Hệ sinh thái Made by FPT với hơn 200 sản phẩm, dịch vụ phục vụ hơn 200 triệu người dùng cuối. Nhiều giải pháp công nghệ ra đời tháo gỡ nhu cầu và bài toán nóng từ thị trường như Chip bán dẫn, Giải pháp kiểm kê khí nhà kính – VertZéro, Giải pháp tự động hóa quy trình – akaBot…”, Chủ tịch FPT IS chia sẻ.
Trong phần song phương đối thoại cùng đại diện JETRO và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước, ông Hòa cũng phân tích chiến lược để giúp các doanh nghiệp nước ngoài như Nhật Bản có thể khởi nghiệp thành công tại Việt Nam. Cụ thể, mỗi thị trường có nhu cầu đặc thù, khác biệt. Do vậy, các doanh nghiệp trước tiên cần nắm bắt, thấu hiểu bài toán người dùng. Khi tập trung giải quyết nhu cầu, mang đến lợi ích thực sự khách hàng cũng đồng thời là cách để tạo ra lợi nhuận. Theo đó, ông Hoà cũng khẳng định cam kết song hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tiếp cận nhu cầu và xây dựng chiến lược phát triển tại Việt Nam, dựa trên sự am hiểu thông qua kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực trọng điểm trước đó.
FPT cam kết song hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản trong việc tiếp cận nhu cầu và xây dựng chiến lược phát triển tại Việt Nam.
“Trong bối cảnh kinh tế số bùng nổ, nhu cầu và bài toán của khách hàng lớn, Việt Nam trở thành điểm đến để doanh nghiệp toàn cầu hiện thực chiến lược kinh doanh của họ. Do đó, đây là cơ hội duy nhất để chúng ta tăng tốc sáng tạo, phát triển hệ sinh thái sản phẩm công nghệ tháo gỡ bài toán nóng từ thị trường. Trên hành trình đó, FPT cam kết song hành sáng tạo giải pháp mới, hợp lực cùng doanh nghiệp tận dụng công nghệ kiến tạo The Next cùng Việt Nam, Nhật Bản và thế giới”, ông Hoà khẳng định.
Trước đó, FPT IS có cơ hội song hành cùng JETRO Vietnam trong chương trình “Inno Viẹtnam – Japan Fast Track Pitch” trên vai trò Challenge Owner – nghiên cứu, xây dựng đề bài và đánh giá sáng kiến từ 14 start-ups trong hai nước. Trong bài toán “Kiến tạo nền tảng và giao dịch tín chỉ Carbon xuyên biên giới”, FPT IS trao giải và đẩy mạnh hợp tác với đơn vị thắng cuộc – Faeger (Công ty phát triển nông nghiệp định hướng khử carbon tại Nhật Bản). Thông qua hợp tác, hai bên hướng tới đẩy mạnh triển khai công nghệ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam. Dự án góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Nhật Bản trong các dự án chuyển đổi xanh, đảm bảo tính bền vững trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.