Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cần chủ động đón đầu các thay đổi pháp lý 2025
Trong bối cảnh hành lang pháp lý tại Việt Nam đang có những thay đổi toàn diện nhằm bắt kịp sự phát triển của nền kinh tế số, Talkshow trực tuyến “Bức tranh pháp lý 2025: Doanh nghiệp đón đầu xu hướng – Bứt tốc kỷ nguyên mới” do FPT BizNext tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trên toàn quốc. Sự kiện mang đến các góc nhìn cập nhật từ các chuyên gia đầu ngành về những thay đổi trọng yếu trong luật pháp, thuế và công nghệ, đồng thời giới thiệu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng nhanh với các quy định mới.
Talkshow trực tuyến “Bức tranh pháp lý 2025: Doanh nghiệp đón đầu xu hướng – Bứt tốc kỷ nguyên mới” cập nhật từ các chuyên gia đầu ngành về những thay đổi trọng yếu trong luật pháp, thuế và công nghệ
Talkshow có sự tham gia của ông Lê Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đại lý Thuế D&P Việt Nam, Thành viên Hội Tư vấn Thuế Việt Nam; và ông Lê Thanh Bắc – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ điện tử, Tập đoàn FPT.
Luật hóa thương mại điện tử – bước ngoặt pháp lý lớn
Chia sẻ tại chương trình, ông Lê Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết: Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được xây dựng với nhiều điểm mới mang tính đột phá, và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Nếu thuận lợi, luật có thể được thông qua ngay trong năm nay, đánh dấu lần đầu tiên thương mại điện tử được luật hóa một cách toàn diện tại Việt Nam.
Ông Lê Đức Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chia sẻ về luật hóa thương mại điện tử
Theo ông Lê Đức Anh, đây là bước tiến quan trọng khi trước đó thương mại điện tử chỉ được điều chỉnh ở cấp nghị định. Việc nâng tầm thành luật không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với lĩnh vực này, mà còn tạo hành lang pháp lý rõ ràng để thúc đẩy TMĐT phát triển bền vững, minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Dự thảo luật gồm 7 chương với 42 điều, quy định cụ thể về các mô hình kinh doanh mới, quy trách nhiệm rõ ràng cho các bên tham gia chuỗi giao dịch điện tử, tăng cường yêu cầu về công bố thông tin, lưu trữ dữ liệu và xử lý khiếu nại. Luật cũng nhấn mạnh việc tăng cường kiểm soát gian lận TMĐT, phòng chống hàng giả và đảm bảo an ninh mạng – những vấn đề ngày càng nóng bỏng khi ngành thương mại điện tử tăng trưởng ở mức 25–30% mỗi năm.
“Luật Thương mại điện tử không chỉ là khung khổ pháp lý, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số”, ông Lê Đức Anh khẳng định.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cần hiểu và thích nghi với thay đổi trong mô hình thuế
Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đại lý Thuế D&P Việt Nam, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng chỉ ra loạt thay đổi đáng chú ý trong chính sách và mô hình quản lý thuế giai đoạn tới.
Theo bà Dung, bên cạnh Luật TMĐT, một số chính sách thuế mới trong thời gian tới – bao gồm quy định về giao dịch liên kết, quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh, quản lý rủi ro và tự động hóa thanh tra kiểm tra – sẽ tạo áp lực không nhỏ lên hoạt động vận hành và kế toán thuế của doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Dung – Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đại lý Thuế D&P Việt Nam, thành viên Hội Tư vấn thuế Việt Nam chỉ ra loạt thay đổi đáng chú ý trong chính sách và mô hình quản lý thuế giai đoạn tới
Điểm nhấn trong chia sẻ của bà là sự thay đổi trong mô hình tổ chức quản lý thuế, theo hướng hiện đại hóa, phân tầng theo rủi ro, kết nối dữ liệu và chuyển đổi số toàn diện. Với định hướng đó, doanh nghiệp sẽ phải làm quen với việc kê khai minh bạch hơn, sử dụng hệ thống phần mềm chuẩn hóa và chủ động cập nhật nghĩa vụ mới thay vì chờ cơ quan thuế yêu cầu.
Bà Dung nhấn mạnh: “Tuân thủ pháp luật thuế trong tương lai sẽ không chỉ là một nghĩa vụ, mà là một phần trong chiến lược quản trị rủi ro của doanh nghiệp SME”. Bà cũng đưa ra khuyến nghị: các doanh nghiệp cần sớm rà soát hệ thống kế toán, dữ liệu hóa quy trình tài chính và lựa chọn các công cụ công nghệ hỗ trợ phù hợp để tránh sai sót và tăng hiệu quả tuân thủ.
FPT BizNext – Dịch vụ và giải pháp công nghệ đồng hành cùng doanh nghiệp
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng thay đổi pháp lý sắp tới, ông Lê Thanh Bắc – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ điện tử, Tập đoàn FPT đã tóm lược toàn bộ trở ngại, vướng mắc khi hình thức hộ kinh doanh khoán sẽ không còn áp dụng từ 1/1/2026. Từ đó, giới thiệu Dịch vụ toàn diện cùng nền tảng FPT BizNext – Hệ sinh thái số giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt, số hóa quy trình và tuân thủ pháp luật một cách tự động, hiệu quả.
FPT BizNext – Hệ sinh thái số giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt, số hóa quy trình và tuân thủ pháp luật một cách tự động, hiệu quả
FPT BizNext cung cấp toàn bộ các dịch vụ mà SME cùng Hộ kinh doanh cần có như dịch vụ thành lập doanh nghiệp, thuế, kế toán, pháp lý,…. Những dịch vụ này cũng nằm trọng tâm hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị quyết 198/2025/QH15 vừa ban hành ngày 17/05/2025. Không những vậy, các dịch vụ của FPT sẽ được hỗ trợ đắc lực bởi giải pháp như hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý bán hàng, quản trị khách hàng, hợp đồng điện tử, báo cáo thuế,……… Các công cụ này đều đã được xây dựng tuân thủ theo các quy định mới nhất từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và công nghệ. Đồng thời, nền tảng cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan nhà nước thông qua API, giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý và tiết kiệm chi phí vận hành.
“FPT mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng không chỉ trong quá trình chuyển đổi số, mà còn trong hành trình tuân thủ và phát triển bền vững. Với BizNext, doanh nghiệp có thể tiến nhanh hơn, vững vàng hơn trên hành trình số hóa toàn diện”, ông Bắc chia sẻ.
Sự kiện khép lại sôi nổi với phần thảo luận và giải đáp trực tiếp từ các diễn giả, thu hút hơn 50 câu hỏi được gửi về từ người tham dự. Điều này phản ánh sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng doanh nghiệp trước những thay đổi lớn về chính sách thuế, hóa đơn điện tử và hành lang pháp lý trong thời gian tới. Các câu hỏi trải rộng trên nhiều chủ đề: cách thức tổ chức lại hệ thống kế toán – thuế, phương án cập nhật quy định mới, lựa chọn công nghệ tuân thủ phù hợp và đảm bảo bảo mật dữ liệu trong quá trình vận hành.
Đặc biệt, nhiều tình huống thực tế được mang đến để thảo luận như: công ty chứng khoán có cần xuất hóa đơn cho từng lần giao dịch của khách hàng trên sàn hay không; quy định xử lý khi người mua không xuất hóa đơn trả hàng trong vòng 15 ngày; hoặc bài toán của doanh nghiệp điện tử khi vừa kinh doanh hàng mới có VAT, vừa bán hàng cũ không chịu thuế nhưng vẫn cần xuất hóa đơn VAT cho khách hàng doanh nghiệp. Những vướng mắc này được bà Nguyễn Thị Dung – chuyên gia thuế – giải đáp chi tiết theo các quy định hiện hành, đồng thời đưa ra hướng xử lý phù hợp với dự thảo nghị định mới.
Về câu hỏi liên quan tính pháp lý của hợp đồng điện tử, ông Lê Thanh Bắc (FPT) nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố như định danh điện tử, toàn vẹn dữ liệu và lưu trữ theo chuẩn pháp luật để đảm bảo giá trị pháp lý trong giao dịch, đặc biệt trong các tình huống tranh chấp. Góp ý thêm từ góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Đức Anh – Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Bộ Công Thương) – khẳng định rằng hợp đồng điện tử đang được pháp luật công nhận đầy đủ, và các cơ quan quản lý đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo sự đồng bộ, bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp trong môi trường số hóa.
Talkshow “Bức tranh pháp lý 2025” không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp cập nhật thông tin pháp luật mới, mà còn giúp mở rộng góc nhìn chiến lược – trong đó, sự chủ động thích nghi với thay đổi chính là chìa khóa để doanh nghiệp bứt tốc trong kỷ nguyên mới.