FPT IS chia sẻ giải pháp ERP dành riêng ngành dệt may Việt Nam
Ngày 27/3/2024, ông Đinh Hữu Hùng – Phó Giám đốc sản xuất phần mềm khu vực miền Nam (Giám đốc tư vấn cấp cao Quản trị Doanh nghiệp) đã đại diện FPT IS tham gia chia sẻ trong phiên hội thảo chuyên đề về “Khai thác cơ hội hướng tới xu hướng bền vững và sử dụng tài nguyên hiệu quả” thuộc triển lãm Texfuture Việt Nam 2024 – Xuân hè.
Sự kiện được tổ chức tại TP.HCM bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Khu vực TPHCM (VCCI HCM) phối hợp với Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (Công ty STS), Công ty TENGDA Exhibition, nhằm giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, cập nhật thông tin thị trường, bạn hàng và đối tác, đặc biệt là sự đột phá trong tìm kiếm và phát triển nguồn cung ứng và nguyên phụ liệu bền vững và sáng tạo. Chương trình có quy mô trên 60 gian hàng trưng bày các loại vải cao cấp cùng 5 hội thảo chuyên đề được tổ chức xuyên suốt từ ngày 27/3 – 29/3.
Tại phiên hội thảo chiều ngày 27/3, ông Đinh Hữu Hùng – Phó Giám đốc sản xuất phần mềm khu vực miền Nam đã đại diện FPT IS chia sẻ chủ đề về “ERP: Tiếp sức cho Kinh tế Tuần hoàn Xanh trong dệt may Việt Nam” (ERP: Empowering Green Circular Economy in Vietnam’s Textile Industry) cho tất cả khách tham quan tham dự sự kiện. Ông cho biết ngành dệt may Việt Nam rất cần những giải pháp tối ưu hoá nguồn lực doanh nghiệp vì điều này sẽ tạo ra giá trị rất lớn cho các hoạt động kinh doanh. Các bài toán đặc thù của ngành dệt may luôn tốn rất nhiều thời gian về quy trình, thời gian tương tác giữa các bộ phận để tìm kiếm và khai thác cơ hội kinh doanh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải chuyển đổi số để đưa công nghệ vào việc quản trị doanh nghiệp, giúp vừa vận hành hiệu quả vừa giảm chi phí.
Ông cũng nhấn mạnh mô hình về giải pháp nền tảng công nghệ cho ngành dệt may gồm có hệ thống lõi ERP – quản lý các nguồn lực doanh nghiệp kết nối với các quy trình nội bộ như: tài chính, mua sắm, kho, sản xuất, cung ứng, bán hàng, nhân sự,…Hệ thống lõi tiếp tục được tích hợp với một số giải pháp chuyên sâu cho ngành như: MES – Điều hành sản xuất/ kết nối thiết bị, Paperless và AI, E-Invoices, E-Banking,… Tất cả các giải pháp liên kết thành một hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, tiếp sức mạnh mẽ cho các doanh nghiệp dệt may nâng cao năng lực đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông qua buổi hội thảo chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm, các doanh nghiệp đã có cơ hội cập nhật các thông tin mới về các xu hướng, giải pháp công nghệ, nguyên vật liệu từ các chuyên gia để có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong thời gian tới.