Công bằng Y tế (Health Equity): Cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số trong y tế

Công bằng Y tế (Health Equity): Cơ hội và thách thức cho chuyển đổi số trong Y tế

Thế giới vừa trải qua đại dịch Covid 19, một đại dịch gây khủng hoảng về Y tế cho nhiều quốc gia. Qua Covid, chúng ta mới nhận thấy không một quốc gia nào dù có hùng mạnh đến đâu cũng không sẵn sàng đủ sức đảm bảo cho việc chăm sóc sức khoẻ, điều trị cho số lượng lớn người bện, tất cả hệ thống Y tế đều quá tải, từ nước Mỹ hùng mạnh đến Châu Âu lâu đời, từ Trung Hoa rộng lớn, Ấn Độ đông dân đến những đất nước trung bình như Việt Nam… quyền tiếp cận công bằng Y tế chính là nỗi đau (pain point) cần phải được giải quyết càng nhanh càng tốt.

Healthcare Equity Fpt Is

Y tế đã và đang có những thay đổi lớn, kèm theo những yêu cầu cao hơn của người dân đặt ra tổ chức, cho hệ thống Y tế của các quốc gia trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh tạo ra những cơ hội to lớn và những thách thức cho Y tế số (Digital Health). Đặc biệt, Công bằng Y tế (Health equity) là điểm đau (pain point) cần phải được giải quyết. Các Công ty công nghệ có thể tham gia để giải quyết nỗi đau này bằng chuyển đổi số trong Y tế.

1. Tổng quan chung tình hình Y tế thế giới

Theo nhiều tài liệu trên thế giới, tạo ra công bằng Y tế (health equity) bằng công nghệ đang được quan tâm lớn.

Việc ra bình đẳng hoá khả năng tiếp cận chăm sóc sức khoẻ, không chỉ cải thiện sức khoẻ ở cấp độ cá nhân, cộng đồng mà còn tác động tích cực đến nền kinh tế: Sức khoẻ tốt, điều trị kịp thời, hiệu quả cho phép người dân có cuộc sống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn. Trong một báo cáo của Mckinsey chỉ ra rằng, những cải thiện về sức khoẻ toàn cầu đã đóng góp vào khoảng 1/3 tổng tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế lớn.

On World Population Day, July 11th, We Are Reminded Of The Impor

Một số quốc gia đi đầu về Y tế số trên thế giới:

  • Đan Mạch, Hà Lan: Có hệ thống Y tế số tiên tiến và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các Bệnh viện, Bác sĩ và người dân
  • Hoa Kỳ: Nhiều tổ chức Y tế sử dụng hồ sơ sức khoẻ điện tử (EHR)
  • Singapore: Đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống Bệnh án điện tử (EMR) và sổ sức khoẻ cá nhân
  • Estonia: Đất nước này nổi tiếng với dịch vụ Y tế số và Chính phủ điện tử
  • Hàn Quốc: Nổi tiếng trong việc ứng dụng di động trong quản lý sức khoẻ cộng đồng

Các công ty Công nghệ tạo ra các công cụ và tập trung vào các yếu tố sau: Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ Y tế; Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng của người dân; Cá nhân hoá việc chăm sóc sức khoẻ dự trên dữ liệu lịch sử về sức khoẻ của người bệnh. Ví dụ: Đại dịch Covid đã thúc đẩy nhanh chóng Y tế từ xa (Telemedicine), cải thiện khả năng tiếp cận Y tế cho người dân ở những vùng sâu, xa. Công ty Babylon có trụ sở ở London hợp tác với chính phủ Rwanda phát triển platform Y tế từ xa qua điện thoại đã có 2,6 triệu người sử dụng.

Khi vượt qua được rào cản về địa lý nhờ công nghệ (Telehealth, mHealth) thì chất lượng điều trị cũng sẽ bị hạn chế do kiến thức, do thông tin không đầy đủ, thông qua PHR (Personal Health Record), Công ty Mendelian có trụ sở tại London đã cung cấp giải pháp để giảm thời gian chuẩn đoán cho hơn 100 bệnh hiếm gặp, đồng thời kết nối bệnh nhân với cơ sở y tế phù hợp.

Tăng khả năng tiếp cận công bằng Y tế là một yêu cầu lớn, không chỉ với những quốc gia có nền Y tế chậm phát triển mà còn cả đối với các quốc gia tiên tiến. Đây là bài toán lớn, lâu dài để các công ty Công nghệ có thể ứng dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến giải quyết “nỗi đau” này. 

Health Equity Fpt Is

2. Hiện trạng tại Việt Nam

Ngành Y tế Việt Nam đã nỗ lực giải quyết những vấn đề hạn chế trong việc chăm sóc sức khoẻ, điều trị khám chữa bệnh trong nhiều năm qua nhưng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng như kỳ vọng như tình trạng tắc nghẽn, quá tải ở các Bệnh viện tuyến trên; Dữ liệu về sức khoẻ không được chia sẻ lẫn nhau; Bác sĩ không có nhiều dữ liệu về sức khoẻ người bệnh dẫn đến có khả năng xảy ra sai sót y khoa; Người bệnh phải làm lại các xét nghiệm cận lâm sàng mỗi đi khám, điều trị ở các cơ sở mới; Thiếu thuốc, hoá chất, vật tư y tế, trang thiết bị..; Bệnh nhân chờ đợi lâu, tăng lãng phí xã hội; Nhà quản lý Y tế áp lực, nhân viên y tế mệt mỏi; Người dân mua thuốc tự phát, không kê đơn, nhà thuốc nhiều đột biến so với các cơ sở khám, chữa bệnh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh; Dữ liệu Y tế thiếu kết nối, liên thông chia sẻ, phân mảnh… khai thác không hiệu quả.

Về CNTT trong Y tế, chuyển đổi số Y tế những năm qua, một số công ty công nghệ ở Việt Nam đã phát triển những giải pháp góp phần giảm thiểu những vấn đề này nhưng kinh phí hạn chế, thiếu hành lang pháp lý … chưa được giải quyết thấu đáo nên tốc độ ứng dụng còn rất nhiều hạn chế, quy mô nhỏ.

3. Cơ hội và thách thức

Việt Nam ban hành Luật khám chữa bệnh mới (Luật 15/2023/QH15), Nghị định hướng dẫn luật cũng nhanh chóng được hoàn thiện và ban hành có hiệu lực 31/12/2023 mở ra rất nhiều cơ hội cho Y tế số, giải quyết được nhiều điểm nghẽn lâu nay.

Lần đầu tiên, Công nghệ thông tin được tính vào chi phí để cấu thành lên giá của dịch vụ khám, chữa bệnh (Điều 110, Luật KCB 15/2023/QH15), sẽ giúp các cơ sở y tế tăng cường đầu tư Công nghệ thông tin, dự đoán có thể sẽ có làn sóng ứng dụng CNTT Y tế mạnh mẽ trong công tác chăm sóc sức khoẻ, khám, điều trị bệnh trong thời gian tới.

Điều 80 của Luật KCB 15/2023/QH 15 cũng quy định khá rõ về Y tế từ xa, tạo hành lang pháp lý vững chãi cho việc phát triển Telemedicine mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tại điều 112, quy định rõ về Hệ thống Thông tin trong về hoạt động quản lý KCB cũng mở ra nhiều hướng mới, là tiền đề tạo lập nên những quy chuẩn đầu ra, quy chuẩn dữ liệu để các Hệ thống Thông tin kết nối, chia sẻ thông tin với nhau.

Ngoài ra, Luật KCB đã công nhận Hồ sơ bệnh án điện tử và hồ sơ bệnh án được lập bằng giấy có giá trị pháp lý như nhau. Đây là điểm đặc biệt, thúc đẩy quá trình số hoá, quá trình triển khai Bệnh án điện tử diễn ra nhanh chóng, rộng khắp trên toàn quốc.

Cùng với luật KCB, các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cũng gấp rút hoàn thành các nghị định, thông tư hướng dẫn về Quản lý dữ liệu Y tế, cho thấy tầm quan trọng và tính bức thiết trong việc hình thành, quản lý, khai thác, chia sẻ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, vùng, tỉnh thành về Y tế.

CSDL Quốc gia về dân cư đã có hơn 80 triệu records, tạo lập được National ID cá nhân cho người dân Việt Nam, giải quyết được rất nhiều bài toán trong Y tế.

Những điểm mới trong luật, nghị định, thông tư tạo điều kiện cho Công nghệ thông tin phát triển sẽ tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, cơ chế chính sách mở cho việc phát triển CNTT trong Y tế, thúc đẩy Chuyển đổi số trong Y tế một cách mạnh mẽ, nhanh chóng, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận công bằng Y tế cho mọi người dân Việt Nam, từ những Thành phố lớn đến nhưng nơi vùng sâu, xa, hải đảo.

Health Equity 2 Fpt Is

Cơ hội:

Các công ty Công nghệ có nhiều cơ hội để tham gia tạo lập và hình thành một nền Y tế số quốc gia như:

  • Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Y tế, Trang thiết bị, Nhân lực, Dược phẩm…
  • Hồ sơ sức khoẻ cá nhân (PHR)
  • Hồ sơ bệnh án điện tử (EMR)
  • Hồ sơ Y tế điện tử (EHR)
  • CSDL Quốc gia về Bảo hiểm
  • TeleHealth
  • Home care
  • Số hoá hồ sơ bệnh án giấy
  • An toàn, an ninh thông tin
  • Điện toán đám mây
  • Bigdata, AI trong việc tự động hoá ghi chú bệnh án, giảm gánh nặng cho nhân viên Y tế; AI hỗ trợ trong quyết định lâm sàng bằng cách phân tích dữ liệu để có đề xuất điều trị tốt nhất; Sử dụng dữ liệu lớn để dự báo xu hướng dịch bệnh và quản lý nguồn lực Y tế trong tình huống khẩn cấp

Thách thức:

Các thách thức lớn có thể được liệt kê như:

  • Bảo mật, an toàn thông tin, dữ liệu: Dữ liệu Y tế là dữ liệu riêng tư, nhạy cảm, hệ thống đảm bảo về bảo mật, an toàn thông tin trong tình hình các ứng dụng tại Việt Nam chưa được chú trọng là một thách thức.
  • Hạn chế hạ tầng thông tin: EMR, PHR, EHR, Big data, AI đòi hỏi một hạ tầng CNTT mạnh mẽ, thông suốt và an toàn, đây cũng là thách thức cho các công ty Công nghệ.
  • Đào tạo và thay đổi tư duy: Thách thức này là một thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Y tế phải được đào tạo để đáp ứng với các công nghệ mới, thay đổi nhanh chóng tư duy về công nghệ của lãnh đạo ngành Y cũng cần được chú trọng.
  • Chi phí đầu tư: Mặc dù đã có cơ chế tính CNTT vào giá dịch vụ, tuy nhiên cũng có những ràng buộc nhất định cần phải giải quyết.
  • Chính sách về chuyển đổi số trong Y tế: Hành lang pháp lý cơ bản đã có, tuy nhiên, cũng còn có sự chồng chéo lẫn nhau có thể gây tâm lý lo ngại.

Kết luận

5P trong Y tế gồm: People (Con người), Provider (Nhà cung cấp, Payer (Nhà thanh toán – Bảo hiểm), Policy (Chính sách), Precision (chính xác).

Các nhà lập pháp, chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ cho việc thúc đẩy Y tế số trên toàn thế giới và tại Việt Nam sau đại dịch.

Các công ty Bảo hiểm đầu tư cho Y tế dự phòng ngày càng nhiêu, quan tâm đến Life Style của người dân để giảm thiểu các rủi ro đội biến trong bồi thường Y tế đột biến.

Người dân mong chờ được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Bệnh viện, phòng khám mong chờ được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để nâng cao năng suất, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, đem lại hài lòng cho người dân.

Tính chính xác là yêu cầu cao trong Y tế. Việc này có thể được cải thiện thông qua việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn.

Tác giả cho rằng, chuyển đổi số trong Y tế để tạo ra tiếp cận Công bằng Y tế cho người dân là một bài toán lớn. Công ty Công nghệ bằng chiến lược đúng đắn, năng lực, trí tuệ và tiềm lực của mình có thể đóng góp rất nhiều cho công cuộc quan trọng này. Góp phần để Người dân hạnh phúc hơn, quốc gia phồn thịnh hơn.

Tham khảo:

  • Luật 15/2023/QH15 khám bệnh, chữa bệnh
  • Dự thảo thông tư hướng dẫn luật khám chữa bệnh
  • Dự thảo nghị định về quản lý dữ liệu Y tế
  • Trao đổi với một số chuyên gia
  • Mc Kinsey, holonIQ, Healthedge

 

Bài viết độc quyền bởi Chuyên gia công nghệ FPT IS

Nguyễn Duy Hiền

Phó Giám đốc Khối Chính quyền địa phương

Công ty Hệ thống Thông tin FPT.

Chia sẻ:
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân