Nghị định 156/NĐ-CP: Cú hích chính sách cho nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam
Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 156/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hành trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh tại Việt Nam. Theo đó, các dự án nông nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như tái sử dụng phụ phẩm, canh tác hữu cơ, hoặc kết hợp sản xuất với năng lượng tái tạo, sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay lên đến 70% tổng giá trị dự án mà không cần tài sản thế chấp. Đây là một chính sách chưa từng có tiền lệ, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và hộ dân chuyển đổi sang mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cơ chế tài chính ưu đãi này không chỉ giới hạn ở các tổ chức lớn mà còn mở rộng cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Hộ gia đình và cá nhân có thể vay tới 300 triệu VNĐ, tổ hợp tác hoặc hộ kinh doanh có thể tiếp cận mức vay 500 triệu VNĐ, trong khi hợp tác xã và liên hiệp HTX được hỗ trợ lên đến 5 tỷ VNĐ. Riêng các chủ trang trại áp dụng mô hình tuần hoàn có thể vay tối đa 3 tỷ VNĐ. Với thủ tục đơn giản hơn và không yêu cầu thế chấp tài sản, đây là một đòn bẩy quan trọng giúp lan tỏa mô hình nông nghiệp sinh thái trên diện rộng.
Đáng chú ý, nghị định cũng quy định rõ cơ chế hỗ trợ trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh hoặc yếu tố bất khả kháng. Theo đó, người vay sẽ không bị chuyển nhóm nợ xấu nếu rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, qua đó giữ nguyên khả năng tiếp cận tín dụng và tránh ảnh hưởng đến uy tín tín dụng cá nhân hoặc tổ chức. Các ngân hàng thương mại cũng được khuyến khích thẩm định lại hồ sơ và tái cấp vốn để đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất ổn định.
Không dừng lại ở hỗ trợ tài chính, các dự án nông nghiệp tuần hoàn còn được ưu tiên tiếp cận các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các chi phí liên quan đến đào tạo, tư vấn quản lý hoặc chuyển giao kỹ thuật có thể được hỗ trợ tới 70%. Ngoài nông nghiệp, nghị định cũng mở rộng hỗ trợ cho các lĩnh vực có liên quan như lâm nghiệp, thủy sản, năng lượng tái tạo và công nghiệp xanh, tạo nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn toàn diện tại Việt Nam.
Đây được xem là một bước phát triển đầy tiềm năng cho hệ sinh thái tín dụng xanh và chuyển đổi nông nghiệp theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam. Song hành trên hành trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn, FPT, cùng giải pháp VertZéro – phần mềm kiểm kê khí nhà kính, luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp và địa phương trong việc hiện thực hóa các cam kết khí hậu bằng công nghệ và dữ liệu minh bạch.
Bài viết độc quyền bởi Chuyên gia công nghệ FPT IS
Bà Lê Hà Giang – Green Transformation Specialist, VertZero solution |