Đường cong Chi phí Giảm phát thải Biên MACC: Từ dữ liệu phát thải đến chiến lược hành động
Trong bối cảnh chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu bắt buộc thay vì lựa chọn tự nguyện, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã chủ động thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính, xây dựng các mục tiêu giảm phát thải trung và dài hạn, đồng thời cân nhắc bố trí ngân sách cho các hạng mục đầu tư thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, sau những bước chuẩn bị ban đầu về dữ liệu và cam kết, không ít doanh nghiệp rơi vào trạng thái lúng túng trong khâu ra quyết định: giữa hàng loạt lựa chọn công nghệ và giải pháp hiện có, đâu là phương án nên triển khai trước? Biện pháp nào vừa giúp giảm phát thải đáng kể, vừa phù hợp với khả năng tài chính và thời gian hoàn vốn kỳ vọng?
Trong thực tiễn, câu hỏi “giảm phát thải như thế nào cho hiệu quả về chi phí?” không thể được trả lời bằng cảm tính hay kỳ vọng chủ quan. Việc lựa chọn sai thứ tự ưu tiên có thể dẫn đến đầu tư lãng phí, lợi ích môi trường hạn chế hoặc không đủ cơ sở để thuyết phục các bên liên quan – đặc biệt là nhà đầu tư, tổ chức tín dụng xanh, hay các đối tác quốc tế. Do đó, một công cụ định lượng, dễ hiểu và có tính hỗ trợ quyết định là điều mà doanh nghiệp rất cần trong giai đoạn chuyển đổi chiến lược. Trong số các công cụ được sử dụng rộng rãi trên thế giới, Đường cong Chi phí Giảm phát thải Biên (Marginal Abatement Cost Curve – MACC) được xem là một trong những công cụ hiệu quả và trực quan nhất.
MACC cho phép doanh nghiệp so sánh các biện pháp giảm phát thải dựa trên hai yếu tố: lượng phát thải có thể cắt giảm (tCO₂e) và chi phí biên trên mỗi đơn vị phát thải giảm được (€/tCO₂e). Biểu đồ MACC thể hiện rõ giải pháp nào mang lại lợi ích kép – vừa giảm được nhiều CO₂, vừa tiết kiệm chi phí vận hành – và giải pháp nào chỉ nên triển khai khi có đủ hỗ trợ tài chính hoặc chính sách bổ trợ. Không chỉ là một biểu đồ kỹ thuật, MACC ngày càng trở thành nền tảng cho việc xây dựng chiến lược giảm phát thải theo lộ trình, lập kế hoạch đầu tư carbon, thiết kế KPI môi trường và tiếp cận các hình thức tài chính xanh như vay liên kết bền vững hoặc trái phiếu xanh.
Bài viết này nhằm cung cấp một hướng dẫn đầy đủ và dễ áp dụng về cách xây dựng MACC dành cho doanh nghiệp từ khâu chuẩn bị dữ liệu, tính toán chi phí, sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp, cho đến việc trực quan hóa biểu đồ để phục vụ mục tiêu ra quyết định. Trên cơ sở kết hợp lý thuyết quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn, bài viết kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam không chỉ hiểu rõ về công cụ này, mà còn biết cách vận dụng linh hoạt vào thực tế vận hành và kế hoạch giảm phát thải trong giai đoạn tới.
I. Cần chuẩn bị gì trước khi bắt đầu?
Trước khi tiến hành xây dựng đường cong chi phí giảm phát thải biên (MACC), doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ và có hệ thống các dữ liệu đầu vào liên quan đến phát thải và các biện pháp can thiệp khả thi.
Trước hết, cần thực hiện kiểm kê phát thải sơ bộ ở phạm vi 1 và 2 (Scope 1 và Scope 2) nhằm xác định tổng lượng phát thải hiện tại phát sinh từ các hoạt động vận hành, bao gồm:
- Nhiên liệu đốt trực tiếp tại cơ sở (Scope 1);
- Điện năng, nhiệt năng và hơi nước mua từ bên ngoài (Scope 2).
Việc xác định chính xác các dòng phát thải này là điều kiện tiên quyết để thiết lập đường cơ sở (baseline) và đánh giá tiềm năng giảm phát thải. Tiếp theo, doanh nghiệp cần xây dựng danh mục các biện pháp giảm phát thải tiềm năng phù hợp với bối cảnh hoạt động. Danh sách này nên bao gồm cả:
- Biện pháp công nghệ (ví dụ: thay thế lò hơi, cải tiến hệ thống làm lạnh, lắp đặt pin năng lượng mặt trời);
- Biện pháp quản trị (tối ưu quy trình vận hành, tự động hóa điều khiển tiêu thụ điện);
- Biện pháp tổ chức và vật liệu (thay đổi nguyên liệu đầu vào, chuyển đổi phương thức vận chuyển).
Các biện pháp được lựa chọn cần được sơ bộ đánh giá về tính khả thi kỹ thuật, phù hợp quy định pháp lý, cũng như điều kiện vận hành nội tại của doanh nghiệp. Đối với mỗi biện pháp, doanh nghiệp cần thu thập một bộ dữ liệu định lượng cơ bản, bao gồm:
- Lượng phát thải CO₂e có thể cắt giảm mỗi năm (tCO₂e/năm);
- Chi phí đầu tư ban đầu (CAPEX) và chi phí vận hành duy trì (OPEX);
- Thời gian áp dụng, bao gồm thời điểm bắt đầu triển khai và tuổi thọ ước tính của công nghệ;
- Đường cơ sở (baseline): thể hiện công nghệ, quy trình hoặc mức tiêu thụ hiện tại mà biện pháp mới sẽ thay thế hoặc cải thiện.
Tất cả các dữ liệu này cần được quy đổi về cùng một đơn vị đo lường, cùng khung thời gian đánh giá (thường tính theo năm hoặc theo vòng đời dự án) và điều kiện vận hành tương đồng, nhằm đảm bảo độ chính xác và khả năng so sánh khi tiến hành phân tích chi phí biên sau đó.
Khi dữ liệu đầu vào đã được chuẩn bị đầy đủ và nhất quán, doanh nghiệp có thể tiếp tục bước tiếp theo trong quy trình xây dựng MACC, bao gồm: tính toán chi phí giảm phát thải biên, sắp xếp thứ tự ưu tiên các biện pháp, và trực quan hóa biểu đồ để phục vụ quá trình ra quyết định.
II. Cách xây dựng MACC từng bước
Bước 1: Xác định đường cơ sở phát thải (Baseline emissions)
Trước khi tiến hành phân tích các biện pháp giảm phát thải, doanh nghiệp cần thiết lập một bức tranh đầy đủ và chính xác về lượng phát thải hiện tại – còn gọi là đường cơ sở phát thải. Đây là nền tảng quan trọng để đo lường hiệu quả giảm phát thải của từng biện pháp, đồng thời đảm bảo tính bổ sung (additionality) trong quá trình đánh giá chi phí biên.
Việc xác định đường cơ sở nên bao gồm:
Tổng lượng phát thải khí nhà kính (tCO₂e/năm) hiện tại của doanh nghiệp, được phân loại theo các phạm vi sau:
- Scope 1: Phát thải trực tiếp từ hoạt động do doanh nghiệp kiểm soát (ví dụ: đốt nhiên liệu tại chỗ, khí rò rỉ từ thiết bị).
- Scope 2: Phát thải gián tiếp từ năng lượng tiêu thụ, chủ yếu là điện, nhiệt và hơi nước mua từ bên ngoài.
- (Tùy trường hợp) Scope 3: Phát thải gián tiếp khác trong chuỗi giá trị (ví dụ: logistics, nguyên vật liệu đầu vào, sử dụng sản phẩm…).
Để tăng độ chính xác và khả năng ứng dụng trong việc xây dựng MACC, việc tính toán phát thải nên được thực hiện với độ phân giải cao, theo từng phân khúc như:
- Theo nhà máy hoặc địa điểm vận hành;
- Theo dây chuyền hoặc hệ thống sản xuất;
- Thậm chí theo từng loại máy móc, phương tiện hoặc sản phẩm đầu ra.
Mức độ chi tiết này cho phép sau đó có thể xác định rõ đường cơ sở của từng giải pháp và lượng hóa tác động của từng biện pháp giảm phát thải cụ thể lên tổng lượng phát thải hiện tại, đồng thời hạn chế sai lệch khi tính toán hiệu quả cắt giảm CO₂e theo từng công nghệ hoặc cải tiến quản trị.
Bước 2: Liệt kê các biện pháp giảm phát thải khả thi
Sau khi xác định được đường cơ sở phát thải, bước tiếp theo trong quá trình xây dựng MACC là tổng hợp và đánh giá danh mục các biện pháp giảm phát thải phù hợp với điều kiện hoạt động của doanh nghiệp. Danh mục này là đầu vào trực tiếp cho việc tính toán tiềm năng giảm phát thải và chi phí biên, do đó cần được xây dựng một cách có hệ thống, đa chiều và dựa trên cả cơ sở kỹ thuật lẫn tính khả thi kinh tế – vận hành.
Các biện pháp giảm phát thải có thể được phân thành ba nhóm chính:
- Biện pháp công nghệ: áp dụng hoặc thay thế thiết bị, quy trình sản xuất bằng công nghệ có hiệu suất phát thải thấp hơn (ví dụ: lắp đặt pin mặt trời, nâng cấp nồi hơi, sử dụng hệ thống thu hồi nhiệt thải).
- Biện pháp cải tiến vận hành: điều chỉnh quy trình nội bộ để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng mà không cần thay đổi lớn về tài sản cố định (ví dụ: tối ưu hóa lịch vận hành máy móc, kiểm soát rò rỉ năng lượng, áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng tiết kiệm nhiên liệu).
- Biện pháp chuyển đổi năng lượng/nguyên liệu: thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu tái tạo hoặc nguyên liệu có cường độ carbon thấp hơn (ví dụ: chuyển từ diesel sang điện, thay đổi loại chất đốt trong lò nung, sử dụng vật liệu có vòng đời carbon thấp hơn).
Việc lựa chọn biện pháp cần được thực hiện có chọn lọc, dựa trên:
- Phân tích đặc thù ngành và quy mô doanh nghiệp;
- Tham khảo các giải pháp điển hình đã được áp dụng thành công trong cùng lĩnh vực (có thể từ tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, báo cáo ngành, hoặc cơ sở dữ liệu như GHG Protocol, IPCC);
- Xem xét khả năng tiếp cận công nghệ, vốn đầu tư, trình độ nhân lực và khung pháp lý hiện hành.
Việc liệt kê đầy đủ và chính xác các biện pháp không chỉ giúp đảm bảo độ tin cậy của MACC mà còn tạo cơ sở cho các quyết định tài chính – chiến lược trong giai đoạn triển khai kế hoạch giảm phát thải.
Bước 3: Tính chi phí giảm phát thải biên (MAC)
Sau khi xác định được danh sách các biện pháp giảm phát thải tiềm năng, bước tiếp theo trong quy trình xây dựng đường cong chi phí giảm phát thải biên (MACC) là tiến hành ước tính định lượng chi phí và hiệu quả môi trường của từng giải pháp. Mục tiêu của bước này là làm rõ cho từng biện pháp: giảm được bao nhiêu tấn CO₂e, với chi phí là bao nhiêu trên mỗi tấn giảm được, từ đó chuẩn bị đầu vào cho biểu đồ MACC.
Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần tính toán chỉ số trung tâm là Chi phí Giảm phát thải Biên – Marginal Abatement Cost (MAC), thể hiện bằng công thức:
Công thức tính MAC
Trong đó:
- NPV (Net Present Value) là giá trị hiện tại ròng của toàn bộ dòng chi phí và tiết kiệm tài chính liên quan đến việc thực hiện biện pháp.
- Tổng tCO₂e tránh được là tổng lượng khí nhà kính bị loại bỏ hoặc tránh phát thải trong suốt vòng đời hoạt động của biện pháp.
1. Tính toán NPV – Giá trị hiện tại ròng
NPV đo lường toàn bộ chi phí và lợi ích tài chính của biện pháp, được chiết khấu về thời điểm hiện tại. Đây là cơ sở phản ánh hiệu quả kinh tế thực tế của biện pháp, và được tính theo công thức:
Công thức tính NPV
Việc xác định đúng tỷ lệ chiết khấu là quan trọng, và có thể dựa vào chi phí sử dụng vốn nội bộ, chi phí vay vốn
2. Ước tính tổng lượng phát thải tránh được (CO₂e abated)
Để hoàn thiện mẫu số trong công thức MAC, cần xác định tổng lượng khí nhà kính (CO₂e) mà một biện pháp có thể giảm được trong toàn bộ vòng đời hoạt động. Cách tính cơ bản gồm ba bước: đầu tiên, xác định kịch bản cơ sở – tức lượng phát thải sẽ xảy ra nếu không triển khai giải pháp; tiếp theo, tính toán lượng phát thải thực tế sau khi áp dụng công nghệ hoặc phương pháp mới; cuối cùng, lấy chênh lệch giữa hai con số này để xác định lượng khí nhà kính được tránh phát thải ra môi trường trong hàng năm và tổng hợp trong toàn bộ vòng đời để xác định tổng lượng khí nhà kính (CO₂e) tránh được. Ngoài ra có thể tính toán dựa trên mức năng lượng/hoạt động tiết kiệm được (ví dụ: kWh điện, lít nhiên liệu) nhân với hệ số phát thải tương ứng trong trường hợp giải pháp chỉ có tác động giảm tiêu thụ năng lượng, giảm hoạt động (không có phát sinh phát thải khác).
Bước 4: Kiểm soát tương tác và tránh trùng lặp giữa các biện pháp
Trong quá trình xây dựng MACC, việc xác định chi phí và hiệu quả giảm phát thải của từng biện pháp cần đảm bảo tính độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp khác đã được áp dụng trong cùng hệ thống. Nếu không được kiểm soát tốt, sự chồng lặp về hiệu quả (double counting) hoặc tác động lẫn nhau (interaction effects) giữa các biện pháp có thể dẫn đến kết quả sai lệch, gây hiểu nhầm trong việc đánh giá và ra quyết định đầu tư.
Một ví dụ điển hình: nếu một doanh nghiệp đã triển khai biện pháp tối ưu hóa hệ thống hơi nước, thì hiệu quả giảm phát thải của việc thay thế nồi hơi sau đó sẽ không còn tương đương với hiệu quả ban đầu được tính toán nếu hai biện pháp được đánh giá riêng rẽ. Điều này là do các cải tiến vận hành đã làm thay đổi điều kiện đường cơ sở của hệ thống nồi hơi, từ đó ảnh hưởng đến lượng phát thải có thể tránh được khi thay thế thiết bị.
Cụ thể, nếu bạn tính hiệu quả giảm phát thải của từng biện pháp một cách riêng rẽ, thì:
- Biện pháp (1) giúp tiết kiệm 1.000 GJ hơi nước mỗi năm → giảm 150 tCO₂e.
- Biện pháp (2) (giả sử nếu chưa tối ưu gì cả) cũng giúp giảm 200 tCO₂e vì dùng nhiên liệu hiệu quả hơn.
Nhưng nếu bạn triển khai biện pháp (1) trước, thì tổng nhu cầu hơi nước đã giảm xuống rồi khi áp dụng biện pháp (2), lượng nhiên liệu tiêu thụ ban đầu đã thấp hơn, lượng CO₂e có thể giảm tiếp chỉ còn khoảng 120 tCO₂e, chứ không phải 200 tCO₂e như lúc đầu.
Bước 5: Vẽ và phân tích biểu đồ MACC
Sau khi đã tính toán đầy đủ chi phí biên (MAC) và lượng khí nhà kính giảm phát thải tương ứng cho từng biện pháp, bước cuối cùng trong quy trình xây dựng MACC là trực quan hóa kết quả dưới dạng biểu đồ, nhằm hỗ trợ việc so sánh và ra quyết định đầu tư.
Biểu đồ MACC thường được trình bày dưới dạng biểu đồ cột ngang (waterfall chart), trong đó mỗi cột đại diện cho một biện pháp cụ thể. Biểu đồ có hai trục chính:
- Trục hoành (x- axis) thể hiện tổng lượng CO₂e có thể giảm được – đơn vị thường là tấn CO₂ tương đương (tCO₂e).
- Mỗi cột có chiều rộng tương ứng với tiềm năng giảm phát thải của biện pháp đó.
- Các cột được sắp xếp từ trái sang phải theo chi phí biên tăng dần.
- Trục tung (y- axis) thể hiện chi phí giảm phát thải biên (€/tCO₂e).
- Cột cao → chi phí cao;
- Cột thấp, đặc biệt nếu nằm dưới trục 0 → biện pháp không chỉ giảm phát thải mà còn giúp tiết kiệm chi phí.
Nguồn: Inforiver
Việc trình bày như vậy giúp người đọc dễ dàng nhận ra:
- Biện pháp nào có tiềm năng giảm phát thải lớn nhất (cột rộng),
- Biện pháp nào mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất (cột thấp hoặc âm),
- Và biện pháp nào tuy đắt nhưng vẫn cần thiết cho mục tiêu Net Zero dài hạn (cột cao ở bên phải biểu đồ).
Nhìn vào biểu đồ, doanh nghiệp có thể nhanh chóng xác định “nên làm gì trước?” – tức là ưu tiên các biện pháp vừa tiết kiệm chi phí, vừa có tiềm năng cắt giảm lớn. Đồng thời, biểu đồ cũng cho phép hoạch định lộ trình triển khai nhiều giai đoạn, kết hợp giữa “biện pháp nhanh – rẻ” và “biện pháp dài hạn – chi phí cao”. Biểu đồ MACC còn là công cụ giao tiếp hiệu quả giữa các bộ phận kỹ thuật, tài chính và ban lãnh đạo – vì thể hiện được cả logic môi trường lẫn logic đầu tư trong một khung hình trực quan.
III. Lưu ý quan trọng khi xây dựng MACC
Mặc dù đường cong chi phí giảm phát thải biên (MACC) là một công cụ trực quan và hiệu quả để hỗ trợ ra quyết định, việc xây dựng và sử dụng MACC cũng đòi hỏi sự cẩn trọng trong một số khía cạnh kỹ thuật và thực tiễn sau:
1. Phân biệt rõ giữa biện pháp ngắn hạn và dài hạn
Không phải mọi biện pháp đều mang lại hiệu quả ngay lập tức. Một số giải pháp như tối ưu vận hành, thay đổi hành vi có thể nhanh chóng triển khai và tiết kiệm chi phí, nhưng tiềm năng giảm phát thải có giới hạn. Ngược lại, các biện pháp dài hạn như đầu tư công nghệ mới, chuyển đổi năng lượng thường yêu cầu vốn lớn, thời gian thu hồi dài, nhưng tạo ra tác động bền vững.
Do đó, khi phân tích MACC, doanh nghiệp cần đặt từng biện pháp trong ngữ cảnh thời gian cụ thể, tránh so sánh trực tiếp các giải pháp có đặc tính hoàn vốn và thời gian tác động rất khác nhau.
2. Điều chỉnh theo giá năng lượng và chi phí địa phương
Chi phí giảm phát thải biên có thể thay đổi đáng kể giữa các khu vực, ngành nghề và thời điểm khác nhau – chủ yếu do sự khác biệt về:
- Giá năng lượng (điện, xăng, khí…),
- Hệ số phát thải của lưới điện địa phương,
- Chi phí thiết bị và nhân công.
Do đó, cần cập nhật và nội địa hóa dữ liệu đầu vào khi tính toán MAC để phản ánh điều kiện thực tế nơi triển khai. Việc sử dụng các hệ số và giá trung bình toàn cầu có thể dẫn đến sai lệch nghiêm trọng trong đánh giá hiệu quả kinh tế.
3. MACC không phải là công cụ tĩnh
MACC phản ánh bức tranh tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, trong thực tế, các yếu tố như:
- Sự cải tiến công nghệ,
- Biến động giá năng lượng và tín chỉ carbon,
- Chính sách hỗ trợ hoặc quy định mới
Tất cả yếu tố trên đều có thể làm thay đổi chi phí và tiềm năng giảm phát thải của từng biện pháp theo thời gian. Vì vậy, biểu đồ MACC cần được cập nhật định kỳ (ví dụ hàng năm hoặc theo chu kỳ đầu tư) để duy trì tính chính xác và phù hợp với chiến lược chuyển đổi của doanh nghiệp
4. Ví dụ đơn giản: MACC cho doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn
Sau khi đã hiểu rõ các bước xây dựng cũng như những lưu ý kỹ thuật quan trọng, một ví dụ thực tế sẽ giúp minh họa rõ hơn cách thức MACC được áp dụng trong thực tiễn doanh nghiệp. Dưới đây là trường hợp điển hình trong lĩnh vực khách sạn, nơi chủ đầu tư đứng trước bài toán lựa chọn giữa hai giải pháp giảm phát thải với chi phí và hiệu quả rất khác nhau. Qua đó, biểu đồ MACC không chỉ giúp so sánh định lượng, mà còn đóng vai trò như một công cụ ra quyết định chiến lược khi cân nhắc đầu tư vào các giải pháp carbon. Chủ sở hữu của một khách sạn 100 phòng đang cân nhắc giữa hai lựa chọn:
(1) Thay thế toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong phòng bằng đèn LED, hoặc
(2) Lắp đặt hệ thống điện mặt trời (photovoltaic – PV) kết hợp với lưu trữ năng lượng.
Chỉ tiêu | Thay đèn LED | Hệ thống PV & lưu trữ |
Thông tin | Thay thế bóng halogen 45W bằng bóng LED 9W, tỷ lệ sử dụng 70%, trung bình 5 giờ/ngày | Lắp đặt hệ thống điện mặt trời 10kWp kèm lưu trữ năng lượng; không tính trợ cấp hay ưu đãi thuế |
Chi phí đầu tư (CAPEX) | 3.000 € | 22.500 € |
Tiết kiệm vận hành hàng năm | 5.058 € | 2.000 € (sau khi trừ chi phí vận hành) |
Giá trị hiện tại ròng (NPV) | 37.181 € | – 1.311 € |
Lượng CO₂e giảm được (tCO₂e) | 154,0 | 81,2 |
Chi phí giảm phát thải (€/tCO₂e) | – 241,37 € → tiết kiệm và giảm phát thải đồng thời | 16,15 € → có chi phí để giảm phát thải |
Lưu ý | · Khách sạn có 100 phòng, mỗi phòng 6 bóng đèn; chi phí mỗi bóng LED là 5 €; không tính chi phí lao động lắp đặt.
· Giá điện giả định: 0,20 €/kWh. · Tỷ lệ chiết khấu: 7%, thời gian vòng đời ước tính: 12 năm. · Hệ số phát thải CO₂e dùng: 0,406 kgCO₂e/kWh (nguồn: Cơ quan Môi trường Châu Âu, 12/2020). |
· Hệ thống 10kWp lắp trên mái 80m² hướng Tây Nam; chi phí đầu tư: 1.550 €/kWp; hệ thống lưu trữ: 7.000 €.
· Sản lượng điện kỳ vọng: 10.000 kWh/năm; giá điện: 0,20 €/kWh. · Tỷ lệ chiết khấu: 7%, vòng đời hệ thống: 20 năm. · Hệ số phát thải tương tự đèn LED (0,406 kgCO₂e/kWh); không chiết khấu lượng phát thải theo thời gian.
|
Nguồn: Legrand, W. (2021) Hotel Decarbonisation
Trong ví dụ thực tiễn này, dự án thay thế đèn LED là một lựa chọn hấp dẫn vì mang lại giá trị hiện tại ròng (NPV) dương và chi phí giảm phát thải biên (MAC) âm. Ngược lại, khoản đầu tư vào hệ thống điện mặt trời kèm lưu trữ năng lượng có NPV âm nhẹ và MAC dương. Tuy nhiên, dự án này vẫn có thể hợp lý nếu so sánh với chi phí bù đắp carbon (carbon offsetting) nhờ chi phí MAC tương đối thấp là 16,15 €/tCO₂e.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nên xem xét các chính sách hỗ trợ tài chính hoặc ưu đãi dành cho năng lượng tái tạo, vốn chưa được tính đến trong ví dụ này. Thực tế, chỉ cần giảm bớt khoảng 1.500 € trong chi phí đầu tư ban đầu (tức từ 22.500 € xuống 21.000 €) là đủ để dự án đạt NPV dương và MAC âm.
Các giá trị này sau đó được biểu diễn trên đồ thị dưới đây, trong đó:
- Trục tung (Y- axis) thể hiện chi phí giảm phát thải biên, đơn vị là €/tCO₂e,
- Trục hoành (X- axis) biểu thị tổng lượng phát thải được cắt giảm trong suốt vòng đời dự án, đơn vị là tCO₂e.
Nguồn: Legrand, W. (2021) Hotel Decarbonisation
IV. MACC – Công cụ hỗ trợ quyết định đầu tư chiến lược
Trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng chịu áp lực phải chuyển đổi xanh và giảm phát thải theo lộ trình cụ thể, Đường cong chi phí giảm phát thải biên (MACC) nổi lên như một công cụ thiết thực giúp chuyển hóa dữ liệu kiểm kê khí nhà kính thành quyết định đầu tư chiến lược.
Quan trọng hơn, MACC giúp minh bạch hóa lựa chọn, tạo cơ sở để lập kế hoạch ngân sách carbon rõ ràng và có khả năng thuyết phục các bên liên quan – từ lãnh đạo, cổ đông đến tổ chức tài chính.
Để phát huy tối đa giá trị, MACC nên được kết hợp với các khung chiến lược tài chính khí hậu hiện đại như:
- SBTi (Science- Based Targets initiative),
- Sustainability- Linked Loans (SLL) và KPI ESG,
- Hay hệ thống định giá carbon nội bộ.
Cách tiếp cận tích hợp này sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ giảm phát thải một cách hiệu quả, mà còn tối ưu hóa chi phí vốn, nâng cao xếp hạng tín nhiệm ESG và gia tăng lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận phương pháp quản trị phát thải tiên tiến một cách dễ dàng, phần mềm VertZéro do FPT IS phát triển đã tích hợp sẵn chức năng xây dựng và trực quan hóa biểu đồ MACC ngay trong hệ thống kiểm kê khí nhà kính. Từ dữ liệu phát thải thực tế (Scope 1, 2), người dùng có thể thiết lập danh mục biện pháp giảm phát thải, nhập thông tin chi phí – hiệu quả, và theo dõi biểu đồ chi phí biên theo thời gian thực.
Điểm mạnh của VertZéro không chỉ nằm ở việc hỗ trợ doanh nghiệp đo lường phát thải theo chuẩn quốc tế (GHG Protocol, ISO 14064), mà còn ở khả năng chuyển hóa dữ liệu thành công cụ ra quyết định đầu tư carbon có cơ sở định lượng rõ ràng – giúp tối ưu hóa hiệu quả tài chính và môi trường trong dài hạn.
VertZéro cũng đang từng bước tích hợp các tiêu chuẩn tài chính khí hậu quốc tế như PCAF, đồng thời phát triển tính năng xuất báo cáo tự động chỉ với một thao tác (one- click report) theo chuẩn GRI. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ minh bạch hóa dữ liệu phát thải mà còn liên kết chặt chẽ giữa hành động môi trường và chiến lược tài chính, từ quản trị rủi ro khí hậu đến tiếp cận nguồn vốn xanh một cách toàn diện và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- James Tilbury – sustainability consultant
Tilbury, J. (n.d.) How to build a robust marginal abatement cost curve. LinkedIn. Available at: https://www.linkedin.com/pulse/how- build- robust- marginal- abatement- cost- curve- james- tilbury
- Hotel Decarbonisation White Paper
Legrand, W. (2021) Hotel Decarbonisation: A Decision- Making Tool – Marginal Abatement Costs – Focus Hotel Real Estate. Sustainable Hospitality White Paper Series. Available at: https://www.researchgate.net/publication/351972335_Hotel_Decarbonisation_A_Decision- Making_Tool_Marginal_Abatement_Costs_- _Focus_Hotel_Real_Estate
- MACC Curve Deliverable Memo ((Energy Futures Group)
Hill, D.G., Bourguet, E., Binnington, T. and Pradhan, S. (2022) Marginal Abatement Cost Curves: Examining the Mitigation Potential and Cost per Tonne of Emissions Reductions of Measures in the Vermont Pathways Analysis. Energy Futures Group.
- Marginal abatement cost curves for policy making
Kesicki, F. (2011). Marginal abatement cost curves for policy making: Expert- based vs. model- derived curves. UCL Energy Institute, University College London. Presented at the 33rd IAEE International Conference, Rio de Janeiro, June 2010.
Bài viết độc quyền bởi Chuyên gia công nghệ FPT IS
Lê Hà Giang – Green Transformation Specialist, VertZero solution |