Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số: Từ chiến lược đến hành động - FPT IS

Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số: Từ chiến lược đến hành động

Thế giới đang đối mặt với ba cuộc chuyển đổi: chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh và chuyển đổi AI. Và trong cuộc cạnh tranh với toàn cầu, với sự vươn lên về mặt nhân sự của Việt Nam trong công nghệ, Việt Nam sẽ trở thành cái nôi cung cấp tài năng công nghệ cho thế giới. Đặc biệt, trong cách mạng chuyển đổi số, dữ liệu sẽ chuyển đổi thành tiền và Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội và định vị vị thế của mình – Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình khẳng định tại sự kiện FPT Techday vừa diễn ra.

Anh 1 50 1007x723 1731987617

“Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng thuật ngữ “cách mạng chuyển đổi số” là sự lựa chọn cực kỳ phù hợp với Việt Nam vì “cách mạng chuyển đổi số” tập trung vào sức mạnh của con người. Người Việt Nam không thua bất kỳ dân tộc nào về sức sáng tạo, tinh thần học hỏi. Khi chúng ta khai thác sức mạnh ấy sẽ là bước đi chiến lược, Việt Nam sẽ trở thành cái nôi cung cấp tài năng công nghệ cho thế giới. Dữ liệu sẽ chuyển thành tiền”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ tại sự kiện FPT Techday.

Câu chuyện này cũng được các chuyên gia thảo luận sôi nổi trong tọa đàm “Khai thác sức mạnh dữ liệu trong kỷ nguyên số: Từ chiến lược đến hành động” diễn ra trong khuôn khổ sự kiện. Phiên toạ đàm được điều phối bởi ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT cùng sự tham gia của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an; ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.

Nội dung toạ đàm được truyền cảm hứng và dẫn dắt mạnh mẽ từquan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng, Chính phủ cũng như các Luật, Nghị định, chính sách về dữ liệu được ban hành, thảo luận trong thời gian gần đây như Luật dữ liệu, Luật bảo vệ dữ liệu, thu hút gần 1.000 khách mời trong khuôn khổ Techday 2024 chiều 14/11.

Dữ liệu là tài nguyên vô giá của quốc gia, “nhiên liệu” cho cách mạng chuyển đổi số

“Chúng tôi đã mất ngủ cả đêm khi lần đầu tiên Tổng Bí thư phát biểu chuyển đổi số là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đây thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ như FPT. Vậy FPT sẽ làm gì để cùng đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới?”. Đây là chia sẻ của Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa tại phiên hội thảo chiều ngày 14/11 trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ quốc tế FPT 2024. Theo ông Khoa, FPT xác định, kỷ nguyên tương lai là dữ liệu, làm sao khai thác được dữ liệu. Dữ liệu giống như dầu mỏ nằm sâu dưới lòng đất và phải trải qua nhiều khâu khai thác, sơ chế để tạo ra sản phẩm. Dữ liệu là tài nguyên mới, để khai thác nguồn dữ liệu mới này thành tiền không dễ chút nào.

Anh 4 50 1007x723 1731988760

“Thực tiễn hiện nay, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn, đó là liệu có thể biến dữ liệu trở thành một tài nguyên, nguyên liệu sản xuất được không?”, ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng giám đốc FPT IS, Tập đoàn FPT đặt vấn đề tại phiên tọa đàm.

Nền móng khởi tạo nguồn dữ liệu chất lượng

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư – Bộ Công an, Nghị quyết 175 /NQ-CP của Chính phủ về phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia xuất phát từ Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong quá trình triển khai, Đề án 06 có 5 nhiệm vụ: Cải cách thủ tục hành chính, phát triển công dân số, ứng dụng dữ liệu vào phát triển kinh tế xã hội, làm giàu dữ liệu dân cư và sử dụng dữ liệu để hoạch định chính sách. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cả 5 vấn đề đều có những tồn tại vướng mắc và Nghị quyết 175 ra đời để giải quyết một trong những vấn đề đó.

 Nghị quyết 175 ra đời với định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia được chuẩn hóa và để phục vụ cho công việc của Chính phủ, của xã hội cũng như doanh nghiệp, công dân. Bên cạnh đó, Nghị quyết sẽ giải quyết bài toán thay đổi vấn đề về trao đổi, phân phối dữ liệu khi thực tế trong quá trình triển khai Đề án 06, có khá nhiều dữ liệu ở nhiều bộ, ngành, địa phương nhưng chưa liên kết được với nhau.

Trong quá trình triển khai, để bảo đảm nền tảng về tài nguyên, về năng lực công nghệ cho các bộ, ngành để triển khai được những bài toán về công nghệ thông tin, dữ liệu cũng là vấn đề lớn. Nghị quyết 175 ra đời sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các bộ, ngành, đặc biệt những bộ, ngành, địa phương chưa đủ điều kiện có nền tảng hạ tầng công nghệ.

“Khi chúng ta bảo đảm được những điều kiện đấy mới có thể đủ cơ sở dữ liệu lớn để ứng dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến hiện nay như AI, blockchain, big data… Đồng thời, chúng ta cũng có thể giải quyết được triệt để hơn về các thủ tục hành chính, tạo nền tảng để nghiên cứu phát triển ứng dụng dữ liệu để giải quyết bài toán nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương cũng như những bài toán công cụ phục vụ cho doanh nghiệp, công dân. Đó chính là những mục tiêu mong muốn của Nghị quyết 175 ngay khi hình thành nên Trung tâm dữ liệu quốc gia”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện nay có 4 dữ liệu chính chúng ta cần nắm lấy để quản trị xã hội: ĐINH – về dân cư; ĐIỀN – về đất đai; TIỀN – về tài chính; TRIỆN – tổ chức bộ máy làm sao cho hiệu quả nâng cao hiệu lực hiệu năng quản lý nhà nước. Chúng ta quản trị trong thời đại mới cần nhìn vào dữ liệu, dữ liệu sẽ nói cho chúng ta làm thế nào để ra quyết định đúng đắn nhất.

Anh 7 50 1007x723 1731988763

Mỗi giây dữ liệu sinh ra từ các hệ thống công nghệ của con người gấp nhiều lần tất cả dữ liệu của cả lịch sử loài người từ trước tới nay nên việc khai thác được lượng dữ liệu khổng lồ là bài toán không đơn giản. “Đồng thời chia sẻ dữ liệu ra sao, các bên khai thác công khai minh bạch thế nào phải chờ Luật về dữ liệu đi vào hoạt động. Chúng ta cần xây dựng được bộ luật về dữ liệu thật khoa học và các bên đều được tham gia làm giàu và khai thác dữ liệu đó khoa học”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bước chuyển nhỏ nhưng thay đổi lớn với dữ liệu

Các chia sẻ tại tọa đàm đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng về những bước tiến, chương trình hành động cụ thể của các đơn vị đầu ngành trong việc hoạch định chiến lược cũng như khai thác nguồn dữ liệu quan trọng để tạo ra giá trị, dịch vụ mới phục vụ hiệu quả cho công tác quản trị điều hành và các dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân. Nếu dữ liệu là tài nguyên thì có thể nói dữ liệu của Bộ Tài chính là vàng.

Đơn cử như với Bộ Tài chính – đơn vị quản lý nguồn dữ liệu vàng quan trọng từ thuế, hải quan, bảo hiểm… có tầm ảnh hưởng to lớn lên nhiều mặt trong vận hành ở nhiều khía cạnh, lĩnh vực đã có những định hướng và hành động cụ thể, quyết liệt. Ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho hay, để tạo nên các nguồn dữ liệu đầu vào để tổ chức dữ liệu cho ngành tài chính, đến năm 2019, Cục Tin học và Thống kê tài chính đã hoàn thành phê duyệt Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính.

Anh 8 50 1007x723 1731988699

Bộ Tài chính đang liên tục phát triển và duy trì các hệ thống gần 100 phần mềm ứng dụng để làm nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho cơ sở dữ liệu, từ đó mới có dữ liệu để chia sẻ và phục vụ cho Đề án 175.

“Hệ thống thông tin này bên cạnh để quản lý điều hành nội bộ của ngành tài chính thì còn là mục tiêu để chia sẻ và cung cấp thông tin cho các cơ quan chính phủ, cung cấp cho các người dân và doanh nghiệp bên ngoài. Chúng tôi tin chắc rằng thông qua Đề án 175, Chiến lược dữ liệu quốc gia, chúng ta sẽ có được nền tảng chia sẻ, hệ thống chỉ tiêu nhất quán, để từ đó chúng tôi có thể có được sự chủ động trong việc tổ chức trao đổi dữ liệu thống nhất với các cơ quan bên ngoài”, ông Hà chia sẻ.

Dẫn dắt phiên toạ đàm, ông Minh lấy dẫn chứng, tại Hà Nội, một ngày, app VNeID đang xử lý 800 dữ liệu tư pháp. Trước đây, để lấy được xác minh lý lịch tư pháp người dân cần đến các cơ quan chính quyền địa phương tùy theo phân cấp, chờ vài ngày và đóng phí nhưng hiện tại chúng ta có thể làm dịch vụ đó hoàn toàn trên VNeID. Đây là thành công nhỏ về công nghệ nhưng là sự thay đổi lớn đóng góp cho xã hội.

Anh 10 1007x722 1731989075

Chia sẻ về thành tựu chuyển đổi số của thủ đô, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho hay, Hà Nội vừa được nhận 2 giải thưởng về thành phố thông minh: hạ tầng thông minh và dịch vụ công trực tuyến thông minh. Đây là thành quả chứng minh cho sự nỗ lực của Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ban, ngành thành phố dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong 2 năm vừa qua.

Hà Nội cũng đang tiến tới khai trương trung tâm dữ liệu (data center) chính của thành phố theo mô hình điện toán đám mây hiện đại theo hình thức thuê dịch vụ. Trung tâm này được Ban Chỉ đạo Đề án 06 và Thủ tướng Chính phủ đánh giá rất cao cách làm của Hà Nội về hình thức thuê dịch vụ.

Sắp tới, Hà Nội sẽ chính thức ban hành chiến lược dữ liệu của thủ đô. Hà Nội sẽ có những kế hoạch cụ thể để phát triển cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Xã hội số, Công dân số.

Về xã hội số, thành phố sẽ phát triển các lớp phân tích dữ liệu về chuyên ngành, kinh tế ngành và hiện trường. Trong đó, hiện trường bao gồm dữ liệu phản ánh của công dân, dữ liệu từ các camera giám sát, quan trắc môi trường, lũ lụt… Và cuối cùng là dữ liệu không gian. “Chuyển đổi số và khai thác dữ liệu sẽ là cách tiếp cận tốt nhất để hiện thực hóa mục tiêu đó”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho rằng quản trị ở thời đại mới, dữ liệu sẽ giúp chúng ta ra quyết định đúng đắn để giải đúng bài toán ở thời điểm cụ thể. Theo đó, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan ban, ngành khác để triển khai hiệu quả dữ liệu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Dữ liệu số là tài sản quốc gia, càng khai thác thì đất nước càng phát triển. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện yêu cầu “thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý”, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện Đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua việc kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; Đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số; Tăng cường truyền thông về chuyển đổi số.

Cơ hội cho doanh nghiệp đón làn sóng thay đổi dữ liệu

Bàn luận tại phiên toạ đàm, các lãnh đạo cùng khẳng định vấn đề cơ bản nhất để phục vụ quá trình khai thác dữ liệu là phải có kinh tế, công nghệ.

Anh To 2 5 2047x1152 1731989073

Phiên toạ đàm sự kiện FPT Techday.

Chia sẻ về sự tham gia của các công ty công nghệ và doanh nghiệp có thể đóng góp như nào vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, về mặt công nghệ, các tập đoàn công ty lớn như FPT vẫn đang đồng hành với Bộ Công an trong công tác thiết kế triển khai giải pháp phù hợp để có thể triển khai thành công hệ thống dữ liệu quốc gia.

“Quan trọng hơn là định hướng về sau, khi chúng ta đã có được hệ thống dữ liệu quốc gia rồi thì nó mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp cho người dân và ngược lại, các doanh nghiệp có thể đóng góp được gì cho dữ liệu quốc gia? Dữ liệu là nguồn tài nguyên quý giá và không thể thiếu được trong công cuộc phát triển số. Cơ sở dữ liệu quốc gia khi ra đời sẽ giúp người dân cũng như doanh nghiệp thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục. Cùng với đó, việc đóng góp của các doanh nghiệp và công dân vào trong quá trình phát triển hệ thống chung là điều cực kỳ quan trọng, bởi khi chúng ta đã có nguồn dữ liệu đủ lớn thì chúng ta mới có thể ứng dụng các giải pháp và hoạch đinh được giải pháp đúng đắn phù hợp”.

Anh 5 50 1007x723 1731989070

​​Ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính thì cho rằng, vấn đề cơ bản nhất để phục vụ quá trình khai thác dữ liệu là phải có kinh tế. Muốn chuyển đổi số phải có kinh phí. Do đó, doanh nghiệp cũng cần có sự đầu tư, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư, song hành cùng sức mạnh công nghệ.

Song hành cùng bài toán dữ liệu, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, trong 25 năm ra nước ngoài, FPT đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu trong việc thiết kế, làm giàu và khai thác dữ liệu một cách minh bạch. Định hướng của FPT trong kỷ nguyên mới của đất nước sẽ tập trung vào 3 trụ cột là nhân lực chất lượng cao, bảo vệ dữ liệu và chủ quyền của Việt Nam trên không gian số và biến dữ liệu thành tiền.

Về nhân lực chất lượng cao, theo ông Khoa, hiện FPT có hơn 80.000 nhân sự và đang phấn đấu đạt con số 1 triệu nhân sự vào năm 2035. Ông Khoa cũng cho biết, hiện STEM, AI, robotic đã được các tổ chức giáo dục đưa vào chương trình đào tạo cấp phổ thông và đại học, và đây chính là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho kỷ nguyên mới.

Về dữ liệu, ông Khoa cũng nhấn mạnh, trong kỷ nguyên mới, dữ liệu chính là nguồn dầu mỏ, là huyết mạch của nền kinh tế.

Anh 9 1007x722 1731989067

Hiện FPT đang song hành cùng chính phủ và các bộ ngành địa phương thúc đẩy triển khai Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. “Chúng tôi đã lựa chọn một số mô hình để triển khai đề án, để làm sao từ nay đến 2025 đạt được một số kết quả, tạo điều kiện thuận tiện cho công chức làm việc để phục vụ người dân một cách tốt nhất”, ông Khoa nhấn mạnh.

FPT cũng đồng hành chặt chẽ cùng các địa phương, bộ ngành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế…Với các doanh nghiệp, FPT cũng đang cùng họ nâng cao năng lực quản trị số để trở thành những doanh nghiệp điều hành dựa trên dữ liệu theo thời gian thực. FPT sẽ cùng các doanh nghiệp tích hợp AI vào trong tất cả các hoạt động của doanh nghiệp để tạo ra những giá trị mới cũng như lợi thế cạnh tranh.

Cùng với ba trụ cột trên, hiện FPT cũng đang nỗ lực thiết lập một hạ tầng số mới, nâng cao khả năng tính toán và phân tích dữ liệu, cùng đồng hành đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Theo ông Trương Gia Bình, các tổ chức, doanh nghiệp đang phải đối diện với nhiều thách thức và giới hạn cần tuân thủ và AI là chìa khóa để hiện đại hóa. Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Thời vận của Việt Nam đã đến khi có nguồn nhân sự trẻ và tài năng, đây chính là nguồn lực cho giai đoạn mới. Thời gian qua, FPT đã, đang và sẽ làm mọi thứ để đưa AI, STEM, Robotic vào hệ thống giáo dục. Đặc biệt là con người phải làm chủ công nghệ, làm chủ AI để không bị những nhân sự giỏi AI cướp mất việc trong kỷ nguyên số”.

Chia sẻ:
FPT IS

FPT IS

Tin liên quan

FPT IS đồng hành cùng Bộ Công an ứng dụng dữ liệu công dân vào cuộc sống
Tin tức - 09/01/2024

FPT IS đồng hành cùng Bộ Công an ứng dụng dữ liệu công dân vào cuộc sống

Tại vòng chung kết cuộc thi Data For Life 2023 do Bộ Công an tổ chức, tham dự với tư cách giám khảo, ông Trần Đăng Hòa – Chủ...
FPT IS đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp Tây Nam Bộ
Tin tức - 15/05/2023

FPT IS đồng hành chuyển đổi số cùng doanh nghiệp Tây Nam Bộ

Ngày 12/05, tại TP Cần Thơ, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã tham gia sự kiện “Kết nối giao thương cụm Tây Nam Bộ...
FPT IS làm chủ công nghệ chữ ký số từ xa – xu hướng tất yếu trong thời đại số
Tin tức - 24/12/2021

FPT IS làm chủ công nghệ chữ ký số từ xa – xu hướng tất yếu trong thời đại số

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép Cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký...
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân