Lãnh đạo FPT cùng lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương bàn về chính sách, chiến lược để đón đầu làn sóng bán dẫn
Vừa qua, ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT đã chủ trì phiên tọa đàm “Chính sách cần thiết để thúc đẩy xây dựng và phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam” tại sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam – châu Á. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức, đã diễn ra thành công với chủ đề “Thành phố thông minh – Kinh tế số – Phát triển bền vững”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT& TT, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định chiến lược phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam, được ban hành theo quyết định số 1018 QĐ-TTg ngày 21/9, đặt ra mục tiêu rất cụ thể tạo dựng nền tảng vững chắc cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, hướng tới việc phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp chính là nâng cao năng lực sản xuất và nghiên cứu, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ và tạo ra hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ hiện đại.
Toàn cảnh phiên tọa đàm “Chính sách cần thiết để thúc đẩy xây dựng và phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam”.
Đi sâu vào những sáng kiến thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam, phiên “Chính sách cần thiết để thúc đẩy xây dựng và phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam” tập trung thảo luận về bài toán hàng đầu về xây dựng chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư, mở rộng năng lực phát triển của ngành bán dẫn. Tọa đàm do ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT chủ trì, với sự góp mặt diễn giả hàng đầu gồm: Ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Lê Hoàng Phúc – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo, Sở TTTT Đà Nẵng, ông Nguyễn Trần Thuật – Sáng lập InfraSen, Phó giám đốc Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Trần Đăng Hoà – Chủ tịch FPT IS, Tập đoàn FPT phát biểu tại tọa đàm.
Đặt vấn đề, ông Hoà cho biết: “Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, ngoài các chính sách vĩ mô, chúng ta cũng cần tập trung vào các chính sách vi mô cụ thể hơn, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở như đất đai, nước và điện sạch… Theo đó, câu chuyện thực tế đang triển khai tại địa phương đi đầu như TP Hà Nội, TP Đà Nẵng… hay doanh nghiệp sẽ cơ sở gợi mở sáng kiến để hoàn thiện chính sách trong ngành”.
Ông Hà Minh Hải – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ tại sự kiện.
Từ góc nhìn Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay là định hướng thu hút đầu tư quan trọng của thành phố. Thời gian qua, Trung tâm xúc tiến luôn bám sát theo chính sách của Chính phủ ban hàn, lấy đó làm cơ sở thực thi và thúc đẩy kết nối đầu tư. Trong quá trình đó, ông Hải phân tích khi đi vào thực tế, việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng điện, nước, giao thông… đóng vai trò tiên quyết tới quyết định đầu tư mà các doanh nghiệp, địa phương cần lưy ý.
Song song, từ phía thành phố Đà Nẵng – địa hạt công nghệ đất nước, ông Lê Hoàng Phúc cũng dẫn chứng hoạt động nổi bật trong ngành bán dẫn. Với việc ban hành Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Nổi bật trong đó là chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế thu nhập cá nhân; chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng ngành vi mạch, bán dẫn; chính sách cho thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng thông tin không thông qua đấu giá, thực hiện chỉ định thầu, mua sắm các trang thiết bị đặc thù từ đối tác chiến lược thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Trần Thuật chia sẻ thách thức trong hai bài toán chi phí trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất và giảm bớt các hoạt động trung gian trong luồng xuất – nhập khẩu của quá trình sản xuất bán dẫn. Theo đó, ông Thuật bày tỏ trong tương lai, không chỉ tại địa phương mà Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ chính sách giúp doanh nghiệp tham gia thuận lợi, hiệu quả trong chuỗi bán dẫn toàn cầu.
Đúc rút phiên tọa đàm, ông Trần Đăng Hoà cho rằng để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần sự chung tay của Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chính sách ưu đãi và nguồn nhân lực chất lượng. Trên hành trình đó, với vai trò đơn vị tiên phong trong thiết kế chip bán dẫn tại Việt Nam, FPT cam kết đồng hành đóng góp nguồn lực, công nghệ cùng Việt Nam trở thành quốc gia dùng đũa tiếp theo theo đón đầu làn sóng bán dẫn, vươn mình trong kỷ nguyên mới.