Mở khóa tăng trưởng cho ngân hàng nhờ sức mạnh dữ liệu
Tại Diễn đàn cấp cao về Chuyển đổi số Ngân hàng (Smart Banking) 2023, các chuyên gia công nghệ từ Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã đưa ra nhiều đề xuất giúp ngành ngân hàng tận dụng sức mạnh dữ liệu để thúc đẩy hoạt động kinh doanh hiệu quả đồng thời tối ưu vận hành nhờ tự động hóa.
Khai thác dữ liệu là trọng tâm trong chuyển đổi số ngành ngân hàng
Vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Cục CNTT – Ngân hàng Nhà nước, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cùng Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức Hội thảo và triển lãm quốc tế Smart Banking 2023 tại Hà Nội, với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số”. Sự kiện quy tụ đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính, các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo đầu ngành để cùng thảo luận về những vấn đề nổi bật trong ngành ngân hàng hiện nay.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, ngành ngân hàng đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Khẳng định chuyển đổi số ngành ngân hàng đang đi đúng hướng, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết ngành ngân hàng đã sớm có kế hoạch chuyển đổi số với nhiều mục tiêu có thể đo, đếm được. Một trong 9 nhóm giải pháp được đề ra trong kế hoạch là phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số.
Dữ liệu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong ngành ngân hàng khi hàng loạt quyết định quan trọng được tổ chức khởi tạo mỗi ngày, bao gồm các vấn đề liên quan tới vận hành, pháp lý, kinh doanh… Chia sẻ quan điểm về xu hướng ứng dụng dữ liệu trong ngành ngân hàng, ông Sarat Kumar Saikia – Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị rủi ro và tài chính, FPT IS cho rằng dữ liệu là chìa khóa để doanh nghiệp mở “cánh cửa” cho cơ hội và sự tăng trưởng. Với bài tham luận “Data is the Key – Business is the Door”, ông Sarat nhấn mạnh dữ liệu đang trở thành tài sản số của ngân hàng.
Ông Sarat Kumar Saikia – Giám đốc tư vấn giải pháp quản trị rủi ro và tài chính, FPT IS cho rằng dữ liệu là chìa khóa để doanh nghiệp mở “cánh cửa” cho cơ hội và sự tăng trưởng.
“Trong bối cảnh ngân hàng chuyển dịch từ phương thức hoạt động truyền thống sang ngân hàng số, và tiến tới trở thành các Neobank (ngân hàng thuần số – gần như ngân hàng không có bất kỳ một chi nhánh cũng như phòng giao dịch vật lý nào), khai thác hiệu quả dữ liệu sẽ tạo ra “xung lực” quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và kiến tạo lợi thế kinh doanh bền vững”, chuyên gia FPT IS cho biết.
Tận dụng “mỏ vàng” dữ liệu: Ngành ngân hàng bứt phá tăng trưởng
2023 được Chính phủ định hướng là năm dữ liệu số. Các ngân hàng, tổ chức tài chính nói riêng và doanh nghiệp nói chung đang có cơ hội và được tạo động lực lớn trong việc khai thác dữ liệu, không chỉ tới từ mục tiêu kinh doanh mà còn tới từ chính sách của nhà nước.
Để tận dụng tốt cơ hội này, ông Sarat cho rằng ngân hàng cần xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu hiệu quả: “FPT IS nhận thấy tiến trình trở thành doanh nghiệp dữ liệu (data driven business) cần trải qua 3 giai đoạn: (1) Data Disengaged – tổ chức hiếm khi sử dụng dữ liệu trong quá trình hoạt động, (2) Data Enabled – công nghệ, con người và quy trình trong doanh nghiệp được tối ưu nhờ quản trị dữ liệu, (3) Data Driven – dữ liệu trở thành tài sản, giúp doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh, trở thành tổ chức “data first”.
Khi đã xác định lộ trình rõ ràng, doanh nghiệp cần sự vào cuộc của công nghệ. Với hệ sinh thái giải pháp toàn diện, cùng kinh nghiệm song hành trong 3 thập kỷ với ngành ngân hàng, FPT IS đã đề xuất nhiều công nghệ chiến lược để các ngân hàng, tổ chức tài chính hoàn thiện hệ thống quản trị dữ liệu.
Để tối ưu hóa dữ liệu, FPT giới thiệu Nền tảng tích hợp, quản lý và khai thác dữ liệu – FPT.dPlat giúp ngân hàng, tổ chức tài chính có thể xây dựng kế hoạch chương trình quản trị dữ liệu, triển khai các bài toán phân tích dữ liệu nâng cao, từ đó, hỗ trợ lãnh đạo và từng cán bộ nâng cao hiệu suất công tác và chất lượng công việc. FPT.dPlat cung cấp hệ sinh thái hoàn chỉnh cho việc thu thập, xử lý, khai thác và khai phá dữ liệu dựa trên nguồn mở, với các công cụ đa dạng, giàu tính năng, giúp tối ưu hiệu năng, an toàn và giảm thiểu chi phí cho cơ quan tài chính.
FPT IS trình diễn hệ sinh thái sản phẩm số cho ngành ngân hàng.
Thêm vào đó, công cụ Smart Search – giải pháp tìm kiếm thông minh cho phép người dùng tìm kiếm nội dung. Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI), giải pháp giúp quản lý, kiểm soát hoàn toàn quyền riêng tư dữ liệu và đáp ứng sự tuân thủ tìm kiếm tất cả các loại dữ liệu: từ các ứng dụng như CRM, ERP. Giải pháp được ứng dụng bởi hơn 3.000 người dùng, tiết kiệm hơn 46.000 giờ lao động/năm, tương ứng với 17 tỷ đồng/năm.
Giải pháp phòng chống tội phạm tài chính – FPT.AFC sử dụng phân tích dữ liệu để xác định và ngăn chặn hoạt động gian lận, được ứng dụng trong các dịch vụ tài chính ngân hàng, thương mại điện tử và bảo hiểm. Với hai chức năng chính: Sàng lọc khách hàng – xác minh danh tính của khách hàng và đánh giá nguy cơ tham gia vào hoạt động gian lận và Lọc giao dịch – xác định và cảnh báo các giao dịch gian lận hoặc đáng ngờ, FPT.AFC giúp giảm tới 80% thời gian dành cho việc giám sát an toàn thông tin.
Đồng thời, FPT IS cũng mang tới công cụ xây dựng chân dung khách hàng 360 độ. Bức tranh về hành trình bao gồm mọi tương tác của khách hàng với công ty, từ lần liên hệ đầu tiên cho đến lần mua hàng gần nhất đều được theo dõi trên hệ thống. Thấu hiểu hành vi khách hàng, giải pháp tiếp tục tự động đề xuất các sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất tiếp theo cho từng khách hàng cụ thể nhờ công nghệ AI. Qua đó, giải pháp giúp tăng 7% lượng khách hàng kích hoạt lại thẻ tín dụng, tăng 10% lượng khách hàng kích hoạt lại khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Với tầm nhìn đồng hành kết nối, cộng hưởng giá trị và thúc đẩy kinh doanh cùng ngân hàng và doanh nghiệp, FPT cũng phát triển Hệ sinh thái tài chính số – TradeFlat giúp xử lý các nghiệp vụ L/C trên nền tảng thống nhất, toàn trình (end-to-end). Qua đó, giải pháp mang đến những hiệu quả nổi bật trong hoạt động thương mại như giảm 90% thời gian chuyển giao giấy tờ so với luồng giao dịch tài trợ truyền thống, giảm 50% thời gian xử lý tác nghiệp của nhân viên ngân hàng, tăng 3 lần năng suất và hiệu quả công việc. Mô hình được đồng hành nghiên cứu và tin tưởng phát triển bởi các ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam.
Bên cạnh khai thác dữ liệu, FPT IS đã giới thiệu giải pháp giúp tối ưu hoạt động vận hành cho ngành ngân hàng. Bà Nguyễn Minh Nguyên Thành – Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của akaBot, FPT IS nhấn mạnh công nghệ tự động hóa bằng robot ảo (RPA) có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao trải nghiệm của cả nhân viên và khách hàng.
“Bắt đầu từ những quy trình đơn giản nhất, các trợ lý ảo của akaBot có thể mô phỏng các thao tác lặp đi lặp lại, hỗ trợ nhân viên thực hiện các tác vụ thủ công và có tính chất nhàm chán. “Trong akaBot, chúng tôi có khái niệm riêng với tên gọi: Liên minh người và robot. Việc ứng dụng tự động hóa quy trình không phải để robot thay thế con người, mà mục đích chính để giải phóng nhân viên khỏi các nghiệp vụ nhàm chán. Từ đó, các nhân sự trong ngân hàng sẽ có thể triển khai các nghiệp vụ nâng cao hơn liên quan đến đánh giá, phân tích và đóng góp vào chiến lược doanh nghiệp”, bà Thành chia sẻ.
Bà Nguyễn Minh Nguyên Thành – Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của akaBot, FPT IS nhấn mạnh công nghệ RPA giúp cao trải nghiệm của cả nhân viên và khách hàng.
Với hơn 1.000 quy trình tự động hóa đã được triển khai ở hơn 20 ngân hàng lớn như TPBank, BIDV, Liên Việt Postbank, HDBank…, trợ lý ảo của akaBot đã giúp giải phóng hơn 1 triệu nhân viên của các ngân hàng khỏi các tác vụ nhàm chán; rút ngắn 70% thời gian xử lý quy trình và tiết kiệm tới 2 triệu giờ làm việc/năm. Đây là hiệu quả cốt lõi giúp cải thiện sự hài lòng và trải nghiệm của nhân viên trong tổ chức. Bên cạnh đó, với việc xử lý nghiệp vụ nhanh và đảm bảo chính xác tới 100%, trải nghiệm số của khách hàng tại các tổ chức tài chính – ngân hàng cũng được cải thiện thêm gần 34%.
Sẵn sàng công nghệ và nguồn lực, FPT IS kỳ vọng được tiếp tục sòng hành toàn diện cùng ngành ngân hàng để cùng khai thác sức mạnh công nghệ và dữ liệu, kiến tạo sức mạnh kinh doanh, hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi số của doanh nghiệp nói riêng, của Chính phủ nói chung.