Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2021: FPT IS tự tin đồng hành cùng các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thông tin trong thời đại số
Ngày 25/11, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức Hội thảo – Triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” với chủ đề “An toàn thông tin trong chuyển đổi số – Thách thức và giải pháp”, với sự tham dự của hơn 2.000 khách mời trên các kênh trực tuyến và điểm cầu chính tại Hà Nội. Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) là nhà tài trợ Vàng cho Hội thảo này.
Phát biểu định hướng tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Muốn an toàn thì phải ý thức về sự không an toàn. Cách tốt nhất để giảm thiểu rủi ro là tăng cường sử dụng công nghệ số. Sợ hãi và không dùng công nghệ số thì tụt hậu, nên muốn an toàn chúng ta phải chấp nhận rủi ro. Không có rủi ro bằng 0, chỉ có quản lý rủi ro và rủi ro ở mức chấp nhận được.
Trong thế giới thực, mỗi nhà đều có cửa, khóa, thì trong thế giới số, mỗi thiết bị truy cập, mỗi kho dữ liệu của mỗi người dân cũng phải có cửa và khóa. Để làm được điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp an toàn thông tin (ATTT), hiệp hội ATTT cũng như các cơ quan, đơn vị truyền thông. Cơ hội chuyển đổi số cũng giống như bất kỳ cơ hội nào, chỉ mang tính thời điểm, nếu không nắm bắt sẽ nhanh qua đi. ATTT mạng là điều kiện tiền đề để chuyển đổi số thành công, và chúng ta cần chung tay đảm bảo không gian mạng Việt Nam an toàn và lành mạnh”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu định hướng tại Hội thảo.
Dựa trên những định hướng của các cấp lãnh đạo và mục tiêu của Hội thảo, trong suốt ngày 25/11, các diễn giả và khách mời đã cùng nhau chia sẻ và thảo luận về vai trò quan trọng của ATTT và phương pháp đảm bảo ATTT trong chuyển đổi số cũng như trong giai đoạn thích ứng với COVID-19 như hiện nay.
Tại phiên chuyên đề “Bảo đảm ATTT cho dữ liệu và giao dịch trực tuyến”, ông Lê Hoàng Đương – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, FPT IS cho biết với mong muốn tăng sự tiện lợi cũng như mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng của mình, các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng sử dụng các nền tảng, ứng dụng thanh toán trực tuyến như internet banking, e-banking, ví điện tử… Tuy nhiên, lợi dụng xu hướng này, nhiều đối tượng đã và đang sử dụng các thủ đoạn tinh vi để đánh cắp tài khoản và chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Ông Lê Hoàng Đương – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng, FPT IS.
Trước thực trạng đó, đội ngũ chuyên gia bảo mật của FPT IS đã không ngừng nghiên cứu và đưa ra thị trường những giải pháp, dịch vụ bảo mật tốt nhất, từ phòng thủ, tấn công, đến tư vấn, nhằm bảo vệ người dùng và hạn chế thấp nhất hậu quả của các cuộc tấn công. Trong đó, liên quan đến giao dịch trực tuyến, FPT IS hiện cung cấp 3 nhóm giải pháp chính gồm: Dịch vụ tư vấn, Dịch vụ đánh giá lỗ hổng bảo mật và Dịch vụ giám sát ATTT 24/7.
Đối với mảng Tư vấn, FPT IS tự hào là công ty Việt Nam đầu tiên được tổ chức PCI SSC cấp chứng nhận PCI QSA, cho phép FPT IS được tư vấn, đánh giá và cấp chứng chỉ quốc tế về bảo mật thẻ thanh toán – PCI DSS. Việc chuẩn hoá hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) theo tiêu chuẩn PCI DSS giúp các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính đang lưu trữ, truyền tải, xử lý dữ liệu thẻ được quản lý bởi 5 tổ chức thanh toán thẻ gồm Visa, MasterCard, American Express, Discover và JCB, hạn chế rủi ro bị đánh cắp thông tin, tăng cường bảo mật cho dữ liệu thẻ thanh toán, từ đó nâng cao uy tín và thương hiệu. Bên cạnh đó, FPT IS cũng cung cấp dịch vụ tư vấn tuân thủ tiêu chuẩn ISO 27001 về Hệ thống An ninh ATTT (Information Security Management System – ISMS), giúp tổ chức, doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống CNTT, quy trình hoạt động, nâng cao nhận thức ATTT cho cán bộ, nhân viên, nhằm kiểm soát và giảm thiểu rủi ro về ATTT.
Liên quan đến giao dịch trực tuyến, FPT IS hiện cung cấp 3 nhóm giải pháp chính gồm: Dịch vụ tư vấn, Dịch vụ đánh giá lỗ hổng bảo mật và Dịch vụ giám sát ATTT 24/7.
Ngoài ra, dịch vụ đánh giá lỗ hổng bảo mật VA và dịch vụ kiểm thử xâm nhập Pentest giúp các khách hàng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các lỗ hổng gây mất an toàn cho hệ thống và các ứng dụng CNTT. Trong khi đó, nắm bắt xu hướng giám sát 24x7x365, FPT IS cũng đang cung cấp dịch vụ FPT.EagleEye mSOC với 4 chức năng chính gồm Record (Ghi nhận), Detect (Phát hiện), Investigate (Điều tra), Act (Phản ứng). Tất cả đều được thực hiện một cách chi tiết, chính xác, nhanh chóng, từ đó làm giảm nguy cơ gây mất an toàn, an ninh mạng cũng như thiệt hại gây ra bởi các cuộc tấn công.
2021 đánh dấu lần thứ 14 Hội thảo – Triển lãm quốc tế “Ngày An toàn thông tin Việt Nam” được tổ chức với sự tham dự của nhiều lãnh đạo Bộ/ban/ngành, các lãnh đạo tỉnh/thành phố, các chuyên gia đến từ nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam và quốc tế như FPT, Viettel, VNPT, CMC, Fortinet, F-Secure, Huawei, IBM, Checkpoint… cùng đại diện các hiệp hội, trường học, tổ chức tài chính. Ngoài các phiên Hội thảo, triển lãm trực tuyến với hơn 30 gian hàng giới thiệu các giải pháp ATTT cũng thu hút sự quan tâm của các khách mời trong và ngoài nước.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 2.000 khách mời trên các kênh trực tuyến và điểm cầu chính tại Hà Nội.