CEO FPT IS trả lời Tạp chí Gỗ và Nội thất: “Gia tăng hàm lượng sáng tạo để thu hút nhân lực trẻ” - FPT IS

CEO FPT IS trả lời Tạp chí Gỗ và Nội thất: “Gia tăng hàm lượng sáng tạo để thu hút nhân lực trẻ”

Vừa qua, Tổng Giám đốc FPT IS Nguyễn Hoàng Minh đã có những chia sẻ trên Tạp chí Gỗ và Nội thất – Ấn phẩm của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA)về tiềm năng của ngành chế biến gỗ tại Việt Nam, kinh nghiệm gia tăng chất lượng và vị thế cho ngành dựa trên sức mạnh của công nghệ, cùng những yếu tố then chốt giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong ngành kinh tế quan trọng này.

Hawa 1718702941

Tổng Giám đốc FPT IS Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ trên Tạp chí Gỗ và Nội thất số 98.

Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

Chế biến gỗ, sản xuất nội thất tại Việt Nam được xem là ngành kinh tế xuất khẩu chủ lực. Nhưng hiện “lực” chỉ mới tập trung vào khâu sản xuất, gia công. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, con đường cạnh tranh toàn diện của ngành cần có nguồn lực chính trong nền kinh tế tri thức, đó là sáng tạo và đổi mới sáng tạo.

PV: Có điều kiện tiếp cận với nhiều doanh nghiệp (DN) nội thất lớn, ông đánh giá thế nào về tiềm năng của ngành chế biến gỗ Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Xuất khẩu nội thất Việt Nam năm 2023 đứng thứ sáu thế giới, lực lượng lao động lên đến hơn 500.000 người đang làm việc trong hơn 5.000 DN khắp cả nước. Tuy nhiên, phần lớn DN ở quy mô nhỏ và vừa. Xuất khẩu gia công chiếm phần lớn. Số lượng DN tiếp cận làm giải pháp đầy đủ từ thiết kế đến sản xuất, thi công chỉ mới ở vài cái tên nổi bật như AA, An Cường, Trần Đức, Trường Thành… Con đường phát triển này không an toàn, không bền vững. Với tốc độ công nghệ hóa – hiện đại hóa hiện tại, thêm vào đó là sự phổ biến của AI và robot tự động, thì hàm lượng lao động trong các sản phẩm sẽ càng lúc càng thấp. Nếu tiếp tục đơn thuần chỉ sản xuất và gia công thì trong thời gian rất gần, chúng ta sẽ bị cạnh tranh bởi máy và với các nước có nguồn lao động giá rẻ khác. Hiện tại có thể thấy rằng có rất nhiều ngành đang bị chuyển đổi rất nhanh từ nước này sang nước khác khi thấy nguồn lao động không còn rẻ nữa. Trong khi đó, Việt Nam đang tiến lên và kinh tế ngày một phát triển, thu nhập trung bình của người lao động đang cao dần, nguồn lao động của chúng ta ngày càng đắt hơn. Chính vì vậy, không chỉ ngành gỗ, nội thất mà các ngành đều phải nhìn thấy con đường cạnh tranh toàn diện hơn.

PV: Việt Nam hiện giữ vị trí top 6 trên thế giới về gia công, xuất khẩu phần mềm. Từ chỗ chỉ làm những công đoạn đơn giản như lập trình (coding), kiểm thử (testing)… tới nay các DN Việt Nam đã có thể tham gia vào các giai đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain… Đối chiếu với sự phát triển của ngành nội thất, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gia tăng chất lượng và vị thế cho ngành kinh tế này?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Trong quá trình tham gia xuất khẩu phần mềm, FPT không định vị mình là một công ty gia công phần mềm. Chúng tôi xác định chiến lược là công ty công nghệ toàn cầu. Từ mục tiêu ấy, chúng tôi đã xây dựng được các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình liên quan theo chuẩn world-class cũng như liên tục đầu tư nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới như AI, Blockchain, Big Data… FPT cũng phát triển hệ sinh thái sản phẩm giải pháp “Made by FPT” bằng năng lực công nghệ cốt lõi để tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài bền vững. Chúng tôi không ngừng phát triển và nâng cao năng lực cùng khách hàng đồng thời đầu tư nghiêm túc cho chiến lược làm chủ các công nghệ.

Nhìn sang câu chuyện của ngành nội thất sẽ thấy có khá nhiều điểm tương tự. Các công ty nội thất đang thực hiện sản xuất, gia công với các đối tác, khách hàng hàng đầu thế giới. Nghĩa là cơ hội tiếp cận nguồn tri thức về các xu hướng nội  thất, thiết kế là rất lớn. Tận dụng cơ hội ấy, DN trong ngành có thể nghiên cứu để kết hợp với các lợi thế sẵn, từ đó kiến tạo các giá trị năng lực mới, bền vững hơn.

Fpt Quy Nhơn 1718703229

FPT liên tục đầu tư nghiên cứu, làm chủ các công nghệ mới như AI, Blockchain, Big Data…

PV: Cùng với nội dung số, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ được xem là một trong các ngành nghề nền tảng để xây dựng nền kinh tế sáng tạo. Theo quan sát của cá nhân ông, theo đuổi kinh tế sáng tạo sẽ mang lại lợi ích gì cho ngành chế biến gỗ Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Sáng tạo và đổi mới sáng tạo được coi là nguồn lực chính trong nền kinh tế tri thức, dẫn tới những thay đổi về công nghệ, đồng thời đem lại lợi thế cạnh tranh cho quốc gia. Trái tim của nền kinh tế sáng tạo là các ngành công nghiệp có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, trong đó có lĩnh vực thiết kế, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, chế biến gỗ…

Năm 2021, Việt Nam lên hai hạng trong bảng xếp hạng kinh tế đổi mới sáng tạo của Bloomberg nhưng vẫn ở vị trí 55/60 nước có nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới. So với Singapore ở vị trí số 2, Malaysia ở vị trí 26 và Thái Lan ở vị trí 36 thì chúng ta còn nhiều việc phải làm. Ở một thang đo khác là xếp hạng quốc gia/ lãnh thổ đổi mới sáng tạo năm 2023 – GII chúng ta lên hai bậc nhưng vẫn ở mức 46/132. Các ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng không tránh khỏi vị trí tương quan với thế giới ở mức khiêm tốn như bức tranh chung.

Tuy nhiên với cảm nhận chung và kinh nghiệm từ ngành CNTT, bán dẫn thì người Việt, DN Việt có thể chưa mạnh trong khâu đưa ra ý tưởng/concept nhưng rất giỏi trong thiết kế chi tiết. Theo tôi, với bàn tay nhỏ nhắn, khéo léo đã được chứng minh trong nhiều ngành nghề thủ công, cộng với sự liên kết trong đổi mới sáng tạo thì ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ sẽ nâng cao được vị trí của mình về kinh tế đổi mới sáng tạo.

Một trong các liên kết quan trọng đó là giáo dục đào tạo liên tục/suốt đời và áp dụng công nghệ cao, công nghệ số vào toàn chuỗi giá trị của ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ. Việc này giúp lực lượng lao động tương lai/hiện hữu của ngành có thể được trang bị kiến thức, năng lực cho khâu đổi mới sáng tạo và có thể tham gia vào chuỗi cung ứng được số hóa hay còn gọi là mạng cung ứng số (digital supply network). Đó là không gian liên kết không bị giới hạn bởi địa lý. Nhờ vậy mà tạo một nền tảng vững chắc hơn, ở tầm toàn cầu hơn cho ngành phát triển trong tương lai.

PV: Năm 2003 ngành phần mềm Việt Nam ở giai đoạn phát triển đầu tiên, thu hút khoảng 5.000 nhân lực. Đến năm 2022, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD, trong đó doanh thu xuất khẩu phần mềm đạt trên 3,7 tỷ USD. Hiện tổng số nhân lực toàn ngành CNTT Việt Nam khoảng 300.000 người. Theo ông, ngoài tính thời thượng, yếu tố nào là chính yếu để ngành có được lượng lao động chất lượng ấy? Khác với CNTT, dễ dàng thu hút được người trẻ, ngành nội thất Việt Nam đang khát nhân lực, đặc biệt là nhân lực cao cấp. Theo ông đâu là những nguyên do?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Sự thành công của ngành phần mềm trong con đường toàn cầu hóa, xuất khẩu theo góc nhìn của tôi có được là nhờ các yếu tố sau: Một là định hướng và chính sách quyết liệt của Chính phủ, Nhà nước về CNTT. Hai là sự dẫn dắt, tiên phong của một số các DN lớn trong nước, đơn cử như FPT, CMC… Ba là sự dẫn dắt của các tổ chức nghề nghiệp như VINASA giúp tập trung các nguồn lực. Quan trọng không kém là việc tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút được giới trẻ thông qua các hoạt động truyền thông.

Từ những năm 2000, Việt Nam đã có những hoạt động truyền thông từ Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo như các cuộc thi Trí tuệ Việt Nam, Robocon… cùng rất nhiều chương trình truyền thông khác từ DN. Qua đó tạo ra hình ảnh hấp dẫn thu hút giới trẻ và phụ huynh. Hệ thống đào tạo được xây dựng với nhiều thành phần, đào tạo ở nhiều cấp học… Cũng cần phải nói thêm về nỗ lực kinh doanh và bán hàng của các DN, liên tục tạo ra nhiều cơ hội việc làm cả trong và ngoài nước, thúc đẩy tạo nên một nguồn lao động chất lượng cao.

Nếu như ngành CNTT đã xây dựng được một hình ảnh rõ rệt thì ngành gỗ lại chưa xây dựng được hình ảnh rõ rệt trong lòng người dân Việt Nam. Bản thân tôi, nếu không có cơ hội tiếp cận với các DN trong ngành thì cũng không có được các ấn tượng rõ nét về các thành tựu mà ngành đạt được. Thực tế ngành gỗ Việt Nam có những câu chuyện rất ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ liên tục tăng trưởng nhiều năm ở mức hai con số. Hàng triệu sản phẩm nội thất tinh xảo trong những chuỗi khách sạn, tòa nhà nổi tiếng thế giới được sản xuất bởi bàn tay người Việt. Những câu chuyện này hoàn toàn có thể tạo ra những chủ đề hấp dẫn để truyền thông về ngành.

Hình ảnh các thương hiệu đầu ngành, giữ vai trò dẫn dắt cũng chưa được xây dựng rõ rệt, chưa tạo được ảnh hưởng và nhu cầu trong xã hội. Khi chưa có ảnh hưởng thì chưa tạo được nhu cầu về học và làm đủ lớn. Từ đó không có nhiều đơn vị cùng tham gia đào tạo, thúc đẩy. Những yếu tố trên tạo nên một vòng lặp khó thay đổi.

PV: Tiếp cận với nhiều người trẻ, theo quan sát của ông, họ nhìn vào những yếu tố nào để chọn ngành, nghề? Tính sáng tạo, năng động có phải là một trong những yếu tố quyết định?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Người trẻ hiện nay quan tâm tới việc ngành nghề đó có cơ hội nghề nghiệp tốt hay không, có tương lai dài hạn hay không, có dễ bị thay thế bởi AI hay máy móc không… Tính năng động, sáng tạo là điều mà bất cứ ngành nào cũng đòi hỏi và bản thân mỗi DN cũng cần liên tục có những hoạt động để phát triển sự sáng tạo đổi mới. Ngành gỗ cũng có thể tạo ra hình ảnh về sự sáng tạo, năng động… Đơn cử như việc tổ chức các chương trình về sáng kiến, đổi mới liên tục trong năm để ghi nhận, kêu gọi những sáng tạo từ nhỏ tới lớn.

Ngay cả những người công nhân cũng có thể liên tục sáng tạo trong chính công việc hằng ngày của họ, ở từng công đoạn. Nếu biết khai thác và tận dụng thì ngành gỗ sẽ nhận được rất nhiều giá trị mới và liên tục thúc đẩy sự sáng tạo trong ngành cũng như tăng sự hấp dẫn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực trẻ.

Fpt Aa Corp 1718703351

FPT và AA Corporation hợp tác triển khai giải pháp RISE WITH SAP S/4 HANA.

PV: Là đơn vị đồng hành cùng các DN gỗ trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, ông đánh giá thế nào về năng lực ứng dụng công nghệ, mức độ hiện đại hóa của ngành?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Hiện nay với ngành gỗ, kể cả những người công nhân ở nhà máy thì hầu như đều là những người rất trẻ, tiếp cận công nghệ rất sớm và hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu về vận hành, ứng dụng CNTT. Các DN chế biến gỗ Việt Nam thực hiện tất cả các công đoạn từ sản xuất nguyên liệu đến thiết kế, sản xuất… nên hệ thống quản lý rất phức tạp. Công nghệ hoàn toàn có thể giúp các DN trong việc quản trị thay vì thực hiện thủ công và thiếu dữ liệu quản trị như hiện nay. Đó là nguyên nhân dẫn tới thời gian sản xuất dài, chi phí cao, tỷ lệ lỗi cao, nếu có vấn đề cũng sẽ không được xử lý nhanh chóng… Nếu quyết tâm ứng dụng CNTT, không chỉ các DN trong ngành có thể thay đổi phương thức quản trị, nâng cao trình độ của nguồn lực hiện tại mà còn tạo ra một hình ảnh hấp dẫn mới, thu hút những nguồn lực tương lai.

Song song với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cũng sẽ là một thách thức lớn với các DN chế biến gỗ. Hiện chưa có nhiều DN sẵn sàng với các tiêu chuẩn quốc tế về NetZero, trong khi đó các nhu cầu và tiêu chuẩn về mua hàng hóa xanh ngày càng cao và chặt chẽ. Là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, trong đó có vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon. Nếu chuẩn bị sẵn sàng cho việc này thì DN sẽ sớm có được lợi thế cạnh tranh, cải thiện vị thế, tạo công ăn việc làm cũng như tạo ra sức hút mới trong kinh doanh.

PV: Cuối cùng, bên cạnh việc thu hút, DN cần làm gì để có thể phát huy sức trẻ, sức sáng tạo của thế hệ thanh niên Việt Nam trong môi trường DN?

Ông Nguyễn Hoàng Minh: Các DN cần có khát vọng phát triển thương hiệu của mình đi ra nước ngoài. Đây sẽ là môi trường kinh doanh đủ lớn và dạy cho các DN cũng như các nguồn lực của mình cách trưởng thành. Điều đó cũng sẽ tạo ra một sức hút lớn đối với người trẻ, họ có nhu cầu được đi ra thế giới, mở rộng không giới hạn cơ hội trong sự nghiệp của mình.

Xin cảm ơn ông!

Mai Phương – Tạp chí Gỗ và Nội thất thực hiện.

FPT IS là thành viên Tập đoàn FPT, hiện là đối tác công nghệ toàn diện của các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam và toàn cầu. Trong ngành gỗ, FPT IS tự hào là đơn vị tư vấn và triển khai nền tảng quản trị số cho các doanh nghiệp dẫn đầu như AA Corporation, Trần Đức, Trường Thành, An Cường…giúp các doanh nghiệp có được hệ thống quản trị dựa trên dữ liệu, từ đó ra quyết định kịp thời và hiệu quả. FPT IS mong muốn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc giải các bài toán quản trị, đưa công nghệ trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi.

Theo Tạp chí Gỗ và Nội thất: https://hawa.vn/tap-chi-go-noi-that/

Chia sẻ:
FPT IS

FPT IS

Tin liên quan

FPT IS nâng cấp hệ thống tính cước và quản lý khách hàng cho MobiFone
Tin tức - 22/07/2024

FPT IS nâng cấp hệ thống tính cước và quản lý khách hàng cho MobiFone

Mới đây, FPT IS đã hoàn thành việc nâng cấp hệ thống tính cước và quản lý khách hàng cho MobiFone, giúp doanh nghiệp tăng khả năng tương tác...
Khai trương Mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tin tức - 18/09/2024

Khai trương Mô hình quản trị thông minh tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Vừa qua, trong chuỗi các sự kiện chào mừng 75 năm truyền thống vẻ vang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lễ khai trương...
Bộ tứ sản phẩm “Made by FPT IS” FPT.eInvoice, FPT.eContract, FPT Digital Accounting, FPT.CA chính thức ra mắt các Đại lý thuế miền Nam
Tin tức - 20/04/2021

Bộ tứ sản phẩm “Made by FPT IS” FPT.eInvoice, FPT.eContract, FPT Digital Accounting, FPT.CA chính thức ra mắt các Đại lý thuế miền Nam

Trong tháng 4/2021, tại TP.HCM, Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã tổ chức thành công chương trình “Gặp gỡ 2021: Kết nối thành công”...
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân