FPT IS đồng hành cùng Bộ Công Thương thúc đẩy chuyển đổi số và hợp đồng điện tử an toàn
Vừa qua, diễn đàn quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” đã diễn ra tại Hà Nội, hướng tới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoạt động sử dụng hợp đồng điện tử trong bối cảnh nền kinh tế số và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Diễn đàn do Bộ Công Thương tổ chức với sự tham dự của Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện: Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục thuế, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tiên phong được Bộ Công Thương cấp phép như FPT IS, VNPT, VNPAY, CMC, Viettel Telecom…
Đại diện FPT IS tham gia lễ ký kết hợp tác với Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Bộ Công Thương.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Tin học và Công nghệ số thuộc Bộ Công Thương và các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử. FPT IS, với vai trò là một trong những tổ chức được cấp phép chứng thực hợp đồng điện tử, cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Công Thương và các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, bà Lê Hoàng Oanh đã nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động không ngừng, khả năng linh hoạt và sẵn sàng chuyển đổi là chìa khóa cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Quá trình này không chỉ mở ra cơ hội lớn mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và đạt những bước tiến quan trọng”.
Cụ thể, đồng hành với Bộ Công Thương và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, FPT IS cùng 10 tổ chức khác giữ vai trò đảm bảo về mặt kỹ thuật để quá trình ký kết hợp đồng/giao kết điện tử trên môi trường trực tuyến được diễn ra an toàn. FTP IS cùng các tổ chức sẽ cung cấp một hạ tầng số giúp doanh nghiệp, người dân sử dụng hợp đồng điện tử được bảo vệ bởi các công nghệ xác thực và tin cậy, hướng tới kết nối kỹ thuật và hỗ trợ các bên thứ 3 như cơ quan thuế, ngân hàng, các tổ chức tài chính và cơ quan giải quyết tranh chấp thực hiện các nghiệp vụ liên quan, đóng vai trò bảo vệ giá trị pháp lý cho hợp đồng điện tử và tạo niềm tin cho các bên tham gia, bao gồm cả người dân và doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 8/2024, hơn 490.000 hợp đồng điện tử đã được chứng thực, với sự tham gia của gần 49.000 doanh nghiệp – minh chứng cho sự phát triển tích cực của dịch vụ này.
Theo ông Trần Đăng Hòa – Chủ tịch công ty TNHH FPT IS, việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử là xu hướng tất yếu tại Việt Nam, mang lại nhiều tiện ích và hiệu quả giúp tăng tốc nền kinh tế số. Để các tổ chức và cá nhân tận dụng được lợi thế này, yếu tố an toàn và bảo mật trong các giao dịch điện tử là tối quan trọng. FPT IS đã tiên phong đồng hành cùng hàng chục ngàn doanh nghiệp trên toàn quốc từ năm 2020, với các sản phẩm như FPT.CA, FPT.eSign, FPT.eKYC, FPT.IDCheck, FPT TimeStamp, FPT.eContract, FPT.CeCA và nền tảng quản lý giao dịch điện tử KYTA trong việc triển khai các giải pháp giao kết và xác thực điện tử tại Việt Nam.
“Chúng tôi đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và pháp lý cho các giao dịch điện tử, từ B2B đến B2C, phục vụ đa dạng các loại tài liệu, hợp đồng thương mại, giao kết đại lý đối tác, phê duyệt luồng văn bản tài liệu nội bộ, hợp đồng lao động, dịch vụ cho vay tài chính, hợp đồng mở tài khoản ngân hàng, chứng khoán…”, ông Trần Đăng Hòa cho biết.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tá Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp số Doanh nghiệp, FPT IS đã có phần trình bày quan trọng với chủ đề “Ứng dụng hợp đồng điện tử trong B2C” (giao kết giữa tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân). Ông Tá Anh chia sẻ: “Trong giao dịch B2C hiện nay, các doanh nghiệp đang triển khai ký hai phương thức ký kết hợp đồng chính: truyền thống và điện tử. Phương thức truyền thống đòi hỏi quy trình phức tạp gồm in ấn, chuyển phát và lưu trữ, kéo dài thời gian xử lý từ 5-7 ngày và chi phí vận hành lên đến 15% ngân sách. Trong khi đó, phương thức ký điện tử ngày càng phổ biến, nhưng vấn đề về bảo mật và tính pháp lý và lưu trữ dữ liệu là những thách thức nổi cộm do thiếu quy trình định danh chặt chẽ”.
Ông Nguyễn Tá Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp số Doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn với chủ đề “Ứng dụng hợp đồng điện tử trong B2C”.
Qua đây, ông Nguyễn Tá Anh cũng đem tới góc nhìn chuyên môn về ứng dụng hợp đồng điện tử trong B2C, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết chặt chẽ giữa chữ ký số và hệ thống định danh xác thực cùng giải pháp đến từ FPT IS nhằm giải quyết toàn bộ khó khăn các doanh nghiệp đang gặp phải. “Quá trình định danh cá nhân và doanh nghiệp không chỉ giúp xác minh danh tính của các bên ký kết mà còn ngăn ngừa giả mạo, xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia, điều này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Thấu hiểu bối cảnh và những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp gặp phải, FPT IS đã phát triển FPT.eContract trở thành giải pháp ký kết điện tử toàn diện, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý, giúp doanh nghiệp tối ưu quy trình ký kết hợp đồng B2C từ ký điện tử thông thường cho đến ký số có xác thực OTP, eKYC, và IDCheck”, ông Tá Anh chia sẻ.
Đặc biệt, giải pháp ký số toàn trình của FPT.eContract, kết hợp giữa các công nghệ FPT.eKYC, FPT.IDCheck, OTP, FPT.CeCA, FPT.eSign, và FPT.TSA, giúp đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối và tính pháp lý vững chắc cho từng giao dịch. Việc áp dụng các giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm từ 60% đến 80% thời gian xử lý hợp đồng so với phương pháp truyền thống, đồng thời giảm chi phí vận hành lên đến 70%. Trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, việc áp dụng ký kết điện tử đã giúp nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà không cần sự hiện diện trực tiếp của các bên ký kết.
Bên cạnh việc tham gia trình bày và ký kết hợp tác chiến lược, FPT IS còn thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp tham dự diễn đàn thông qua gian hàng triển lãm, nơi giới thiệu các giải pháp công nghệ số tiên tiến nhất. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, FPT IS đã phát triển và cung cấp nhiều giải pháp số hóa quan trọng phục vụ cho hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước như FPT.eContract, FPT.eSign, FPT.CECA, và KYTA.GATE.
Theo đó, FPT.eContract là giải pháp hợp đồng điện tử được phát triển bởi FPT IS, giúp doanh nghiệp ký kết hợp đồng mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo tính pháp lý cao. Thứ hai, eSign được biết đến với dịch vụ chữ ký số, giúp doanh nghiệp thực hiện các giao dịch ký kết một cách an toàn và bảo mật tuyệt đối. Tiếp theo, CECA là giải pháp chữ ký số chuyên biệt cho các giao dịch thương mại điện tử và ngân hàng, đảm bảo tính bảo mật và toàn vẹn thông tin. Bên cạnh đó, KYTA.GATE – Nền tảng quản lý và xác thực hợp đồng số, được thiết kế nhằm tối ưu hóa quy trình ký kết, lưu trữ và quản lý hợp đồng điện tử cũng là một sản phẩm từ FPT IS nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp.
Gian triển lãm demo giải pháp hợp đồng điện tử FPT.eContract từ FPT IS.
Với mô hình demo trực quan, FPT IS đã mang đến những trải nghiệm thực tế về quy trình ký kết hợp đồng điện tử, giúp khách hàng hình dung rõ ràng hơn về hiệu quả và tính ứng dụng của các giải pháp này trong hoạt động kinh doanh. Những tính năng như khả năng ký kết mọi lúc, mọi nơi, khả năng tích hợp với hệ thống quản lý doanh nghiệp và tính bảo mật cao của hợp đồng điện tử đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực từ phía doanh nghiệp.
Trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế, việc đảm bảo tính pháp lý và bảo mật cho các giao dịch điện tử là vô cùng quan trọng. FPT IS cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, đổi mới và cung cấp những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để chung tay xây dựng một môi trường thương mại điện tử an toàn, minh bạch và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế số tại Việt Nam.