Chuyển đổi số trong Ngân hàng giao dịch
Ngân hàng giao dịch luôn là mảng kinh doanh trọng tâm trong chiến lược phát triển khối doanh nghiệp của các ngân hàng và định chế tài chính, hoạt động với mục tiêu kết nối các giải pháp và sản phẩm giữa các thị trường nhằm đem lại cho doanh nghiệp những trải nghiệm dịch vụ toàn cầu tiện lợi nhất.
Làn sóng chuyển đổi số mạnh mẽ trên thế giới đã thúc đẩy xu thế triển khai nền tảng Ngân hàng giao dịch hợp nhất, đáp ứng nhanh và đầy đủ các nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời mở ra cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới.
Ngân hàng giao dịch (Transaction Banking) là gì?
Ngân hàng giao dịch (Transaction Banking) là tập hợp các sản phẩm dịch vụ hay công cụ tài chính với 2 nhóm cấu phần là Tài trợ thương mại và Quản lý dòng tiền.
Tài trợ thương mại xuất nhập khẩu
Sự phát triển và hội nhập của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã tạo ra nhu cầu về số lượng rất lớn các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa. Nguồn tài chính (vốn) đa dạng và linh động của doanh nghiệp là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tốc độ hoàn thành các giao dịch lưu chuyển hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.
Việc vay vốn có tài sản bảo đảm hay tín dụng truyền thống đều mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp và là rào cản của dòng chảy hàng hóa. Tài trợ thương mại là giải pháp giúp ngân hàng và các tổ chức tài chính gắn kết với doanh nghiệp hơn, cùng chia sẻ cả lợi ích và rủi ro. Các sản phẩm dịch vụ phổ biến trong Tài trợ thương mại bao gồm Tài trợ, Bảo lãnh, Thư tín dụng (L/C) , Chiết khấu, Bao thanh toán (Factoring),…
Hơn thế nữa, mục tiêu mà ngân hàng cần hướng đến là việc tích hợp đồng thời nhiều doanh nghiệp trên cùng một nền tảng Tài trợ thương mại nhằm tạo ra dòng vốn tối ưu cho cả chuỗi cung ứng, mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế.
Thanh toán và Quản lý dòng tiền
Quản lý tài khoản tập trung, chuyển tiền thanh toán nội địa và quốc tế bao gồm ngoại hối với tỷ giá hợp lý là những sản phẩm dịch vụ tài chính cốt lõi mà ngân hàng cung cấp, giúp các doanh nghiệp có thể tập trung vào mục tiêu kinh doanh của mình.
Ngay cả khi không có những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), vẫn luôn phải đối mặt với thách thức về quản lý dòng tiền mặt và thanh khoản tài sản. Dòng tiền được ví như hệ tuần hoàn máu nuôi dưỡng cơ thể, là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Với sự mở rộng phát triển mạng lưới Ngân hàng giao dịch cùng thông tin dữ liệu lớn về các giao dịch và mức uy tín của tập khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cùng các tổ chức tài chính hoàn toàn có thể cung cấp được những giải pháp song hành nhằm quản lý tốt dòng tiền và sức khỏe của doanh nghiệp bao gồm báo cáo phân tích định kỳ, dự báo dòng tiền, khuyến nghị đầu tư tăng thanh khoản tài sản, v.v.
Xu hướng chuyển đổi số trong Ngân hàng giao dịch
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin kết hợp với nhu cầu và cơ hội kinh doanh rất lớn đang tạo ra làn sóng chuyển đổi số trong Ngân hàng giao dịch với xu hướng chính là triển khai nền tảng Ngân hàng giao dịch hợp nhất và gia tăng trải nghiệm khách hàng doanh nghiệp.
Nền tảng Ngân hàng giao dịch
Như đã đề cập ở trên, việc tích hợp chuỗi doanh nghiệp trên cùng một nền tảng Ngân hàng giao dịch mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, ngân hàng, và nền kinh tế nói chung. Các ngân hàng và tổ chức dịch vụ tài chính doanh nghiệp hàng đầu thế giới như ANZ, Citi, Deutsche Bank, HSBC, Standard Chartered đều xây dựng và hoàn thiện nền tảng số cho khối Ngân hàng giao dịch của mình với đầy đủ những tính năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp toàn cầu, như:
Xa hơn nữa, các định chế tài chính này bắt tay nhau với tham vọng mở rộng mạng lưới phục vụ, đồng thời tạo ra nền tảng số hợp nhất mang giá trị tiềm năng to lớn về thông tin dữ liệu giao dịch thương mại, mở ra cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới.
Các công ty phát triển công nghệ tài chính tân tiến như FIS Global, Finastra, Intellect Design cũng cho ra mắt những giải pháp toàn vẹn cho nền tảng Ngân hàng giao dịch, giúp các ngân hàng và tổ chức tài chính đi sau có thể tăng tốc chuyển đổi số nhằm rút ngắn khoảng cách với các tổ chức hàng đầu.
Trải nghiệm khách hàng doanh nghiệp
So sánh với trải nghiệm khách hàng cá nhân, trải nghiệm khách hàng doanh nghiệp có những đặc thù riêng trong các hành trình và kênh kết nối. Tuy nhiên, gia tăng trải nghiệm cá nhân hóa và tự phục vụ cũng là những xu hướng ưu tiên chung mà Ngân hàng giao dịch mong muốn mang đến cho khách hàng doanh nghiệp.
Việc ứng dụng công nghệ di động, trí tuệ nhân tạo, phân tích nâng cao qua máy học (Machine Learning),… vào xây dựng và gia tăng trải nghiệm khách hàng đang mở rộng về phía phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, loại hình doanh nghiệp chiếm số lượng lớn trong các nền kinh tế.
Hiện trạng và khuyến nghị cho Ngân hàng giao dịch Việt Nam
Tại Việt Nam, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ở mặt khác, cuộc khủng hoảng lại là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của Ngân hàng giao dịch. VietinBank eFAST, BIDV iBank, hay F@st EBank của Techcombank là những giải pháp dịch vụ tiêu biểu mang đến cho doanh nghiệp luồng sinh khí mới, góp phần thay đổi tích cực cách thức vận hành, cởi bỏ vướng mắc về tài chính để tập trung cho hoạt động kinh doanh.
Mặc dù có những điểm sáng tích cực, nhưng về cơ bản các ngân hàng và tổ chức tài chính doanh nghiệp cần có những bước đi đồng bộ hơn theo xu hướng chung trên thế giới, thông qua xây dựng các chính sách phù hợp và hướng dẫn chi tiết của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm phát triển mạng lưới và nền tảng Ngân hàng giao dịch hợp nhất, bảo vệ và nâng cao giá trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.