ERP 2.0 và nền tảng FPT Intelligent Enterprise Architecture
Trong thời đại cách mạng 4.0, một hệ thống ERP kém linh hoạt sẽ là tác nhân cản trở quá trình chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp. Vì vậy, phần mềm ERP tốt là phần mềm bắt kịp các xu hướng mới nhất, đem lại lợi ích gia tăng cho cả người dùng và đơn vị cung cấp dịch vụ. Thuật ngữ ERP 2.0 ra đời để chỉ xu hướng của các doanh nghiệp tổ chức ứng dụng hệ thống ERP có tính mềm dẻo linh hoạt trong kinh doanh, chuyển đổi trọng tâm từ On-Premise sang Cloud ERP và Tích hợp những công nghệ nền tảng như AI, IoT và các công nghệ thông minh khác.
ERP 2.0: từ giải pháp quản trị đến nền tảng Chuyển đổi số
Phát triển trong khoảng 3 thập niên cuối của thế kỷ 20, cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, các giải pháp ERP hàng đầu thế giới đã phát triển thành các hệ thống CNTT khổng lồ và cực kỳ phức tạp. Ví dụ như Oracle EBS có cơ sở dữ liệu gồm hơn 22 nghìn bảng, với hàng nghìn chức năng thuộc trên dưới 100 phần hành khác nhau. Theo đuổi triết lý all-in-one, các hệ thống ERP lớn bao phủ gần như toàn bộ các mảng nghiệp vụ lớn trong doanh nghiệp, từ các nghiệp vụ cốt lõi (tài chính, mua – bán, sản xuất) tới quản trị nhân sự, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý quan hệ khách hàng… đều nằm trên một ứng dụng duy nhất, tập trung. Cách tổ chức như vậy giúp cho doanh nghiệp có thể quản lý tập trung hầu hết các nghiệp vụ của mình mà không cần khai thác nhiều ứng dụng khác nhau với nhiều bài toán tích hợp qua lại phức tạp. Tuy nhiên, qua thời gian, các hệ thống như vậy dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm. Có thể kể đến:
- Hệ thống quá nặng nề, phức tạp, quan hệ ràng buộc chằng chịt lẫn nhau giữa các phần hành dẫn đến việc vận hành, khai thác, sửa lỗi và đảm bảo hiệu năng gặp nhiều khó khăn, nhất là với những hệ thống khai thác nhiều năm, lượng dữ liệu tích lũy lớn. Khách hàng chỉ cần dùng một số phần hành cơ bản vẫn cần phải cài đặt toàn bộ hệ thống, dẫn đến cồng kềnh và lãng phí tài nguyên.
- Việc nâng cấp tính năng/phiên bản gặp khó khăn do có thể ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Hệ thống càng lớn, càng quan trọng lại càng tụt hậu so với phiên bản mới nhất của hãng, thậm chí là cả chục năm.
- Các giải pháp ERP phổ biến thường không mạnh về các phần hành chuyên biệt như quản trị nhân sự, quản lý quan hệ khách hàng. Việc gói chung các chức năng này vào một kiến trúc duy nhất nhiều khi làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng, giảm độ hài lòng đối với sản phẩm.
- Các công nghệ lõi của giải pháp khó có khả năng dung nạp các công nghệ tiên tiến 4.0 như trí tuệ nhân tạo, máy học, điện toán đám mây, xử lý dữ liệu lớn… khiến ERP không còn đóng vai trò là điểm tựa cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, từ khoảng những năm 2010, các nhà cung cấp giải pháp hàng đầu đã buộc phải từ bỏ (theo nghĩa dừng đầu tư phát triển) những ‘con gà đẻ trứng vàng’ có tuổi đời hàng chục năm (với SAP là giải pháp SAP ECC, với Oracle là Oracle EBS) để dồn sức xây dựng các giải pháp ERP thế hệ mới là SAP S/4HANA (ra mắt năm 2015) và Oracle Fusion Application (phiên bản đầu tiên ra thị trường năm 2011). Ở quy mô nhỏ hơn là các giải pháp tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng lại được xây dựng từ đầu dựa trên những công nghệ mới như Netsuite, Infor, Epicor, Acumatica.
Lịch sử hình thành và phát triển của ERP
Các giải pháp ERP thế hệ mới có một số đặc điểm chung sau đây:
Đơn giản hóa kiến trúc và quy hoạch thành các bộ ứng dụng độc lập
Được xây dựng dựa trên những công nghệ mới từ đầu, các giải pháp mới của Oracle và SAP đều có kiến trúc công nghệ lõi đơn giản hơn hẳn. Đơn cử như giải pháp SAP S4/HANA loại bỏ hoàn toàn các bảng tổng hợp, chỉ số, lịch sử… trong cơ sở dữ liệu nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ In-memory database, sử dụng chung một bảng giao dịch duy nhất cho tất cả các phân hệ tài chính, giảm số lượng bảng một cách đáng kể, chẳng hạn với phân hệ kho giảm từ 26 xuống còn 1 bảng. Việc đơn giản hóa giải pháp còn được thể hiện rõ trong việc đưa các tính năng trước đây được xây dựng là các gói giải pháp chuyên ngành riêng biệt vào thành một phần của lõi SAP S/4HANA.
Thay đổi quan trọng khác là việc tái cấu trúc giải pháp thành các bộ ứng dụng có thể hoạt động độc lập cùng khả năng triển khai linh hoạt. Hình dưới thể hiện các bộ ứng dụng (application suite) của SAP, phần lớn trong đó đều được marketing dưới tên thương hiệu riêng (như SAP SuccessFactor cho bộ Quản lý nhân viên, SAP Ariba và SAP Concur cho bộ Quản lý mạng lưới đối tác & chi phí, SAP CX cho bộ Quản lý trải nghiệm khách hàng). Điều này giúp khách hàng có khả năng lựa chọn các bộ giải pháp từ các nhà cung cấp khác nhau phù hợp với nhu cầu của mình, đồng thời linh hoạt trong việc lựa chọn mô hình triển khai (on premise, on cloud) với từng cấu phần khác nhau.
Các bộ ứng dụng mới của SAP
Chuyển từ ‘giải pháp’ thành ‘nền tảng’
Việc phân tách thành các bộ giải pháp độc lập, cộng với những đòi hỏi khách quan từ bản chất và nhịp độ biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến các giải pháp ERP hiện đại không chỉ đóng vai trò là giải pháp quản trị mà còn là nền tảng cho quá trình chuyển đổi số của tổ chức, cụ thể:
- Nền tảng tích hợp: cho phép tích hợp lõi ERP với các bộ giải pháp cùng hãng, khác hãng, giải pháp tự phát triển của khách hàng, tích hợp từ on premise – on cloud và ngược lại.
- Nền tảng công nghệ: cung cấp dưới dạng dịch vụ (services) các công nghệ 4.0 như AI, machine learning, IoT… cho phép khách hàng phát triển các ứng dụng phục vụ yêu cầu đặc thù.
- Nền tảng lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn: mang lại khả năng xử lý và trả lời các câu hỏi trên dữ liệu lớn thời gian thực mà không cần tổng hợp trước.
Hướng ‘điện toán đám mây’
Tất cả các giải pháp ERP hiện đại đều có khả năng triển khai trên nền tảng điện toán đám mây hoặc được xây dựng hoàn toàn cho điện toán đám mây. Ngoài việc giúp khách hàng giảm tổng chi phí sở hữu do không phải đầu tư, duy trì, nâng cấp và thay thế phần cứng/hạ tầng liên quan, giải pháp trên cloud còn có khả năng cập nhật tính năng với tần suất nhanh hơn (thậm chí là theo tháng) và giảm thiểu ảnh hưởng tới vận hành của khách hàng. Một số giải pháp cho phép khách hàng lựa chọn các phương án triển khai khác nhau như on premise, private cloud hay public cloud để phù hợp với thực tế vận hành.
Chú trọng các tính năng thông minh và tự động hóa
Dựa trên khả năng phân tích tức thời, các tính năng hỗ trợ ra quyết định thông minh được đưa trực tiếp vào luồng nghiệp vụ. Việc tự động hóa quy trình cũng được tăng cường thông qua sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, nhận dạng, robot… được nhúng vào các tác nghiệp thông thường.
Kết quả, chúng ta càng ngày càng chứng kiến nhiều hệ thống ERP nhẹ nhàng, linh động, thông minh, có khả năng ‘chung sống hòa bình’ và làm điểm tựa cho các ứng dụng khác. Ngày nay, ERP có xu hướng trở thành ‘lõi’ quản trị – công nghệ của doanh nghiệp, xoay xung quanh đó là các hệ thống vệ tinh (của bên thứ ba hoặc tự phát triển) có khả năng giải quyết tốt hơn các bài toán nghiệp vụ đặc thù của doanh nghiệp.
FPT Intelligent Enterprise Architecture – Kiến trúc doanh nghiệp thông minh gắn với ERP 2.0
Những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến sự thay đổi chóng mặt của môi trường kinh doanh. Các công nghệ mới 4.0 làm nảy sinh những nhu cầu mới và cơ hội mới trong quản trị, đồng thời đưa chuyển đổi số trở thành động lực trực tiếp cho tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, ERP vẫn được coi là hệ thống CNTT xương sống, giúp quản trị chặt chẽ các tác nghiệp cốt lõi, nhưng mặt khác, đã xuất hiện ngày càng nhiều các “hệ sinh thái CNTT” xung quanh ERP với các ứng dụng nghiệp vụ từ nhiều nhà cung cấp khác nhau cùng tồn tại và tích hợp chặt chẽ với ERP. Mô hình này tỏ ra ngày càng hiệu quả ở Việt Nam vì một số lý do sau:
- Đòi hỏi ngày càng cao của môi trường kinh doanh khiến doanh nghiệp cần có các ứng dụng CNTT vươn xa hơn trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp (đến từng nhân viên, đến từng nhà cung cấp, đến từng khách hàng), điều mà các giải pháp ERP thường không đáp ứng tốt hoặc đáp ứng được nhưng đi kèm với sự phức tạp thái quá về hệ thống.
- Thay đổi nhanh chóng về yêu cầu nghiệp vụ và tính cá nhân hóa cao độ khiến ứng dụng CNTT cần được nâng cấp, thêm tính năng mới, cập nhật với tần suất liên tục, thậm chí là theo ngày. Do đặc thù về quy mô và độ phức tạp hệ thống, số lượng khách hàng… các giải pháp ERP không thể đáp ứng yêu cầu này.
- Các gói giải pháp nâng cao từ các hãng ERP lớn thường có chi phí rất cao, không phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng “trăm hoa đua nở” là việc các ứng dụng xung quanh ERP không được xây dựng theo một kiến trúc nền tảng thống nhất, khiến cho các ứng dụng này khó có thể kết nối, chia sẻ thông tin và quy trình với nhau (dù có thể là sản phẩm của cùng một nhà cung cấp giải pháp) cũng như với lõi ERP. Bên cạnh đó, điều này cũng gây nhiều bất cập cho việc duy trì và vận hành hệ thống.
Chính vì vậy, để đảm bảo cho các ứng dụng CNTT phục vụ quản trị doanh nghiệp do FPT phát triển hoạt động một cách xuyên suốt và đồng bộ trong hệ sinh thái CNTT của khách hàng, đồng thời cũng hoạch định và xây dựng các cấu phần của Kiến trúc Doanh nghiệp thông minh FPT, làm nền tảng cho việc phát triển hệ sinh thái quản trị mang thương hiệu FPT.
Kiến trúc Doanh nghiệp thông minh FPT gồm 4 tầng: Tầng ứng dụng – Bộ ứng dụng doanh nghiệp xung quanh ERP; Tầng phân tích dữ liệu – Các dịch vụ phân tích dữ liệu theo mô hình datawarehouse/datalake; Tầng công nghệ – Các dịch vụ công nghệ 4.0 do FPT phát triển; Tầng nền tảng – Hạ tầng CNTT, bao gồm phần cứng và các dịch vụ nền tảng mã mở được đóng gói và tinh chỉnh bởi FPT.
Kiến trúc Doanh nghiệp Thông minh của FPT (FPT Intelligent Enterprise Architecture)
Kiến trúc phân tầng này cho phép:
- Thống nhất và đồng bộ các ứng dụng trong hệ sinh thái do FPT phát triển, khách hàng có thể chọn lựa triển khai một hoặc nhiều sản phẩm, tại các thời điểm khác nhau mà không phải lo ngại tính đồng bộ, khả năng kết nối cũng như chia sẻ dữ liệu giữa các ứng dụng này.
- Ứng dụng tầng trên cùng sẽ sử dụng chung các dịch vụ do các tầng dưới cung cấp, giúp đơn giản hóa việc vận hành hệ thống, đồng thời cũng giúp khách hàng giảm tổng chi phí sở hữu do không phải đầu tư vào nhiều thành phần công nghệ khác nhau.
- Đảm bảo tính tương thích ngược, việc nâng cấp các thành phần công nghệ không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các ứng dụng/các dịch vụ CNTT vận hành ở tầng cao hơn.
Tầng cao nhất trong kiến trúc Doanh nghiệp thông mình của FPT là bộ các ứng dụng thông minh được chia thành 5 nhóm, có thể hoạt động độc lập, liên thông với nhau và kết nối với phần mềm ERP lõi. FPT đã xây dựng sẵn các bộ kết nối chuẩn cho các giải pháp ERP phổ biến từ SAP và Oracle, đồng thời sẽ xây dựng giao diện với các giải pháp khác tùy theo yêu cầu khách hàng. Các nhóm ứng dụng bao gồm:
- Quản trị tài chính: gồm các nghiệp vụ tài chính nâng cao như Hợp nhất báo cáo tài chính (FPT.CFS), các công cụ tự động hóa công tác tài chính như Nhận dạng hóa đơn đầu vào (FPT.Digital Accounting), Kết nối thanh toán tự động (FPT.ePayment), Hóa đơn điện tử (FPT.eInvoice).
- Quản lý kênh phân phối và trải nghiệm khách hàng: Giải pháp quản lý kênh phân phối và bán hàng tích hợp (ModernSales), Quản lý Giao hàng và Lắp đặt (FPT.Express Delivery), Quản lý bảo hành điện tử (FPT.eWarranty), Quản lý quan hệ khách hàng (FPT.CRM), công cụ Hợp đồng điện tử (FPT.eContract), nền tàng thương mại điện tử, O2O
- Quản lý chuỗi cung ứng: gồm bộ các công cụ/tiện ích quản lý thông tin sản xuất (FPT.MES), quản lý kho thông minh (FPT.WMS), quản lý mua sắm thông minh (FPT.ePurchase).
- Quản lý nguồn nhân lực: gồm bộ giải pháp quản trị nguồn nhân lực (FPT.iHRP) và tiện ích đi kèm như Quản lý đào tạo (eLearning).
- Giải pháp quản trị hành chính: gồm bộ giải pháp Tự động hóa quy trình và giao việc tự động (FPT.SPRO), Quản lý công việc (FPT.SFLASH).
Các nhóm giải pháp chính thuộc tầng ứng dụng trong hệ sinh thái công nghệ FPT
Các sản phẩm, giải pháp trong một nhóm luôn được tích hợp chặt chẽ với nhau và tiếp tục được mở rộng thêm bằng các sản phẩm mới trên nguyên tắc liên thông về quy trình và tăng độ bao phủ về nghiệp vụ.
Tầng thứ hai trong kiến trúc bao gồm các công nghệ, dịch vụ về datawarehouse/datalake, cho phép thu thập dữ liệu từ các ứng dụng trong và ngoài hệ sinh thái FPT (kể cả từ ERP). Một số mô hình phân tích dựng sẵn, điển hình là Nền tảng dữ liệu khách hàng (FPT.CDP) cho phép tạo dựng Chân dung khách hàng (Customer 360), ngoài ra còn có Chân dung sản phẩm (Product 360) và Chân dung nhân viên (Employee 360). Các thông tin này được cung cấp ngược lại các ứng dụng ở tầng trên như ModernSales, CRM để giúp tăng cường trải nghiệm khách hàng và tạo ra các cơ hội bán hàng.
Tầng công nghệ gồm tập hợp những công nghệ mũi nhọn 4.0 được FPT phát triển như Trí tuệ nhân tạo và nhận dạng (FPT.AI), Chatbot, nần tảng IoT (FPT.IoT platform), chữ ký số (FPT.CA). Các công nghê này được đóng gói dưới dạng dịch vụ và được các ứng dụng trong tầng 1 và dịch vụ trong tầng 2 sử dụng. Các dịch vụ này cũng có thể được gọi bởi các ứng dụng bên thứ ba / ứng dụng do khách hàng tự phát triển chạy trên hệ sinh thái FPT.
Tầng cuối cùng là hạ tầng điện toán đám mây và các dịch vụ nền tảng như tích hợp, xác thực, microservices, an toàn bảo mật được xây dựng trên cơ sở các công nghệ mở, do FPT đóng gói và tinh chỉnh. Các dịch vụ ở tầng này đảm bảo cho các ứng dụng và dịch vụ mức cao hơn trong hệ sinh thái có thể được triển khai theo cả hai mô hình on prem và on cloud, đảm bảo tương đồng về chức năng và trải nghiệm trên cả hai môi trường này.
Hiện nay, hệ sinh thái quản trị FPTvà nền tảng Kiến trúc Doanh nghiệp Thông minh FPT đang ngày càng được mở rộng, bổ sung thêm các ứng dụng mới, dịch vụ công nghệ mới, mang lại những giá trị và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng của FPT và là những mảnh ghép có ý nghĩa bên cạnh hệ thống ERP trong bức tranh chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam.
Bài viết độc quyền của Chuyên gia công nghệ FPT IS
Vũ Minh Quang
Giám đốc tư vấn chuyển đổi số, Khối Doanh nghiệp, FPT IS