Lưu trữ số hóa các di sản văn hóa
1. Sự cần thiết việc số hóa – bảo tồn các di sản văn hóa
Các di sản văn hóa, cổ vật có thể tiết lộ cho chúng ta biết được rất nhiều điều, về các kỷ nguyên của nhân loại, về sự phát triển, tiến hóa của vạn vật trên trái đất này hay các quy luật của tự nhiên. Ngày nay, ngay cả đến những đứa trẻ cũng có thể biết về kỷ băng hà, kỷ Jura, thời kỳ đồ đá, thời kỳ đồ đồng,… chính là nhờ những di tích, cổ vật từ xa xưa còn sót lại tới ngày nay và tiết lộ những điều xung quanh thời kỳ nó tồn tại cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử. Việc khai quật và nghiên cứu các cổ vật di sản có tầm quan trọng không chỉ ở mỗi quốc gia mà còn cho cả nhân loại, vì biết được về quá khứ, hiểu được quy luật của tự nhiên cùng với nền văn minh nhân loại đã giúp con người hiện đại rất nhiều. Bản thân các di sản văn hóa không những chỉ mang trong nó những tri thức nghìn năm của thế giới, bản sắc, lịch sử và giá trị của nhân loại mà nó còn là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ mà con người luôn muốn được chiêm ngưỡng, thưởng thức.
Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, các công nghệ mới giúp con người có thể dễ dàng làm những điều phi thường như du hành vũ trụ, siêu máy tính dự báo thời tiết, thiên tai, thảm họa, công nghệ AI ứng dụng trong mọi mặt của cuộc sống mang lại những đột phá bất ngờ… và đặc biệt là các công nghệ hình ảnh, số hóa đa chiều giúp tạo lập phiên bản dạng số của một vật thể với tính trực quan cao nhất có thể như công nghệ ảo hóa,3D, công nghệ thực tại ảo VR,.. giúp con người có thể “chạm” vào các cổ vật một cách sống động và thú vị mặc dù không được tiếp cận với di sản gốc thực sự. Công nghệ hiện đại với các giải pháp tối ưu có thể giúp con người bảo tồn, quảng bá và khai thác các tài nguyên số có giá trị, giúp lan tỏa các giá trị nhân văn sâu sắc của cha ông nghìn xưa để lại, giúp con người thấu hiểu được nguồn gốc của mình và thế giới xung quanh.
Trong vài chục năm trở lại đây, chính phủ nhiều nước và các tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc cũng đã đặc biệt quan tâm và triển khai ở nhiều nơi việc số hóa và lưu trữ các di sản văn hóa vì lợi ích mang lại và tính nhân văn cao đẹp của hoạt động này. Bằng việc số hóa các di sản và đưa lên môi trường Internet, cộng đồng đông đảo người dân có thể tiếp cận với các cổ vật dễ dàng hơn, các nhà nghiên cứu, học viên sinh viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian công sức khi muốn nghiên cứu về các di sản văn hóa, bởi vậy việc khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa được lan tỏa mạnh mẽ, đặc biệt các giá trị văn hóa được quảng bá theo cách nhanh nhất và trực quan nhất trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Không những thế việc số hóa này sẽ để lại cho thế hệ tiếp theo những bản di sản kỹ thuật số sắc nét nhất và giống thật nhất, điều này cực kỳ quan trọng vì các di sản sẽ dần hư hại theo thời gian, dù có sử dụng các phương pháp bảo quản tốt nhất thì loài người cũng không thể cam kết gìn giữ được những di sản này lâu dài theo thời gian, vì nhiều lí do: thảm họa, thiên tai, cháy nổ, lũ lụt,.. có thể bất ngờ làm hư hại tới các di sản quý giá này. Bởi vậy, tầm quan trọng của việc số hóa các di sản là không thể phủ nhận, với các công nghệ số hóa hiện đại, chúng ta cũng cần phải quan tâm tới các công nghệ lưu trữ điện tử có thể lưu trữ, bảo quản các di sản văn hóa số lâu dài.
Tại Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa lâu đời và hết sức đa dạng với vô số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với lịch sử đất nước nói chung và lịch sử của 54 dân tộc anh em. Đây là những kho báu văn hóa của Việt Nam, trong đó nhiều di sản văn hóa, nghệ thuật đã được tổ chức UNESCO xếp loại di sản của nhân loại, đồng thời cũng có những tiềm năng kinh tế to lớn có thể và cần được khai thác một cách hiệu quả để phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do kinh tế – xã hội và công nghệ, rất nhiều di sản văn hóa của chúng ta có nguy cơ bị mai một hay thậm chí bị biến mất hoàn toàn. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với các di sản văn hóa phi vật thể, vốn phụ thuộc nhiều vào các sinh hoạt cộng đồng thực tế. Một số khác có được bảo vệ nhưng chưa được quảng bá, khai thác hiệu quả cho các nhu cầu phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch và giáo dục.
Việc số hóa di sản ở Việt Nam đã được manh nha thực hiện từ khoảng 20 năm về trước. Cho đến nay Chính phủ đã có quyết định triển khai chương trình cụ thể về số hóa di sản giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên mục tiêu số hóa 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo tàng và di sản tư liệu là vấn đề cần sự góp sức của cả cộng đồng.
Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê, hơn 3.100 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, và đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của hơn 8.000 lễ hội. Chính vì thế, việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa vẫn là một thách thức. Công việc số hóa di sản ở Việt Nam bắt đầu manh nha từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng 3D. Bước đầu công việc số hóa đã có thành tựu nhưng chưa nổi bật và chưa được thực hiện hàng loạt.
Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D giới thiệu nhiều chuyên đề như: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam”… Sau đó bảo tàng tiếp tục xây dựng hệ thống trưng bày 3D thường xuyên với các chủ đề: “Việt Nam thời tiền sử”, “Văn hóa Đông Sơn”, “Triều Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý, Trần”, “Óc Eo – Phù Nam”…Với việc trưng bày 3D này, chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các hiện vật lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị.
Tháng 12/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 2026 phê duyệt chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Quyết định đề ra mục tiêu như: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội. Để đạt được mục tiêu trên, các tỉnh thành trên cả nước đã và đang bắt đầu triển khai số hóa di sản. Trong đó có thể kể đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác – Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng thành bằng công nghệ số, scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage…
Tuy nhiên, thực tế đến nay vẫn còn nhiều khó khăn như về kinh phí, về nền tảng công nghệ số hóa – lưu trữ tại Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa ban hành các tiêu chuẩn cho lưu trữ và số hóa theo các công nghệ mô phỏng như 3D, VR,.., chưa có cơ sở dữ liệu lớn (Big data) về lưu trữ số hóa di sản văn hóa xứng tầm để tập trung lưu trữ và phục vụ khai thác, phát huy giá trị của các tài nguyên di sản văn hóa số của quốc gia. Đồng thời, cũng phát sinh những vấn đề về tranh chấp bản quyền do chưa có các quy định cụ thể. Bên cạnh những thành công ban đầu vẫn còn những thách thức, như sự thích ứng đôi khi chậm hơn với sự phát triển của công nghệ. Có một thực tế ở Việt Nam, hiện nay việc áp dụng công nghệ với di sản dù bước đầu đã bắt kịp những công nghệ mới, nhưng so với thế giới vẫn còn có khoảng cách khá lớn, về nguồn lực cho việc số hóa cũng còn hạn chế cả về chất và về lượng – nguồn lực chuyên gia số hóa di sản văn hóa đòi hỏi không những có kiến thức về công nghệ mà cần phải có những kiến thức về văn hóa, lịch sử.
Có thể thấy việc số hóa và lưu trữ – bảo tồn các di sản văn hóa kỹ thuật số ngày càng khẳng định vai trò của một phương pháp bảo tồn, lưu giữ di sản trong xã hội số hiện nay, góp phần quan trọng trong quản lý, cung cấp thông tin, giúp giới học thuật làm cơ sở nghiên cứu lịch sử, giúp người ở xa có cơ hội tiếp cận với di sản giống như tham quan trực tiếp. Không những thế, việc số hóa các di sản văn hóa đã, đang và sẽ tạo ra những nội dung số như những tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa, các hình ảnh, không gian, sự chuyển động và bối cảnh của di sản kỹ thuật số sẽ thỏa mãn các giác quan của người thưởng thức. Bởi vậy, ngoài tầm quan trọng của việc bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị của di sản số, việc số hóa lưu trữ còn góp phần bảo tồn cho nhân loại những tác phẩm nghệ thuật cho muôn đời sau.
2. Nguyên tắc để áp dụng rộng rãi di sản kỹ thuật số
Trong phần này sẽ tập trung vào việc phân tích những trở ngại và khuyến khích các tiềm năng cho việc số hóa các di sản văn hóa và ứng dụng sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, để làm được điều đó có ba nguyên tắc cốt lõi:
- Nguồn gốc thực nghiệm: các bản số hóa di sản được sử dụng trong khoa học và nghiên cứu các di sản văn hóa một cách dễ dàng, bản số hóa di sản có tính minh bạch, tin cậy và cần thiết được xác thực.
- Bảo tồn kỹ thuật số vĩnh viễn: có thể sử dụng các di sản kỹ thuật số và lưu trữ, bảo tồn với phương pháp khoa học, bảo quản lâu dài cho thế hệ tương lai. Kế hoạch bảo tồn cần có sự tham gia quản lý, đóng góp của các tổ chức,cơ quan quan trọng hoặc của các tổ chức quốc tế.
- Dân chủ hóa công nghệ: việc số hóa các di sản phải hướng tới cho phép các nhà nghiên cứu, người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản trong việc khai thác di sản số cùng với các dữ liệu có liên quan.
Ngày nay, những đột phá nghiên cứu gần đây về máy tính, đồ họa, công nghệ robot và thị giác máy tính đã hội tụ để tạo ra công cụ mạnh mẽ để số hóa các di sản văn hóa giúp phần đảm bảo được các nguyên tắc trên.
2.1. Nguồn gốc thực nghiệm
Một vấn đề cơ bản của thời đại kỹ thuật số là tính tin cậy và chất lượng của bản số hóa các di sản. Khoa học áp dụng rộng rãi các bản số hóa có thể thay thế bản gốc vật lý trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa di sản, việc đó đòi hỏi di sản kỹ thuật số phải đáng tin cậy. Để một học giả, nhà nghiên cứu sử dụng di sản số được xây dựng bởi người khác, họ cần phải biết bản số hóa thể hiện thế nào những thứ quan sát được trên bản gốc vật lý. Nếu các nhà khảo cổ đang dựa vào mô hình 3D ảo để nghiên cứu các công cụ bằng đá ở thời kỳ đồ đá cũ, họ cũng phải có khả năng đánh giá một tính năng trên bản số với bản gốc và ngược lại.
Khái niệm “nguồn gốc thực nghiệm” có thể giải quyết các vấn đề trên và khuyến khích tăng cường việc sử dụng các di sản kỹ thuật số vào nghiên cứu khoa học. Trong quá trình nghiên cứu khoa học, các thông tin được các nhà khoa học thu thập, phân tích, đánh giá theo cách truyền thống được gọi là ‘xuất xứ’ của cuộc nghiên cứu/điều tra. Xuất xứ này được ghi chép cẩn thận vào sổ tay phòng thí nghiệm hoặc các hồ sơ tương tự trong quá trình nghiên cứu và sau đó trở thành một phần không thể thiếu của kết quả được công bố. Nguồn gốc này giải thích nơi thông tin đến từ đâu và cho phép các thí nghiệm nhân rộng, trung tâm của thực tiễn khoa học, để xác nhận chất lượng thông tin. Nguồn gốc như vậy có thể bao gồm các mô tả về thiết bị được sử dụng, các hoạt động toán học và logic áp dụng, kiểm soát, hoạt động giám sát và bất kỳ quy trình nào khác các yếu tố cần thiết để làm cho cả cuộc điều tra, nghiên cứu và kết quả của nó trở nên rõ ràng và minh bạch với các đồng nghiệp khoa học và những người quan tâm. Việc áp dụng rộng rãi các di sản kỹ thuật số đòi hỏi chúng phải có thể vượt qua bài kiểm tra, nghiên cứu như vậy.
Nguồn gốc thực nghiệm của di sản kỹ thuật số tương đương với những gì mà một phòng thí nghiệm cần biểu diễn cho di sản phi kỹ thuật số. Nguồn gốc thực nghiệm ghi lại hành trình nguyên bản, không thay đổi bằng chứng thực nghiệm từ việc thu thập dữ liệu ban đầu của nó thông qua quy trình tạo hình ảnh đến dạng cuối cùng của nó như một di sản kỹ thuật số. Cũng giống như tài liệu văn hóa ‘thế giới thực’ yêu cầu xuất xứ xác định nó là gì, thiết lập quyền sở hữu và tính xác thực của nó, kỹ thuật số hóa, ghi lại quá trình và các hình ảnh để tạo ra chúng,… Bằng cách đó, các nhà nghiên cứu có thể tự quyết định xem có nên sử dụng di sản kỹ thuật số đó trong nghiên cứu của mình hay không.
Các thuộc tính của thông tin nguồn gốc thực nghiệm đối với một di sản kỹ thuật số nhất định phụ thuộc vào các công cụ và phương pháp được sử dụng để xây dựng nó. Đối với một bức ảnh kỹ thuật số, thông tin nguồn gốc thực nghiệm sẽ bao gồm dữ liệu XMP như: kiểu dáng và kiểu dáng máy ảnh, phiên bản chương trình cơ sở, tốc độ màn trập và khẩu độ; các tham số được sử dụng để chuyển đổi dữ liệu cảm biến thô thành hình ảnh như nhiệt độ màu; và mọi thao tác chỉnh sửa được thực hiện trong các công cụ như Photoshop như cắt xén, thay đổi kích thước, sửa méo, làm sắc nét, v.v. Những thao tác chỉnh sửa này có thể có tác động sâu sắc đến độ tin cậy của hình ảnh và cần được lưu ý khi ghi nhận lại trong thuộc tính của nguồn gốc thực nghiệm. Đối với mô hình hình học 3D hiển thị kết cấu bề mặt giống như ảnh thực tế và các đặc tính vật liệu phản chiếu, nguồn gốc thực nghiệm rất phức tạp. Đối với các phiên bản di sản kỹ thuật số này, cần có các thông tin lịch sử quy trình hoàn chỉnh để căn chỉnh dữ liệu hình dạng thu được từ các quan điểm khác nhau, đăng ký dữ liệu hình ảnh kết cấu thành hình học, sửa các lỗi thu thập hình học như khoảng trống, làm mịn trong các tình huống tỷ lệ tín hiệu và nhiễu thấp, tác dụng của giảm dữ liệu nén và các vấn đề khác do phương pháp hình ảnh đã chọn gây ra. Trong mỗi trường hợp, dù là ảnh kỹ thuật số hay mô hình 3D, các thuộc tính bao gồm số lượng bản ghi và mức độ dễ, khó hoặc thậm chí khả năng thu thập nguồn gốc thực nghiệm đều là kết quả của các hoạt động được sử dụng để xây dựng di sản kỹ thuật số.
Chỉ có những thông tin thực tiễn mới được coi là thuộc tính của phiên bản di sản kỹ thuật số, các thông tin này có thể không tạo ra các đại diện ảo hóa của di sản, tuy nhiên nó sẽ là căn cứ để đánh giá tính tin cậy một cách nghiêm ngặt. Cần lưu ý rằng không giống như ngành kinh doanh giải trí lấy hình ảnh đẹp làm mục tiêu, tài liệu khoa học yêu cầu nội dung phải được trình bày một cách đáng tin cậy. Nếu thiếu nguồn gốc thực nghiệm, cho phép đánh giá độ tin cậy, thì di sản kỹ thuật số chỉ có thể được sử dụng cho mục đích trực quan hóa hoặc giải trí nhưng không được sử dụng trong nghiên cứu và bảo tồn được. Bởi vậy, nếu những hình ảnh, mô hình ảo hóa 3D, VR của di sản văn hóa mà được xử lý theo những cách thức làm biến đổi hình ảnh gốc, hoặc làm rõ nét hoặc làm mịn,… mà không có lí do hay ghi chép lại cụ thể sẽ không được coi là những phiên bản đại diện số cho di sản văn hóa đó được, mà chỉ được sử dụng cho mục đích giải trí, kinh doanh.
Cũng như độ tin cậy, sự kết hợp tổng hợp giữa nguồn gốc thực nghiệm và xử lý kỹ thuật số tự động, yêu cầu cấu hình vận hành đơn giản, mang lại lợi thế cho tổ chức, truyền thông và bảo tồn tri thức số. Sau khi quy trình được sử dụng để xây dựng di sản kỹ thuật số được tự động hóa, nhật ký nguồn gốc thực nghiệm mô tả quy trình có thể được tạo tự động. Đổi lại, khi các loại hành động lịch sử quy trình được nhập vào nhật ký này được xác định, chúng có thể được ánh xạ trong phần mềm và được hiểu bởi cộng đồng chuyên gia. Như vậy, cần thiết phải xem xét việc quy trình số hóa di sản để tạo ra những thuộc tính thông tin cần thiết để phiên bản di sản kỹ thuật số có thể được tin cậy và được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học cũng như bảo tồn. Hiện nay, hội đồng Bảo tàng quốc tế – International Council of Museums cũng đã đề xuất một ngôn ngữ thống nhất – robust semantic common language cho việc này. Một nhóm làm việc của Ủy ban Tài liệu (CIDOC) của ICOM hiện đang ở trong quá trình ánh xạ các cấu trúc nguồn gốc thực nghiệm vào Conceptual Reference Model – mô hình tham chiếu khái niệm (CRM), tiêu chuẩn ISO 21127.
2.2. Bảo tồn di sản kỹ thuật số
Thời gian và những thảm họa đang hàng ngày tàn phá những bản gốc của di sản văn hóa, những thứ đã mất đi thì khó có thể lấy lại được. Việc bảo tồn này đòi hỏi trách nhiệm nghề nghiệp của mỗi chuyên gia và của cả bộ máy quản lý công tác số hóa và bảo tồn di sản văn hóa. Không giống như việc bảo tồn di sản văn hóa bản gốc vật lý có thể bị hư hại hoặc biến mất hoàn toàn, các di sản văn hóa kỹ thuật số có thể được lưu trữ ở nhiều nơi khác nhau, có thể tồn tại ở nhiều dạng khác nhau bất chấp các hoàn cảnh, điều kiện xung quanh. Tuy nhiên, chính sự đa đạng về vị trí tồn tại và hình thức tồn tại này cũng là mối nguy hiểm của di sản kỹ thuật số.
Việc lên kế hoạch bảo quản các di sản kỹ thuật số cũng cực kỳ quan trọng, chúng ta phải trả lời các câu hỏi chính: Chúng ta nên lưu giữ dữ liệu nào và nên lưu giữ dữ liệu đó như thế nào? Khi nói đến việc bảo tồn di sản kỹ thuật số, chúng tôi muốn nói đến việc đưa ra quyết định: chúng ta cần phải quyết định bảo tồn như thế nào, điều gì cần được giữ và tu sửa và ngược lại những gì không cần thiết phải tu sửa và bảo tồn, đâu là tiêu chí để phân biệt những điều này? Dữ liệu được lưu trữ và cho phép truy cập như thế nào: 5 năm, 100 năm hay 1000 năm? Trong 100 năm tới công nghệ và phương tiện lưu trữ sẽ thay đổi liên tục trong khi dữ liệu cần phải được lưu truyền một cách đáng tin cậy. Và câu hỏi cuối cùng – ai sẽ là người trả tiền cho việc này?
Chúng ta có thể nghĩ về di sản kỹ thuật số dưới góc độ giá trị của những gì đang được lưu giữ, khả năng tồn tại của nó, mức độ sẵn có của nó đối với các bên liên quan và nó sẽ tồn tại trong bao lâu. Nói cách khác, một kho lưu trữ di sản số lý tưởng sẽ bảo tồn các tệp thay thế kỹ thuật số có chất lượng lưu trữ theo cách có thể truy cập mở mãi mãi. Đây là định nghĩa đơn giản nhất về kho lưu trữ đáng tin cậy.
Thư viện quốc hội Mỹ – The Library of Congress đã đề xuất ra các yếu tố để bảo tồn di sản kỹ thuật số như sau:
- Adoption: Việc áp dụng rộng rãi một định dạng kỹ thuật số (digital format) nhất định làm cho khả năng lỗi thời của nó giảm đi và tiết kiệm được nhiều cho cơ quan lưu trữ trong việc migration và mô phỏng các di sản văn hóa.
- Transparency – tính minh bạch: các di sản kỹ thuật số mở để cộng đồng nghiên cứu, quan tâm có thể phân tích trực tiếp mà không cần giải thích, tính minh bạch được đặt trưng bằng chính thông tin lưu trữ và metadata, như thế nếu nguồn gốc thực nghiệm phải đầy đủ và tin cậy sẽ là cơ hội cho phiên bản di sản kỹ thuật số được bảo tồn bền vững theo thời gian.
- Sự phụ thuộc bên ngoài: định dạng media càng ít phụ thuộc vào phần mềm/phần cứng độc quyền thì càng tốt. Nếu có nhiều phương pháp số hóa di sản có thể mang lại kết quả tương tự về độ chính xác và năng suất thì nên sử dụng phương pháp mở hơn/ít phụ thuộc vào bên ngoài hơn.
- Tác động của bằng sáng chế và bản quyền: Sở hữu trí tuệ có thể hạn chế khả năng lưu trữ của di sản kỹ thuật số bởi vậy bất cứ khi nào có thể, việc cấp phép mở, rõ ràng cho số hóa các di sản văn hóa đều được khuyến khích.
- Cơ chế bảo vệ kỹ thuật số: việc lựa chọn cơ chế bảo vệ dữ liệu các di sản số cũng cần được cân nhắc cẩn trọng, bởi chúng có thể ảnh hưởng tới việc bảo quản lâu dài do thay đổi về công nghệ định dạng hoặc máy móc, phương tiện lưu trữ. Ví dụ như các công nghệ DRM hoặc mã hóa có thể ảnh hưởng tới quá trình bảo tồn.
Như vậy, các chuyên gia di sản văn hóa cần phải sản xuất được các nội dung tuân thủ theo các yếu tố quy định bởi các tổ chức quốc tế quan trọng. Rất cần phải có các phương pháp bảo tồn di sản kỹ thuật số hợp lý. Sự hợp tác giữa các chuyên gia di sản văn hóa và các chuyên gia công nghệ số là rất cần thiết để hoạch định ra các phương pháp bảo tồn phù hợp với từng vùng, quốc gia và từng di sản theo tầm quan trọng của nó.
2.3. Dân chủ hóa công nghệ
Việc trích xuất thông tin bằng máy tính từ các bức ảnh kỹ thuật số có thể tạo ra các di sản kỹ thuật số mô tả một cách đáng tin cậy về cả hình dạng, vị trí, vật liệu và phản chiếu 2D và 3D của thế giới chúng ta. Trong số các công nghệ mới này có hình ảnh chuyển đổi phản xạ đơn và đa góc nhìn, trích xuất thuật toán các bản vẽ đặc điểm bề mặt từ thông tin phản chiếu, cũng như các đột phá về phép chụp ảnh cho phép tự động hiệu chỉnh và xử lý hậu kỳ kết cấu kỹ thuật số hình học 3D. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng trong công nghệ, các công nghệ mới với các xử lý mạnh mẽ về hình ảnh, xử lý hậu kỳ có thể làm thay đổi bản số hóa so với bản gốc, chúng ta cũng cần lưu ý tới điều này vì nó sẽ không đảm bảo được nguyên tắc nguồn gốc thực nghiệm của di sản kỹ thuật số.
Việc ứng dụng các công nghệ mới và số hóa các di sản văn hóa thực sự rất quan trọng, tuy nhiên cần lưu ý công nghệ được sử dụng cần phải phù hợp và đảm bảo cho phép các nhà nghiên cứu, người quan tâm có thể dễ dàng tiếp cận và đơn giản trong việc khai thác di sản số cùng với các dữ liệu có liên quan.
3. Kết luận
Bài viết đề cập đến xu hướng số hóa di sản văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên thế giới và ở Việt nam. Đồng thời, cũng nêu ra tầm quan trọng của việc số hóa và bảo tồn các di sản văn hóa, chính việc tạo ra các di sản kỹ thuật số được coi là cách thức để bảo tồn các di sản văn hóa cho muôn đời sau. Số hóa và lưu trữ các di sản kỹ thuật số là cực kỳ quan trọng cho mỗi quốc gia và cho cả nhân loại vì không những giúp các nhà nghiên cứu, người quan tâm có thêm rất nhiều cơ hội được tiếp cận và nghiên cứu những di sản văn hóa quý giá của nhân loại, đặc biệt là các di sản đang bị hư hại theo thời gian hoặc đang bị hư hại nặng – bình thường khó có thể tiếp cận được, mà các phiên bản di sản kỹ thuật số được tạo ra và lưu trữ theo các nguyên tắc còn là những di sản kỹ thuật số được bảo tồn cho thế hệ sau. Qua nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc số hóa và lưu trữ các di sản kỹ thuật số này cần tuân theo những nguyên tắc cốt lõi: nguồn gốc thực nghiệm, bảo tồn kỹ thuật số vĩnh viễn và dân chủ hóa công nghệ. Chỉ có tuân theo các nguyên tắc như vậy, chúng ta mới có thể ứng dụng rộng rãi các di sản kỹ thuật số vào nhiều lĩnh vực, giúp tiết kiệm thời gian, công sức để tiếp cận và nghiên cứu về các di sản, đồng thời giúp bảo tồn vĩnh viễn các di sản văn hóa tránh được sự mai một, hư hại, biến mất của các di sản văn hóa theo thời gian.
Việc tạo ra các di sản kỹ thuật số, đưa ra ứng dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực ngoài việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản nêu trên thì cũng cần phải tuân theo những tiêu chuẩn cho việc số hóa, truy cập và lưu trữ, tôi hi vọng sẽ tiếp tục viết về các tiêu chuẩn này ở các bài viết tiếp theo.
Bài viết độc quyền của chuyên gia FPT IS
Hà Thị Hạnh – Chuyên gia thiết kế giải pháp Công ty TNHH FPT IS |