Ngân hàng không chi nhánh – Xu hướng tương lai - FPT IS

Ngân hàng không chi nhánh – Xu hướng tương lai

Ngân hàng không chi nhánh (Branchless Banking) đang trở thành một keyword nhận được nhiều quan tâm. Xu hướng này đang gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu: chỉ riêng năm 2020, các ngân hàng tại Mỹ đã đóng cửa hơn 3.000 chi nhánh, cho thấy vai trò ngày càng mờ nhạt của ngân hàng truyền thống. Sự phổ biến của ngân hàng không chi nhánh ngày càng tăng, với 76% người Mỹ sử dụng dịch vụ ngân hàng di động vào năm 2022 – số liệu từ Báo cáo của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ. Ngân hàng không chi nhánh đại diện cho một sự chuyển dịch căn bản của dịch vụ tài chính với động lực từ công nghệ và nhu cầu của khách hàng. Bài viết này sẽ phân tích sự phát triển, các mô hình hoạt động, lợi ích, thách thức và tương lai của ngân hàng không chi nhánh, đồng thời trình bày các nghiên cứu điển hình về tác động thực tế của mô hình này trên toàn cầu.

Sự Phát Triển Của Ngân Hàng: Từ Mô Hình Truyền Thống Đến Ngân Hàng Không chi nhánh

Trong lịch sử, ngân hàng chủ yếu hoạt động thông qua các chi nhánh, nơi khách hàng thực hiện giao dịch, nhận tư vấn tài chính và quản lý tài khoản. Tuy nhiên, mô hình này tồn tại nhiều hạn chế như chi phí vận hành cao, giới hạn địa lý và quy trình thủ công mất thời gian. Tuy nhiên, ngành ngân hàng không thiếu những cột mốc ứng dụng công nghệ mới để thay đổi bản chất dịch vụ. Sự phát triển của công nghệ di động, điện toán đám mây, API, hệ thống xác thực số và AI đã mở ra kỷ nguyên của ngân hàng không chi nhánh.

Chỉ một vài con số sau đã cho thấy ứng dụng công nghệ trong ngành ngân hàng đã biến đổi mô hình của ngành này như thế nào. Theo thống kê của KPMG trong báo cáo Banking Industry Outlook 2016, số lượng giao dịch tại chi nhánh truyền thống đã giảm 40% kể từ năm 2015. Trung bình một người dùng bình thường có thể vào ứng dụng di động ngân hàng 23 lần/tháng từ báo cáo Forrester Banking Digital Experience Report 2023. Quá trình biến đổi từ chi nhánh lên không gian số của ngân hàng đã diễn ra từ lâu, đạt đến mức thay đổi hoàn toàn giao diện ngành. Trong tương lai, với các công nghệ mới, việc không chi nhánh sẽ hiện thực hoá.

Các Mô Hình Chính Của Ngân Hàng Không Chi Nhánh

Hiện nay, có nhiều mô hình ngân hàng không chi nhánh đang được áp dụng, bao gồm:

  1. Ngân Hàng Số Toàn Diện (Neobank)

    Các ngân hàng như Revolut, N26, Nubank hoạt động hoàn toàn trên nền tảng số, không có chi nhánh vật lý. Ở Việt Nam có thể kể các đại diện như Liobank, Cake by VPBank hay VCB Neo. Tuy nhiên các ngân hàng số Neobank tại Việt Nam vẫn là các cấu phần của ngân hàng truyền thống chứ chưa có một ngân hàng thuần số hoàn toàn độc lập.

  2. Mô Hình Lai (Hybrid Model)

    Các ngân hàng truyền thống như Chase, BBVA áp dụng chiến lược số hóa để cung cấp trải nghiệm ngân hàng kỹ thuật số. Xu hướng này ở Việt Nam đang áp đảo khi hầu như ngân hàng nào cũng có những trải nghiệm số hoá cho riêng mình

  3. Ngân Hàng Đại Lý (Agent Banking)

    Sử dụng mạng lưới đại lý bên thứ ba để cung cấp dịch vụ tài chính tại các khu vực chưa có ngân hàng. 2 ứng dụng nổi bật tại Việt Nam đó là Viettel Money (kết hợp giữa ngân hàng MB và Viettel) và MoMo (phối hợp giữa Vietcombank và M-Service). Tuy nhiên mô hình này còn nhiều rào cản về pháp lý để có thể phát triển rộng hơn

  4. Ngân Hàng Như Một Dịch Vụ (Banking-as-a-Service – BaaS) & Tài Chính Nhúng (Embedded Finance)

    Cung cấp dịch vụ tài chính thông qua các nền tảng phi ngân hàng (ví dụ: Grab tích hợp sản phẩm tài chính – ví Moca).

    Mỗi mô hình đều có lợi ích riêng, từ việc giảm chi phí hoạt động đến mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho nhiều đối tượng khách hàng.

Lợi Ích Của Ngân Hàng Không Chi Nhánh

Ngân hàng không chi nhánh mang lại nhiều lợi ích quan trọng:

  • Hiệu quả chi phí: Các ngân hàng có thể giảm chi phí vận hành từ 20-30%, giúp hạ giá thành dịch vụ.
  • Trải nghiệm khách hàng nâng cao: Dịch vụ có sẵn 24/7, cá nhân hóa nhờ AI, tương tác nhanh chóng qua các nền tảng số.
  • Mở rộng tài chính toàn diện: Trong giai đoạn 2011-2021, có 1,4 tỷ người lần đầu tiếp cận dịch vụ tài chính, chủ yếu nhờ sự phát triển của ngân hàng di động. Tại châu Phi cận Sahara, tỷ lệ sở hữu tài khoản di động tăng từ 33% lên 55% trong giai đoạn 2017-2021. Quan trọng nhất là 76% người trưởng thành trên toàn thế giới có thể sử dụng ngân hàng số. Điều này cho thấy tài chính đang được mở rộng toàn diện trên nhiều mặt nhờ ứng dụng số hoá. Số liệu từ báo cáo của World Bank Global Findex năm 2021
  • Phát triển bền vững: Giảm thiểu tác động môi trường bằng cách hạn chế xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý.

Nghiên Cứu Điển Hình: Những Câu Chuyện Thành Công Toàn Cầu

M-Pesa (Kenya)

  • Bối cảnh: Ngoại lệ tài chính, đại ý về việc hạn chế truy cập các dịch vụ tài chính cơ bản là động lực thúc đẩy sự ra đời của M-Pesa tại Kenya. Theo nghiên cứu, ở thời điểm 20006, chỉ có khoảng 26% dân số Kenya được tham gia vào nền kinh tế. Năm 2007, tỷ lệ người có tài khoản ngân hàng tại Kenya dưới 20%. Ngoại lệ tài chính cực kỳ ghi dấu ở cả thành thị và nông thôn

Ngân hàng không chi nhánh tại Kenya

  • Triển khai: M-PESA được phát triển bởi nhà mạng viễn thông Vodafone và sau đó được phân phối tại Kenya bởi công ty liên kết Safaricom vào tháng 3 năm 2007. Để sử dụng dịch vụ, khách hàng cần đăng ký tại cửa hàng uỷ quyền của M-PESA. Người dùng được cấp 1 tài khoản gắn liền với số điện thoại, truy cập thông qua một ứng dụng trên SIM điện thoại. Người dùng có thể rút nạp tiền điện tử bằng việc giao dịch tại các quầy của M-PESA trên toàn quốc với hình thức tiền mặt đổi tiền điện tử. Những cửa hàng này nhận được 1 khoản phí từ Safaricom mỗi khi có giao dịch. Có tiền trong tài khoản, người dùng có thể chuyển tới tài khoản khác, trả hoá đơn hoặc mua thời lượng gọi điện. Mỗi giao dịch đều được ghi nhận bằng SMS và giới hạn ở 500 USD. Người dùng sẽ trả 1 khoản phí cho mỗi loại giao dịch theo quy định.

WeBank (Trung Quốc)

  • Bối cảnh: Ra mắt năm 2014, là ngân hàng không chi nhánh đầu tiên tại Trung Quốc. WeBank được thành lập nhằm hướng tới các cá nhân chưa được phục vụ tài chính ở Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc, WeBank được hẫu thuẫn bởi nhiều ông lớn như Tencent, công ty đầu tư Baiyeyuan và Liye Group.
  • Triển khai: Ứng dụng AI trong cho vay và đánh giá rủi ro. Cung cấp các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng như các khoản vay tín dụng thông qua các kênh kỹ thuật số

Ngân hàng không chi nhánh tại Trung Quốc

  • Kết quả: Hơn 300 triệu khách hàng, chi phí mở tài khoản thấp hơn 98% so với ngân hàng truyền thống. Thời gian duyệt cho vay giờ đây được tính bằng phút thay vì bằng ngày ở các ngân hàng truyền thống.

N26 (Châu Âu)

  • Bối cảnh: Hoạt động tại 24 quốc gia châu Âu.
  • Triển khai: Ngân hàng số toàn diện với trọng tâm là trải nghiệm người dùng.
  • Kết quả: 8 triệu khách hàng vào năm 2023, chi phí thu hút khách hàng mới thấp hơn 70% so với ngân hàng truyền thống. 78% khách hàng đánh giá cao trải nghiệm ngân hàng so với thời điểm trước

Ngân hàng không chi nhánh tại Châu Âu

Nubank (Brazil)

  • Bối cảnh: Chi phí ngân hàng cao, 55 triệu người không có tài khoản vào năm 2013. Nubank được thành lập bởi 3 thành viên, được coi là tiên phong về Ngân hàng không chi nhánh tại Brazil, với kỳ vọng cách mạng hoá bối cảnh tài chính ở châu Mỹ Latinh
  • Triển khai: Dịch vụ thẻ tín dụng và ngân hàng số.
  • Kết quả: 75 triệu khách hàng, phí ngân hàng hàng tháng giảm từ 15 USD xuống dưới 2 USD, thời gian duyệt tín dụng giảm từ vài tuần xuống vài phút.

Ngân hàng không chi nhánh NuBank

Thách Thức & Cân Nhắc

Dù có nhiều lợi ích, ngân hàng không chi nhánh vẫn gặp một số rào cản:

  • Rủi ro an ninh mạng: Số lượng giao dịch trực tuyến tăng khiến nguy cơ gian lận cao hơn. Theo báo cáo từ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam (NCS) cho thấy, năm 2023 ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam, trung bình 1.160 vụ mỗi tháng
  • Khoảng cách số: Hạn chế tiếp cận internet và điện thoại thông minh tại vùng sâu, vùng xa.
  • Tuân thủ quy định: Vẫn còn nhiều khái niệm, quy định chưa có trong các bộ luật, dẫn đến chưa có hành lang pháp lý để hiện thực hoá các mô hình tài chính. Ví dụ tiêu biểu đã được nêu bật đó chính là việc chưa có quy định về Banking Agent nên chưa thể nhân rộng mô hình này cho các ngân hàng khác.
  • Niềm tin khách hàng: Xây dựng lòng tin mà không có giao dịch trực tiếp là một thách thức. Vẫn còn nhiều nhóm khách hàng đặt ưu tiên cho các giao dịch trực tiếp hơn giao dịch số. Việc chuyển đổi niềm tin sẽ cần thời gian cũng như nỗ lực nâng cao chất lượng hệ thống để đảm bảo thông suốt giao dịch

Tương Lai Của Ngân Hàng Không Chi Nhánh

  • Cá nhân hóa vượt trội: AI và học máy sẽ tối ưu dịch vụ tài chính theo từng khách hàng. Việc cá nhân hoá sẽ được nâng lên một mức cao hơn, mang chất lượng dịch vụ vốn chỉ dành riêng cho các nhóm khách hàng cao cấp phổ cập tới đông đảo khách hàng hơn. Mỗi cá nhân sẽ có một profile riêng biệt với những dịch vụ “may đo” đặc trưng cho từng khách hàng.
  • Tích hợp Blockchain & DeFi: Ứng dụng công nghệ tài chính phi tập trung. Việc này trước hết nhắm tới cắt giảm chi phí đồng thời cho phép việc truy cập, trích xuất dữ liệu diễn ra an toàn hơn. Với BlockChain và Decentralized Finance, các thông tin được lưu giữ khách quan, bảo mật thay vì chỉ tập trung vào một điểm.
  • Siêu ứng dụng tài chính: Ngân hàng không chi nhánh tích hợp trong các nền tảng phổ biến. Các siêu ứng dụng tài chính không phải là điều gì mới. Nhưng sự phát triển của các ứng dụng loại này hứa hẹn sẽ ngày càng mở rộng khi các sản phẩm tài chính được tối ưu hoá và tích hợp trên cùng một nền tảng nhằm mang tới trải nghiệm thống nhất và xuyên suốt.
  • Xác thực sinh trắc học: Cải thiện bảo mật với nhận diện khuôn mặt, giọng nói.

Kết Luận

Ngân hàng không chi nhánh đang thay đổi sâu sắc ngành tài chính, mang lại sự tiện lợi, chi phí thấp hơn và khả năng tiếp cận tài chính rộng hơn cho người dùng trên toàn thế giới. Từ những thành công của M-Pesa tại Kenya, WeBank tại Trung Quốc đến N26 và Nubank tại châu Âu và Mỹ Latinh, chúng ta thấy rõ rằng mô hình này không chỉ là một xu hướng, mà là tương lai tất yếu của ngành ngân hàng. Với sự phát triển của công nghệ AI, blockchain, và tài chính nhúng, các ngân hàng số ngày càng có khả năng cá nhân hóa dịch vụ, nâng cao bảo mật và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi ích của ngân hàng không chi nhánh, ngành tài chính cần giải quyết các thách thức về an ninh mạng, khoảng cách số và tuân thủ pháp lý. Điều quan trọng là phải xây dựng lòng tin nơi khách hàng, đảm bảo rằng các dịch vụ ngân hàng số không chỉ nhanh chóng, tiện lợi mà còn an toàn và minh bạch.

Bài viết độc quyền bởi Ông Lê Thanh Hải – Chuyên gia Công nghệ số – Data – AI ngành Tài chính Ngân hàng

Chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính Ngân hàng với 15 năm kinh nghiệm, ,o  mối phối hợp của nhiều đối tác lớn như IBM, Oracle, AWS, Microsoft, Fujitsu. Chuyên gia tư vấn về giải pháp Data – AI trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính, phát triển các giải pháp nền tảng của ngân hàng tại Nhật Bản và Việt Nam. Ứng dụng xây dựng hệ thống thẻ thanh toán tại ngân hàng SHB

Chia sẻ:
FPT IS

FPT IS

Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân