Chủ tịch HĐQT FPT: Việt Nam có cơ hội đi sau về trước nếu quyết tâm chuyển đổi số
Cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu không thể bỏ qua trong quá trình phát triển, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT khẳng định: Việt Nam sẽ có cơ hội đi sau nhưng về trước nếu thực sự quyết tâm trên con đường này.
Nhân dịp đầu Xuân Quý Mão 2023, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi cởi mở về những câu chuyện hậu trường với một trong những người tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam. Con đường bắt đầu bằng những đoàn công tác chỉ có 1 người.
PV: Thưa ông, trong thời gian gần đây, chuyển đổi số là cụm từ xuất hiện dày đặc từ nghị trường cho tới mâm cơm. Là người đứng đầu một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam, ông định nghĩa thế nào về chuyển đổi số?
Ông Trương Gia Bình: Khi nghe ai đó làm chuyển đổi số thì tôi thường hỏi họ hai câu như thế này:
– “Bạn có đủ dữ liệu không?”
– “Dữ liệu ấy có làm ra tiền bạc gì không?”
Nếu người ta trả lời là có, tức là họ đang chuyển đổi số tốt. Còn nếu câu trả lời không thì họ chưa chuyển đổi số, họ mới nằm ở giai đoạn 2 – tin học hóa quy trình.
Quy trình chuyển đổi số bao gồm 3 giai đoạn:
Nếu giai đoạn 2 cho phép máy móc giúp con người làm việc nhanh hơn thì ở giai đoạn 3 máy móc sẽ làm thay phần việc của con người.
Dù là đi trước hay đi sau, quy trình này sẽ xảy ra với bất cứ công ty nào, ở bất kỳ thời điểm nào. Tôi cho rằng, trong 3 giai đoạn này không nhất thiết phải xong cái nọ mới tới cái kia mà sẽ song hành. Phải nói thêm rằng, chuyển đổi số là một quá trình không bao giờ kết thúc.
PV: Chỉ như vậy thôi thưa ông? Vì ông biết đấy, chúng ta có những định nghĩa dài hàng trang giấy về chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình: Chỉ như vậy thôi.
Chuyển đổi số là biến dữ liệu thành trí tuệ dữ liệu và dùng trí tuệ dữ liệu để tạo ra hiệu quả, doanh số, năng suất lao động vượt trội hơn trước.
PV: FPT là một trong những tập đoàn đi tiên phong và dẫn dắt trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam. Vậy FPT đã tự mình chuyển đổi số từ khi nào và như thế nào?
Ông Trương Gia Bình: Chúng tôi thành lập công ty khi đất nước còn bị cấm vận. Thời điểm đó, chúng tôi đã phải tự học, tự mua sách về để đọc, tự viết chương trình, tự quản lý mình và giúp người khác ứng dụng công nghệ thông tin.
Vietnam Airlines là một trong những khách hàng đầu tiên của FPT. Vào thời điểm đó, nếu bạn muốn bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh (và ngược lại – PV) thì bạn phải đăng ký chỗ từ thứ 2 cho tới tận thứ 7. Vì không biết ngày nào sẽ được bay nên… ngày nào bạn cũng phải đợi. Đến ngày được bay thì không phải ai cũng được thông báo kịp, bởi đâu phải ai cũng có điện thoại! Nhiều khi đăng ký thì đầy mà chuyến bay lại rỗng.
FPT quyết định nhập cuộc: Làm và bán sản phẩm công nghệ đầu tiên – phần mềm đặt chỗ giữ vé. Vừa đi, vừa tạo đường, cuối cùng, với sự hỗ trợ từ Vietnam Airlines, chúng ta đã có một hệ thống đặt chỗ giữ vé tương đối hiện đại vào năm 1991.
Còn chuyện FPT tự chuyển đổi số cho mình thì chúng tôi bắt đầu từ quản lý tài chính. Chuyển đổi số thực chất là chuyển đổi cách làm, chuyển đổi con người và chuyển đổi công nghệ. Cả ba việc phải được làm cùng một lúc.
PV: Lý do nào khiến FPT quyết định chuyển đổi số vào thời điểm đó?
Ông Trương Gia Bình: Năm 2016, tín hiệu đầu tiên về chuyển đổi số xuất phát từ Davos, Thuỵ Sĩ, khi Chủ tịch của Diễn đàn kinh tế thế giới Klaus Schwab gửi thông báo về một cuộc cách mạng 4.0.
Chúng tôi hiểu rằng, là người đi sau mà chỉ bước theo người ta thì chẳng bao giờ đuổi kịp họ. Chỉ có 1 con đường để FPT vượt lên là phải đi tiên phong. Năm 2016, FPT bắt đầu chuyển đổi số.
PV: Con đường của những người đi tiên phong trong chuyển đổi số có khó khăn như nhiều người tưởng tượng không, thưa ông?
Ông Trương Gia Bình: Đi tiên phong là một lợi thế. Những tập đoàn hàng đầu thế giới đều là những người đi tiên phong. Nếu muốn đồng hành cùng những người tiên phong thì mình cũng phải tiên phong.
Việc đi ra nước ngoài đã giúp FPT rất nhiều kiến thức: Làm gì, làm như thế nào và nên bắt đầu từ đâu. Bởi những thứ mới nhất bao giờ cũng bắt đầu từ thị trường nước ngoài. Và phải nói rõ là bắt đầu từ Mỹ. Mỹ là nước chấp nhận công nghệ nhanh nhất thế giới.
Năm 2010, khi đang phục vụ cho hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ, một anh kỹ sư hỏi chúng tôi rằng: Giờ chuyển đổi số, vậy ta làm gì? Bàn bạc một hồi, chúng tôi quyết định số hóa chiếc cặp đựng toàn bản đồ giấy của phi công. Chiếc cặp nặng mấy chục kilogram, nhiệm vụ của chúng tôi là biến nó thành máy tính bảng! Sau một tháng, toàn bộ bản đồ bay bằng giấy đã được số hóa thành dữ liệu trên các máy tính bảng. Trong vòng ba tháng, chúng tôi đã triển khai thành công tại một hãng hàng không. Một năm sau, tất cả phi công của họ trên thế giới đã từ bỏ cặp giấy. Đấy chính là chuyển đổi số.
PV: Ông sẽ dùng tính từ nào để miêu tả gần 35 năm lăn lộn trong lĩnh vực công nghệ? 35 năm này đã để lại cho FPT những bài học lớn nào?
Ông Trương Gia Bình: Gần 35 năm lăn lộn trong lĩnh vực công nghệ cho tôi hiểu bài học khó khăn nhất vẫn là nhận thức. Bởi phần mềm hay chuyển đổi số là thứ không thể nhìn thấy bằng mắt thường được.
Nhưng bằng các bài học thực tiễn, chúng ta có thể tin tưởng sâu sắc rằng các tổ chức không chuyển đổi số sớm muộn đều sẽ đóng cửa. Chuyển đổi số là con đường duy nhất để tồn tại.
Chuyển đổi số tôi muốn nói và hướng đến ở đây là cho toàn bộ hệ thống – một nấc cao hơn nữa. Chuyển đổi số giai đoạn 1 là khai thác dữ liệu và tối ưu hoá trong nội bộ một tổ chức và chúng tôi đang bước sang chuyển đối số giai đoạn 2: tối ưu hóa cả một hệ sinh thái doanh nghiệp. Khi các điểm chạm (những công việc, thủ tục giấy tờ chung,…) giữa các doanh nghiệp được tự động hóa, một lực lượng lớn lao động sẽ được giải phóng để chuyển sang các công việc trí tuệ hơn: Làm những công việc sáng tạo và không lặp lại. Đây là một bài toán mới. Khi giải được, chúng ta có thể tạo ra năng suất vượt trội cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đang giúp con người tiến đến những việc trước đây được xem là không tưởng. Hôm nay, chúng ta phải khuân ghế để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn này. Ngày mai, nhờ có công nghệ, cái ghế phải tự di chuyển khi chúng ta cần. Công nghệ sẽ tạo ra một thế giới mới.
PV: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu: 2022 là “năm tổng tiến công về chuyển đổi số”. Ông cũng từng nói “năm 2021 là năm tập dượt cho chuyển đổi số”. Vậy sau một năm tập dượt, ông đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam trong năm vừa qua?
Ông Trương Gia Bình: Trong năm 2021, từ văn kiện của Đại hội Đảng, cho tới các chương trình hành động, Việt Nam đều nhất quán và quyết tâm chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương cùng đồng loạt lên chương trình thực hiện chuyển đổi số là một hiện tượng chưa từng có.
Dịch Covid-19 bùng phát là lúc chúng ta nhận ra: Không thể sống thiếu “số”. Khi hàng chục vạn người cần chăm sóc y tế cùng một lúc thì không bao giờ đủ đội ngũ ngân viên y tế, trừ hệ thống chăm sóc y tế tự động. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu rõ: AI – Trí tuệ nhân tạo có thể cứu sống mạng người. Trong giai đoạn cao điểm đại dịch năm 2021, trí tuệ nhân tạo – Trợ lý y tế ảo FPT.AI đã thực hiện hơn 2,6 triệu cuộc gọi sàng lọc F0.
Cuối tháng 9/2021, FPT tập trung vài trăm kỹ sư nhằm xây dựng, triển khai Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế Quận 7 góp phần thực hiện mục tiêu chống dịch và khôi phục kinh tế của Quận 7, Tp.HCM. Sau hơn một tháng hoạt động, trung tâm hỗ trợ Quận 7 kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng như đặt nền móng cho quá trình phục hồi kinh tế, hướng đến xây dựng chính quyền diện tử, chính quyền số hình mẫu của thành phố. Kết quả là, thu ngân sách tháng 10/2021 của quận đạt 470 tỷ đồng, gần bằng cả quý III trước đó của năm 2021.
Có thể nói, Covid-19 là một cú hích về mặt nhận thức để thay đổi công nghệ.
Xưa vua Quang Trung là vị vua đầu tiên có thể quản lý dân chúng bằng một cái thẻ tre. Nay, chúng ta có căn cước công dân – dấu ấn quan trọng chuyển đổi số quốc gia trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể quản lý định danh điện tử cho toàn bộ công dân Việt Nam từ khi lọt lòng cho tới mãi sau này. Cơ sở dữ liệu đó chính là nền tảng để phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới.
Việt Nam có thể đi sau nhưng sẽ về trước nếu ta kiên quyết làm. Theo tôi có hai điểm quan trọng trong thời gian bản lề giữa năm cũ và năm mới:
Một là, chúng ta làm được chương trình căn cước công dân.
Hai là, nhận thức về dữ liệu cần phải thống nhất. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói năm 2023 là năm của dữ liệu. Nhiệm vụ của chúng là tập hợp dữ liệu và khai thác dữ liệu đó để tạo ra cách quản lý mới, để dịch vụ công nhanh hơn, tiện hơn, ít tốn kém hơn và là nền tảng phát triển cho tương lai.
PV: Nhìn lại, vậy chuyển đổi số cần phải bắt đầu từ đâu thưa ông?
Ông Trương Gia Bình: Tôi nghiệm ra rằng, chuyển đổi số phải bắt đầu trái tim, đến cái đầu rồi mới tới cái tay. Tức là bắt đầu từ tình cảm rồi mới đến nhận thức và hành động. Tôi gọi đó là quy tắc 3H: Heart (Trái tim), Head (Đầu), Hand (Bàn tay).
Mà muốn chiếm được tình cảm phải giải thích rõ và chứng minh về mặt lợi ích.
PV: Đây có phải là một quá trình ngược không? Bởi trái tim bao giờ cũng là nơi khó chinh phục nhất.
Ông Trương Gia Bình: Nếu mà làm bằng đôi tay trước , 4 người thì ra tám hướng!
PV: Tính đến hết năm 2022, FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 25 tỉnh thành ở cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chuyển đổi số trong quy hoạch tỉnh chắc chắn không phải là một chuyện dễ dàng, ông có thể kể lại một trải nghiệm thú vị ở đây không?
Ông Trương Gia Bình: Câu chuyện lý thú là chợ Đông Ba điện tử. Lãnh đạo địa phương và FPT đều thống nhất lựa chọn Đông Ba – ngôi chợ truyền thống hơn 100 năm ở Huế là xuất phát điểm quan trọng trong chuỗi hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Tỉnh. Không chỉ dừng lại ở việc thanh toán không tiền mặt ở chợ, FPT tiếp tục đồng hành cùng Thừa Thiên Huế phát triển mô hình chợ số trọn vẹn từ khâu quảng bá, giới thiệu hàng hóa cho tới mua bán, thanh toán và logistics trên nền tảng Hue-S. Về cơ bản, chợ số sẽ giúp tiểu thương kinh doanh và người dân Huế mua sắm thuận tiện, an toàn hơn ngay trên nền tảng Hue-S quen thuộc. Chúng ta sẽ kết hợp những dịch vụ mà chúng ta không thể tưởng tượng là số có thể làm được.
Doanh nghiệp không làm chuyển đổi số nếu không mang lại lợi ích thực chất cho họ. Người dân cũng không sử dụng dịch vụ số nếu không nhận được lợi ích thiết thực.
Để chuyển đổi số, tôi nghĩ vai trò dẫn dắt và quyết tâm của lãnh đạo là yếu tố quyết định thành công. Nếu không có thủ lĩnh dẫn dắt, chuyển đổi số sẽ trở thành con thuyền xoay tròn giữa đại dương công nghệ mà không thể cập bến. Có điều kiện này, chúng ta sẽ tìm được câu trả lời cho các khó khăn, thách thức khác.
Hiện tại FPT cũng đang tập trung xây dựng thành phố số tại Bình Định và Khánh Hòa.
Zug – cái nôi của blockchain từng là bang nghèo nhất Thụy Sĩ với dân số chưa tới 130.000 người sinh sống. Nhưng chỉ sau 2 năm làm blockchain, Zug trở thành trung tâm blockchain số 1 thế giới, trái tim của Thung lũng tiền mã hóa, thu nhập đầu người cao nhất Thụy Sĩ.
Vì thế chúng tôi mơ Quy Nhơn sẽ trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới. Chúng tôi sẽ kiên trì, nỗ lực thực hiện ước mơ đó. Mới đây, chúng tôi vừa nhận giấy chứng nhận đầu tư Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ tại Quy Nhơn với tổng số vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, nơi làm việc, nghiên cứu phát triển, học tập và cung ứng các dịch vụ công nghệ cao của 20.000 nhân sự công nghệ trong nước lẫn quốc tế. Chúng tôi đã xây dựng ĐH FPT Quy Nhơn, đào tạo công nghệ, trí tuệ nhân tạo và đang triển khai Trung tâm Trí tuệ nhân tạo – Đô thị phụ trợ 94 ha tại đây.
FPT tin rằng, Việt Nam sẽ chuyển đổi số thành công khi tất cả các bộ ngành, địa phương chuyển đổi số thành công. Và chúng tôi sẽ tích cực đồng hành chuyển đổi số cùng đất nước.
PV: Giờ, chúng ta hãy quay lại câu chuyện tự chuyển đổi của FPT. FPT đã tiên phong tự chuyển đổi chính mình. FPT còn tiên phong để bước ra với thế giới ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước. Liệu con đường đó có dễ dàng?
Ông Trương Gia Bình: FPT bắt đầu bước ra thế giới vào khoảng năm 1999. Mặc dù đã thành lập hơn 10 năm nhưng vào thời điểm đó FPT vẫn chưa biết làm phần mềm, nếu có cũng chỉ là những phần mềm thủ công. Còn phần mềm “nhà người ta” đến từ những nền công nghiệp đứng đầu thế giới. Tôi bị choáng, nhưng vẫn không nguôi khát vọng: Khát vọng vươn lên của dân tộc, khát vọng vươn lên của trí tuệ Việt Nam. Họ làm được là mình phải làm được. Nhưng khó nhất là không biết làm thế nào để quốc tế chấp nhận mình. Chúng tôi được gặp gỡ mấy chục công ty nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ làm mình có làm được không? Tiền bạc công ty đầu tư cho cũng hết. Đúng lúc đó, có hai điểm lóe sáng.
Điểm thứ nhất, chúng tôi có được hợp đồng với IBM – tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại New York, Mỹ. Vào thời điểm đó, FPT xác định phải “làm ăn lớn, giao dịch trực tiếp với các hãng sản xuất lớn như IBM”. Do đó, ngay khi Mỹ bãi bỏ chính sách cấm vận vào năm 1994, FPT đã nhanh chóng tiếp cận và thuyết phục IBM chọn FPT là đại lý phân phối trính thức tại Việt Nam.
Khi tôi sang đàm phán với IBM tại New York, họ đã rất bất ngờ khi đoàn Việt Nam chỉ có… 1 người. Họ đã đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng tôi phải lựa chọn các bạn? Tại sao là Việt Nam?
Trong cuộc gặp với 20 giám đốc của IBM tại Pháp, tôi vẽ một thác nước để trả lời cho câu hỏi đó. Nước biểu tượng cho thanh niên Việt Nam, độ cao của thác là chênh lệch trình độ và thu nhập của các lập trình viên Việt Nam so với thế giới.
IBM đã giật mình và bị thuyết phục bởi ý tưởng “thác số”. Họ cử người sang tìm hiểu và đặt hàng với FPT.. Điểm thứ hai, cơ hội hợp tác với Nhật Bản. Lần đầu tiên chúng tôi hiểu khi đi chào hàng phần mềm thì phải nói cái gì chứ không phải điệp khúc “Việt Nam thông minh, thi toán quốc tế”. Trong chuyến thăm này đích thân tôi và anh Nguyễn Thành Nam, Giám đốc FPT Software khi đó, đã sang Nhật Bản để gặp khách hàng. Chúng tôi có được hợp đồng cho 2 lập trình viên trong vòng 2 tuần và từ đó, thị trường Nhật Bản đã được khơi thông.
Từ thành công của Nhật Bản, FPT cùng tên tuổi của Việt Nam đã vượt lên. Khi đã có tên tuổi, việc xuất khẩu phần mềm trở nên dễ dàng hơn.
PV: So với chuyến đi không đủ đoàn công tác vào năm 1998, sau gần 20 năm Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới về công nghệ? Chúng ta phải làm gì để nâng cao giá trị Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới?
Ông Trương Gia Bình: Bây giờ tôi thấy tự tin. Năm 2022, sau 23 năm vươn ra biển lớn, lần đầu tiên FPT đạt mốc doanh số ký 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế. CNTT Việt Nam hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu trước các cường quốc như Ấn Độ, Mỹ…Trong hàng trăm giải pháp Made by FPT của chúng tôi có những sản phẩm như akaBot đã được vinh danh Top 21 giải pháp tự động hoá quy trình doanh nghiệp toàn cầu. Hiện tại FPT đã có trụ sở ở 29 quốc gia, các hợp đồng lớn quy mô hàng trăm triệu trên toàn cầu ngày càng nhiều.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ thực sự mạnh.
Để làm được điều này, tôi có năm đề xuất: Một là, Chính phủ cần gia tăng vai trò của các doanh nghiệp trong việc giải quyết các bài toán lớn. Hai là, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực. Ba là, thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ. Bốn là, đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số quốc gia. Cuối cùng, và không thể thiếu chính là thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.
Tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin/tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin như Mỹ, Ấn Độ…
Thực ra tài năng Việt làm trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến trên thế giới không hề ít. Việc của chúng ta là làm sao để tập hợp họ lại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!