Chuyên gia FPT: Công nghệ và dữ liệu là tấm vé đến với chuyển đổi xanh - FPT IS

Chuyên gia FPT: Công nghệ và dữ liệu là tấm vé đến với chuyển đổi xanh

Theo ông Trần Đức Trí Quang – Giám đốc Dữ liệu FPT IS, công nghệ và dữ liệu sẽ đóng vai trò là “xương sống” trong hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, đồng thời là “tấm vé” giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn xanh từ các tổ chức tín dụng.

Theo Báo cáo sẵn sàng thực hành ESG (Environment, Social, Governance – Môi trường, Xã hội và Quản trị) của PwC, 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu kiến thức về thực hành ESG, đặt ra nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức. 56% doanh nghiệp cho biết vẫn đang trong giai đoạn lập kế hoạch ESG trong 2-4 năm tới, hoặc thậm chí chưa có kế hoạch ESG, theo PwC.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Đức Trí Quang – Giám đốc Dữ liệu FPT IS cho biết, chuyển đổi xanh trước hết là việc doanh nghiệp cần chuyển đổi số. Sau đó, cần hiểu và nắm rõ các tiêu chuẩn ESG là gì, để từ đó đưa ra được những chiến lược hướng đến giá trị bền vững trong tương lai.

-2649-1705649296.jpg

Ông Trần Đức Trí Quang – Giám đốc Dữ liệu FPT IS.

– Tại sao gần đây các chuyên gia đều nhấn mạnh, thực hành ESG (Environment, Social, Governance) sẽ là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Đầu tiên là xuất phát từ nhu cầu doanh nghiệp cần vay vốn để hoạt động. Ngày nay, các ngân hàng, tổ chức tài chính đều sẽ dựa vào các tiêu chuẩn ESG để giải ngân.

ESG là câu chuyện đã có từ cách đây 20 năm trên thế giới. Tại Việt Nam, một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước đã sớm đưa vào thực hành ESG, nhưng số lượng này không nhiều so với tổng số doanh nghiệp Việt.

Gần đây, khi Chính phủ Việt Nam đặt ra cam kết đến năm 2030 giảm phát thải 15,8% bằng nguồn lực trong nước tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26, các bộ, ban, ngành đều vào cuộc và điều này đã phần nào đã lan tỏa tới khối các doanh nghiệp.

Đặc biệt trong bối cảnh Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đang dần được thí điểm từ tháng 10/2023. Theo đó, CBAM sẽ hướng tới việc đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU.

Bốn nhóm hàng bao gồm: sắt thép, nhôm, xi-măng và phân bón của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ chịu ảnh hưởng của cơ chế này. Đây được cho là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam khi mà tỷ lệ phát thải khí nhà kính trung bình của Việt Nam đang cao hơn mức trung bình của thế giới khoảng 23%.

Bên cạnh đó, áp lực giải ngân nguồn vốn tài trợ cho các dự án, doanh nghiệp chuyển đổi xanh từ các nước đã phát triển dành cho các nước đang phát triển cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này.

Và để biết doanh nghiệp nào chuyển đổi xanh tốt, thì cần tới các báo cáo ESG trong doanh nghiệp. Có thể nói, thực hành ESG chính là “tấm vé đi tới nguồn vốn xanh”, vì đây là nguồn vốn, tài trợ có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp.

– Theo ông, để doanh nghiệp có được “tấm vé” này, họ cần bắt đầu từ đâu?

Ông Trần Đức Trí Quang: Để bắt đầu doanh nghiệp có thể nhìn sang các công ty cùng ngành trong nước hoặc quốc tế, xem cách họ làm và học hỏi theo, xem họ đang báo cáo theo chuẩn gì (TCFD, CDP, SBT), họ có ISO 14064 hay không, v.v…

Và ở đây, chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm: báo cáo ESG và thực hành ESG. Báo cáo ESG trong doanh nghiệp sẽ xoay quanh 4 yếu tố là: con người, môi trường, xã hội và quản trị. Thông qua việc báo cáo, doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về các tiêu chí được sử dụng để đánh giá mức độ trưởng thành ESG. Phân tích được khoảng cách hiện tại và mục tiêu doanh nghiệp, qua đó đưa ra lộ trình thực hành ESG.

Thực hành ESG là việc không hề dễ dàng. Như chỉ riêng với tiêu chí E, doanh nghiệp sẽ cần chuyển đổi từ hoạt động truyền thống sang các hoạt động xanh hơn thông qua đầu tư công nghệ và thay đổi quy trình kinh doanh, hay với tiêu chí G, cần có sự cân bằng giới tính trong ban điều hành…

-4251-1705649296.jpg

– Vai trò của công nghệ, dữ liệu trong quá trình này là gì, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Trong quá trình một doanh nghiệp thực hiện báo cáo ESG, công nghệ và dữ liệu sẽ đóng vai trò là “xương sống”, cùng lúc giải quyết hai bài toán quan trọng nhất là: thống kê và lên chiến lược cải thiện trong tương lai.

Chẳng hạn, để thống kê cụ thể các yếu tố như: con người, xã hội, quản trị và đặc biệt là môi trường, doanh nghiệp bắt buộc phải có dữ liệu, điều này sẽ hạn chế việc thống kê mang tính chung chung và thiếu minh bạch.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ và dữ liệu cũng chính là doanh nghiệp đang tự bảo vệ mình khỏi việc bị thống kê sai lệch. Ví dụ như cùng một khoản mục phát thải, nhưng lại đếm tới hai lần, dẫn tới sai số trong kết quả kiểm kê. Bên cạnh đó, yêu cầu công bố thông tin phát thải là theo đơn vị hàng hóa xuất/ nhập khẩu thay vì theo năm, và sẽ rất khó để đáp ứng các yêu cầu báo cáo phát thải nếu mọi tính toán được thực hiện mà không có sự hỗ trợ từ hệ thống thông tin.

Bài toán thứ hai liên quan đến việc lên chiến lược giảm phát thải. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là giảm phát thải 15,8% bằng nguồn lực trong nước. Đồng nghĩa mỗi doanh nghiệp sẽ phải có mức điều chỉnh tương ứng là giảm phát thải khoảng 2% mỗi năm. Nhưng 2% này cụ thể là giảm ở đâu, công đoạn nào, thì sẽ rất khác nhau theo từng doanh nghiệp. ?

Thông qua việc áp dụng mô hình giả lập dựa trên dữ liệu đã thống kê, doanh nghiệp có thể nhìn thấy các kịch bản giảm thải khác nhau. Nếu giảm chỗ này, tăng chỗ kia thì kịch bản sẽ thế nào? Điều này đặc biệt có ý nghĩa với các doanh nghiệp ngành năng lượng, hoặc sử dụng nhiều năng lượng.

-9016-1705649296.png

Dashboard thống kê phát thải của một doanh nghiệp trong nước dựa trên giải pháp của FPT IS.

– Cụ thể, việc lên các kịch bản giả lập sẽ diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Tôi lấy ví dụ về Chính phủ Nhật, họ đánh thuế ngành năng lượng dựa trên mức độ phát thải ra môi trường của quá trình các doanh nghiệp tạo ra điện.

Trước kia, việc sản xuất nhiệt điện dựa vào than rất rẻ, chi phí đầu tư và vận hành thấp. Nhưng việc sử dụng than để sản xuất điện dẫn tới phát thải lớn, nên hiện đang bị đánh thuế rất cao. Nhiều doanh nghiệp sau khi tính toán lại sẽ thấy mình chịu lỗ, và buộc phải tìm phương án kinh doanh khác.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật lại không đánh thuế vào điện gió, điện mặt trời vì các nguồn này không phát thải. Thậm chí, họ còn khuyến khích các doanh nghiệp mảng năng lượng chuyển đổi thông qua các nguồn vốn đầu tư có ưu đãi.

Nhìn vào các chính sách trên, các doanh nghiệp năng lượng tại Nhật bắt đầu tính toán và cân đối. Tuy nhiên, việc chuyển đổi không thể diễn ra trong một sớm, một chiều. Vậy họ sẽ cân đối bằng cách nào?

Đó là đặt ra các kịch bản, như giảm sử dụng than bao nhiêu, tăng phát triển điện gió, điện mặt trời bao nhiêu thì đảm bảo được lợi nhuận, cũng như hoàn được vốn đầu tư mới.

Để làm được những điều đó, công nghệ và dữ liệu sẽ giúp doanh nghiệp giả lập các phương án kinh doanh, nhìn trước được các kịch bản, để đưa ra quyết định chuyển đổi tối ưu nhất.

– Trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình “xanh” hóa, doanh nghiệp có thể gặp phải những thách thức nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Việc “xanh hóa” là không dễ dàng , đòi hỏi nhiều thay đổi trong công nghệ cốt lõi, quy trình vận hành, cũng như đối tác trên chuỗi cung ứng.

Chẳng hạn, ngành thép thường sử dụng nguyên liệu hóa thạch là than để sản xuất, thì giờ có thể sử dụng thay thế bằng khí hydro. Khí thải thay vì thải vào khí quyển, thì thu hồi và chôn ngầm xuống đất…

Ngành chăn nuôi có thể thu hồi chất thải và đốt để chuyển hóa từ khí metan sang khí CO2, và thu hồi khí phát sinh trong quá trình xử lý…

Ngành trồng trọt có thể áp dụng công nghệ và quy trình canh tác mới sử dụng ít nước, phân bón cũng như các chất hóa học khác để hạn chế ô nhiễm mà vẫn giữ năng suất…

Và trên suốt hành trình “xanh hóa”, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động doanh nghiệp là điều cần thiết để nhà lãnh đạo nắm bắt tình hình phát thải hiện tại, các kịch bản có thể xảy ra, và hiệu quả các chương trình giảm thải đang như thế nào.

Dựa trên bề dày kinh nghiệm về công nghệ thông tin và dữ liệu, cùng sự hợp lực của các đối tác am hiểu chuyên sâu về kỹ thuật, chúng tôi sẽ đồng hành cùng tư vấn và giúp doanh nghiệp trong hoạt động thống kê dữ liệu và làm báo cáo ESG.

– Đi sâu hơn vào câu chuyện làm báo cáo ESG, khi một doanh nghiệp có quá nhiều nguồn phát thải mỗi ngày, thì việc tính toán sẽ thế nào, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Để thống kê và tính toán được các nguồn phát thải, thì trên thế giới đã có bộ tiêu chuẩn chung. Hầu hết các bộ tiêu chuẩn này đều có quy định về hệ số phát thải rất chi tiết, và được sử dụng rộng rãi như IPCC, GHG Protocol..

Dựa vào sản lượng thực tế tại doanh nghiệp, áp với các hệ số phát thải đã được ban hành tại Quyết định 2626/QĐ-BTNMT 2022 công bố hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính, sẽ tính được lượng phát thải thực tế trong doanh nghiệp.

Ngay cả với các tập đoàn đa ngành, thì từng ngành nghề cũng được quy ước với hệ số phát thải rất cụ thể. Và công việc của doanh nghiệp lúc này là minh bạch các số liệu, để thống kê được kết quả chính xác nhất.

-8513-1705649296.jpg

Chuyên gia FPT IS tin rằng bước đầu của chuyển đổi xanh là hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

– Thông thường, doanh nghiệp sẽ mất bao lâu để hoàn thành một báo cáo ESG, thưa ông?

Ông Trần Đức Trí Quang: Điều này phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng về dữ liệu trong doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp đã có sẵn công cụ chuyển đổi số, cũng như hệ thống dữ liệu lõi, thì việc hoàn thành một báo cáo ESG sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Còn trong trường hợp doanh nghiệp vẫn đang quản lý, vận hành thủ công, với dữ liệu nằm rải rác tại nhiều file riêng biệt, thì bước đầu tiên doanh nghiệp nên cân nhắc việc đưa ứng dụng ERP vào sử dụng để có cơ sở dữ liệu đồng nhất, tin cậy.

Có một điều cần nhắc đến là để báo cáo ESG được đánh giá cao. Doanh nghiệp cần thực hiện nghiệp vụ kiểm kê khí nhà kính, với nhiệm vụ kết nối các dữ liệu trong doanh nghiệp lại với nhau, sau đó phân vùng và thống kê các nguồn phát thải một cách rõ ràng nhất.

Hệ thống thông tin càng rõ ràng, thì doanh nghiệp thống kê phát thải sẽ càng minh bạch và chi tiết. Còn không có hệ thống thông tin, thì việc thống kê phát thải trong doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

– Như anh chia sẻ, việc thực hiện các báo cáo ESG gắn liền với mức độ sẵn sàng về dữ liệu trong doanh nghiệp. Vậy ở quy mô nào, doanh nghiệp sẽ cần tới báo cáo ESG?

Ông Trần Đức Trí Quang: Thời điểm thực hiện báo cáo ESG là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc môi trường kinh doanh có yêu cầu khắt khe. Nhưng kiểm kê khí nhà kính thì chắc chắn sẽ cần, vì liên quan tới các chuỗi cung ứng trong ngành.

Các doanh nghiệp đại chúng đầu ngành sẽ là những đơn vị đầu tiên làm báo cáo ESG, trong báo cáo ESG, các doanh nghiệp này sẽ phải thống kê một mục tạm gọi là lượng phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng (hay còn gọi là scope 3).

Chuỗi cung ứng như chúng ta biết sẽ bao gồm rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ bên dưới. Và nhóm này dù không có nhu cầu, nhưng cũng buộc phải thống kê phát thải. Vì nếu họ không thực hiện một cách nghiêm túc, thì doanh nghiệp lớn phía trên chỉ có thể “ước lượng” phát thải.

Chữ “ước lượng” ở đây thực sự rất đắt giá. Nó có thể khiến doanh nghiệp đứng đầu chuỗi cung ứng phải nộp thuế nhiều lên trong tương lai. Như lẽ tự nhiên, khi lợi ích kinh tế bị ảnh hưởng, doanh nghiệp không thống kê được lượng phát thải sẽ bị loại ra khỏi chuỗi.

-9977-1705649296.jpg

– Theo ông, chuỗi cung ứng, hay nhóm doanh nghiệp thuộc những ngành nghề nào tại Việt Nam sẽ đi đầu trong xu thế chuyển đổi xanh hiện nay?

Ông Trần Đức Trí Quang: Trong bối cảnh hiện tại, đó sẽ là những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi chính sách của thị trường xuất khẩu như: thép, nhôm, phân bón, điện… và trong tương lai gần là logistics, nông lâm thủy hải sản.

Hiểu được nhu cầu thị trường, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp với hai sản phẩm chiến lược là: giải pháp kiểm kê khí nhà kính và công cụ làm báo cáo ESG. Lợi ích hướng tới giúp tổ chức, doanh nghiệp báo cáo kiểm kê phát thải nhà kính hiệu quả, hoạch định chiến lược giảm thiểu rủi ro thuế carbon hằng năm (có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng), tăng doanh thu dựa trên xu hướng chuyển đổi sang “nhà cung cấp xanh” và nhu cầu sử dụng sản phẩm xanh đến từ người tiêu dùng. Thêm vào đó, doanh nghiệp xanh còn có thể tiếp cận nguồn vốn mới – trái phiếu xanh, góp phần giảm chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang kết nối và hợp tác cùng cộng đồng chuyên gia tới từ các viện nghiên cứu trên thế giới tại Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ,… để trao đổi kinh nghiệm và bài học thực tiễn chuyển đổi xanh tới các tổ chức, doanh nghiệp.

Mục tiêu của chúng tôi trong năm 2024 là trở thành đối tác tin cậy, song hành cùng doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thích nghi với các quy định từ thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp trong lộ trình hiện thực mục tiêu Net Zero năm 2050, FPT IS (Công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT) hiện đang tích cực đầu tư nghiên cứu và hợp tác cùng các chuyên gia, cố vấn đầu ngành về giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp. Công ty đang tập trung phát triển hai giải pháp chiến lược gồm: Giải pháp kiểm kê khí nhà kính (VertZéro) và báo cáo ESG. Giải pháp hướng tới số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế.

Doanh nghiệp tìm hiểu thêm về giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro https://fpt-is.com/kiem-ke-khi-nha-kinh/

Chia sẻ:
FPT IS

FPT IS

Tin liên quan

FPT/FPT IS cùng công ty dược phẩm Lào mở rộng hệ thống SAP Business One
Tin tức - 10/10/2024

FPT/FPT IS cùng công ty dược phẩm Lào mở rộng hệ thống SAP Business One

Vừa qua, FPT/FPT IS và CBF Pharma đã chính thức khởi động giai đoạn mới của dự án chuyển đổi số, mở rộng hệ thống SAP Business One (SAP...
CEO FPT IS trả lời Tạp chí Gỗ và Nội thất: “Gia tăng hàm lượng sáng tạo để thu hút nhân lực trẻ”
Tin tức - 18/06/2024

CEO FPT IS trả lời Tạp chí Gỗ và Nội thất: “Gia tăng hàm lượng sáng tạo để thu hút nhân lực trẻ”

Vừa qua, Tổng Giám đốc FPT IS Nguyễn Hoàng Minh đã có những chia sẻ trên Tạp chí Gỗ và Nội thất – Ấn phẩm của Hội Mỹ nghệ...
Quận 7 phối hợp cùng FPT công bố Trung tâm điều hành đô thị thông minh
Tin tức - 21/04/2023

Quận 7 phối hợp cùng FPT công bố Trung tâm điều hành đô thị thông minh

Ngày 21/04/2023, Ủy ban Nhân dân Quận 7 (TP.HCM) ra mắt Trung tâm điều hành đô thị thông minh. Đây là thành quả quan trọng trong quá trình hợp...
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân