Chính phủ điện tử là gì? Mục tiêu và giải pháp xây dựng
Chính phủ điện tử mở ra một bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính – giúp người dân có thể truy cập, tra cứu, giao dịch và sử dụng các dịch vụ công một cách thuận tiện từ bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. FPT IS sẽ cung cấp thông tin tổng quan về Chính phủ điện tử là gì? Mục tiêu và các loại hình giao dịch trong bài viết sau.
Tham khảo nội dung: Tầm quan trọng của chuyển đổi số và cách triển khai hiệu quả
1. Chính phủ điện tử là gì?
Nhìn chung, “Chính phủ điện tử là việc cơ quan Chính phủ sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông, thông qua nhiều nền tảng như website, mạng xã hội, ứng dụng, phần mềm,… để tương tác với công dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.”
Chính phủ điện tử bao gồm các công việc trực tuyến như xử lý hồ sơ, tư vấn về chính sách, tổ chức cuộc họp, thu thập và phân tích dữ liệu,… nhằm tạo điều kiện tương tác và phản hồi trực tiếp từ phía công dân và doanh nghiệp. Điều này giúp cơ quan Chính phủ cải thiện năng lực quản lý, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả, tiết kiệm chi phí cung cấp dịch vụ công cho mọi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Chính phủ điện tử cần đảm bảo “4 KHÔNG”: họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt.
Tham khảo: 10 Phần mềm hóa đơn điện tử tốt và phổ biến nhất
2. Các giai đoạn phát triển của Chính phủ điện tử ở Việt Nam
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển Chính phủ điện tử trong những năm qua. Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2022 của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng 86/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2020.
Có thể chia quá trình phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam thành 4 giai đoạn chính:
Giai đoạn 1: Hiện diện
Xây dựng hạ tầng thông tin đơn giản, cung cấp những cách thức truy cập và tìm kiếm thông tin đơn giản cho người dùng với mục đích thuần túy là chỉ cung cấp thông tin.
Giai đoạn này bắt đầu với việc thành lập Trung tâm Tin học Quốc gia (NCSC) vào năm 1995. NCSC chịu trách nhiệm xây dựng mạng thông tin nội bộ của Chính phủ và cung cấp các dịch vụ trực tuyến cơ bản cho người dân.
Giai đoạn 2: Tương tác
Bước đầu hoàn thiện hệ thống thông tin cơ bản, cho phép người dân tìm kiếm thông tin và sử dụng một số tính năng trên website Chính phủ như tải mẫu in ấn, tạo email liên lạc,…
Giai đoạn này được đánh dấu bằng việc ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2006-2010, tích hợp công cụ tương tác là website. Thời điểm đó, các chức năng trên website còn nhiều hạn chế: chỉ cho phép tải mẫu in ấn và gửi trả lại một cơ quan, tạo email liên lạc,…
Giai đoạn 3: Giao dịch
Chính phủ nâng cấp website, cải tiến về giao diện, tính năng để phục vụ nhu cầu của công dân trong việc sử dụng dịch vụ công.
Website của Chính phủ bổ sung thêm tính năng để công dân thực hiện hoàn toàn các giao dịch điện tử 24 giờ trong ngày ở bất kì đâu. Nhiều dịch vụ công trực tuyến được nâng cấp, như: khai sinh trực tuyến, đăng ký kết hôn trực tuyến, cấp hộ chiếu trực tuyến.
Giai đoạn 4: Chuyển đổi
Chính phủ áp dụng hệ thống thông tin và truyền thông để mở rộng các kênh liên lạc và trao đổi với công dân như qua mạng xã hội, báo điện tử, ứng dụng,…
Ở giai đoạn này, Chính phủ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức và thực hiện sự thay đổi trong mọi hoạt động của mình, cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới các cơ quan Chính phủ để thực hiện mọi giao dịch.
Đồng thời, mục tính năng trong các phần mềm của Chính phủ có thêm hạng mục ý kiến phản hồi trực tiếp của người dân.
3. Mục tiêu của Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử là một xu hướng tất yếu của thời đại. Việc triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Chính phủ, tăng cường sự tham gia của công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể như sau:
- Nâng cao năng lực quản lý điều hành của cơ quan chính quyền các cấp và Chính phủ thông qua trao đổi văn bản điện tử, thu thập thông tin chính xác và kịp thời ra quyết định, giao ban điện tử,…
- Tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và ra quyết định của chính phủ.
- Nâng cao nhận thức của người dân về các hoạt động của chính phủ.
- Giảm chi phí các hoạt động của chính phủ.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bài viết liên quan: Top 10 phần mềm quản lý bệnh viện HIS tối ưu nhất
4. Điểm khác nhau giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số
Chính phủ điện tử và Chính phủ số đều là những mô hình sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện hoạt động của chính phủ. Tuy nhiên, giữa hai mô hình này có một số điểm khác biệt chính được đề cập ở bảng sau:
Tiêu chí | Chính phủ điện tử | Chính phủ số |
Định nghĩa | Là quá trình Chính phủ tin học hoá các hoạt động sẵn có, cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Chính phủ điện tử chính là “4 KHÔNG”: (1) Họp không gặp mặt (2) Xử lý văn bản không giấy (3) Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và (4) Thanh toán không dùng tiền mặt; |
Là quá trình Chính phủ chuyển đổi số, thay đổi mô hình hoạt động và quy trình làm việc.
Chính phủ số chính là Chính phủ điện tử, thêm “4 CÓ”: (1) có toàn bộ hoạt động sẵn sàng trên môi trường số, (2) Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, (3) Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và (4) Có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế- xã hội. |
Mức độ ứng dụng công nghệ | Tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, ví dụ như nộp thuế, đăng ký hộ khẩu, xin giấy phép kinh doanh… | Sử dụng công nghệ số để chuyển đổi toàn diện hoạt động của chính phủ, bao gồm cả việc sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain… để nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường sự tham gia của công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. |
Phạm vi áp dụng | Mọi hoạt động liên quan đến dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. | Tất cả các hoạt động của chính phủ, từ việc hoạch định chính sách, ra quyết định, quản lý nhà nước đến cung cấp dịch vụ công. |
Mức độ tác động | Giúp cải thiện hiệu quả chất lượng dịch vụ công. Tuy nhiên, tác động đến hoạt động của Chính phủ còn hạn chế. | Có thể thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường sự tham gia của công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. |
Ví dụ | Cổng thông tin điện tử quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia,… | Hệ thống quản lý hồ sơ, dữ liệu quốc gia, Hệ thống thông tin giám sát, điều hành,… |
5. 4 loại hình giao dịch trong Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử (e-Government) cung cấp các dịch vụ cho nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức và các cơ quan chính phủ. Dựa vào các đối tượng tham gia, các mô hình giao dịch chính của Chính phủ điện tử được chia thành 4 loại:
5.1. Chính phủ với người dân (G2C- Government to Citizen)
Đúng như tên gọi, đó là sự tương tác giữa Chính phủ và công dân của đất nước. Mô hình liên quan đến việc thiết lập một giao diện để cho phép công dân truy cập thông tin và dịch vụ bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào họ muốn. Họ cũng có thể đưa ra phản hồi về các chính sách và quy định.
Ví dụ: Cổng dịch vụ công trực tuyến để người dân có thể thực hiện các hành động như đăng ký cấp các tài liệu như hộ chiếu hoặc giấy đăng ký kết hôn, nộp thuế trực tuyến, truy cập thông tin công cộng và tham gia tư vấn trực tuyến.
Mô hình Chính phủ điện tử G2C nhằm mục đích làm cho các dịch vụ của Chính phủ trở nên thân thiện với người dân, lấy người dân làm trung tâm, trao quyền cho các cá nhân tự do truy cập các dịch vụ từ mọi nơi, mọi lúc.
5.2. Chính phủ với doanh nghiệp (G2B- Government to Business)
Chính phủ với Doanh nghiệp (viết tắt G2B) là hình thức tương tác trực tuyến không mang tính thương mại giữa một bên là chính phủ (địa phương và trung ương), bên còn lại là doanh nghiệp. Chính phủ sẽ cung cấp các thông tin về luật, quy chế, chính sách và các dịch vụ hành chính công trực tuyến cho doanh nghiệp thông qua Internet.
Ví dụ: Nền tảng và dịch vụ trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký kinh doanh, cấp phép, giấy phép, nộp thuế, quy trình mua sắm và các tương tác khác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
Mục tiêu của G2B là cắt giảm thói quen rườm rà, giúp tiết kiệm thời gian và giảm chi phí hoạt động. Điều này cũng sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch hơn khi doanh nghiệp làm việc với Chính phủ.
5.3. Chính phủ với nhân viên (G2E- Government to Employee)
G2E chỉ sự tương tác giữa Chính phủ và nhân viên các cấp, bộ, ban, ngành, các dịch vụ Chính phủ điện tử cung cấp cho cán bộ công chức.
Ví dụ: G2E bao gồm các nền tảng và hệ thống kỹ thuật số hỗ trợ tuyển dụng nhân viên, quản lý hiệu suất, chương trình đào tạo, quản lý tiền lương, đơn xin nghỉ phép và liên lạc trong các tổ chức chính phủ.
Mục đích của G2E là nâng cao hiệu quả, năng suất và sự tham gia của tất cả nhân viên chính phủ. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ sẽ cung cấp cho nhân viên một công cụ kỹ thuật số hiệu quả và thân thiện với người dùng, nhằm quản lý các quy trình liên quan đến việc truy cập thông tin.
5.4. Dịch vụ Chính phủ với Chính phủ (G2G- Government to Government)
Tập trung vào việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hoặc ban ngành của chính phủ, tức là trong phạm vi giới hạn của Chính phủ được gọi là tương tác G2G.
Ví dụ: G2G bao gồm trao đổi dữ liệu điện tử, hệ thống liên lạc liên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung và nền tảng hợp tác. Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ thông tin, điều phối chính sách và ra quyết định chung giữa các tổ chức chính phủ.
Mục đích G2G nhằm phá vỡ các rào cản, thúc đẩy hợp tác liên ngành và hợp lý hóa các quy trình của chính phủ. Kiểu tương tác này có thể diễn ra giữa các phòng ban và cơ quan khác nhau trong Chính phủ hoặc giữa hai chính phủ,…
6. Hình thức hoạt động của Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử hoạt động dựa trên nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
6.1. Trao đổi thông tin điện tử
Chính phủ điện tử sử dụng các kênh thông tin điện tử như website, email, mạng xã hội để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Ví dụ: Cổng thông tin điện tử quốc gia, trang web của các cơ quan nhà nước, fanpage Facebook của các cơ quan nhà nước.
6.2. Mua sắm công trực tuyến
Chính phủ điện tử sử dụng các phương thức mua sắm công trực tuyến để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình mua sắm của chính phủ. Việc này cũng giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí mua sắm của Chính phủ trước đây.
Ví dụ: Đấu thầu trực tuyến, mua sắm tập trung trực tuyến.
6.3. Trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange – EDI)
Công nghệ EDI được Chính phủ sử dụng để cắt giảm mức độ can thiệp của con người và chi phí lao động trong chuỗi cung ứng, bao gồm Nhà sản xuất, Nhà cung cấp, Khách hàng, Nhà thầu,… Thương mại xuất nhập khẩu đã trở nên dễ dàng hơn nhiều khi Chính phủ đã sử dụng EDI để gửi chứng từ cho hải quan.
6.4. Thanh toán điện tử
Chính phủ xây dựng cổng thanh toán điện tử quốc gia hoặc tích hợp với các cổng thanh toán điện tử uy tín để người dân và doanh nghiệp có thể thanh toán các khoản phí, thuế trực tuyến. Đồng thời, hợp tác với các tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử như ngân hàng, công ty ví điện tử để triển khai các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công.
Ví dụ: Thanh toán thuế qua cổng thông tin điện tử quốc gia, thanh toán tiền điện qua ngân hàng trực tuyến.
7. FPT IS đồng hành phát triển Chính phủ Điện Tử, hướng đến Chính phủ Số
Với kinh nghiệm 30 năm đồng hành cùng hệ thống CNTT các cơ quan chính phủ, FPT IS đã vinh dự đảm nhận tổng thầu dự án phục vụ các bộ, ban, ngành bao gồm: Bộ Tài Chính, Bộ Công An, Tổng cục Thuế, Bộ Ngoại Giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan Trung Ương, Chính phủ nước ngoài,… ký kết đầu tư chuyển đổi số tại hơn 25 tỉnh thành trên cả nước, sẵn sàng phục vụ cho chuyển đổi số.
FPT IS vinh dự là một trong những đơn vị tiên phong đồng hành cùng Bộ Công An trong quá trình nghiên cứu, phát triển, sáng tạo các mô hình tiện ích theo đề án 06. Hơn 30 giải pháp và mô hình của FPT đã và đang ứng dụng thực tế theo hệ thống mô hình tiện ích của Đề án 06 về thủ tục hành chính, công dân số, phát triển kinh tế số, số hoá dữ liệu và chỉ đạo điều hành.
FPT IS cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành thực hiện các đề án chuyển đổi số, từng bước xây dựng các nền tảng và công nghệ quan trọng cho mô hình chính phủ số trong tương lai.
Các bài viết liên quan:
- Chữ ký số là gì? Quy định và giải pháp ký số linh hoạt
- RPA là gì? Giải pháp tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA)
Chính phủ điện tử là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng và Nhà nước ta. Với sự quyết tâm của chính phủ, sự phối hợp của các cơ quan nhà nước và sự tham gia của người dân, chính phủ điện tử sẽ được triển khai hiệu quả. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của chính phủ, tăng cường sự tham gia của công dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.