Chuyển đổi xanh đang tạo ra các xu hướng mới về kinh tế, xã hội, và công nghệ
Chuyển đổi xanh là việc kết hợp tăng trưởng kinh tế với sự quan tâm dành cho môi trường, nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng cuộc sống cao cho thế hệ hiện tại và tương lai, đạt được thông qua phát triển văn minh và sử dụng tài nguyên hiệu quả. Trong bối cảnh tài nguyên tự nhiên dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các quốc gia và doanh nghiệp đã và đang tìm đến Chuyển đổi xanh nhằm ứng phó với khủng hoảng cạn kiệt tài nguyên.
Chuyển đổi xanh và mối quan tâm toàn cầu
Thị trường Công nghệ xanh và Phát triển bền vững được dự báo đạt quy mô 61.92 tỉ USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt 20.8% trong giai đoạn 2023-2030 (Fortune Business Insights). Trong số các quốc gia trên thế giới, Mỹ là quốc gia có mức độ sẵn sàng Chuyển đổi xanh cao nhất, đánh giá dựa trên 4 hạng mục Công nghệ thông tin và viễn thông, Công nghiệp, Nghiên cứu và phát triển, và Tài chính (Statista). Trên nền tảng LinkedIn, trong năm 2021 đã ghi nhận có 800 triệu chuyên gia trên toàn thế giới đang thực hiện các công việc liên quan đến Chuyển đổi xanh với kỹ năng phù hợp (LinkedIn). Chuyển đổi xanh đang tạo ra một số xu hướng về kinh tế, xã hội, và công nghệ trên phạm vi toàn cầu, có thể kể đến sự phát triển của các công nghệ xanh, thúc đẩy các chính sách mới, và đặc biệt là giảm thiểu phát thải carbon.
Các chính sách khuyến khích Chuyển đổi xanh sẽ tạo ra thị trường cho các công nghệ xanh, và đồng thời sự chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy chuyển giao tri thức, từ đó tạo điều kiện cho tăng trưởng xanh diễn ra mạnh mẽ hơn. Ví dụ điển hình của chiến lược áp dụng công nghệ cho Chuyển đổi xanh là trường hợp của Thụy Sĩ. Trước thực trạng sản xuất và tiêu dùng kém bền vững của quốc gia này, mục tiêu giảm thải khí CO2 vào năm 2030 khó có thể đạt được. Do đó, Thụy Sĩ đã áp dụng chiến lược Phát triển Bền Vững 2030 với 3 mục tiêu:
- Sản xuất và tiêu thụ bền vững
- Khí hậu, năng lượng, và đa dạng sinh học
- Các cơ hội bình đẳng và gắn kết xã hội
Trong chiến lược đó, công nghệ đóng vai trò then chốt để Thụy Sĩ đạt được mức giảm thải khí CO2. Thụy Sĩ đã triển khai chiến lược “Digital Switzerland” với mục tiêu đưa ra một bộ khung vận dụng công nghệ số để giải quyết các bài toán về môi trường, từ đó nhấn mạnh mối tương quan giữa Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh, cụ thể trong 3 lĩnh vực:
- Tạo ra bộ khung, hướng dẫn và hỗ trợ cho các thành phần trong khu vực dịch vụ công, doanh nghiệp, và học thuật tập trung vào vai trò của công nghệ để đạt các mục tiêu tăng trưởng bền vững vào năm 2030, định hướng đến năm 2050.
- Hỗ trợ sáng tạo , triển khai các đổi mới về công nghệ và trao đổi các cách làm tốt để thúc đẩy hiệu ứng bền vững tích cực.
Phát triển các hướng dẫn và hỗ trợ để thúc đẩy ứng dụng công nghệ có trách nhiệm, bao gồm giảm thiểu dấu vết môi trường (Environmental Footprint) và tác động của nó đến xã hội.
Trong bối cảnh Chuyển đổi xanh trở thành ưu tiên của nhiều quốc gia, các chính sách mới đã ra đời nhằm củng cố sự thành công của chương trình Chuyển đổi xanh. Nhìn chung, toàn xã hội đều có nhìn nhận tích cực và hưởng ứng đối với các chính sách hỗ trợ Chuyển đổi xanh. Theo khảo sát của GlobeScan-SustainAbility, các thành phần được cho là sẽ dẫn dắt Chuyển đổi xanh lần lượt là Chính phủ các quốc gia, khu vực tư nhân, và các liên minh hợp tác liên khu vực.
Theo EY, có 6 cách để các quốc gia thúc đẩy sự chấp nhận của xã hội với các chính sách hỗ trợ Chuyển đổi xanh:
Chuyển đổi xanh với mục tiêu giảm phát thải Carbon
Xu hướng có tác động mạnh nhất tới môi trường và xã hội của Chuyển đổi xanh là mục tiêu giảm phát thải carbon của các quốc gia. Phát thải carbon có thể được hiểu là quá trình khí CO2 bị xả ra ngoài môi trường từ quá trình đốt nhiên liệu của các phương tiện giao thông, các quy trình sản xuất công nghiệp,… Các nguyên nhân tạo ra phát thải carbon bao gồm sản xuất xi măng, phá rừng, đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí tự nhiên; ngoài ra còn một số nguyên nhân tự nhiên như phân hủy, sự tuần hoàn khí CO2 của đại dương,…
Một chương trình Chuyển đổi xanh bao gồm các hoạt động đóng góp trực tiếp vào giảm thiểu phát thải carbon như giảm thiểu phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm, nghiên cứu và phát triển các công nghệ giảm thiểu lượng carbon; tài trợ cho các ngành công nghiệp carbon thấp, và chuyển dịch nguồn lực từ các ngành công nghiệp phát thải mạnh sang các ngành công nghiệp carbon thấp. Các công nghệ xanh khi được ứng dụng rộng rãi được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến giảm thiểu phát thải carbon, đặc biệt là tại các khu vực kém phát triển. Các sản phẩm và quy trình xanh tuy không có ảnh hưởng trực tiếp đến giảm thiểu phát thải carbon, nhưng tác động của chúng đến mức phát thải carbon có thể đo lường được.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tại Trung Quốc, Chuyển đổi xanh trực tiếp đóng góp vào giảm thải carbon và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính thông qua cải tiến môi trường sinh thái. Hoạt động Chuyển đổi xanh tại Trung Quốc không chỉ trực tiếp giảm thải carbon và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính ở hiện tại, mà còn gián tiếp đóng góp cho các kết quả này về lâu dài nhờ nguồn tài trợ cho các chương trình Chuyển đổi xanh.
Theo IRENA, phương pháp tốt nhất để giảm thiểu phát thải carbon là sử dụng điện được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu tái tạo. Tăng cường sản xuất điện từ nhiên liệu tái tạo sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới giảm thải carbon trong tương lai. IRENA dự báo tỉ trọng của điện được sản xuất từ nguồn nhiên liệu tái tạo sẽ đạt 86% vào năm 2050, so với con số 25% ở thời điểm hiện tại.
Kết luận
Trước đây, do tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế, các quốc gia đã bỏ quên các mục tiêu về môi trường, hệ quả là môi trường của chúng ta bị tác động nghiêm trọng và tài nguyên cần thiết đang dần cạn kiệt. Trước bối cảnh này, các quốc gia được khuyến nghị trích lập ngân sách đầu tư vào các công nghệ xanh, phát triển các sản phẩm và quy trình xanh, truyền thông hiệu quả về tầm quan trọng của Chuyển đổi xanh, trang bị các kỹ năng và kiến thức xanh cho lực lượng lao động, đồng thời liên kết với nhau để triển khai các chiến dịch Chuyển đổi xanh quy mô lớn với tri thức và cách làm được chia sẻ; nhằm đạt được hiệu quả, sự đồng bộ. Vì mục tiêu phát triển bền vững cho các thế hệ tiếp theo, các quốc gia và doanh nghiệp cần hiểu rõ và tiếp cận Chuyển đổi xanh với thái độ nghiêm túc, quyết tâm, và cam kết.
Nguồn tham khảo
(1) Fleck, A. (2023, April 21). Which Countries Are Best Prepared For The Green Tech Transition? Statista Infographics.
(2) Fortune Business Insights. (2023, May 5). Green Technology and Sustainability Market Size to Surpass USD 61.92 Billion by 2030, at a CAGR of 20.8%. GlobeNewswire News Room.
(3) Ceccon, M., & Veser, M. (2023). The sustainable tech transformation: Paving the way for a greener future.
(4) Popp, D. (2012). The Role of Technological Change in Green Growth. The World Bank Development Research Group Environment and Energy Team; Sustainable Development Network
(5) Katarzyna Cheba, Iwona Bąk, Katarzyna Szopik-Depczyńska, Giuseppe Ioppolo, Directions of green transformation of the European Union countries, Ecological Indicators, Volume 136, 2022, 108601, ISSN 1470-160X
(6) Atalla, G., Mills, M., & McQueen, J. (2022). Six ways that governments can drive the green transition. EY – Global.
(7) How to Transform Energy System And Reduce Carbon Emissions. (n.d.)
(8) Chen, L.; Huo, C. Impact of Green Innovation Efficiency on Carbon Emission Reduction in the Guangdong-Hong Kong-Macao GBA. Sustainability 2021, 13, 13450.
(9) Zeng, S.; Li, G. et al. The Impact of Green Technology Innovation on Carbon Emissions in the Context of Carbon Neutrality in China: Evidence from Spatial Spillover and Nonlinear Effect Analysis. Int J Environ Res Public Health 2022.
Theo FPT Digital