Doanh nghiệp cần báo cáo phát thải phạm vi 1, 2, 3 như thế nào?
Tổng quan:
Báo cáo phát thải không những góp phần giúp doanh nghiệp tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho xã hội, tránh những rủi ro pháp lý mà còn giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh và nhanh chóng mở rộng thị phần khi cuộc đua “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Để làm điều đó, việc hiểu rõ cách báo cáo phát thải theo Phạm vi 1, Phạm vi 2 và Phạm vi 3 được quy định bởi GHG Protocol là việc tất yếu.
Đọc bài viết liên quan: Chuyển đổi kép: Kiến tạo tương lai Xanh và Số
1. Top 1.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới đang chuyển đổi xanh như thế nào?
Giáo sư Michael E. Porter và Forest L. Reinhardt tại Đại học Harvard nhấn mạnh rằng:
“Nếu doanh nghiệp sẽ đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng nhất trong tương lai nếu tiếp tục coi biến đổi khí hậu chỉ là việc nên làm thay vì một thách thức kinh doanh bắt buộc phải đối mặt”
(Net Zero Tracker, 2023)
Theo Accenture (2023), hiện tại đã có hơn 50% trong số 1000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới cam kết sẽ đạt mục tiêu Net Zero năm 2050. Theo dữ liệu từ Net Zero Tracker (2023), chúng ta thấy những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thế giới từ mọi lĩnh vực như Walmart, Apple, Amazon và Volkswagen đều đã tham gia vào cuộc đua Net Zero (trung hòa carbon). Trong đó, nhiều doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm phát thải về mức ròng 0 trong năm 2025. Bảng phía trên cũng mô tả lộ trình thực hiện họ như sau:
-
- Báo cáo phát thải (Reporting Mechanism): Báo cáo phát thải khí nhà kính là bước đầu tiên của lộ trình Net Zero. Doanh nghiệp cần biết hiện tại mình đang thải ra bao nhiêu khí thải, từ tòa nhà hay hoạt động kinh doanh chính nào…
- Chiến lược giảm phát thải (Detailed Plan): Sau khi biết được cụ thể nguyên nhân chính nào đóng góp lên lượng lớn phát thải, doanh nghiệp cần lên chiến lược và hành động để giảm phát thải. Ví dụ: Amazon dùng xe điện để chở hàng, thay tem nhựa trên gói hàng thành tem giấy, sử dụng giấy gói hàng 100% tái chế được và trạm trung chuyển hàng hóa (fulfilment center) sử dụng 100% điện mặt trời. Đối với Apple, họ yêu cầu 100% nhà cung cấp linh kiện của họ (trong đó có Việt Nam) sử dụng điện tái tạo trong quá trình sản xuất. Linh kiện điện thoại dùng chất liệu nhôm và có khả năng tái chế. Đối với các hãng xe như Mercedes, BMW hay Volkswagen họ đang chuyển dịch sang xe điện hoặc hybrid. Đối với xe xăng, họ đang nỗ lực cải thiện công nghệ để giảm khí thải từ động cơ từ 200 gam CO2/km xuống 50g/km để đáp ứng tiêu chuẩn EU Taxonomy.
- Xác định năm Net Zero: Đây là câu hỏi lớn của nhà đầu tư, chính phủ và các bên liên quan dành cho doanh nghiệp. Sau khi có chiến lược, kế hoạch và hành động rõ ràng, doanh nghiệp cần ước tính thời gian sẽ trung hòa carbon.
- Mua Tín chỉ Carbon (Carbon Credit): Đối với đặc thù một số ngành sẽ rất khó trung hòa carbon điển hình như hãng nhiên liệu Exxon Mobil. Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần mua bổ sung tín chỉ carbon. Ví dụ: Một nhà máy của Exxon Mobil thải ra 160,000 tấn CO2 (tCO2e) mỗi năm và không có cách nào khác để giảm thiểu lượng khí thải. Biết rằng mỗi hecta rừng đước sẽ tạo ra 16 tín chỉ carbon (tương đương việc hấp thụ về 16 tấn carbon mỗi năm). Vậy Exxon Mobile cần mua bổ sung 160,000 tín chỉ carbon từ 10,000 hecta rừng đước với giá $30/tín chỉ. Tổng chi phí để trung hòa carbon hằng năm là 4,8 triệu đô la Mỹ (tương đương 110 tỷ đồng Việt Nam).
- Báo cáo phạm vi 3 (Scope 3 Coverage): Phạm vi 3 là một phần của báo cáo phát thải, chiếm tới hơn 80% tổng lượng khí thải của doanh nghiệp. Tuy nhiên phạm vi 3 rất khó ước tính chính xác và cần nhân sự có chuyên môn cao trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu.
Bài viết này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu cách bóc tách lượng phát thải của doanh nghiệp theo phạm 1, 2, và 3 để bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển bền vững của thế giới.
2. Tìm hiểu về GHG Protocol
GHG Protocol là một bộ hướng dẫn quốc tế được phát triển bởi Hội đồng Doanh nghiệp về Phát triển Bền vững (World Business Council for Sustainable Development) và Viện Dầu khí Thế giới (World Resources Institute), còn được gọi là giao thức báo cáo KNK.
Hiện tại, giao thức báo cáo KNK cung cấp các tiêu chuẩn và hướng dẫn về tính toán cụ thể lượng phát thải và được đa số các doanh nghiệp trên thế giới tuân thủ. Theo đó, lượng phát thải sẽ chia ra 3 phạm vi:
Phạm vi 1 (Scope 1)
Phát thải trực tiếp từ việc TIÊU THỤ NHIÊN LIỆU do tài sản mà doanh nghiệp sở hữu tạo ra. Ví dụ: doanh nghiệp thủy sản để lưu trữ và vận chuyển hàng hóa của mình phải tiêu thụ 1,000,000 lít xăng hằng năm. Việc đốt cháy nhiên liệu (như xăng) sẽ tạo ra CO2 và cấu thành tổng phát thải của doanh nghiệp.
Phạm vi 2 (Scope 2)
Phát thải gián tiếp việc MUA NĂNG LƯỢNG từ bên thứ ba. Khác với phát thải trực tiếp (vốn ở phạm vi 1), lượng phát thải từ phạm vi 2 KHÔNG XẢY RA tại tài sản mà doanh nghiệp sở hữu nhưng gián tiếp liên đới. Ví dụ: doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp hằng năm tiêu thụ 5.000 Mwh điện để chiếu sáng và sưởi ấm cho vật nuôi. Để tạo ra 5.000 Mwh này, theo cơ cấu công suất điện Việt Nam năm 2022, 32,5% đến từ than, 29% thủy điện, 26,4% năng lượng tái tạo. Như vậy, vì doanh nghiệp là bên mua và sử dụng điện, theo giao thức báo cáo KNK, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải này.
Phạm vi 3 (Scope 3)
Phát thải gián tiếp từ chuỗi cung ứng. Đây là khái niệm phức tạp nhất và cũng rất khó ước tính trong thực tế nếu không có chuyên gia trong lĩnh vực. Ví dụ: doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, hằng năm phải thực hiện nhiều chuyến bay công tác từ Việt Nam – Mỹ để gặp gỡ và thương thảo với đối tác. Theo GHG Protocol, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải từ nguồn công tác đó. Một ví dụ khác về ngành chăn nuôi, sau khi sản xuất và đóng gói, sản phẩm sẽ được giao tới các chuỗi siêu thị trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng bên thứ 3 để vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển sẽ tiêu thụ nhiên liệu và phát sinh khí thải. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải này.
Mô tả phạm vi 1, 2 và 3
3. Cách báo cáo phát thải Phạm vi 1
Khí thải trong Phạm vi 1 là các khí thải trực tiếp phát sinh từ việc đốt nhiên liệu của các tài sản thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của công ty. Cấu thành của Phạm vi 1 bao gồm:
- Đốt cháy cố định: Bao gồm tất cả các khí thải từ việc đốt nhiên liệu trong các nhà máy, lò sưởi hoặc các thiết bị khác thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của công ty.
- Đốt cháy di động: Bao gồm tất cả khí thải từ các phương tiện giao thông do công ty sở hữu hoặc kiểm soát, như ô tô, xe tải, xe tải nhỏ.
- Khí thải rò rỉ: Bao gồm các khí nhà kính rò rỉ từ các thiết bị, chẳng hạn như máy điều hòa không khí và tủ lạnh. Lưu ý rằng khí nhà kính rò rỉ từ các thiết bị này có thể nguy hiểm hơn CO2 hàng nghìn lần. Các công ty được khuyến khích báo cáo các loại khí thải này.
Để dễ hình dung, chúng tôi sẽ lấy ví dụ về các bóc tách khí thải trong Phạm vi 1 của doanh nghiệp ngành thép. Các doanh nghiệp thép là một trong những ngành công nghiệp sản xuất phát thải khí nhà kính nhiều nhất trên thế giới. Khí thải Phạm vi 1 của các doanh nghiệp thép chủ yếu đến từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch để nung chảy quặng sắt và sản xuất thép.
Ảnh minh họa quá trình sản xuất thép (Industry Transition, 2021)
Các loại khí nhà kính được thải ra từ các doanh nghiệp thép bao gồm:
- Carbon dioxide (CO2): CO2 là khí nhà kính chính được thải ra từ các doanh nghiệp thép. CO2 được tạo ra khi nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như than đá, khí đốt tự nhiên hoặc dầu, được đốt cháy để cung cấp nhiệt cho quá trình sản xuất thép.
- Methane (CH4): CH4 là một khí nhà kính ảnh hưởng nghiêm trọng hơn CO2. CH4 được tạo ra trong quá trình sản xuất thép từ các nguồn khác nhau, chẳng hạn như quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, quá trình ủ luyện và quá trình xử lý nước thải.
- Nitơ oxit (NOx) / Sulfur dioxide (SO2): NOx và SO2 là một chất ô nhiễm không khí có thể đóng góp vào hiệu ứng nhà kính. NOx được tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch để cung cấp nhiệt cho quá trình sản xuất thép.
Dưới đây là ví dụ khác về báo cáo phát thải Phạm vi 1, thuộc lĩnh vực phần mềm:
Báo cáo phát thải – Phạm vi 1 của Microsoft năm 2020-2022
Để có thể tự báo cáo Phạm vi 1 đơn giản, doanh nghiệp có thể xem xét lại tất cả các hoạt động kinh doanh sản xuất, các tài sản mà công ty sở hữu hoặc có quyền kiểm soát (tài chính hoặc vận hành), sau đó thống kê lượng nhiên liệu từ đó có thể ước tính tổng cộng lượng phát thải đến từ Phạm vi 1.
Ảnh minh họa Data Center (Trung tâm dữ liệu) của Microsoft (CNET, 2023)
4. Cách báo cáo phát thải Phạm vi 2
Phạm vi 2 là lượng phát thải gián tiếp việc MUA NĂNG LƯỢNG từ bên thứ ba. Khác với phát thải trực tiếp (vốn ở phạm vi 1), lượng phát thải từ phạm vi 2 KHÔNG XẢY RA tại tài sản mà doanh nghiệp sở hữu nhưng gián tiếp liên đới. Ví dụ: doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Bất Động Sản, sở hữu nhiều tòa nhà văn phòng. Hằng năm tiêu thụ 2.000 Mwh điện để chiếu sáng và điều hòa. Trước khi 2.000 Mwh này được truyền tải vào mạng lưới điện, tại Công ty Nhiệt điện ABC, họ phải đốt 7,407 tấn than và sinh ra lượng khí thải. Như vậy, vì doanh nghiệp là bên mua và sử dụng điện, theo GHG Protocol, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm cho lượng khí thải này.
Ảnh minh họa nhà máy nhiệt điện than (Vietnamnet, 2023)
Điện năng tiêu thụ thường là nguồn chính trong phạm vi 2, tuy nhiên còn 2 nguồn khác:
- Hệ thống sưởi ấm và làm mát mua lại
- Hơi nước mua lại
Đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa, hoặc không có nhu cầu lắp đặt hệ thống hơi nước, sưởi ấm hay làm mát quanh năm, hoặc không có nguồn lực để lắp đặt và vận hành các hệ thống sưởi ấm riêng sẽ mua lại từ bên thứ ba. Theo GHG Protocol, vì doanh nghiệp là người mua và phát thải phát sinh gián tiếp KHÔNG XẢY RA TẠI TÀI SẢN mà doanh nghiệp sở hữu nên cần được báo cáo trong Phạm vi 2.
Ví dụ về báo cáo phát thải – Phạm vi 2 của Microsoft 2020-2022
Trong Phạm vi 2, sẽ có 02 phương pháp chuyển đổi điện năng (Mwh) về tấn CO2 lần lượt là market-based và location-based.
- Market-based: Tính theo hệ số phát thải từ doanh nghiệp cung cấp điện.
- Location-based: Tính theo hệ số phát thải từ theo mỗi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ
Để lựa chọn phương pháp phù hợp với yêu cầu của từng quốc gia một cách chính xác, doanh nghiệp cần hiểu rõ quy định của từng quốc gia sở tại mà doanh nghiệp có đặt văn phòng / trụ sở / nhà máy.
5. Cách báo cáo phát thải Phạm vi 3
Phạm vi 3 phát thải là tất cả các phát thải gián tiếp khác được tạo ra trên toàn bộ chuỗi giá trị nhưng không được kiểm soát hoặc sở hữu bởi tổ chức. Các loại phát thải Phạm vi 3 bao gồm:
- Phát thải từ chuyến bay công tác và nhân viên đi làm: Ví dụ, một doanh nghiệp dệt may có 20.000 công nhân đi làm hằng tháng. Mỗi năm, quản lý cấp trung trở lên bay tổng cộng 1.500 chuyến bay nội địa và quốc tế sau đó họ ở lại trung bình 3 đêm tại khách sạn. Như vậy, doanh nghiệp dệt may cần báo cáo khí thải cho toàn bộ hoạt động đi lại, di chuyển và công tác thực hiện bởi cán bộ nhân viên trực thuộc.
- Phát thải từ quá trình sản xuất, vận chuyển và mua hàng của nguyên liệu thô. Ví dụ, một công ty sản xuất nhựa sẽ có các phát thải Phạm vi 3 từ việc khai thác dầu mỏ và khí đốt để sản xuất nhựa nguyên sinh, cũng như từ việc vận chuyển nguyên liệu thô đến cơ sở của công ty.
- Phát thải từ các hoạt động vận tải và phân phối. Ví dụ, một công ty sản xuất ô tô sẽ có các phát thải Phạm vi 3 từ việc vận chuyển ô tô đến các nhà bán lẻ, cũng như từ việc vận chuyển ô tô đến tay người tiêu dùng cuối cùng.
- Phát thải từ việc sử dụng và xử lý chất thải. Ví dụ, một công ty sản xuất đồ điện tử sẽ có các phát thải Phạm vi 3 từ việc sử dụng pin và các sản phẩm điện tử khác, cũng như từ việc xử lý chất thải điện tử.
Ví dụ về báo cáo phát thải Phạm vi 3 của Microsoft 2022
Trong các Phạm vi quy định bởi GHG Protocol, Phạm vi 3 có quy trình tính toán phức tạp nhất nhưng lại chiếm hơn 80% lượng phát thải.
Tỷ trọng khí thải theo phạm vi của Apple năm 2022 (Apple, 2022)
Theo quy định hiện hành tại Việt Nam và trên thế giới, doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo phát thải trong Phạm vi 1 và 2. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đầu ngành trên thế giới hiện tại đều đã báo cáo Phạm vi 3 vì yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và các bên liên quan. Phạm vi 3 dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt toàn cầu về nhà cung ứng xanh. Trong báo cáo mới nhất của Oracle (2022), họ sẽ nỗ lực 100% nhà cung cấp của họ có báo cáo khí thải và sử dụng điện xanh. Ngành thủy sản trong nửa cuối năm 2023 đã bị thẻ vàng vì một số chuỗi siêu thị lớn ở Châu Âu cũng bắt đầu yêu cầu nhà cung cấp tại Việt Nam có chứng chỉ phát triển bền vững.
Như vậy việc báo cáo khí thải không những góp phần giúp doanh nghiệp tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho xã hội, tránh những rủi ro pháp lý mà còn giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng chuyển đổi xanh và nhanh chóng mở rộng thị phần khi cuộc đua “nhà cung cấp xanh” đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Bài viết độc quyền bởi Chuyên gia công nghệ FPT IS
Phạm Tuân
Giám đốc sản phẩm VertZéro
Công ty Hệ thống Thông tin FPT.