SAF – Xu thế tất yếu của ngành hàng không và sự chuẩn bị cần thiết của các hãng hàng không
Ngành hàng không đang đối mặt với một trong những giai đoạn chuyển đổi sâu rộng nhất trong lịch sử hiện đại. Trong bối cảnh mục tiêu Net Zero đến năm 2050 đã trở thành cam kết toàn cầu, hàng loạt quy định và sáng kiến đã được thiết lập nhằm buộc ngành này phải giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính. Các cơ chế như Khung thị trường carbon của ICAO (CORSIA), mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của IATA, cơ chế thương mại phát thải EU ETS, hay mới nhất là Quy định ReFuelEU của Liên minh châu Âu đã cho thấy mức độ nghiêm túc và không thể đảo ngược của cuộc chuyển đổi xanh trong ngành hàng không.
Trong bức tranh đó, SAF – Nhiên liệu hàng không bền vững (Sustainable Aviation Fuel) không chỉ là một trong nhiều lựa chọn kỹ thuật, mà đang nổi lên như giải pháp cốt lõi để ngành hàng không cắt giảm phát thải mà không làm gián đoạn hoạt động vận hành thương mại quy mô lớn. Với khả năng giảm tới 80% lượng phát thải CO₂ vòng đời so với nhiên liệu truyền thống và có thể sử dụng ngay trong các động cơ hiện tại, SAF được kỳ vọng sẽ là “cánh tay phải” của hàng không trong hành trình tiến tới Net Zero.
Tuy nhiên, SAF hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu – chi phí cao, nguồn cung hạn chế, khung pháp lý còn thiếu, và đặc biệt là các hãng hàng không chưa có sự chuẩn bị đồng đều để tích hợp giải pháp này vào chiến lược vận hành và đầu tư.
Bài viết này sẽ đề cập đến lý do vì sao SAF trở thành xu thế tất yếu của ngành hàng không toàn cầu, đồng thời phân tích những bước chuẩn bị quan trọng mà các hãng hàng không – đặc biệt tại Việt Nam – cần thực hiện để đón đầu cơ hội và tránh bị tụt lại trong cuộc đua chuyển đổi xanh.
I. SAF – Vì sao được xem là “chìa khóa sống còn”?
1. Khái niệm về SAF và lịch sử hình thành
SAF (Sustainable Aviation Fuel) – hay nhiên liệu hàng không bền vững – là thuật ngữ được ngành hàng không sử dụng để chỉ loại nhiên liệu phản lực không bắt nguồn từ nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Đây là loại “nhiên liệu thay thế” được sản xuất từ các nguyên liệu có thể tái tạo như:
- Dầu ăn đã qua sử dụng
- Dầu thực vật
- Rác thải rắn sinh hoạt
- Khí thải công nghiệp
- Phế phụ phẩm nông nghiệp
- CO₂ thu giữ và tổng hợp (Power- to- Liquid)
SAF có tính chất vật lý và hóa học gần như tương đồng với nhiên liệu phản lực thông thường (Jet A1). Do đó, nó có thể pha trộn và sử dụng trực tiếp trong các động cơ máy bay và hệ thống tiếp nhiên liệu hiện có mà không cần điều chỉnh kỹ thuật – được gọi là “drop- in fuel”.
Tuy nhiên, để được công nhận là “bền vững”, SAF phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt như: giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ vòng đời sản phẩm, không cạnh tranh với đất sản xuất lương thực, không gây phá rừng và hạn chế tối đa việc sử dụng nước ngọt. Theo định nghĩa của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), SAF là bất kỳ loại nhiên liệu nào có khả năng làm giảm lượng khí CO₂ phát thải so với nhiên liệu phản lực thông thường, xét theo vòng đời sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến lúc đốt cháy.
Trong số các giải pháp kỹ thuật hiện có để giảm phát thải trong ngành hàng không, SAF (Sustainable Aviation Fuel) đang nổi lên như một lựa chọn tối ưu – không chỉ vì hiệu quả môi trường, mà còn vì tính khả thi trong thực tiễn vận hành.
2. Khả năng giảm phát thải vượt trội
SAF được sản xuất từ các nguyên liệu tái tạo như dầu ăn đã qua sử dụng, sinh khối, rác thải đô thị, hoặc thậm chí từ CO₂ tái chế bằng công nghệ Power- to- Liquid. So với nhiên liệu Jet A1 truyền thống, SAF có thể giúp giảm tới 80% lượng phát thải khí CO₂ trên toàn vòng đời, tùy thuộc vào công nghệ sản xuất và nguồn nguyên liệu sử dụng ( Theo IATA, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế)
Đặc biệt, không giống các công nghệ đang trong giai đoạn thử nghiệm như máy bay điện hay hydrogen, SAF có thể sử dụng ngay với động cơ và hệ thống hậu cần hiện tại, mà không cần đầu tư lớn vào hạ tầng sân bay, tàu bay hoặc chuỗi cung ứng nhiên liệu.
3. Được quốc tế công nhận và thúc đẩy bằng chính sách
SAF không chỉ là một giải pháp kỹ thuật – nó đang trở thành yêu cầu bắt buộc trong khung chính sách hàng không toàn cầu:
- Liên minh châu Âu đã thông qua ReFuelEU Aviation, yêu cầu tất cả các chuyến bay từ EU phải pha trộn SAF theo tỷ lệ tối thiểu, bắt đầu từ 2% năm 2025 và tăng dần đến 70% vào năm 2050.
Lộ trình phát triển ReFuelEU
Nguồn: Neste
-
SAF và vai trò trong cơ chế CORSIA của ICAO
CORSIA là chương trình toàn cầu cấp lĩnh vực đầu tiên dựa trên thị trường nhằm giúp ICAO đạt được mục tiêu tăng trưởng trung hòa các-bon từ năm 2020. CORSIA cho phép sử dụng các tín chỉ các-bon hợp lệ để bù trừ cho lượng phát thải KNK còn lại sau khi các hãng hàng không áp dụng các cải tiến về công nghệ, vận hành và thay đổi sử dụng nhiên liệu để giảm phát thải KNK.
Từ năm 2021, CORSIA bước vào giai đoạn thí điểm, trong đó, các hãng hàng không tự nguyện tham gia sẽ phải duy trì mức thải KNK từ các chuyến bay quốc tế bằng với mức phát thải cơ sở của năm 2019. Giai đoạn hiện nay, là giai đoạn thực hiện thứ nhất, (tức là từ 2024-2026), mục tiêu này còn bằng 85% so với phát thải cơ sở.
Đến giai đoạn thực hiện thứ hai, từ năm 2027 – 2035 ngoài việc tham gia tự nguyện, CORSIA áp dụng bắt buộc với tất cả các nước có tỷ lệ hoạt động hàng không quốc tế năm 2018 lớn hơn 0.5% tổng hoạt động hoặc đóng góp vào 90% tổng hoạt động cộng gộp theo RTK (trọng lượng hàng hóa luận chuyển). Như vậy, Việt Nam nằm trong danh sách sẽ phải bắt buộc áp dụng CORSIA từ năm 2027.
ICAO cũng công bố các đơn vị phát thải hợp lệ theo CORSIA để hỗ trợ các hãng hàng không đạt được các mục tiêu giảm phát thải. Gần đây nhất là bản cập nhật tháng 3/2024 quy định các đơn vị phát thải hợp lệ cho giai đoạn từ 2024 – 2026.
4. Các hãng hàng không lớn đã chủ động triển khai
Nhiều hãng hàng không quốc tế đã không chờ đợi chính sách để hành động:
- United Airlines đã ký hợp đồng mua SAF với Neste.
United Airlines, hãng hàng không hàng đầu của Hoa Kỳ, đã hợp tác với Neste – nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới – để triển khai nhiên liệu hàng không bền vững tại sân bay quốc tế Chicago O’Hare. Đây là lần đầu tiên SAF của Neste được tiếp nhận và đưa vào sử dụng tại một trong những trung tâm hàng không nhộn nhịp nhất nước Mỹ. SAF được pha trộn sẵn và đưa trực tiếp vào hệ thống tiếp nhiên liệu của sân bay, cho phép United vận hành các chuyến bay thương mại mà không cần thay đổi hạ tầng hay kỹ thuật động cơ. Hoạt động này là một phần trong chiến lược dài hạn của United nhằm mở rộng quy mô sử dụng SAF và tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc triển khai SAF thực tế tại một sân bay quy mô lớn như O’Hare cho thấy cam kết hành động cụ thể, vượt lên trên các tuyên bố chính sách.
- Lufthansa Group sử dụng SAF cho một phần các chuyến bay đường dài và bán SAF như một dịch vụ carbon offset cho khách hàng.
Lufthansa Group, hãng hàng không quốc gia của Đức và là một trong những tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu, hiện đang đi đầu trong việc triển khai nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Hãng không chỉ sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cho một phần các chuyến bay thương mại, mà còn cung cấp cho hành khách tùy chọn mua SAF như một phần trong dịch vụ “Fly more sustainably”. Chương trình này cho phép khách hàng bù đắp lượng khí thải từ chuyến bay của mình thông qua việc tài trợ trực tiếp vào việc sử dụng SAF và các dự án bảo vệ khí hậu. Với cách tiếp cận này, Lufthansa không chỉ góp phần giảm phát thải carbon mà còn giúp nâng cao nhận thức và sự tham gia của hành khách vào quá trình chuyển đổi hàng không xanh.
- Singapore Airlines đã tiến hành bay thương mại pha trộn SAF và lên kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng SAF khu vực Đông Nam Á.
Singapore Airlines Group, hãng hàng không quốc gia của Singapore, đã ký kết hợp đồng đặt mua nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ Neste nhằm triển khai tại sân bay quốc tế Changi – một trong những trung tâm hàng không lớn nhất châu Á. Đây là một phần trong chương trình SAF thí điểm do Chính phủ Singapore khởi xướng, với sự phối hợp giữa Singapore Airlines, Temasek và Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS). SAF do Neste cung cấp sẽ được pha trộn với nhiên liệu phản lực truyền thống và đưa trực tiếp vào hệ thống tiếp nhiên liệu sân bay, cho phép sử dụng ngay trên các chuyến bay thương mại mà không cần điều chỉnh kỹ thuật. Thỏa thuận này đánh dấu bước đi chiến lược của Singapore Airlines trong việc xây dựng chuỗi cung ứng SAF khu vực Đông Nam Á và thể hiện cam kết của hãng trong việc đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Những ví dụ này cho thấy SAF không còn là câu chuyện của tương lai – mà là thực tế đang diễn ra. Và các hãng bay đi sau sẽ mất lợi thế cả về chi phí, hình ảnh thương hiệu và cơ hội tiếp cận nguồn tài chính xanh.
II. Tình hình thực tế: Những bước tiến và thách thức toàn cầu
1. Cơ hội phát triển
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang mang lại kỳ vọng lớn cho ngành hàng không toàn cầu trong lộ trình hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với khả năng giảm tới 80% khí CO₂ trên toàn vòng đời và có thể sử dụng ngay mà không cần thay đổi động cơ hay hạ tầng kỹ thuật, SAF được xem là giải pháp khả thi nhất trong ngắn và trung hạn. Trong bối cảnh các giải pháp như máy bay hydrogen hay điện hóa vẫn đang trong giai đoạn phát triển, SAF đóng vai trò như một cầu nối thực tiễn, giúp các hãng hàng không bắt đầu hành động ngay từ hiện tại mà không cần chờ công nghệ đột phá.
Xu thế toàn cầu đang nghiêng mạnh về phía SAF với sự tham gia tích cực của các chính phủ, hãng bay và nhà sản xuất nhiên liệu. Tính đến 2024, đã có hơn 50 hãng hàng không triển khai các chuyến bay sử dụng SAF, và một số chuyến bay đường dài đã sử dụng hoàn toàn 100% SAF thành công. Nhu cầu tiêu thụ SAF toàn cầu được dự báo sẽ tăng gần 5 lần trong giai đoạn 2023- 2030. Đồng thời, các sáng kiến chính sách như ReFuelEU của Liên minh châu Âu, SAF Grand Challenge của Mỹ hay chiến lược Jet Zero của Anh đã chính thức đặt ra nghĩa vụ pha trộn SAF theo lộ trình tăng dần, tạo cơ sở thị trường ổn định cho nhà đầu tư và nhà cung cấp.
Bên cạnh tác động môi trường tích cực, SAF còn mở ra cơ hội kinh tế và thương hiệu cho các hãng bay. Việc triển khai SAF sớm sẽ giúp doanh nghiệp hàng không tiếp cận các cơ chế tài chính xanh, tăng điểm ESG, xây dựng uy tín với nhà đầu tư quốc tế và khách hàng có nhận thức cao về phát thải. Đồng thời, những quốc gia có điều kiện sản xuất nguyên liệu sinh học và công nghệ chuyển hóa sẽ có thể xây dựng năng lực nội tại, thu hút đầu tư và phát triển chuỗi giá trị mới trong ngành năng lượng hàng không.
2. Thách thức, hạn chế mang tính toàn cầu
Mặc dù tiềm năng rất lớn, SAF vẫn đang đối mặt với nhiều rào cản khiến việc triển khai ở quy mô thương mại toàn cầu gặp khó khăn. Trở ngại đầu tiên và lớn nhất nằm ở chi phí. Mức giá SAF hiện tại cao hơn từ hai đến bốn lần so với nhiên liệu phản lực truyền thống Jet A1, khiến nhiều hãng hàng không chưa thể sử dụng thường xuyên nếu không có trợ giá hoặc ưu đãi thuế. Cấu trúc giá này chủ yếu đến từ quy mô sản xuất còn nhỏ, công nghệ chưa tối ưu, và chuỗi cung ứng chưa hoàn chỉnh. Chi phí thu mua nguyên liệu đầu vào như dầu thải, sinh khối hay CO₂ cũng chịu sự cạnh tranh từ các ngành vận tải khác như đường bộ và hàng hải.
Hạ tầng sản xuất và phân phối SAF vẫn còn rất hạn chế. Hiện tại, toàn thế giới chỉ có một số ít nhà máy chuyên sản xuất SAF với công suất lớn, phần lớn các cơ sở khác vẫn đang sản xuất ở dạng kết hợp cùng diesel sinh học. Khả năng phối trộn và tiếp nhiên liệu tại các sân bay cũng chưa đồng đều, gây khó khăn trong việc triển khai rộng rãi. Mặt khác, các chuyến bay thương mại hiện nay chỉ được phép sử dụng tối đa 50% SAF pha trộn, trong khi các chuyến bay 100% SAF mới chỉ ở dạng thử nghiệm và chưa được chấp thuận rộng rãi về mặt pháp lý.
Bên cạnh các thách thức kỹ thuật và chi phí, ngành SAF còn đối mặt với rủi ro tài chính và đầu tư dài hạn. Các nhà đầu tư vẫn còn dè dặt do thiếu các tín hiệu giá ổn định, chưa có cơ chế thị trường rõ ràng và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, các quỹ tài chính khí hậu và công cụ tín dụng carbon vẫn đang trong quá trình xây dựng và thử nghiệm tại nhiều quốc gia. Nếu không có cơ chế điều phối đồng bộ, SAF có thể rơi vào tình trạng “mắc kẹt” giữa áp lực chi phí cao và nhu cầu thị trường chưa ổn định.
Một yếu tố đáng lưu ý khác là khung pháp lý quốc tế và tiêu chuẩn an toàn cho SAF hiện vẫn chưa được cập nhật đồng bộ. Việc thiếu quy chuẩn nhất quán khiến các hãng bay và nhà sản xuất SAF gặp khó khăn khi muốn mở rộng sang các thị trường khác nhau. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sinh học tiềm năng để sản xuất SAF cũng có giới hạn về mặt khối lượng, tính bền vững và khả năng cạnh tranh với chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
III. Các hãng hàng không cần chuẩn bị gì?
1. Xây dựng chiến lược tiếp cận SAF dài hạn
Để chủ động thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh trong ngành hàng không, việc xây dựng một chiến lược tiếp cận SAF rõ ràng và dài hạn là điều bắt buộc. Các hãng hàng không cần thiết lập lộ trình sử dụng SAF với tỷ lệ pha trộn tăng dần, phù hợp với quy định của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ hay Singapore. Song song với đó, việc ký kết các hợp đồng mua SAF dài hạn (offtake agreements) với nhà cung cấp là giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định, giảm thiểu rủi ro biến động giá và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai cơ sở hạ tầng SAF.
2. Đánh giá hiệu quả tài chính – carbon và tối ưu danh mục phát thải
Trước khi triển khai SAF ở quy mô lớn, các hãng bay cần tiến hành phân tích chi phí – lợi ích một cách hệ thống. Việc áp dụng công cụ như đường cong chi phí cắt giảm phát thải biên (MACC) sẽ giúp lượng hóa hiệu quả môi trường và chi phí đầu tư cho từng tuyến bay, từng loại nhiên liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần mô phỏng các kịch bản vận hành thực tế khi sử dụng SAF để xác định lợi thế so với nhiên liệu truyền thống, từ đó tối ưu hóa chiến lược khai thác đội bay và tiếp cận các công cụ tài chính như tín dụng carbon hoặc báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế.
3. Tăng cường năng lực kiểm kê phát thải và chuẩn bị cho tài chính xanh
Một trong những nền tảng quan trọng để ra quyết định và tiếp cận tài chính xanh là khả năng kiểm kê và báo cáo phát thải đáng tin cậy. Các hãng hàng không cần triển khai hệ thống kiểm kê phát thải theo chuẩn ISO 14064 hoặc GHG Protocol, bao gồm cả phát thải trực tiếp (Scope 1), gián tiếp từ điện năng (Scope 2), và chuỗi cung ứng (Scope 3). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp có thể thiết lập bộ chỉ số phát thải (KPI) gắn với SAF, phục vụ cho việc công bố ESG, xây dựng hồ sơ vay xanh hoặc trái phiếu bền vững. Năng lực đo lường và minh bạch hóa dữ liệu phát thải sẽ ngày càng trở thành yếu tố quyết định khả năng gọi vốn và duy trì vị thế cạnh tranh trong thị trường hàng không quốc tế.
IV. Việt Nam: Cơ hội và khoảng trống cho thị trường SAF
Việt Nam đang từng bước gia nhập xu thế phát triển nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên thế giới, với những tín hiệu ban đầu mang tính tiên phong từ cả khu vực công lẫn doanh nghiệp tư nhân. Cột mốc quan trọng đầu tiên được xác lập vào giữa năm 2024 khi Petrolimex Aviation trở thành đơn vị đầu tiên cung cấp thương mại SAF tại sân bay quốc tế Nội Bài, thông qua lô nhiên liệu nhập khẩu và pha trộn đạt chuẩn quốc tế ASTM D1655/D7566. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đã bắt đầu hình thành năng lực kỹ thuật – hậu cần – pháp lý để tiếp nhận SAF trong vận hành thực tế.
Cùng thời điểm, Vietnam Airlines – hãng hàng không quốc gia – cũng công bố định hướng đưa SAF vào chiến lược phát triển bền vững, coi đây là “chìa khóa vàng” để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero đến năm 2050. Hãng đang tích cực nghiên cứu mô hình phối trộn SAF, nâng cấp năng lực kiểm kê phát thải theo chuẩn ISO/GHG Protocol, đồng thời xây dựng lộ trình chuẩn bị cho việc sử dụng SAF trong vận hành thương mại. Những bước đi này không chỉ thể hiện sự chủ động trong chiến lược ESG, mà còn là bước chuẩn bị cần thiết để Vietnam Airlines duy trì khả năng tiếp cận các thị trường quốc tế khắt khe như EU, Nhật Bản, Singapore – nơi đã và đang áp dụng các nghĩa vụ pha trộn SAF bắt buộc.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, thị trường SAF tại Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống cần được lấp đầy. Hiện nay, chưa có nhà máy sản xuất SAF nội địa nào đi vào hoạt động, và hầu hết nguồn cung đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Dù Việt Nam có tiềm năng lớn về nguyên liệu đầu vào như sinh khối, dầu ăn thải và rác đô thị, nhưng việc khai thác và chuyển hóa vẫn cần đầu tư lớn về công nghệ, vốn và cơ chế chính sách. Mặt khác, khung pháp lý quốc gia liên quan đến SAF – từ tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ pha trộn bắt buộc đến ưu đãi thuế hoặc cơ chế tín dụng carbon – hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được ban hành đồng bộ.
Trong bối cảnh đó, vai trò chủ động của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, bởi nếu chỉ chờ đợi chính sách đi trước, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội thiết lập năng lực nội tại, thu hút đầu tư quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng hàng không bền vững toàn cầu. Việc tiếp tục thúc đẩy các mô hình thí điểm, hợp tác công – tư, và ứng dụng các công cụ kiểm kê – mô phỏng phát thải sẽ là nền tảng để SAF không chỉ dừng ở mức thử nghiệm, mà trở thành giải pháp chiến lược dài hạn cho ngành hàng không Việt Nam trong thập kỷ tới.
V. Công nghệ hỗ trợ: Dữ liệu là nền móng cho chiến lược SAF
Không thể ra quyết định chiến lược nếu thiếu dữ liệu phát thải đầy đủ và minh bạch. Đối với các hãng hàng không, việc lựa chọn giữa tiếp tục sử dụng nhiên liệu truyền thống hay chuyển sang SAF không thể chỉ dựa trên cam kết hay cảm tính – mà cần được hỗ trợ bởi những phân tích định lượng chính xác về hiệu quả môi trường và tài chính. Trong bối cảnh đó, các nền tảng công nghệ như VertZéro có thể đóng vai trò trung tâm trong quá trình ra quyết định và triển khai.
VertZéro cho phép kiểm kê phát thải khí nhà kính từng loại nhiên liệu sử dụng, theo đúng chuẩn GHG Protocol và ISO 14064. Hệ thống này cũng hỗ trợ mô phỏng các kịch bản sử dụng SAF và tính toán chi phí carbon theo từng phương án cụ thể, giúp doanh nghiệp xây dựng các đường cong chi phí cắt giảm phát thải (MACC), phục vụ cho hoạch định đầu tư và trình bày với nhà đầu tư. Không chỉ dừng lại ở việc đo lường, VertZéro còn có khả năng kết xuất báo cáo ESG theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khoản vay xanh, phát hành trái phiếu bền vững, hoặc tích hợp các KPI môi trường vào chiến lược tài chính dài hạn.
Với một công cụ như vậy, việc chuyển đổi nhiên liệu không còn là một quyết định mang tính thí điểm hay cảm tính, mà có thể được dẫn dắt bởi dữ liệu, đo lường hiệu quả rõ ràng và kết nối trực tiếp với lợi ích tài chính – môi trường cụ thể.
VI. Đón đầu SAF hôm nay, bắt kịp tương lai của hàng không bền vững.
SAF không còn là một lựa chọn mang tính thử nghiệm, mà đang trở thành xu thế không thể đảo ngược trong ngành hàng không toàn cầu. Các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế đang tiến rất nhanh, không chỉ bằng cam kết mà bằng những hành động cụ thể: từ quy định pháp lý, đầu tư hạ tầng đến triển khai vận hành thương mại. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không muốn duy trì vị thế cạnh tranh cần hành động sớm – không chỉ dừng lại ở tầm nhìn mà phải bắt đầu từ năng lực đo lường dữ liệu, phương án tài chính rõ ràng và cam kết công khai minh bạch với thị trường.
Hành trình xanh của ngành hàng không sẽ không thể thành công nếu chỉ dựa vào kỳ vọng hay tuyên bố chiến lược. Nó đòi hỏi những quyết định có cơ sở, được hỗ trợ bởi dữ liệu phát thải chính xác, các mô hình tài chính carbon minh bạch, và sự chuẩn bị chủ động về hạ tầng, công nghệ lẫn thể chế. Trong chuyển động toàn cầu đang tăng tốc, chậm một bước có thể đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Để thực sự “cất cánh xanh”, các hãng hàng không cần hành động ngay từ hôm nay – bắt đầu bằng dữ liệu.
Bài viết độc quyền bởi Chuyên gia công nghệ FPT IS
Bà Lê Hà Giang – Green Transformation Specialist, VertZero solution |
TÀI LIỆU THAM KHẢO
IATA. (2023). What is SAF? [PDF] International Air Transport Association. Available at: https://www.iata.org/contentassets/d13875e9ed784f75bac90f000760e998/saf- what- is- saf.pdf
KPMG. (2024). Evolution of Alternative Fuels for Aviation: Outlook to 2050. [PDF] KPMG International. Available at: https://assets.kpmg.com/content/dam/kpmgsites/xx/pdf/2024/07/evolution- of- alternative- fuels- for- aviation.pdf.coredownload.inline.pdf
Neste. (2023). Neste provides Sustainable Aviation Fuel to United Airlines for use at Chicago O’Hare International Airport in the U.S. [online] Neste. Available at: https://www.neste.com/news/neste- provides- sustainable- aviation- fuel- to- united- airlines- for- use- at- chicago- o- hare- international- airport- in- the- u- s
Lufthansa Group. (2024). Fly more sustainably. [online] Lufthansa. Available at: https://www.lufthansa.com/gr/en/fly- more- sustainabl
Vietnam Airlines. (2024). SAF – “Chìa khóa vàng” cho ngành hàng không bền vững. [online] Tạp chí SPIRIT Vietnam Airlines. Available at: https://spirit.vietnamairlines.com/chuyen- dong- vna/csr- chuyen- dong- vna/saf- chia- khoa- vang- cho- nganh- hang- khong- ben- vung.html
ICAO. (2022). CORSIA Frequently Asked Questions (FAQs), December 2022 Edition. [pdf] International Civil Aviation Organization.