Tín dụng xanh là gì? Giải pháp phát triển bền vững
Tín dụng xanh là gì? Tín dụng xanh đang trở thành một xu hướng thúc đẩy các dự án tiết kiệm, tái tạo năng lượng, và công nghệ sạch, hướng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách này tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Cùng FPT IS tìm hiểu rõ hơn về tín dụng xanh trong bài viết này.
Tìm hiểu thêm: Chuyển đổi xanh là gì? Áp dụng chuyển đổi xanh vào doanh nghiệp
1. Tổng quan về tín dụng xanh
Tín dụng xanh là một giải pháp đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế và giảm thiểu ảnh hưởng xấu của quá trình sản xuất. Cùng FPT IS tìm hiểu rõ hơn thêm về thuật ngữ này trong những nội dung dưới:
1.1. Tín dụng xanh là gì
Tín dụng xanh là khoản vay mà các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu kinh doanh sản xuất, đầu tư, tiêu dùng không gây rủi ro đến môi trường và hệ sinh thái. Đây chính là giải pháp tài chính hiệu quả để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội của thế giới.
Khi doanh nghiệp vay tiền từ các tổ chức tín dụng xanh, họ sẽ được ưu tiên nếu các hoạt động sản xuất kinh doanh có tính bền vững, thân thiện với môi trường và đảm bảo bảo tồn hệ sinh thái.
Theo Wang và cộng sự (2019, tín dụng xanh là chiến lược tín dụng của các ngân hàng nhằm hạn chế việc các doanh nghiệp, tổ chức gây tác động xấu đến nhiễm môi trường. Có thể nói, đây là một thuật ngữ mới ở Việt Nam, nhưng nó đã có từ lâu trên thế giới với nhiều dự án liên quan đến năng lượng và công nghệ sạch.
Xem thêm: ESG là gì? Tiêu chuẩn, chiến lược và quy trình lập báo cáo ESG
1.2. Đặc điểm của tín dụng xanh
Về tổng thể, đây là những hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại dưới dạng tiền tệ với các đặc điểm như sau:
- Là một hình thức tài chính hỗ trợ phát triển bền vững xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường.
- Vốn được cấp cho những dự án “xanh” vay, tức là những dự án sản xuất, kinh doanh an toàn cho môi trường, hoặc có tác động tích cực đến môi trường. Các ngân hàng sẽ đặt ra những tiêu chí riêng để đánh giá.
- Nguồn vốn được sử dụng để cho vay là nguồn vốn “xanh”. Các ngân hàng thương mại tiếp cận các nguồn vốn này thông qua hợp đồng ủy thác của Ngân hàng Nhà nước, các quỹ hỗ trợ tín dụng xanh hoặc qua việc phát hành “trái phiếu xanh” để huy động vốn.
Để được hưởng lợi từ tín dụng xanh, đối với doanh nghiệp, cần có thông tin, hồ sơ minh bạch, việc kinh doanh mang lại lợi nhuận, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh” ít nhất một năm, và có thể chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.
1.3. Các loại sản phẩm tín dụng xanh
Hiện nay, tín dụng xanh bao gồm nhiều loại khác nhau. Để lựa chọn được hình thức phù hợp, các doanh nghiệp cần tìm hiểu thật kỹ càng từng sản phẩm.
- Tín dụng xanh song phương: Đây là hình thức tín dụng đơn giản và phổ biến nhất. Doanh nghiệp có thể đến ngân hàng thương mại để thỏa thuận về điều kiện và lãi suất. Ngân hàng sẽ kiểm tra tính khả thi và hiệu quả của dự án, cũng như tác động của nó đến môi trường.
- Cho vay hợp vốn: Nếu dự án xanh đang quá lớn và cần nhiều nguồn vốn, doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hợp tác của nhiều ngân hàng khác nhau. Các ngân hàng sẽ cùng chia rủi ro và có một ngân hàng đảm nhận vai trò làm cầu nối giữa các bên. Ngân hàng này sẽ chịu trách nhiệm quản lý và tổng hợp các thông tin liên quan đến khoản vay.
- Tín dụng xanh xoay vòng: Đây là một sản phẩm tài chính chủ yếu tài trợ cho các hoạt động, dự án đầu tư xanh. Hơn nữa, tín dụng xanh xoay vòng còn giúp các tổ chức tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư.
- Tài trợ dự án xanh: Doanh nghiệp sẽ không cần thế chấp tài sản cá nhân hay tài sản chung, mà chỉ cần dùng các khoản thu nhập từ dự án hoặc từ một nhóm các dự án làm bảo đảm cho khoản vay. Điều này giúp giảm rủi ro và tận dụng tối đa tiềm năng của dự án.
Tham khảo: Tín chỉ CO2 là gì? Thị trường mua bán tín chỉ carbon hiện nay
2. Tầm quan trọng của tín dụng xanh
Mối quan hệ giữa môi trường và phát triển bền vững có tính chất đặc biệt. Khi mà môi trường không chỉ là cơ sở cho sự phát triển mà còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nó. Ngân hàng đóng vai trò như cầu nối trung gian, ảnh hưởng gián tiếp thông qua hoạt động của khách hàng.
Công tác quản lý môi trường có nhiều điểm chung với quản lý rủi ro. Việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội là trách nhiệm vô cùng quan trọng của ngân hàng. Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần chủ động tìm kiếm và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Hỗ trợ các dự án thân thiện với môi trường
Tín dụng xanh là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vốn ưu đãi từ tín dụng xanh giúp doanh nghiệp/tổ chức đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ nguồn nước và đa dạng sinh học. Việc này đều góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Tín dụng xanh góp phần gián tiếp vào tăng trưởng kinh tế bền vững, thông qua việc phát triển công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, tạo việc làm mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm chi phí sản xuất. Từ đó, góp phần đẩy mạnh cạnh tranh của kinh tế và đảm bảo phát triển bền vững,
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Tín dụng xanh hỗ trợ giảm ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ nguồn nước,… Từ đó, cải thiện chất lượng không khí và nước, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình áp dụng công nghệ xanh.
Ngoài ra, tín dụng xanh còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống bằng việc cung cấp nhà ở, giao thông, y tế xanh,… Nhờ đó mà môi trường sống luôn lành mạnh, người dân có cuộc sống đầy đủ tiện nghi.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Tín dụng xanh là công cụ hiệu quả để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu. Các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm, nguồn vốn, công nghệ và thực hiện cam kết quốc tế về môi trường, hướng tới tương lai bền vững.
Xem thêm: Tăng trưởng xanh là gì? Thực trạng và Giải pháp
3. Tình hình về tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay
Hiểu rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh, tại Việt Nam, theo hướng dẫn số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy việc cung cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường.
Trong những năm gần đây, khái niệm tín dụng xanh đã trở nên phổ biến hơn trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam. Theo thống kê, thuật ngữ này tại Việt Nam trong giai đoạn 2015-2019 đã ghi nhận sự tăng trưởng lớn.
Về quy mô
Các con số mới được công bố chỉ ra rằng, dư nợ tín dụng xanh đã liên tục tăng qua các năm. Cho đến tháng 6/2019, số liệu ghi nhận dư nợ tín dụng xanh đã đạt 317.600 tỷ đồng, tăng 29% so với cuối năm 2018 (xem hình 1).
Mặc dù dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng nhanh chóng hàng năm, nhưng nó vẫn giữ quy mô tương đối nhỏ so với tổng tín dụng của hệ thống. Vào năm 2019, tỷ lệ quy mô tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng là 4,1%, tăng lên gấp đôi so với năm 2015 (xem hình 2).
Về cơ cấu
Về cấu trúc nợ theo thời hạn, dư nợ tín dụng trong phạm vi trung và dài hạn chiếm tỷ lệ 76% trong dư nợ tín dụng xanh. Đối với lãi suất, vay ngắn hạn trong các lĩnh vực xanh có mức từ 5-8%/năm, trong khi vay trung và dài hạn có mức từ 9-12%/năm.
Nếu xem xét theo lĩnh vực, dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, chiếm 45% tổng dư nợ tín dụng xanh. Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm 17%, trong khi quản lý nước bền vững ở cả khu vực đô thị và nông thôn chiếm 11%. Lâm nghiệp bền vững chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng xanh.
Về các đơn vị cung cấp
Cuộc khảo sát của ngân hàng Nhà nước (NHNN) về các tổ chức tín dụng (TCTD) liên quan đến lĩnh vực tín dụng xanh đã cho thấy sự cải thiện đáng kể trong hiểu biết. Đặc biệt, có 19 TCTD đã phát triển chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Thêm vào đó, 13 TCTD đã tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào quy trình thẩm định tín dụng xanh.
Hiện tại, tín dụng xanh đã thu hút sự chú ý từ các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng là doanh nghiệp hoặc cá nhân có ý định vay vốn để triển khai các dự án với yếu tố “xanh”.
Về các sản phẩm tín dụng xanh
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 21% tổng công suất lắp đặt vào năm 2030, nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu năng lượng và giảm 25% phát thải khí nhà kính. Mục tiêu này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Các ngân hàng đã đưa ra các gói vay lớn để thúc đẩy phát triển ngành năng lượng xanh.
Nông nghiệp xanh là mô hình sản xuất áp dụng các quy trình và công nghệ tiết kiệm, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên. Phát triển nông nghiệp xanh đóng góp vào sự phát triển kinh tế xanh.
Nước sạch là tài nguyên quý giá. Việc cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn được coi là chiến lược quốc gia, theo như quy định trong Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Lâm nghiệp bền vững là một chương trình mục tiêu quan trọng, được thể hiện trong Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng. Agribank được chỉ định là ngân hàng chủ trì dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển. Dự án nhằm cải thiện quản lý rừng, bảo vệ môi trường, và tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm lâm nghiệp.
Xem thêm: Tài chính xanh là gì? Thực trạng về đầu tư xanh tại Việt Nam và thế giới
4. Tín dụng xanh và xu hướng cho vay mới từ các ngân hàng tại Việt Nam
Tại buổi hội thảo về “Cách thu hút nguồn vốn cho các dự án năng lượng xanh” diễn ra vào ngày 29/12/2020 tại Hà Nội, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), chia sẻ rằng NHNN luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng hướng nguồn vốn của họ vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, bao gồm năng lượng sạch và tái tạo.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cũng thông báo rằng NHNN đã thực hiện bổ sung nội dung về tín dụng ngân hàng xanh vào Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, họ đã đưa ra Đề án Ngân hàng xanh tại Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2025, 100% ngân hàng sẽ tuân thủ quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Ngoài ra, 100% ngân hàng cũng sẽ thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cho các dự án được ngân hàng hỗ trợ vốn. Giải pháp này là một bước quan trọng để xây dựng hệ thống ngân hàng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và xã hội.
Các bài viết liên quan:
- Kiểm toán năng lượng là gì? Lợi ích và quy trình thực hiện
- Năng lượng xanh là gì? 4 thông tin cần biết về năng lượng xanh
Như vậy, câu hỏi “tín dụng xanh là gì” đã được FPT IS giải đáp trong bài viết trên. Quỹ tín dụng xanh là một biện pháp được áp dụng để đối phó với các thách thức môi trường và xã hội trên toàn cầu thông qua các công cụ tài chính và ngày càng được áp dụng rộng rãi.