FPT cùng doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện thương hiệu Việt “Vươn ra toàn cầu”
Tiếp nối sự thành công của số đầu tiên trong chuỗi workshop The Next với chủ đề “Vươn ra toàn cầu”, khung chương trình tiếp tục được mở rộng ở TP.HCM vào ngày 18/10 vừa qua. Tại đây, lãnh đạo FPT và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau chia sẻ về góc nhìn cũng như những kinh nghiệm đã được tích lũy trên hành trình chinh phục giấc mơ toàn cầu hóa của mình.
Vươn ra toàn cầu là mục tiêu mà rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang hướng đến. Tuy nhiên, đây là hành trình đầy thách thức và không hề dễ dàng vì ở bất cứ giai đoạn nào, doanh nghiệp đều có thể gặp những bài toán khó trong việc quản trị nguồn lực, chiến lược phát triển và định hình lộ trình dài hạn. Số tiếp theo của chuỗi workshop “The Next” tiếp tục khai thác chủ đề “Vươn ra toàn cầu”, qua đó tạo ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt cùng lãnh đạo FPT có thể chia sẻ góc nhìn từ những câu chuyện thực tiễn.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Thành Nam – Thành viên Hội đồng sáng lập kiêm Cố vấn Tập đoàn FPT; ông Đặng Trường Thạch – Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Phó Tổng Giám đốc FPT IS; bà Bùi Nguyễn Phương Châu – Giám đốc vận hành FPT IS. Đặc biệt, sự kiện vinh dự có chia sẻ của khách mời – ông Võ Anh Kiệt – Giám đốc công nghệ thông tin Stada Việt Nam, cùng sự tham dự của nhiều lãnh đạo cấp cao từ các doanh nghiệp Việt.
Mở đầu buổi đối thoại, bà Bùi Nguyễn Phương Châu – Giám đốc vận hành FPT IS đã bày tỏ sự vinh dự khi được đón tiếp các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự chương trình: “Trong hành trình của mình, FPT đã gặp được nhiều người thầy, người bạn là những người toàn cầu đã chia sẻ những bài học thật sự quý giá. Chính vì vậy, FPT tin rằng việc kết nối các doanh nghiệp, chia sẻ các kinh nghiệm sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn”. Đúc kết từ quá trình toàn cầu hóa của FPT, bà Bùi Nguyễn Phương Châu nhấn mạnh 3 yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp đi đúng hướng: Sự cạnh tranh khốc liệt là cách tôi luyện đội ngũ một cách tốt nhất; luôn đảm bảo chuẩn mực quốc tế; và tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Nam, Thành viên Hội đồng sáng lập – Cố vấn tập đoàn FPT đã chia sẻ câu chuyện “xuất khẩu phần mềm” từ chính FPT. Ông Nam ví câu chuyện kinh doanh vươn ra toàn cầu của doanh nghiệp như một chiếc xe ô tô với rất nhiều bộ phận trong đó, doanh nghiệp không nhất thiết phải sản xuất cả chiếc ô tô mà chỉ cần tham gia vào một giai đoạn trong quá trình ấy. Tuy nhiên, một khi đã nằm trong chuỗi cung ứng của việc sản xuất ô tô thì doanh nghiệp cần phải đạt chuẩn và đảm bảo được các yêu cầu mới có thể bước ra thị trường quốc tế. Đây là minh chứng cho việc muốn vươn ra toàn cầu doanh nghiệp phải tìm được sở trường của mình thay vì chạy theo người khác. Từ câu chuyện phát triển ra thế giới của FPT từ những năm đầu tiên, ông Nam nhận thấy đặc tính của người Việt Nam là học rất nhanh, đây cũng chính là điểm mạnh của FPT trong suốt quá trình đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Kết quả, FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ Việt đầu tiên cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ nước ngoài.
Với vai trò quản lý dịch vụ công nghệ thông tin tại 8 quốc gia trên thế giới, ông Võ Anh Kiệt – Giám đốc công nghệ thông tin, công ty Stada Việt Nam – khách mời đặc biệt của sự kiện đã nhấn mạnh: “Ngôn ngữ không phải là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Việc quan trọng chính là truyền đạt ý tưởng làm sao cho để người khác hiểu và duy trì được dòng chảy của cuộc đối thoại.” Giải pháp cho vấn đề ngôn ngữ là doanh nghiệp chỉ cần hỏi lại trực tiếp hoặc tìm sự hỗ trợ từ các công cụ phiên dịch, điều này không chỉ giúp chúng ta có thể hiểu rõ hơn mà còn thể hiện sự chủ động và cầu tiến của mình. Bên cạnh đó, việc dành thời gian trao đổi với khách hàng một cách sâu rộng là hết sức quan trọng. Mục đích không chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt mà còn phải hiểu rõ bối cảnh kinh doanh của đối tác để đưa ra giải pháp phù hợp. Ông Kiệt khuyến khích các doanh nghiệp không nên áp dụng một công thức cố định, mà cần có sự linh hoạt dựa trên trao đổi và thấu hiểu bài toán của khách hàng.
Đồng tình với quan điểm của ông Kiệt, một doanh nghiệp khách mời trong ngành xuất khẩu nông sản chia sẻ về câu chuyện vượt qua thách thức để tiến vào quá trình toàn cầu hóa. Vị doanh nghiệp này đưa ra lời khuyên là các doanh nghiệp hãy tập trung thiết lập một mô hình thành công vững chắc trước, rồi mới tiến tới việc mở rộng quy mô và xây dựng thành chuỗi. Điểm mấu chốt để đạt được thành công chính sự hợp tác, liên kết với các bên liên quan thay vì chỉ hành động đơn lẻ như câu chuyện về chiếc ô tô của ông Nam đã chia sẻ.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, một doanh nghiệp khác trong ngành nhựa đưa thêm giải pháp cho doanh nghiệp muốn phát triển vững mạnh cần tập trung vào xác định đối thủ là ai để có thể đưa ra chiến lược cạnh tranh hợp lý. Việc tập trung vào câu chuyện giải pháp, tối ưu hóa không gian thay vì chỉ bán sản phẩm cũng rất quan trọng trong hành trình chinh phục thị trường thế giới.
Sau khi kết thúc đối thoại từ các doanh nghiệp, ông Nam đúc kết điểm chung của các doanh nghiệp trong quá trình toàn cầu hóa đều không phải đem về giá trị lợi ích cho doanh nghiệp mà là đưa thương hiệu Việt ra thị trường quốc tế với các sản phẩm “giá tốt” nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao. Và chìa khóa để thành công chính là tinh thần tích cực, sự chân thành và sẵn sàng chấp nhận các thử thách.
Chuỗi workshop The Next sẽ tiếp tục trở lại với những chuyên đề tiếp theo, hứa hẹn sẽ khai thác những chủ đề hấp dẫn và cập nhật những xu hướng mới nhất. Tại đây, các doanh nghiệp Việt sẽ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công, đề xuất những ý tưởng mới, góc nhìn mới để bứt phá thành công trên hành trình kinh doanh bền vững.