Kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng và định hướng triển khai
Trong bối cảnh công nghệ bùng nổ, sự phát triển và lớn mạnh của các dịch vụ và hoạt động của công ty Fintech và Big Tech đã phần nào gây áp lực cần phải thay đổi cho các tổ chức ngân hàng.
Kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng cần có được sự hỗ trợ tiên phong từ phía Chính phủ cùng với việc hoạch định chiến lược có tầm nhìn của các cấp lãnh đạo trong tổ chức của mình.
1. Tổng quan kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
1.1. Mục tiêu của kế hoạch
Ngày 11/5/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra Quyết định số 810/QĐ-NHNN về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ.
Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng hướng tới phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàn. Từ đó, ngân hàng thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hoá hoạt động nghiệp vụ.
Một số mục tiêu cụ thể năm 2025 như:
- Nâng cấp các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước lên mức độ 4 và tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ngân hàng tăng cường việc xử lý thông tin và lưu trữ thông tin trên môi trường mạng và thực hiện sử dụng chữ ký số 100%.
- Với tổ chức tín dụng, nâng tỷ trọng sử dụng thực hiện nghiệp vụ trên môi trường số, nâng cao số lượng người dùng với các dịch vụ thanh toán điện tử. Các tổ chức từ đó nâng tỷ trọng doanh thu trên các kênh số.
1.2. Nhiệm vụ và giải pháp chính
Nhiệm vụ 1: Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng
Chuyển đổi số trong ngân hàng là sự thay đổi về văn hoá, tổ chức và các hoạt động thông qua công nghệ. Trong đó, thói quen làm việc và vận hành theo một quy trình xưa cũ ngại thay đổi là một trong các trở ngại lớn nhất của việc bắt tay vào chuyển đổi số ngân hàng.
Vì lẽ đó, việc quản lý sự thay đổi, đặc biệt là thay đổi về mặt nhận thức của nhân viên ngành ngân hàng cũng như của người sử dụng là một trong những việc quan trọng nhất cần thực hiện để tiến tới công cuộc chuyển đổi số cũng như hoàn tất kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng đã đề ra.
Nhiệm vụ 2: Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng
Ứng dụng số vào trong nghiệp vụ ngân hàng sẽ dẫn đến sự thay đổi của các nghiệp vụ cũng như hoạt động ngân hàng. Đồng thời các khái niệm cũng như hình thức hoạt động tổ chức mới phát sinh. Cụ thể như việc quản lý dữ liệu số, quy định không dùng tiền mặt, hoặc liên quan đến việc phát triển Open Banking (Ngân hàng mở).
Nhà nước lúc này cần nhanh chóng kịp thời xây dựng các khung pháp lý phù hợp. Điều này nhằm đẩy lui rào cản và thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi này được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
Nhiệm vụ 3: Phát triển hạ tầng số
Việc làm tiếp theo mang tính nền tảng cho quá trình chuyển đổi số ngân hàng là nâng cấp hệ thống hạ tầng. Phát triển hạ tầng bao gồm các hệ thống như:
- Hệ thống thanh toán điện tử.
- Hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ.
- Cơ sở hạ tầng xử lý dữ liệu…
Có được một nền tảng hạ tầng vững chắc là tiền đề vững vàng cho quá trình thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng.
- Hệ thống thanh toán điện tử đang được áp dụng tại nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt bán lẻ và vận chuyển.
Nhiệm vụ 4: Xây dựng và triển khai hiệu quả Chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước
Đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra và quản lý vận hành nội bộ của ngân hàng Nhà nước, đảm bảo hoạt động chuyển đổi số của Ngân hàng Nhà nước được triển khai theo kiến trúc Chính phủ điện tử 2.0.
- Hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số tại tổ chức tín dụng: Trên thế giới hiện nay các mô hình ngân hàng số vô cùng phát triển với các mô hình hoạt động đa dạng. Doanh nghiệp ngân hàng và tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và triển khai xây dựng các mô hình này. Mục đích nhằm đa dạng hóa hình thức phục vụ, cung cấp các trải nghiệm tối ưu nhất đến người dùng với mức chi phí hợp lý.
- Phát triển và khai thác hiệu quả dữ liệu số: Dữ liệu vốn là tài sản vô cùng quý giá đặc biệt trong thời đại kỷ nguyên số. Việc lưu trữ, khai thác và sử dụng dữ liệu nếu được thực hiện một cách bài bản bằng việc đẩy mạnh phân tích và khai phá, sẽ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ và sản phẩm đáp ứng tối đa nhu cầu của người sử dụng, với quy trình hoạt động tối ưu, mang lại giá trị to lớn cho ngân hàng.
- Phát triển nguồn nhân lực: Cùng với việc chuyển đổi nhận thức ở trên, thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài trong lĩnh vực công nghệ và kỹ năng về chuyển đổi số sẽ giúp cho Ngân hàng có được nguồn lực dồi dào với sự sẵn sàng cao cho công cuộc chuyển đổi số của mình.
- Bảo đảm an toàn, an ninh mạng: Ứng dụng số vào nghiệp vụ và quy trình hoạt động của Ngân hàng cũng mang lại một số rủi ro và thách thức về bảo mật dữ liệu, an toàn an ninh mạng. Các tổ chức ngân hàng cần tăng cường năng lực bảo mật hệ thống của mình, và xây dựng các phương án phòng tránh rủi ro nhằm đảm bảo hạn chế mức thấp nhất rủi ro bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu.
Nhiệm vụ 5: Một số giải pháp, nhiệm vụ khác
- Các tổ chức, ngân hàng cần có các hoạt động học hỏi các kiến thức kinh nghiệm từ các đối tác đến từ các khu vực phát triển hơn, đã có kinh nghiệm về việc chuyển đổi số ngân hàng.
- Việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu cũng cần thiết, giúp cho quá trình thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng luôn luôn bắt kịp với xu thế thế giới.
- Các tổ chức ngân hàng cần tăng cường bảo mật an ninh mạng khi nguồn dữ liệu càng ngày càng lớn
2. Định hướng triển khai kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp lĩnh vực ngân hàng
Các ngân hàng và tổ chức tín dụng hiện nay đã có được nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Chuyển đổi số và có những nỗ lực nhằm thích ứng với những đòi hỏi từ thị trường. Tuy vậy, vấn đề trở ngại lớn nhất trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng là việc xác định chính xác cách thức phân bổ nguồn lực đầu tư.
- 4 đinh hướng triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng
Dưới đây là một số đề xuất của FPT Digital về các công việc phải làm nhằm triển khai được kế hoạch chuyển đổi số cho ngành ngân hàng:
2.1. Hiện đại hoá hệ thống lõi
Rào cản lớn nhất trên kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng là hệ thống lõi mang tính kế thừa. Trong khi các tổ chức tài chính hiện đại – Fintech đang cập nhật các tính năng mới một cách đều đặn liên tục thì các đối tác Ngân hàng, tổ chức tín dụng đang phải chi trả một khoản lớn cho việc bảo trì hệ thống cũ.
Các hệ thống này hoạt động chậm chạp, lộn xộn và thiếu tương thích với các công nghệ và tính năng mới. Việc xây dựng một hệ thống ngân hàng lõi mới sẽ giúp cho việc thay đổi kế hoạch và đưa ra các tính năng mới của ngân hàng trở nên dễ dàng hơn.
2.2. Cải tiến ứng dụng thiết bị di động
Nghiên cứu về Đổi mới trong Ngân hàng bán lẻ 2021 cho thấy, 90% các tổ chức tài chính coi trải nghiệm người dùng trên thiết bị di động là ưu tiên hàng đầu của họ. Lý do là vì ở ngay trong thời điểm hiện tại, và cả tương lai, đây là kênh diễn ra các tương tác giữa người dùng và hệ thống ngân hàng. Các trải nghiệm này sẽ đóng vai trò mang tính quyết định đối với lòng trung thành và sự yêu thích của khách hàng dành cho các ngân hàng đó.
Để có được sáng kiến chuyển đổi số ngân hàng trong trải nghiệm khách hàng tốt nhất, các ngân hàng cần chú ý vào một số vấn đề trọng tâm như:
- Biến ứng dụng của mình trở thành một siêu ứng dụng, với việc cung cấp lượng thông tin dồi dào cùng các tính năng hữu ích cho người dùng;
- Đề cao tính bảo mật dữ liệu đối với ứng dụng;
- Tối ưu hoá sự thuận tiện khi sử dụng và cá nhân hoá các sản phẩm và dịch vụ mà mình mang tới cho khách hàng.
Di động thông minh hiện nay là vật bất ly thân đối với mọi người. Vì thế, tối ưu trải nghiệm người dùng trong ứng dụng thanh toán điện tử nên là một trong những ưu tiên trong kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng.
2.3. Cung cấp trải nghiệm ảo
Sau đại dịch, thói quen của người dùng trong thời kỳ “bình thường mới” có rất nhiều thay đổi, trong đó có việc hạn chế tiếp xúc với mọi người. Các chi nhánh ngân hàng ảo cho phép khách hàng thực hiện trao đổi và thao tác với nhân viên ngân hàng thông qua video tại nhiều địa điểm hơn. Việc này giúp tạo sự tiện dụng cho khách hàng và hạn chế việc xếp hàng chờ đợi. Việc hỗ trợ khách hàng mọi nơi mọi lúc sẽ giúp khiến khách hàng cảm thấy thoải mái với dịch vụ và có những đánh giá tốt về ngân hàng, đồng thời gia tăng mức độ gắn kết dài lâu.
Đây cũng là một yếu tố then chốt trong kế hoạch chuyển đổi số ngân hàng, hướng đến sự tiện dụng cho trải nghiệm của người dùng.
2.4. Không ngừng cập nhật và thay đổi
Nhu cầu của khách hàng sẽ liên tục thay đổi và ngày càng gia tăng. Cùng với sự cạnh tranh từ các công nghệ tài chính và bối cảnh kinh doanh không thể đoán trước, các ngân hàng hay tổ chức tín dụng cần phải liên tục theo dõi quá trình này và cập nhật thay đổi các chiến lược phù hợp để tránh bất ngờ trước những sự thay đổi của thị trường.
Theo FPT Digital