Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững
Áp dụng kinh tế tuần hoàn là bước quan trọng để đổi mới cách thức phát triển kinh tế, giúp tăng cường chất lượng và hiệu quả trong sản xuất. Đồng thời, mô hình cũng góp phần vào mục tiêu lớn là giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Cùng FPT IS tìm hiểu về thuật ngữ này trong bài viết dưới đây.
Xem thêm: Chuyển đổi xanh là gì? Áp dụng chuyển đổi xanh vào doanh nghiệp
1. Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là gì?
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) là một mô hình kinh tế mà trong đó toàn bộ hoạt động sản xuất, dịch vụ được thực hiện hướng đến mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật liệu và giảm thiểu tác động xấu tới môi trường. Trong mô hình này, hệ thống toàn hoàn áp dụng quy trình tái sử dụng thông qua chia sẻ, sửa chữa, làm mới lại hoặc tái chế.
Các hoạt động trên nhằm tạo ra các vòng lặp kín cho tài nguyên sử dụng trong hệ thống kinh tế nhằm giảm thiếu số lượng sản phẩm sử dụng cho quy trình đầu vào và số lượng phế thải tạo ra sẽ làm ô nhiễm môi trường và khí thải.
Khái niệm này được giới thiệu lần đầu tiên bởi Pearce và Turner vào năm 1990. Họ mô tả một hệ thống kinh tế nơi mọi sản phẩm đều có thể trở thành nguyên liệu cho sản phẩm khác, không giống như mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống.
Ellen MacArthur Foundation – một tổ chức nổi tiếng về KTTH đã mô tả mô hình này như một hệ thống công nghiệp có khả năng tự phục hồi và tái tạo, sử dụng năng lượng tái tạo và loại bỏ chất thải độc hại.
Nói một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc biến rác thải của một ngành thành tài nguyên cho ngành khác, hoặc tái sử dụng chúng trong chính doanh nghiệp đó. Điều này không chỉ giúp tăng giá trị cho doanh nghiệp mà còn giảm chi phí xử lý chất thải và giảm khai thác tài nguyên, góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Tham khảo: Xu hướng chuyển đổi kép tạo đột phá cho doanh nghiệp
2. Các nguyên tắc và nội hàm của Kinh tế tuần hoàn
Nền kinh tế tuần hoàn là một chiến lược phát triển bền vững, nhằm giảm thiểu việc khai thác nguyên liệu và vật liệu, tăng cường tuổi thọ của sản phẩm, hạn chế rác thải cũng như tác động xấu đến môi trường.
Trong đó, các nguồn tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa ngay từ quy trình sản xuất và tiêu dùng từ việc thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang lâu dài dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một mô hình kinh tế nói không với phát thải.
Ellen MacArthur Foundation đã đề ra ba nguyên tắc cốt lõi cho mô hình này:
- Giảm và loại bỏ rác thải và ô nhiễm
- Kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm và nguyên vật liệu
- Tái tạo hệ thống tự nhiên
Như vậy, quá trình vận hành của nền kinh tế tuần hoàn sẽ không còn chất thải ra môi trường để giải quyết bài toán xử lý môi quan hệ giữa kinh tế và môi trường. Mô hình này thực hiện được hai nội dung: Hạn chế khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên, bảo vệ hệ sinh thái; Loại bỏ hoàn toàn chất thải gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Cụ thể, kinh tế tuần hoàn tập trung vào ba nội hàm chính:
- Bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên: Quản lý cẩn thận các nguồn tài nguyên không tái tạo và tạo sự cân bằng với nguồn tài nguyên có thể tái tạo và năng lượng tái tạo.
- Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên: Bằng cách tái chế và tái sử dụng sản phẩm và vật liệu trong các chu trình kỹ thuật sinh học, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa lợi ích từ mỗi nguồn tài nguyên.
- Nâng cao hiệu suất của hệ thống: Chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực như thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm.
Mô hình KTTH giúp chúng ta thay đổi cách nhìn về mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thay vì xem chất thải là vấn đề cần loại bỏ, chúng ta coi chúng như là nguồn tài nguyên quý giá có thể tái sử dụng. Điều này giúp giảm lượng nguyên liệu mới cần khai thác và giảm thiểu ô nhiễm.
Kết quả là, không chỉ giảm được chi phí và bảo vệ môi trường, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Kinh tế tuần hoàn không chỉ xoay quanh việc tái chế vật liệu mà còn hướng đến việc giảm sử dụng những vật liệu khó tái chế, tạo ra một hệ thống kinh tế hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Xem thêm: Hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất
3. Kinh tế tuần hoàn trên thế giới và tại Việt Nam
Hiện nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam.
3.1. Trên thế giới
Philips – một thương hiệu nổi tiếng từ Hà Lan, đã đổi mới cách thức kinh doanh của mình. Thay vì chỉ bán đèn chiếu sáng, giờ đây đã cung cấp thêm dịch vụ chiếu sáng. Điều này có nghĩa là khi mua một bóng đèn của Philips, người dùng đang mua dịch vụ chiếu sáng kéo dài 3000 giờ sử dụng.
Sau khi thời gian này kết thúc, Philips sẽ thu hồi bóng đèn để tái chế, bắt đầu một chu kỳ sử dụng mới, giúp tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là một ví dụ điển hình của mô hình kinh tế tuần hoàn vừa bàn luận.
Xem thêm: GHG protocol là gì? Sơ lược về nghị định thư GHG
3.2. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Ở Việt Nam, luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã đưa ra quy định về việc áp dụng mô hình KTTH. Theo đó, các nhà sản xuất có trách nhiệm mở rộng (EPR) đối với sản phẩm của mình, từ khâu đầu vào cho đến đầu ra, bao gồm cả việc tái chế và giảm thiểu phát thải cũng như quản lý chất thải thải ra môi trường.
Ban đầu, EPR trong luật này chưa thực sự hiệu quả vì chỉ dựa trên sự tự nguyện của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, vào đầu năm 2020, luật đã được sửa đổi để làm cho việc thực hiện EPR trở nên bắt buộc hơn. Các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu giờ đây phải chịu trách nhiệm thu hồi và xử lý chất thải từ quá trình sản xuất của mình.
Những thay đổi này phù hợp với chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về kinh tế xanh và bảo vệ môi trường. EPR đã trở thành một công cụ quản lý chất thải hiệu quả trên toàn cầu, với khoảng 400 hệ thống EPR đang được áp dụng ở nhiều quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Xem thêm: Kế toán Carbon là gì? Tìm hiểu về Carbon Accounting
4. Phân biệt giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế tuyến tính
Dưới đây là sự khác nhau cơ bản giữa hai mô hình kinh tế:
Tiêu chí | Kinh tế tuần hoàn | Kinh tế tuyến tính |
Mô hình phát triển | Phát triển theo chu trình khép kín, tái sử dụng và tái chế sản phẩm. | Phát triển theo đường thẳng, từ nguyên liệu đến sử dụng sản phẩm rồi thải bỏ. |
Sản xuất | Chú trọng tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Các chất thải và sản phẩm dư thừa được xử lý và sử dụng lại một cách tuần hoàn. | Thu lợi từ việc sử dụng nguyên, nhiên và vật liệu mà không chú trọng tái sử dụng. Các chất thải và dư thừa sau sản xuất được thải ra môi trường. |
Quy trình sản xuất | Quy trình sản xuất khép kín, giảm thiểu chất thải ra môi trường. | Quy trình mở, không chú trọng đến việc giảm thiểu chất thải. |
Xem thêm: Hệ số phát thải CO2 theo các dạng năng lượng
5. Vì sao cần chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn?
Hiện nay, việc chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là một bước đi quan trọng và cần thiết cho mọi quốc gia, kể cả Việt Nam. Có bốn lý do chủ yếu khiến sự chuyển đổi này trở nên cấp thiết:
- Nhu cầu nguyên liệu thô tăng cao: Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung cấp nguyên liệu, đặc biệt là các loại khoáng sản và tài nguyên không tái tạo đang dần cạn kiệt.
- Phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài: Nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, điều này tạo ra những căng thẳng chính trị trên toàn cầu.
- Biến đổi khí hậu: Sự gia tăng của các khí nhà kính như CO2 đang thúc đẩy quá trình biến đổi khí hậu, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chuyển sang kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm thiểu tác động này nhờ việc sử dụng năng lượng bền vững.
- Cơ hội kinh tế mới: Đối với doanh nghiệp và ngành khoa học, việc này mở ra cơ hội trong việc đổi mới, thiết kế, tái chế và sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế.
Tham khảo thêm: ĐTM là gì? Quy trình báo cáo đánh giá tác động môi trường
6. Lợi ích của kinh tế tuần hoàn
Phát triển mô hình KTTH sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, quốc gia, xã hội và môi trường, cụ thể như sau:
6.1. Với người tiêu dùng
Người tiêu dùng giờ đây có thể tin tưởng vào việc sử dụng sản phẩm an toàn và có chất lượng cao hơn. Bởi lẽ, các nguyên liệu tái chế được sử dụng trong sản xuất đều trải qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt. Hơn nữa, sản phẩm được thiết kế có thể sử dụng lâu dài, giúp người dùng tiết kiệm được chi phí trong thời gian dài.
6.2. Với doanh nghiệp
Các hoạt động như tái chế và tái sử dụng nguyên liệu, cùng với việc giảm năng lượng tiêu thụ, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể trong quá trình sản xuất, tiếp thị và bán hàng.
Mô hình kinh tế tuần hoàn còn giải quyết được tình trạng dư thừa sản phẩm trong khi nguồn tài nguyên lại khan hiếm. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc cải tiến để tăng giá trị cho sản phẩm của mình. Từ đó giảm chi phí sản xuất và mở rộng chuỗi cung ứng.
6.3. Đối với quốc gia
KTTH đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu như ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Mô hình cũng giúp các doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thay vì lãng phí chi phí để xử lý và loại bỏ nguyên vật liệu đã qua sử dụng, doanh nghiệp có thể tái chế và tái sử dụng chúng cho các mục đích khác nhau, tận dụng tối đa giá trị của tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.
6.4. Đối với xã hội và môi trường
Kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn có những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Dưới đây là một số lợi ích nổi trội:
- Giảm chi phí xã hội
- Ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tạo ra thị trường mới
- Giải quyết vấn đề cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.
- Nâng cao sức khỏe, đa dạng sinh học và suy thoái giống loài.
- Giảm khí thải carbon và khí nhà kính.
Xem thêm: Sản xuất xanh – Giải pháp cho doanh nghiệp phát triển bền vững
7. Các chiến thuật kinh doanh trong nền kinh tế tuần hoàn
Doanh nghiệp cần chú ý đến sáu chiến thuật sau để phát triển bền vững và hiệu quả:
- Cung cấp và hoạt động (Provide and perform): Đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp dịch vụ chất lượng, thay vì chỉ bán sản phẩm.
- Tăng giá trị sản phẩm (Extend product value): Khuyến khích tái sử dụng hoặc tái chế sản phẩm giữa các doanh nghiệp, giúp tăng giá trị sử dụng lâu dài.
- Tăng tuổi thọ sản phẩm (Long-life): Sản xuất sản phẩm bền, có thể sử dụng lâu dài, giảm nhu cầu thay thế thường xuyên.
- Tăng khả năng đáp ứng của sản phẩm (Encourage sufficiency): Cung cấp dịch vụ hỗ trợ như sửa chữa, bảo hành, nâng cấp để kéo dài thời gian sử dụng của sản phẩm.
- Tăng giá trị của nguyên liệu (Extend resource value): Tái sử dụng rác thải như nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất sản phẩm mới và tận dụng tối đa nguồn lực.
- Tăng giá trị cộng sinh công nghiệp (Industrial symbiosis): Tạo mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp, đầu ra của quá trình này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình khác.
Các bài viết liên quan:
- Cơ chế CBAM là gì? Lộ trình thực hiện và Hướng dẫn báo cáo CBAM
- Năng lượng tái tạo là gì? Xu hướng chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh
Phát triển kinh tế tuần hoàn thể hiện cam kết thực hiện của mỗi quốc gia, doanh nghiệp về giảm biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế. Mô hình này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Hy vọng rằng, bài viết trên của FPT IS đã giúp doanh nghiệp/tổ chức hiểu rõ hơn những vấn đề liên quan đến thuật ngữ này.