Sản xuất xanh - Giải pháp cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Sản xuất xanh – Giải pháp cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Sản xuất xanh đang trở thành xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững ngày càng cấp bách. Mô hình này không chỉ đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế chung của thế giới mà còn mang đến vô số lợi ích, giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế lẫn nội địa.

Tuy khái niệm sản xuất xanh ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng và chưa thực sự nắm bắt đầy đủ về mô hình này. FPT IS sẽ giải mã chi tiết về sản xuất xanh và các thông tin liên quan trong bài viết dưới đây.

Tham khảo thêm: Chuyển đổi xanh là gì? Áp dụng chuyển đổi xanh vào doanh nghiệp

1. Sản xuất xanh là gì? 

Sản xuất xanh là quá trình đổi mới quy trình sản xuất và thiết lập các hoạt động thân thiện với môi trường trong lĩnh vực sản xuất. Về cơ bản, đây là việc “xanh hóa” hoạt động sản xuất, trong đó công nhân sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu, đồng thời hạn chế khí thải trong các quy trình của họ.

Tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển
Tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển

Tham khảo: Chuyển đổi kép: Kiến tạo tương lai “Xanh và Số”

2. Xu hướng sản xuất xanh: Cơ hội và thách thức

Đẩy mạnh sản xuất xanh là một xu hướng phát triển quan trọng của các quốc gia trên toàn cầu, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn duy trì môi trường bền vững.

Ngoài lợi ích lớn cho quốc gia, việc phát triển sản xuất xanh cũng mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Việc xanh hóa sản xuất hiện nay cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế xanh và bền vững tại Việt Nam. 

Theo Chiến lược quốc gia về Ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2050, Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (net zero) vào năm 2050. Cụ thể, tổng phát thải các-bon trong các lĩnh vực phát thải chủ yếu là năng lượng, nông nghiệp, chất thải, các quá trình công nghiệp chỉ còn khoảng 185 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ) – cân bằng với lượng hấp thụ các-bon đạt được từ lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất. 

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã chia sẻ mục tiêu của Kế hoạch hành động là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 – 20% và 25 – 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.

Kể từ năm thứ ba thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), lợi thế và kết quả xuất khẩu của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn do EU áp dụng ngày càng chặt chẽ các tiêu chuẩn cao, đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững đối với hàng hóa nhập khẩu, hay còn gọi là “tiêu chuẩn xanh”. 

EU sẽ có những quy định về môi trường hay về vấn đề lao động, chẳng hạn như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030, Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork)

Tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển
Tiêu dùng xanh đã trở nên phổ biến ở các nước phát triển

2.1. Cơ hội 

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tăng

Nhu cầu tiêu dùng đối với sản phẩm xanh thân thiện với môi trường ngày càng tăng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với các yêu cầu bảo vệ môi trường bao gồm đa dạng sinh học, giảm phát thải,… đều được cam kết ở mức độ ràng buộc cao. 

Doanh nghiệp áp dụng sản xuất xanh khẳng định cam kết phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm từ nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng. 

Tại Việt Nam, báo cáo “Trải nghiệm khách hàng xuất sắc” (CEE) 2022 được KPMG công bố cho thấy, có tới 93% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm, dịch vụ được tích hợp ESG.

Nhà nước có các chính sách để phát triển sản xuất xanh

Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật như các chính sách về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất xanh:

Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 đã có quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc “tài nguyên không có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất cao, “tài nguyên có khả năng tái tạo” thì áp dụng mức thuế suất thấp.

– Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam,…

– Theo S&P Global: Nguồn tài trợ năng lượng sạch toàn cầu dự kiến đạt khoảng 5,6 nghìn tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2030. Đến năm 2030, đầu tư cho năng lượng mặt trời được dự báo ước đạt 2,8 nghìn tỷ USD, cao nhất trong số các nguồn năng lượng tái tạo khác. 

Ngành sản xuất sắt thép, xi măng và hóa chất được ưu tiên

Ba ngành công nghiệp, sản xuất quan trọng với phát thải cao cần được ưu tiên chuyển đổi xanh, giảm thiểu các-bon bao gồm sản xuất sắt thép, xi măng và hóa chất. 

Đây cũng là những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 06/2022/NĐ-CPQuyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2024 và đề xuất giảm phát thải khí nhà kính, biện pháp, giải pháp can thiệp.  

Theo ước tính, việc chuyển đổi xanh 3 ngành công nghiệp chính này có thể giảm thiểu đến hơn 280 triệu tấn CO2tđ so với mức cơ sở vào năm 2050. Trong đó, hơn 100 triệu tấn CO2tđ được thu giữ qua công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ các-bon (CCUS), tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất xi măng, clanhke. 

2.2. Thách thức

Sản xuất xanh là một bài toán không dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng chung tay giải quyết.

Chưa có đủ hành lang pháp lý và các tiêu chuẩn cụ thể 

Việt Nam chưa xác định được các tiêu chí cụ thể để đánh giá mức độ xanh hóa của doanh nghiệp và quy trình sản xuất, chưa ban hành nhiều quy định pháp lý liên quan đến việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường. 

Các chính sách khuyến khích như tín dụng xanh chưa được cụ thể hóa rõ ràng

Cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong xây dựng khung pháp lý và tiêu chuẩn liên quan để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang sản xuất và phát triển xanh tại Việt Nam.

Gặp khá nhiều khó khăn và trở ngại khi triển khai mô hình sản xuất xanh

Điều này đòi hỏi phải tái cấu trúc toàn diện các hoạt động như: thiết kế lại quy trình sản xuất, đầu tư cập nhật công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi và tái sử dụng phế liệu… 

Hạn chế về nguồn lực, công nghệ và nhân sự

Nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế về nguồn lực, công nghệ và nhân sự để xây dựng được chuỗi cung ứng xanh. Điều này gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường của doanh nghiệp.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo điểm lại Kinh tế Việt Nam (tháng 8/2023), tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm của Việt Nam để xử lý những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Xem thêm: Ngân hàng xanh là gì? Tầm quan trọng đối với nền kinh tế

3. Các phương pháp giúp doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh

3.1. Sử dụng năng lượng tái tạo

Các quy trình sản xuất phụ thuộc nhiều vào năng lượng và sử dụng nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên và dầu mỏ sẽ thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Ngay cả khi hoạt động sản xuất dựa vào điện, lưới điện ở hầu hết các quốc gia vẫn chủ yếu được cung cấp bởi nhiên liệu hóa thạch. Chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là một cách để các nhà sản xuất giảm thiểu tác động phát thải của họ.

Sử dụng nhiên liệu thay thế trong một số quy trình sản xuất là một lựa chọn đầy hứa hẹn. Biodiesel, ethanol, hydro và các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch khác giúp loại bỏ khí thải hoặc lấy chúng từ các nguồn được sử dụng trong chu trình carbon tự nhiên.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng có thể lựa chọn thay thế nguồn năng lượng hiện tại của họ bằng nguồn năng lượng xanh tái tạo. Các nguồn tái tạo bao gồm gió, địa nhiệt, mặt trời, thủy điện và khí bãi rác. Các công ty có thể lựa chọn sản xuất điện bằng một trong những nguồn tái tạo này.

3.2. Giảm thiểu bao bì

Trong nhiều thập kỷ, bao bì luôn là tâm điểm của cuộc tranh luận về lãng phí vật liệu. Trong những thập kỷ qua, nhựa nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho việc đóng gói nhiều loại hàng tiêu dùng. Thật không may, phần lớn bao bì đó đã thải ra môi trường.

Một cách để các nhà sản xuất hướng tới “xanh hóa” là giảm thiểu tổng thể bao bì trong sản phẩm của họ. Các phương pháp đóng gói truyền thống có thể sử dụng quá nhiều vật liệu và lớp đệm. Ngoài ra, chúng thường bao gồm các gói riêng lẻ không cần thiết bên trong các thùng chứa lớn hơn. Thay đổi thiết kế bao bì giúp các nhà sản xuất giảm thiểu lãng phí đó.

3.3. Giảm chất thải trong nhà máy sản xuất

Chất thải bao bì và việc xử lý cuối cùng sản phẩm đều là vấn đề cần quan tâm khi thiết kế bất cứ sản phẩm nào. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất cũng xảy ra tình trạng lãng phí vật liệu và năng lượng do quy trình sản xuất không hiệu quả và vấn đề chất lượng.

Ví dụ, quy trình có tỷ lệ sản phẩm không đạt là một vấn đề dẫn đến sản xuất thừa để bù đắp số phải vứt bỏ. Ngay cả khi vật liệu từ sản phẩm không đạt được tái chế, năng lượng bị lãng phí vẫn lớn.

Việc siết chặt quản lý chất lượng, thiết kế lại quy trình giảm thiểu chất thải là bước quan trọng trong sản xuất xanh. Các đạo luật mới buộc doanh nghiệp phải giảm lãng phí trên sàn sản xuất.

Đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch
Đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch

Mời bạn xem thêm: Hệ số phát thải CO2 theo các dạng năng lượng

4. Lợi ích mang lại khi ứng dụng sản xuất xanh

Sản xuất xanh không chỉ mang lại hiệu quả môi trường mà còn mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp khi áp dụng.

Tiết giảm chi phí

Năng lượng tái tạo, thiết bị tiết kiệm năng lượng giúp giảm chi phí năng lượng đáng kể. Ngoài ra, các biện pháp giảm giấy tờ, tái chế cũng giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu. Bên cạnh đó là các ưu đãi, trợ cấp tài chính dành cho doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất xanh.

Bắt kịp xu hướng của người tiêu dùng

Chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp nắm bắt kịp xu hướng tiêu dùng thân thiện môi trường ngày càng cao của người tiêu dùng. 

Cơ hội mở rộng thị trường quốc tế

Đây là cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tận dụng nguồn lực của các tập đoàn đa quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

Đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ môi trường quốc tế

Đồng thời cũng mở rộng cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị phần ra các thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản thông qua việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Lợi ích mang lại khi ứng dụng sản xuất xanh
Lợi ích mang lại khi ứng dụng sản xuất xanh

5. Các công ty triển khai sản xuất xanh

5.1. Vinamilk

Tháng 12, tại lễ công bố “Các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam” (CSI) 2023, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được vinh danh là một trong Top 100 doanh nghiệp bền vững năm 2023. Doanh nghiệp còn được vinh danh ở 2 hạng mục là Top 10 Doanh nghiệp bền vững hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và Top 5 Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải carbon. 

Bên cạnh xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001:2015, FSSC 22000, BRC, ISO 17025, Halal, Organic EU, Organic China,… doanh nghiệp đã hoàn thành các báo cáo kiểm kê khí nhà kính, sử dụng năng lượng,… Doanh nghiệp hiện cũng đẩy nhanh tiến trình Net Zero với các nhà máy, trang trại đầu tiên đạt trung hòa Carbon – khía cạnh đang được nhiều thị trường quốc tế quan tâm. 

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa 100% nhà máy và trang trại theo phương pháp Đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064 cho hoạt động sản xuất và chăn nuôi. 

Theo Báo cáo Phát triển Bền vững 2022 của  Vinamilk, doanh nghiệp đã trang bị hơi bão hòa, sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi đốt bằng nguyên liệu xanh Biomass thay cho năng lượng truyền thống, sử dụng khí CNG thay thế cho lò hơi đốt dầu DO/FO ở chuỗi các Nhà máy: 9 nhà máy sử dụng năng lượng Biomass.

Bên cạnh đó, 100% nhà máy xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001:2018; tỷ lệ năng lượng xanh, sạch đạt 86,8% trên tổng số nhiên liệu trong hoạt động sản xuất; tỷ lệ CNG đạt 10,3% trên tổng năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất; tỷ lệ Biomass đạt 36,8% trên tổng năng lượng sử dụng trong hoạt động sản xuất,…

Nhiều công ty triển khai sản xuất xanh đã đạt được nhiều thành công nhất định
Nhiều công ty triển khai sản xuất xanh đã đạt được nhiều thành công nhất định

5.2. Starbucks

Theo Báo cáo Tác động Môi trường và Xã hội Toàn cầu năm 2022 của Starbucks, tại Mỹ và Canada, 100% hoạt động bán lẻ do Starbucks trực tiếp điều hành sử dụng năng lượng tái tạo kể từ năm tài chính 2022. Thị trường do Starbucks điều hành tại Anh đạt được thành tích tương tự kể từ năm tài chính 2018. 

Trên toàn cầu, 72% cơ sở do công ty trực tiếp điều hành sử dụng năng lượng tái tạo. Hơn 3.500 Cửa hàng Xanh đã được chứng nhận, trong đó có 4 cửa hàng quốc tế. Trong năm tài chính 2022, Starbucks đã cung cấp gần 2 triệu USD để hỗ trợ các dự án quản lý nước mới và đang diễn ra.

560 ha rừng được phục hồi và 1.000 ha rừng được bảo vệ tại Peru và Colombia. Hơn 9,5 triệu cây cà phê chịu đựng khí hậu được phân phối trên toàn cầu thông qua cam kết trồng 100 triệu cây của Starbucks.

Starbucks cam kết giảm 50% lượng chất thải từ cửa hàng (bao gồm bao bì rời khỏi cửa hàng) và hoạt động trực tiếp được đưa đến bãi rác vào năm 2030, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Starbucks tuyên bố khoản đầu tư neo giữ ban đầu lên tới 25 triệu USD vào Quỹ Tiếp cận Toàn cầu IV của WaterEquity và khoản đầu tư 10 triệu USD vào Dịch vụ Tuần hoàn để giảm chất thải bãi rác và thúc đẩy các nỗ lực đổi mới hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hoa Kỳ.

Dịch vụ Tuần hoàn là công ty tái chế tư nhân lớn nhất tại Hoa Kỳ.

6. FPT IS – Đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh, hướng đến mục tiêu Net-zero

FPT IS đang tích cực nghiên cứu và phát triển giải pháp chuyển đổi xanh tiên tiến, hợp tác cùng các chuyên gia, cố vấn đầu ngành về môi trường, năng lượng và phát triển bền vững, và mở rộng mạng lưới đối tác công nghệ xanh uy tín, mang đến giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp. 

Giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZero:

  • Hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí thải nhà kính (GHG) và lập báo cáo ESG chuyên nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.
  • Giúp doanh nghiệp theo dõi, quản lý hiệu quả lượng khí thải và thực hiện cam kết phát triển bền vững.
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí thu thập, phân tích dữ liệu môi trường.
Giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZero của FPT IS
Giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZero của FPT IS

Giải pháp NetZero Factory:

  • Thiết kế và xây dựng nhà máy “không phát thải” (Net Zero), tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng.
  • Ứng dụng công nghệ số hóa hiện đại, tự động hóa quy trình thu thập dữ liệu môi trường.
  • Giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hỗ trợ toàn diện cho doanh nghiệp:

  • Cung cấp dịch vụ tư vấn chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh hiệu quả.
  • Đào tạo và chuyển giao kiến thức về các giải pháp công nghệ xanh, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên.
  • Đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai và vận hành giải pháp, đảm bảo hiệu quả tối ưu.

Các bài viết liên quan:

Mặc dù đối diện với thách thức về pháp lý, công nghệ và nguồn lực, nhưng việc triển khai sản xuất xanh không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn tạo ra cơ hội mở rộng thị trường và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, FPT IS cung cấp các giải pháp hiện đại chuyển đổi sang sản xuất xanh và đạt được mục tiêu Net-zero một cách hiệu quả. Liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thêm thông tin về các giải pháp!

Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân