Ứng dụng của bản đồ Shape Map trong Power BI
Bản đồ Shape Map trong Power BI không chỉ là một công cụ biểu đồ đơn giản, mà còn là một cánh cửa mở ra thế giới của cơ hội và tiềm năng. Với khả năng tạo ra các biểu đồ địa lý phong phú và mạnh mẽ, Bản đồ Shape Map mở ra những khả năng mới cho việc hiển thị dữ liệu và phân tích trong Power BI.
1. Sử dụng Shape Map trong Power BI
Trong công việc xây dựng báo cáo bằng các công cụ trình diễn dữ liệu, thì báo cáo sử dụng bản đồ đã trở thành yêu cầu thường ngày nhất là đối với việc so sánh số liệu giữa các vùng trên cùng một bản đồ. Một cách đơn giản nhất chính là sử dụng Shape Map. Không giống như biểu đồ Map thường dùng, Shape Map không thể hiển thị vị trí địa lý chính xác của các điểm dữ liệu trên một bản đồ. Thay vào đó, mục đích chính của nó là biểu thị các so sánh tương đối của các vùng trên bản đồ bằng màu sắc khác nhau.
Hình 1 – Hiện trạng sử dụng đất từng miền vùng, tỉnh Việt Nam
Hình 2 – Thống kê đất đai các quận, huyện tại Đà Nẵng
Khi di chuyển chuột, hoặc chọn 1 vùng bản đồ các thông tin mô tả cũng như các vùng hiển thị khác của báo cáo cũng thay đổi trực quan tương ứng với đối tượng được chọn.
Bài viết này sẽ chia sẻ kinh nghiệm việc sử dụng Shape Map trong Power BI, cách tìm kiếm bản đồ hành chính Việt Nam, một số kỹ năng điều chỉnh nội dung, phạm vi, chất lượng bản đồ.
2. Sử dụng Shape Map trong Power BI
Shape Map không có sẵn trong ngầm định của Power BI Desktop, cần khởi động tính năng bằng cách chọn File > Options and Settings > Options > Preview Features và đánh dấu tích vào ô chọn Shape map visual như ảnh minh họa (hình ảnh thứ tự các mục chọn có thể khác nhau tùy từng phiên bản Power BI Desktop).
Sau khi đã khởi động lại, bạn chọn vào biểu tượng của Shape Map trong ngăn Visualizations như ảnh minh họa bên dưới.
Power BI Desktop sẽ tạo ra một biểu đồ Shape Map trống.
Tất nhiên chúng ta cũng cần chuẩn bị một số bảng dữ liệu cho báo cáo của chúng ta, thông thường trong phạm vi một báo cáo chỉ nên sử dung 1 đến 2 cấp địa danh hành chính, ví du: vùng – tỉnh/thành phố (trực thuộc Trung ương) hoặc quận/huyện hoặc phường/xã… để dễ nhìn. Không ý nghĩa gì khi xem một bản đồ có quá nhiều đối tượng như hình sau:
Sau khi thêm một biểu đồ ShapeMap vào báo cáo sau đó, bổ sung dữ liệu địa danh hành chính từ bảng dữ liệu đã chuẩn bị trước vào các ô Location và Color saturation. Khi đã hoàn tất, bạn chọn tab Format for visual (biểu tượng cây lăn sơn) trong ngăn Visualizations, mở rộng phần Map settings chọn Custom map trong Map type và chọn + Add a map type.
Sau đó có thể nhấn vào View map type key để xem tên các cột dữ liệu dùng hiển thị nội dung địa danh hành chính
Nếu sử dụng bản đồ gốc download từ https://gadm.org/download_country.html quy ước NAME là tên địa danh Việt có dấu, VARNAME là tên địa danh tiếng Việt không dấu; _0 cho cấp quốc gia, _1 cho cấp tỉnh/thành phố trực thuộc TW, _2 cho cấp quận/huyện và _3 cho cấp xã. Cột địa danh hành chính trong bảng số liệu báo cáo của chúng ta nên chuẩn bị đồng bộ với dữ liệu này để đảm bảo hiển thị trên báo cáo chính xác. Số liệu trên Map keys ở trên dùng cho ví dụ tại Hình 2 ở đầu bài. Ta có thể dùng Custom map với Shape Map khi chúng ở định dạng TopoJSON. Trường hợp bản đồ của bạn ở một định dạng khác, bạn có thể dùng các công cụ trực tuyến như Map Shaper để chuyển đổi về định dạng TopoJSON.
3. Tìm kiếm bản đồ Việt Nam có sẵn
Bản đồ có thể lấy từ nguồn https://gadm.org/download_country.html
Bản đồ GADM có đủ dữ liệu shape map cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, tuy nhiên chưa bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa ở bản đồ chính Việt Nam. Hai quần đảo này không có ý nghĩa trong việc hiển thị báo cáo nhưng nếu cần cho lý do khác, ta có thể tìm kiếm và download về với từ khóa Paracel Islands (Hoàng Sa) và Spratly Islands (Trường Sa). Sau khi tải về ta sẽ có 3 tập tin:
- gadm36_VNM_shp.zip (bản đồ hành chính Việt Nam)
- gadm36_XPI_shp.zip (bản đồ Hoàng Sa)
- gadm36_XSP_shp.zip (bản đồ Trường Sa)
Ngoài ra cũng có thế lấy từ https://data.opendevelopmentmekong.net/dataset/a-phn-tnh?trk=article-ssr-frontend-pulse_little-text-block
Bản đồ trong trang này chỉ có đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng có sẵn quẩn đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đã được hiệu chỉnh để nhìn rõ hơn tuy sai với tỷ lệ thực tế)
Để phù hợp với mục đích sử dụng chúng ta có thể tùy chọn 1 trong 2 nguồn bản đồ trên hoặc tìm thêm các nguồn khác.
4. Sử dụng https://mapshaper.org/ để lọc, chọn bản đồ
Mở ứng dụng web, kéo thả bản đồ đã được tải từ bước trước vào màn hình ứng dụng:
Mapshaper có thể làm việc với các loại dữ liệu Shapefile, GeoJSON, TopoJSON, KLM, CVS. Ở đây cần dùng shapefile tải từ GADM, phiên bản 4.1 (có thể kéo các file trong thư mục đã giải nén, thậm chí kéo thả file zip vào màn hình ứng dụng Mapshaper)
Có thể sử dụng Basemap để hiển thị ảnh nền bản đồ hoặc ảnh vệ tinh, hộp thoại Layers trong hình dưới thông báo chúng ta đang hiển thị/làm việc với lớp thứ 2 (gồm 710 đa giác)
Hình trên cũng chỉ rõ lớp 0 có 1 đa giác là hình bản đồ toàn quốc Việt Nam, lớp 1 có 63 đa giác tương ứng 63 tỉnh/thành, lớp 2 có 710 đa giác tương ứng 710 quận/huyện và lớp 3 có 11.163 đa giác tương ứng số đơn vị hành chính cấp phường/xã.
Vậy nếu cần bản đồ 63 tỉnh ta chỉ cần chọn Export lớp 1 ra TopoJSON. Nhấn nút Export ở góc trên phải màn hình ứng dụng, và đặt một số lựa chọn, ta đã đạt được mục đích mong muốn.
Nếu cần chọn một phạm vi như các quận/huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, ta thực hiện như sau:
- Mở hộp thoại Layers, trên đó bằng cách nhấn chuột (click đơn để tắt bật trạng thái hiển thị, click kép để chọn lớp làm việc) vào các biểu tượng con mắt bên phải các lớp để có thể như hình dưới đây, khi đó biểu tượng mắt màu đen là lớp đang làm việc (có thể xem chi tiết, giữ, xóa các đối tượng), biểu tượng mắt mà xanh cho các lớp được hiển thị (chỉ xem), biểu tượng mắt mờ là lớp không được hiển thị. Mục đích của chúng ta trong bước này là làm việc với lớp 2.
- Kéo, phóng to bản đồ đến địa phận Đà Nẵng, nhấn biểu tượng mũi tên ở bên phải màn hình ứng dụng và chọn inspect features (có tam giác nhỏ phía trước), sau đó, khi di chuột đến đối tượng (quận/huyện) nào sẽ hiển thị thông tin chi tiết trong bảng góc trên trái màn hình
- Khi và chọn selection tool (có tam giác nhỏ phía trước), mô tả chi tiết đối tượng cũng hiển thị tương tự khi chọn inspect features
- Bấm chuột chọn từng đối tượng (quận/huyện) trong Đà Nẵng rồi nhấn nút Keep
- Các đối tượng trong lớp 2 đã bị xóa hết chỉ giữ lại các đối tượng đã chọn, lặp lại lệnh Export cho lớp 2 ta sẽ có file TopoJSON các quận/huyện của Đà Nẵng.
Lệnh Delete sẽ xóa các đối tượng đang chọn. Lệnh Duplicate sẽ sao chép các đối tượng được chọn sang một layer (lớp làm việc) mới. Lệnh Split sẽ cắt các đối tượng được chọn sang một một layer (lớp làm việc) mới. Lệnh Bounds sẽ hiển thị tọa độ phạm vi khống chế của nhóm đối tượng chọn. Lệnh Edit data cho phép chỉnh sửa thông tin chi tiết đối tượng (trong hộp thoại phía trên bên trái màn hình ứng dụng). Cuối cùng, lệnh Clear để đóng menu làm việc với các đối tượng chọn.
Sau khi đã chọn layer (lớp làm việc), bạn cũng có thể chọn Simplify để điểu chỉnh mức độ chi tiết bản đồ (bằng cách kéo 1 slider). Lệnh này sẽ loại bỏ một số điểm của đã giác, làm cho hình trơn hơn (tương tự như khi Zoom Out). Đôi khi việc sử dụng chức năng này cũng sẽ làm mất đi một số đảo nhỏ. Bạn càng đơn giản hóa bản đồ thì kích thước file TopoJSON càng gọn. Tùy từng mục đích sử dụng (và có thể thử dần) các bạn nên dùng Simplify để làm gọn bản đồ, vì thậm chí khi giảm 50% mức độ chi tiết, chúng ta cũng khó có thể nhận ra sự khác biệt.
Trên đây là những lưu ý khi sử dụng bản đồ Shape Map cho Power BI Desktop. Shape Map giúp cho các báo cáo rõ ràng, trực quan và thân thiện hơn nhiều khi so sánh số liệu phân tích thống kê giữa các miền vùng. Nếu muốn dùng các shape map không phải địa danh hành chính, các bạn có thể sử dụng các phần mềm map editor vẽ và xuất ra dạng TopoJSON.
Bài viết độc quyền của chuyên gia FPT IS
Tác giả Phạm Quang Sơn – Chuyên gia tư vấn, Khối chính phủ |