Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Tiềm năng và lộ trình khai thác
Sàn giao dịch tín chỉ carbon là nơi mua, bán tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính khác. Việc mua bán, thực hiện các giao dịch trên sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ góp phần làm giảm khí thải, giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm đối với môi trường và sự phát triển bền vững của tự nhiên. FPT IS gửi đến quý doanh nghiệp những thông tin cơ bản nhất về vấn đề trên qua bài chia sẻ sau.
Xem thêm: Xu hướng chuyển đổi kép tạo đột phá cho doanh nghiệp
1. Tổng quan về sàn giao dịch tín chỉ carbon
Tín chỉ carbon
Tín chỉ Carbon là chứng nhận để giao dịch thương mại cũng như thể hiện quyền phát thải lượng khí nhà kính (thường là khí CO2). Tín chỉ đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e) vào bầu khí quyển.
Tín chỉ Carbon là chứng chỉ hoặc giấy phép có thể sử dụng cho mục đích mua bán, cung cấp cho người giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn carbon hoặc các loại khí nhà kính khác có lượng phát thải tương đương. Tín chỉ carbon được tạo ra nhằm mục đích giảm lượng khí nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, giảm hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sàn giao dịch tín chỉ carbon
Khoản 12 Điều 3 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về sàn giao dịch tín chỉ carbon là trung tâm xử lý giao dịch mua – bán tín chỉ carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đấu giá, vay/mượn, nộp trả hoặc chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Tham khảo: Kế toán Carbon là gì? Tìm hiểu về Carbon Accounting
2. Các loại thị trường tín chỉ carbon hiện nay
2.1. Thị trường carbon bắt buộc
Thị trường carbon bắt buộc (mandatory carbon market) là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển bền vững (SDM), cơ chế phát triển sạch (CDM), hoặc đồng thực hiện (JI).
Trong thị trường carbon bắt buộc, chính phủ sẽ đặt ra giới hạn về lượng khí nhà kính mỗi tổ chức, doanh nghiệp có thể phát thải (được gọi là mức trần). Nếu tổ chức có lượng phát thải dưới mức trần, họ có thể bán trợ cấp dự phòng của mình cho các tổ chức, doanh nghiệp khác có mức phát thải lớn hơn mức trần. Mức trần có thể được hạ xuống mỗi năm nhằm khuyến khích các tổ chức giảm lượng khí thải.
2.1. Thị trường carbon tự nguyện
Thị trường carbon tự nguyện không chịu sự quản lý của chính phủ. Các tổ chức, công ty, quốc gia sẽ xác định các tiêu chuẩn để đảm bảo tính toàn vẹn của tín chỉ carbon đang được giao dịch cũng như xác minh các dự án và cung cấp chứng nhận. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch với cơ sở tự nguyện nhằm đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.
Những dự án tín chỉ carbon nổi bật được phát triển và đăng ký theo tiêu chuẩn carbon tự nguyện:
- Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard)
- Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard)
4 đối tượng tham gia chủ yếu của các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện:
- Các nhà phát triển dự án: Có trách nhiệm điều phối, điều hành các dự án tín chỉ carbon.Trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà phát triển dự án có thể là một hoặc nhiều trang trại gộp lại.
- Các cơ quan tiêu chuẩn: Đặt ra các tiêu chuẩn cho các dự án, cung cấp chứng nhận tín chỉ carbon, nắm giữ cơ quan đăng ký của các dự án.
- Người môi giới: Bên trung gian, chịu trách nhiệm mua tín dụng carbon và bán tín chỉ cho người mua cuối cùng.
- Người mua cuối cùng: Mua tín chỉ carbon để bù đắp lượng khí thải đã phát thải ra môi trường.
Tham khảo: Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (cơ chế CBAM) và cách báo cáo
3. Doanh nghiệp được hưởng lợi như thế nào từ Sàn giao dịch tín chỉ carbon
Việc giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp về các mặt:
Tăng sự kết nối
Các sàn giao dịch đem đến sự kết nối giữa người mua và người bán trên thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể dễ dàng tìm kiếm đối tác để tối đa hoá các giao dịch trên thị trường.
Phân tích nhu cầu thị trường, tăng tính minh bạch giao dịch
Sàn giao dịch sẽ đem đến sự minh bạch trong việc định giá carbon trên thị trường. Người mua và người bán tiến hành giao dịch trên thị trường tập trung, mức giá của một tín chỉ sẽ phản ánh chính xác khả năng cung – cầu của thị trường qua đó đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong mỗi giao dịch.
Kiểm soát giao dịch dễ dàng
Sàn giao dịch tín chỉ carbon hỗ trợ các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý các giao dịch mua, bán tín chỉ từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, quản lý cũng như đề ra mục tiêu, kế hoạch triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.
Khuyến khích hướng tới kinh tế xanh bền vững
Giao dịch mua bán tín chỉ carbon tại sàn giúp các doanh nghiệp có thêm một phần lợi nhuận, khuyến khích doanh nghiệp giảm lượng phát thải và không ngừng đổi mới công nghệ. Qua đó, hướng đến nền kinh tế xanh bền vững, từng bước đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero.
Nâng cao vị thế và tính cạnh tranh
Khi tham gia sàn giao dịch tín chỉ carbon, doanh nghiệp có thể gián tiếp nâng cao vị thế và tính cạnh tranh bởi: Doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lợi nhuận, tích cực thúc đẩy phát triển các công nghệ hạn chế phát thải carbon ra môi trường, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với lợi ích xã hội.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064-1
4. Tiềm năng thị trường chứng chỉ carbon tại Việt Nam
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon bởi chỉ tính riêng ngành Nông nghiệp, số lượng tín chỉ có thể đạt 57 triệu/tín chỉ/năm (tương đương 57 triệu tấn CO2 được hấp thụ)
Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện thành công những thương vụ bán tín chỉ carbon với tổng giá trị giao dịch đạt gần 60 triệu USD. Chương trình Khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam đã triển khai ở 53 tỉnh với hơn 181 nghìn công trình khí sinh học được xây dựng, đem lại lợi ích cho 1 triệu người dân ở các khu vực nông thôn.
Thông qua Chương trình trên, Việt Nam đã bán được hơn 3 triệu đơn vị tín chỉ carbon, thu về 8,1 triệu USD. Chỉ riêng trong năm 2023, ngành lâm nghiệp Việt Nam đã thành công bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương 10,3 triệu tấn CO2) thông qua WB, đạt tổng thu 51,5 triệu USD.
Nhằm chuẩn bị cho Đề án Thành lập thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang từng bước trường nâng cao năng lực xác định, phân bổ hạn ngạch phát thải cho các ngành, lĩnh vực theo các kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Thực thi những quy định, tiêu chuẩn về cơ chế thống kê, đo lượng, chứng nhận hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon theo chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực vận tải, điện tử, nông nghiệp,…
Xem thêm: Tìm hiểu quy định kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam
5. Lộ trình khai thác và phát triển sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam
Điều 17 Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về thời điểm triển khai và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam như sau:
Giai đoạn đến hết năm 2027
- Xây dựng quy định liên quan đến quản lý tín chỉ carbon và hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.
- Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
- Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong những lĩnh vực tiềm năng.
- Hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong nước và quốc tế phù hợp với quy định pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.
- Thành lập, tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ từ năm 2025.
- Triển khai nhiều hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028:
- Năm 2028 chính thức tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.
- Quy định về các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và trên thế giới.
Xem thêm: ESG là gì? Tiêu chuẩn, chiến lược và 7 bước lập báo cáo ESG
6. Thủ tục xác nhận tín chỉ carbon tại Việt Nam
6.1. Các quy định chung
Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn:
- Lượng tín chỉ carbon thu được từ chương trình hoặc dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước tham gia với tư cách là thành viên.
- Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
Giấy xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính:
Sử dụng mẫu số 02 phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP.
6.2 Thủ tục xác nhận
Bước 1: Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu xác nhận tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn tiến hành nộp đơn về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Bước 2: Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh, cấp giấy xác nhận, gửi thông báo cho đơn vị/cá nhân nộp giấy trong thời hạn 15 ngày làm việc
Lưu ý: Trường hợp không cấp giấy xác nhận cần phải nêu rõ lý do.
7. Các sàn giao dịch tín chỉ carbon trên thế giới
Các sàn giao dịch về tín chỉ trên thế giới gồm:
Sàn giao dịch carbon EU Emissions Trading System (EU ETS)
Sàn EU ETS được lập ra với mục đích giúp các nước thành viên EU hạn chế hoặc giảm thiểu lượng khí thải nhà kính thông qua việc cho phép người tham gia mua, bán hạn ngạch khí thải. Hạn ngạch khí thải được coi là một dạng tiền tệ, một hạn ngạch được cấp cho cho người có quyền thải ra một tấn CO2 hoặc các loại khí thải nhà kính khác.
Sàn giao dịch California Cap-and-Trade Program
Sàn giao dịch được đặt tại tại tiểu bang California, Mỹ, và là một phần của Western Climate Initiative, bao gồm cả các tỉnh của Canada.
Sàn giao dịch J-Credits (Japan Carbon Credit Trading Scheme)
Sàn giao dịch tín chỉ carbon này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 11-10-2023 tại sàn chứng khoán Tokyo. Ban đầu gồm 188 công ty và tổ chức Nhật Bản tham gia mua, bán tín chỉ carbon được chính phủ xác thực thông qua việc quản lý rừng và sử dụng năng lượng tái tạo.
Sàn giao dịch RGGI ( Regional Greenhouse Gas Initiative)
Sàn được thành lập bởi một số tiểu bang phía Đông của Mỹ nhằm mục đích giảm khí thải từ các ngành sản xuất điện.
Sàn China National Emissions Trading Scheme
Là sàn giao dịch các tín chỉ carbon của Trung Quốc, được thành lập vào năm 2021, có kế hoạch mở rộng quy mô trong tương lai.
Sàn giao dịch carbon Kazakhstan Emissions Trading Scheme
Sàn được thành lập vào năm 2013, là hệ thống giao dịch khí thải quốc gia.
Sàn New Zealand Emissions Trading Scheme
New Zealand Emissions Trading Scheme bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008, là hệ thống giao dịch tín chỉ Carbon thuộc quản lý của New Zealand.
Xem thêm: Tín chỉ carbon là gì? Mua bán chứng chỉ carbon ở Việt Nam
8. Sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam
ASEAN (CCTPA) được đầu tư bởi tập đoàn CT Group, là sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên tại Việt Nam. Sàn ASEAN sẽ hỗ trợ các đơn vị cách xây dựng dự án tín chỉ carbon, đăng ký, kiểm định, xác nhận và các cơ chế trao đổi, đền bù, vay tín dụng đối với các khoản tín dụng carbon cũng như áp dụng thuế carbon trong khu vực và trên toàn cầu.
CCTPA đã nghiên cứu và đưa ra các giải pháp ứng dụng Blockchain, Crypto cho thị trường carbon. Qua đó, các giao dịch được xác thực, bảo mật và tăng tính minh bạch và sự tin tưởng giữa các bên tham gia, là giải pháp tối ưu và là hướng đi khác biệt.
Tập đoàn CT Group đã và đang triển khai “12 Chương trình ủng hộ Việt Nam trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu”. Trong đó, các nghiên cứu khoa học đã giúp Việt Nam tiết kiệm hàng triệu tấn CO2. Sàn giao dịch carbon ASEAN (CCTPA) sẽ góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, nâng cao giá trị kinh doanh cho các doanh nghiệp tham gia, hướng đến nền kinh tế xanh, phát triển bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero.
Việc trao đổi, mua bán tín chỉ carbon trên các sàn giao dịch tín chỉ carbon là phương pháp hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức giảm thiểu phát thải, cũng như thúc đẩy các dự án xanh như trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo.
9. Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon
Tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là quá trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và cam kết cao độ của doanh nghiệp. Dưới đây là một vài công việc quan trọng cần chuẩn bị trước khi tham gia thị trường.
9.1. Nắm vững kiến thức cơ bản
- Hiểu rõ sự khác biệt của tín chỉ carbon (carbon credit) và tín chỉ bù đắp carbon (carbon offset credits).
- Hiểu rõ thị trường tín chỉ carbon mình dự định tham gia, thị trường bắt buộc hay thị trường tự nguyện và thị trường nội địa hay nước ngoài.
- Hiểu rõ đặc thù các loại dự án cấu thành nên tín chỉ carbon và giá thành. Ví dụ tín chỉ carbon từ năng lượng tái tạo (mặt trời, thủy điện, sinh khối), hiệu quả năng lượng, thu giữ & lưu trữ carbon, lâm nghiệp & sử dụng đất (trồng rừng, tái trồng rừng, bảo quản rừng). Lưu ý, tại Việt Nam, doanh nghiệp cần theo dõi sát quy định của Chính phủ về tín chỉ carbon liên quan đến đất lâm nghiệp.
9.2. Xác định vai trò và mục đích tham gia
Doanh nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ với vai trò và mục đích khác nhau:
- Nhà phát triển dự án (người bán): Tham gia phát triển các dự án tạo ra tín chỉ carbon. Điều này đòi hỏi đầu tư đáng kể, chuyên môn và thời gian. Điểm đáng chú ý đối với vai trò của nhà phát triển là công nghệ, tiêu chuẩn tín chỉ, giá thành đầu ra dự kiến sau khi hoàn tất giai đoạn hồ sơ và đánh giá. Bằng việc đánh giá được hiệu quả và lợi nhuận đầu ra, doanh nghiệp có thể lên kế hoạch triển khai, thuê chuyên gia và quản trị rủi ro hiệu quả, đảm bảo tính thành công của dự án. Ngoài ra, tín chỉ carbon sau khi được tạo ra, doanh nghiệp cần cân nhắc tỷ trọng giữa việc bán ra tín chỉ hoặc dùng chính tín chỉ đó để giảm thải cho doanh nghiệp của mình (carbon insetting).
- Người mua tín dụng: Bạn sẽ mua tín chỉ để bù đắp lượng khí thải của chính mình hoặc cho các mục đích khác (ví dụ: đầu tư, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp)?
- Nhà giao dịch/Môi giới: Bạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa người mua và người bán?
9.3. Phát triển dự án (đối với người bán)
- Ý tưởng dự án: Xác định một dự án khả thi, đáp ứng nhu cầu thị trường và có tiềm năng giảm phát thải cao.
- Nghiên cứu khả thi: Tiến hành đánh giá kỹ lưỡng về khả năng kỹ thuật, tài chính và môi trường của dự án.
- Lựa chọn phương pháp luận: Chọn một phương pháp luận phù hợp được phê duyệt bởi một tiêu chuẩn được công nhận (Ví dụ Verra, The Gold Standards) để định lượng mức giảm phát thải.
- Xác nhận & Xác minh: Thuê các bên thứ ba độc lập để xác nhận thiết kế dự án của bạn và xác minh mức giảm phát thải thực tế.
- Phát hành tín dụng: Sau khi được xác minh, tín chỉ carbon sẽ được cấp bởi tiêu chuẩn hoặc cơ quan đăng ký có liên quan.
Trường hợp doanh nghiệp thuê đơn vị tư vấn tín chỉ carbon khoán theo % giá trị đầu ra, việc lựa chọn đơn vị có uy tín nước ngoài thường có chi phí cao và khả năng hỗ trợ trực tiếp sẽ gặp nhiều khó khăn. Trái lại, đơn vị tư vấn ít có kinh nghiệm sẽ có rủi ro cao cho dự án vì tính chất phức tạp và kéo dài (trung bình 2-3 năm).
Trong lúc phát triển dự án và lựa chọn các tiêu chuẩn tín chỉ carbon phù hợp, doanh nghiệp có thể cân nhắc các yếu tố sau:
- Giá thị trường: Theo dõi giá tín chỉ carbon hiện tại cho các loại dự án và tiêu chuẩn khác nhau.
- Người mua & Người bán: Xác định cung cầu cái người mua hoặc người bán tiềm năng trên thị trường.
- Tiêu chuẩn & Chứng nhận: Hiểu các tiêu chuẩn tín chỉ carbon khác nhau và yêu cầu của các bên liên quan. Nếu doanh nghiệp có xuất khẩu sang EU, người mua có thể sẽ yêu cầu một số tiêu chuẩn tín chỉ carbon cụ thể. Doanh nghiệp có thể liên hệ với các bên liên quan để lựa chọn tiêu chuẩn phù hợp cho mục tiêu dài hạn.
- Đánh giá rủi ro: Đánh giá các rủi ro liên quan đến thị trường carbon, chẳng hạn như biến động giá, thay đổi quy định và hiệu suất dự án.
9.4. Cân nhắc pháp lý & Tài chính
- Khuôn khổ pháp lý: Tìm hiểu rõ khung pháp lý và quy định đối với thị trường carbon trong khu vực mà doanh nghiệp dự định tham gia.
- Hợp đồng: Đảm bảo doanh nghiệp có hợp đồng rõ ràng và hợp pháp để mua hoặc bán tín chỉ. Ví dụ doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có thuê đất của người dân để canh tác và doanh nghiệp muốn tạo tín chỉ carbon trên diện tích đất nông nghiệp đó, doanh nghiệp cần có hợp đồng ủy quyền từ người dân để có thể kinh doanh tín chỉ sau đó.
- Cơ chế tài chính: Khám phá các lựa chọn tài chính cho phát triển dự án hoặc mua tín dụng.
9.5. Luôn cập nhật thông tin
- Xu hướng thị trường: Liên tục theo dõi động lực thị trường, biến động giá và các công nghệ mới nổi.
- Cập nhật chính sách: Theo dõi sát sao những thay đổi trong chính sách và quy định về carbon.
- Sự kiện ngành: Tham dự các hội nghị và hội thảo trên web để kết nối và thu thập thông tin chi tiết từ các chuyên gia.
9.6. Bắt đầu kiểm kê khí nhà kính và lấy ISO14064-1
Kiểm kê khí nhà kính liên quan mật thiết tới quá trình tham gia thị trường tín chỉ carbon. Vì sự phức tạp trong phát thải của chuỗi cung ứng (Phạm vi 3 – Scope 3) mà doanh nghiệp nên bắt đầu sớm, và song song với lên kế hoạch tham gia thị trường tín chỉ carbon.
Trường hợp doanh nghiệp cần đơn vị tư vấn toàn trình, từ khâu kiểm kê khí nhà kính tới việc lập hồ sơ dự án tín chỉ carbon, đội ngũ VertZéro, đơn vị tiên phong trong chuyển đổi xanh tại tập đoàn FPT sẽ là đối tác đáng tin cậy và cùng đồng hành cùng doanh nghiệp tiến đến một tương lai bền vững, NetZero 2050.
Các bài viết liên quan:
Quý doanh nghiệp đang tìm kiếm một giải pháp kiểm kê khí nhà kính, hay cần được tư vấn để triển khai chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp, vui lòng để lại thông tin liên hệ TẠI ĐÂY để được đội ngũ chuyên gia FPT IS tư vấn.