Trái phiếu xanh là gì? Tầm quan trọng và giải pháp hiệu quả
Trái phiếu xanh là kênh huy động vốn quan trọng cho các hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững. Thuật ngữ này đang dần trở nên phổ biến trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Những trái phiếu này mang lại lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư và đóng góp tích cực vào việc tài trợ các dự án xanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Xem thêm: Xu hướng chuyển đổi kép tạo đột phá cho doanh nghiệp
1. Trái phiếu xanh là gì?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 95/2018/NĐ-CP có quy định về trái phiếu xanh như sau:
“Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.”
Trái phiếu xanh là trái phiếu được Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành bởi với hai đặc điểm nổi bật: 1. Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được phân bổ riêng cho các dự án có lợi ích về môi trường (được hiểu về bản chất là gắn liền với đồng lợi ích xã hội) và 2. Cung cấp sự minh bạch và công khai rõ ràng về việc quản lý nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Nói cách khác, về mặt cấu trúc, trái phiếu xanh giống như trái phiếu thông thường, có đặc điểm rủi ro/lợi ích tương đương và tuân theo các thủ tục phát hành giống nhau, nhưng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng cho nhiều loại dự án khí hậu và môi trường khác.
Trái phiếu được dán nhãn ‘xanh’ hoặc ‘môi trường’ khi nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu được chuyển đến các dự án hoặc tài sản có lợi ích về môi trường.
Tham khảo nội dung: ESG là gì? Tiêu chuẩn, chiến lược và 7 bước lập báo cáo ESG
2. Cơ chế hoạt động của trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh cung cấp nguồn vốn cho các dự án bền vững, thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm trong việc sử dụng vốn, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
2.1. Các cấu phần chính
Về cơ bản, cơ chế hoạt động của trái phiếu xanh tương tự như các loại trái phiếu truyền thống, nhưng với sự tập trung đặc biệt vào các mục tiêu bền vững. Những thành phần chính bao gồm:
Quá trình phát hành
Trái phiếu xanh được phát hành bởi những chủ thể công như chính quyền địa phương, chính phủ hay các khu vực tư nhân như ngân hàng, doanh nghiệp để huy động vốn cho dự án và hoạt động thân thiện với môi trường.
Quản lý và sử dụng vốn
Số tiền huy động được từ việc phát hành trái phiếu xanh phải được tách biệt và quản lý minh bạch để đảm bảo được sử dụng đúng mục đích. Vốn huy động phải được sử dụng cho những dự án hay hoạt động mang lại lợi ích về môi trường.
Lợi tức
Nhà đầu tư về trái phiếu xanh có thể nhận được lợi tức cố định hay lợi tức biến đổi. Mức lợi tức của trái phiếu này có thể cao hoặc thấp hơn so với những loại trái phiếu khác, tuỳ vào mức độ rủi ro của dự án cũng như nhu cầu của thị trường.
2.2. Các bộ nguyên tắc của trái phiếu xanh
Nguyên tắc của trái phiếu xanh nhằm đảm bảo rằng các khoản tiền huy động được sử dụng một cách minh bạch và hiệu quả cho các dự án có lợi ích môi trường. Các nguyên tắc này giúp tăng cường sự tin tưởng của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường trái phiếu này phát triển. Cụ thể như:
Nguyên tắc trái phiếu xanh (Green Bond Principles – GBP)
Đây là một bộ hướng dẫn quốc tế được thiết lập bởi Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) cung cấp hướng dẫn về sự minh bạch trong vấn đề sử dụng nguồn vốn, quy trình lựa chọn dự án thích hợp, cách thức quản lý huy động nguồn vốn và những yêu cầu báo cáo.
Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu Quốc tế (CBS)
Tiêu chuẩn Trái phiếu Khí hậu Quốc tế được quản lý bởi Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI). CBS được xây dựng bởi các bên liên quan trong ngành, nhà đầu tư và mạng lưới chuyên gia.
Bên cạnh đó, CBS bổ sung thêm những tiêu chí khoa học nhằm xác định tài sản, dự án đóng góp vào mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở dưới 2 độ C, phù hợp với cam kết có trong thỏa thuận khí hậu Paris.
Xem thêm: Sàn giao dịch tín chỉ carbon: Tiềm năng và lộ trình khai thác
3. Vai trò của trái phiếu xanh
Trái phiếu xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đối với môi trường
Loại trái phiếu này có vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ môi trường. Trái phiếu cung cấp nguồn vốn cho những dự án xanh như xử lý nước thải, năng lượng tái tạo hay giao thông xanh,… giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Việc huy động nguồn vốn qua đầu tư trái phiếu xanh thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế xanh, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng vào mô hình kinh doanh.
Đối với các nhà đầu tư
Thông qua trái phiếu xanh, nhà đầu tư có thể đầu tư có trách nhiệm nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ngày nay, thị trường về trái phiếu xanh đang dần phổ biến nhanh chóng và mang lại tiềm năng lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư.
So với những loại trái phiếu thông thường khác, trái phiếu xanh được đánh giá cao về mức độ an toàn cùng khả năng sinh lời ổn định và giảm thiểu các rủi ro không đáng có.
Đối với nền kinh tế
Các dự án xanh thường tạo ra nhiều việc hơn so với những dự án truyền thống, nhờ đó giải quyết được việc làm và phát triển nền kinh tế địa phương. Việc phát triển thị trường trái phiếu xanh giúp nâng cao vị thế và cam kết của quốc gia trên trường quốc tế về bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển bền vững hơn.
Xem thêm: Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (cơ chế CBAM) và cách báo cáo
4. Thực trạng trái phiếu xanh trên thế giới
Trong đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh. Việc nhận thức những tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng nhanh, điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết về mô hình phát triển bền vững hơn.
Xu hướng tăng trưởng xanh thể hiện rõ qua việc cơ cấu năng lượng tái tạo dần thay thế nguồn năng lượng truyền thống. Các quốc gia đã cam kết thực hiện thỏa thuận với mục tiêu phát triển bền vững. Nhờ đó, chính phủ cũng đang tích cực triển khai hệ thống chính sách và đưa ra chiến lược phù hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Khu vực liên minh châu Âu (EU)
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu xanh ở EU đã chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2023, giá trị trái phiếu xanh phát hành trong khu vực này chiếm một phần đáng kể trong tổng giá trị trái phiếu xanh toàn cầu. EU đã trở thành thị trường lớn nhất cho trái phiếu xanh, với các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu như Thụy Điển và Đan Mạch đóng vai trò chủ chốt.
Bên cạnh đó, các khu vực như Na Uy, Nga, Thuỵ Sĩ, Iceland và Anh cũng đang nghiên cứu và triển khai kế hoạch phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ các quốc gia thành việc thực hiện những mục tiêu thân thiện với môi trường.
Trong những năm từ 2014 đến năm 2021, thị trường trái phiếu xanh ở châu Âu đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ban đầu, trái phiếu xanh chủ yếu sử dụng ở các dự án năng lượng, giao thông và xây dựng. Đến năm 2021, phạm vi ứng dụng được mở rộng với các lĩnh vực khác nhau cùng giá trị đầu tư cao hơn.
Trung Quốc
Dù vẫn còn tương đối mới so với thị trường EU, thị trường trái phiếu xanh của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Năm 2014, Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia phát hành trái phiếu xanh hàng đầu thế giới với tổng giá trị đạt 37 tỷ USD, chiếm 40% thị trường toàn cầu. Đến năm 2021, giá trị này đã tăng lên 109,5 tỷ USD, đưa Trung Quốc lên vị trí thị trường lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, khẳng định vai trò quan trọng của nước này trong lĩnh vực trái phiếu xanh.
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu xanh đã thúc đẩy Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, giao thông và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và ít carbon. Nhận thấy tầm quan trọng của thị trường này, các nhà phát hành trái phiếu đã liên tục mở rộng quy mô và tăng lượng trái phiếu xanh phát hành.
Năm 2021, trái phiếu xanh từ các công ty tài chính đã tăng 237% so với năm trước, đạt 24 tỷ USD, chiếm 35% tổng lượng phát hành. Đồng thời, các doanh nghiệp phi tài chính cũng tham gia mạnh mẽ với mức tăng trưởng 482% so với năm 2020, đạt 31,2 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng khối lượng trái phiếu xanh của Trung Quốc.
Tham khảo: Tín dụng carbon là gì? Mua bán tín chỉ carbon ở Việt Nam
5. Cơ hội và thách thức của trái phiếu xanh ở Việt Nam
5.1. Cơ hội
Tiếp cận thị trường vốn xanh
Theo ước tính của IFC, Việt Nam cần khoảng 753 tỷ USD để giảm tác động biến đổi khí hậu đến năm 2030, bao gồm 571 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, 59 tỷ USD cho năng lượng tái tạo và 80 tỷ USD cho các công trình xanh. Trái phiếu xanh là công cụ tài chính quan trọng giúp huy động vốn từ khu vực tư nhân, tiếp cận thị trường vốn xanh trong và ngoài nước.
Tiềm năng phát triển bền vững
Theo CBI, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh toàn cầu đã vượt 1.500 tỷ USD vào cuối năm 2021. Khu vực ASEAN phát hành nợ xanh, xã hội và bền vững đạt 24 tỷ USD và sản phẩm liên kết bền vững đạt 27,5 tỷ USD. Tại Việt Nam, giá trị phát hành xanh, xã hội và bền vững đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gấp năm lần so với năm 2020, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Tăng trưởng và thúc đẩy tài chính xanh bền vững
Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các chính sách, định hướng phát triển thị trường trái phiếu xanh, ban hành nhiều văn bản pháp quy để tạo điều kiện cho các chủ thể huy động vốn thực hiện các dự án xanh, thúc đẩy tài chính xanh và tăng trưởng bền vững.
5.2. Thách thức
Số lượng phát hành còn hạn chế
Mặc dù nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu xanh cho các dự án bảo vệ môi trường rất lớn, số lượng phát hành tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, với chỉ 19 trái phiếu xanh phát hành từ năm 2018 đến 2023, cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường còn rất lớn.
Khái niệm xanh còn mới mẻ
Các khái niệm về tăng trưởng xanh và thị trường vốn xanh còn mới mẻ tại Việt Nam, dẫn đến sự nhận thức và sẵn sàng của các định chế tài chính và doanh nghiệp còn thấp. Việc chuẩn hóa các khái niệm về xanh và dự án xanh, cùng với khung pháp lý rõ ràng về phát hành trái phiếu xanh và vai trò của các tổ chức đánh giá độc lập, là những yếu tố cần thiết để thúc đẩy phát hành và đầu tư vào trái phiếu xanh.
Việt Nam hiện chưa có danh mục phân loại xanh đầy đủ để xác định tiêu chí môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã được ban hành để hướng dẫn, và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, giúp các nhà đầu tư nhận diện và phân loại dự án xanh.
Doanh nghiệp chưa nhận thức rõ về dự án xanh
Nhiều doanh nghiệp nhận thức rõ lợi ích của dự án xanh nhưng thiếu vốn, công nghệ và nguồn lực. Các công cụ tài chính xanh hiện tại còn chưa đa dạng, chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.
Xem thêm: Quỹ đầu tư xanh là gì? Phát triển bền vững để thu hút đầu tư xanh
6. Giải pháp phát triển trái phiếu xanh
Các giải pháp giúp phát triển trái phiếu xanh hiệu quả:
Hoàn thiện hệ thống pháp lý
Nền tảng quan trọng để có thể phát triển thị trường trái phiếu xanh hiệu quả là việc hoàn thiện khung pháp lý. Theo đó, Chính phủ nên ban hành các quy định cụ thể, tiêu chuẩn về loại hình trái phiếu này.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật liên quan đến lệ phí, thuế cũng cần được cải hiện nhằm khuyến khích phát hành và đầu tư. Điều này sẽ đảm bảo tính an toàn và minh bạch cho thị trường cũng như thu hút được nhiều bên liên quan tham gia.
Nâng cao khả năng nhận thức
Việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và các nhà đầu tư về lợi ích của trái phiếu xanh giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Bằng cách tuyên truyền, giáo dục về tài chính xanh thông qua các kênh truyền thông, hội thảo.
Đồng thời, phát triển nguồn lực có chuyên môn sâu về trái phiếu xanh để đáp ứng nhu cầu trên thị trường. Việc nâng cao khả năng nhận thức giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để đánh giá các rủi ro, tiềm năng lợi nhuận và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.
Phát triển các cơ sở hạ tầng thị trường
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát hành và giao dịch trái phiếu xanh, doanh nghiệp cần phát triển cơ sở hạ tầng thị trường một cách minh bạch. Phát triển các chỉ số, sản phẩm phái sinh liên quan đến loại trái phiếu này giúp doanh nghiệp đa dạng hoá các danh mục đầu tư và quản lý các rủi ro tốt hơn.
Hỗ trợ từ Chính phủ
Chính phủ có thể hỗ trợ các chính sách ưu đãi về lãi suất, thuế, phí cho doanh nghiệp phát hành và đầu tư trái phiếu xanh. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cung cấp tài chính cho những hoạt động phát triển thị trường của loại trái phiếu này. Việc nhận hỗ trợ từ Chính phủ sẽ giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và khuyến khích họ tham gia thị trường trái phiếu tích cực hơn.
Phát triển các sản phẩm đa dạng
Phát triển các sản phẩm trái phiếu xanh với lãi suất, kỳ hạn và mức độ rủi ro khác nhau đảm bảo đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn cũng như thu hút thêm các nhà đầu tư khác tham gia thị trường.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới
Các nhà đầu tư có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi các thông lệ tốt nhất trong phát triển thị trường trái phiếu xanh khi hợp tác với nhiều quốc gia. Việc hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam rút ngắn thời gian phát triển thị trường trái phiếu cũng như xây dựng môi trường bền vững hơn.
7. FPT IS – Song hành cùng doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi xanh
Trước bối cảnh nhu cầu đầu tư vào các dự án bền vững đang ngày càng tăng cao trên thị trường vốn toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng định hình, chuẩn bị để tiếp cận xu hướng huy động vốn qua trái phiếu xanh, phản ánh sự cam kết mạnh mẽ với một tương lai xanh và bền vững.
Chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là một yêu cầu thiết yếu để tồn tại và phát triển bền vững. Việc áp dụng các giải pháp bền vững giúp doanh nghiệp tăng cường uy tín thương hiệu, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn và tuân thủ các quy định pháp lý ngày càng nghiêm ngặt về môi trường.
Hướng tới mục tiêu net zero, doanh nghiệp cần phải giảm lượng khí thải Carbon từ những hoạt động hay quản lý việc cắt giảm trong nội bộ, chuỗi cung ứng. Đồng thời triển khai các dự án đền bù carbon.
Để làm được điều này, việc đầu tiên cần làm chính là phải hiểu chúng, dữ liệu thông tin phải chính xác. Ngoài ra, các công ty có trách nhiệm cần đảm bảo cung cấp báo cáo dữ liệu chuẩn chỉnh, kỹ lưỡng và khách quan để xác nhận một cách minh bạch những thông số đó.
Giải pháp kiểm kê khí thải nhà kính và báo cáo phát thải khí nhà kính VertZéro – Sản phẩm thuộc hệ sinh thái công nghệ Made by FPT hướng tới số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường. Bên cạnh đó, FPT IS còn có tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, giúp doanh nghiệp theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, đảm bảo các quy chuẩn quốc tế.
Các bài viết liên quan:
- Đền bù carbon: Chi phí và cách mua tín chỉ bù đắp carbon
- ĐTM là gì? Quy trình báo cáo đánh giá tác động môi trường
Nhìn chung, trái phiếu xanh không chỉ là một phương tiện đầu tư mà còn là một cam kết mạnh mẽ hướng tới một thế giới xanh và bền vững hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quá trình phát hành và triển khai trái phiếu xanh thực tế còn nhiều điểm hạn chế. Do đó, việc tiếp tục nâng cao kiến thức, nhận thức của doanh nghiệp, nhà đầu tư về vai trò của trái phiếu xanh, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển để hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc cho những quy định về trái phiếu xanh là điều vô cùng quan trọng và cấp thiết.