Tiêu dùng xanh là gì? Tác động của xu hướng này đến doanh nghiệp

Tiêu dùng xanh là gì? Tác động của xu hướng này đến doanh nghiệp

Tiêu dùng xanh là xu hướng mà người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, bền vững và có trách nhiệm xã hội. Xu hướng này không chỉ thể hiện sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng mà còn tác động lớn đến các doanh nghiệp. Việc bắt kịp với xu hướng tiêu dùng xanh giúp doanh nghiệp cải thiện hình ảnh thương hiệu, tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng tiềm năng.

1. Khái niệm tiêu dùng xanh 

Tiêu dùng xanh đề cập đến việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không làm tổn hại đến sự cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, còn gọi là sản phẩm xanh, là những sản phẩm gây hại tối thiểu đến môi trường trong suốt vòng đời của chúng: bao gồm vật liệu sử dụng trong sản xuất, quy trình sản xuất, bao bì, sử dụng và xử lý thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, “sản xuất xanh” là một thuật ngữ khác cũng khá phổ biến, chỉ các hoạt động sản xuất thân thiện với môi trường. Trong đó công nhân sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, giảm thiểu ô nhiễm và chất thải, tái chế và tái sử dụng vật liệu, đồng thời hạn chế khí thải trong các quy trình.

Lựa chọn mua sắm thông minh
Tiêu dùng xanh bắt đầu trở nên phổ biến khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng

2. Lợi ích mà xu hướng tiêu dùng xanh mang đến

Việc áp dụng lối sống tiêu dùng xanh giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hành tinh, mang lại nhiều lợi ích thiết thực:  

Thân thiện với môi trường 

Những người tiêu dùng xanh ưu tiên mua các sản phẩm bảo vệ môi trường và thân thiện với thiên nhiên. Họ cũng hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều bao bì hoặc những sản phẩm mà quy trình sản xuất gây hại cho môi trường. 

An toàn, tiết kiệm 

Sản phẩm làm từ các nguyên liệu tự nhiên và thân thiện với môi trường thường an toàn cho người sử dụng. Việc sử dụng túi giấy, tre, hoặc nứa thay thế cho các sản phẩm dùng một lần, cũng như tái chế và tái sử dụng giúp tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, việc hạn chế mua các sản phẩm không cần thiết hoặc không thân thiện với môi trường sẽ giúp giảm chi tiêu trong gia đình.

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên 

Sử dụng các sản phẩm tái chế là phương thức tối ưu để tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững trong hiện tại mà không gây tổn hại đến tương lai.

Khuyến khích sản xuất 

Việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm hữu cơ và tự nhiên giúp doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ chính sách của Nhà nước, đồng thời dễ dàng thâm nhập vào các thị trường quốc tế khắt khe, từ đó thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển.

Ưu tiên sử dụng các sản phẩm organic
Ưu tiên sản phẩm hữu cơ giúp doanh nghiệp được ưu đãi và mở rộng thị trường 

Xem thêm: Kiểm kê khí nhà kính là gì? Hướng dẫn và quy định ở Việt Nam

3. Xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay tại Việt Nam 

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trung bình 15% mỗi năm từ 2021 đến 2023. 72% người tiêu dùng tại Việt Nam cho biết sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này phản ánh nhận thức ngày càng cao về bảo vệ môi trường của người dân. 

Thị trường thực phẩm hữu cơ và sản phẩm tẩy rửa sinh học cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Euromonitor, thị trường thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam đạt giá trị 100 triệu USD vào năm 2023, tăng trưởng 20% so với năm 2020. Doanh số bán sản phẩm tẩy rửa sinh học tăng 15% trong năm 2022 so với năm 2021.

Ngành thời trang bền vững thu hút hơn 1 triệu người tiêu dùng vào năm 2023, với 60% người tiêu dùng được khảo sát tin tưởng vào sản phẩm có nhãn “xanh” và 55% sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng giúp bảo vệ môi trường. 

Trước xu hướng tiêu dùng xanh, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang chuyển đổi theo xu hướng xanh hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Họ đầu tư vào quy trình sản xuất bền vững, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm thiểu việc sử dụng bao bì nhựa. Điều này không chỉ giúp họ đáp ứng thị hiếu khách hàng mà còn tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Việc tiêu dùng xanh còn được thúc đẩy bởi các chính sách hỗ trợ từ chính phủ và sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ trong việc tuyên truyền và khuyến khích sử dụng sản phẩm xanh. Điều này góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cocoon tiên phong trong xu hướng tiêu dùng xanh
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào sản xuất bền vững để đáp ứng xu hướng tiêu dùng  xanh 

Tham khảo: Chứng chỉ carbon là gì? Mua bán chứng chỉ carbon ở Việt Nam

4. Tác động của xu hướng tiêu dùng xanh đến doanh nghiệp 

Thách thức từ biến đổi khí hậu và xu hướng tiêu dùng xanh đã thúc đẩy các ngành sản xuất thay đổi để thu hút người tiêu dùng. Trong ngành thời trang, các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas, Zara, H&M, và Levi’s đều thực hiện các biện pháp để sản xuất bền vững hơn, góp phần làm giảm tác động tiêu cực đến môi trường và khí hậu. 

Ví dụ, Nike đã cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo tại các nhà máy vào năm 2025, trong khi Zara đặt mục tiêu sử dụng hoàn toàn bông, vải lanh và polyester tái chế vào cùng năm. Tương tự, BMW đã giới thiệu mẫu xe điện BMW i3 được sản xuất theo quy trình tiết kiệm đến 50% năng lượng và 70% nước. Công ty nội thất IKEA đã loại bỏ nhựa dùng một lần trong chuỗi cửa hàng của họ từ năm 2020 với mục tiêu giảm 70% tác động khí hậu trung bình cho mỗi sản phẩm vào năm 2030. Nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu khác cũng cam kết sử dụng năng lượng tái tạo 100% trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Xu hướng tiêu dùng và lối sống xanh cũng đặt ra yêu cầu mới cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi họ phải thích nghi để tăng tính cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Để thâm nhập vào các thị trường khắt khe như Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản, tận dụng các ưu đãi thuế suất các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất “xanh”, bao gồm quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng và tái chế. Tại thị trường nội địa với dân số hơn 100 triệu, ngày càng nhiều doanh nghiệp chọn hướng kinh doanh “xanh, sạch” để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và tạo lợi thế cạnh tranh.

Tuân thủ theo các quy chuẩn quốc tế
Doanh nghiệp Việt cần thích nghi với tiêu chuẩn “xanh” để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế 

Xem thêm: ESG risk rating là gì? Tiêu chuẩn và 7 bước lập báo cáo ESG

5. Những cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong xu hướng tiêu dùng xanh 

Xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng rộng rãi trên toàn cầu, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho các doanh nghiệp. Với việc người tiêu dùng dần quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp có cơ hội để mở rộng thị trường và nâng cao uy tín thương hiệu thông qua các hoạt động kinh doanh bền vững. Hãy cùng nhau điểm qua các cơ hội và thách thức dưới đây:  

5.1. Cơ hội

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm xanh

Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, kéo theo mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Nhận thức về tiêu dùng xanh cũng tăng trưởng, thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm xanh, an toàn và thân thiện với môi trường. Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam hiện rất quan tâm đến sản phẩm “xanh” và “sạch”, sẵn sàng chi trả thêm cho các thương hiệu có cam kết này. Đáng chú ý, 80% người tiêu dùng lo ngại về tác hại của nguyên liệu nhân tạo, và 79% sẵn sàng chi nhiều hơn để mua sản phẩm không chứa các thành phần không mong muốn.

Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng cao. Do đó, chất lượng “xanh” trở thành yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh và mở rộng thị phần. Xây dựng thương hiệu gắn liền với yếu tố “xanh” và cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường đang dần trở thành chiến lược quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. 

Khảo sát của Nielsen cũng chỉ ra, các thương hiệu sản xuất sạch và cam kết đem lại sản phẩm xanh và sạch tăng trưởng cao gấp 4 lần so với doanh nghiệp cùng ngành. Một số thương hiệu tại Việt Nam như bóng đèn Điện Quang, Ecopark, Unilever đã có mức tăng trưởng cao nhờ sản xuất “xanh”; cụ thể, Unilever đã tăng trưởng 30% khi thực hiện cam kết về sản phẩm “sạch”.

Ưu đãi dành cho doanh nghiệp tham gia chương trình Nhãn Xanh Việt Nam

Nhãn Xanh Việt Nam là chương trình nhãn sinh thái của Việt Nam, được khởi xướng từ năm 2009 với mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường thông qua giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nguyên liệu, cũng như giảm thiểu chất thải từ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. 

Chính phủ cũng khuyến khích sản xuất sạch và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, đồng thời đóng vai trò người tiêu dùng lớn để thúc đẩy nhu cầu cho các tiêu dùng xanh. Khi doanh nghiệp tham gia chương trình này, họ có cơ hội nhận được hỗ trợ và ưu đãi như miễn giảm thuế, phí bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất bền vững.

Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm được gắn Nhãn Xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường. Các ưu đãi này sẽ thúc đẩy tổ chức tích cực trong việc gắn nhãn sinh thái trên các sản phẩm của mình tạo ra lợi ích kép cho doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi từ Chính phủ dành cho sản phẩm gắn nhãn xanh, mặt khác, những sản phẩm này sẽ được đón nhận nhiều hơn bởi người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, giá cả mà còn xem xét đến các yếu tố sức khỏe, môi trường của sản phẩm.

Đây cũng chính là chứng chỉ xanh để sản phẩm của các doanh nghiệp có thể đứng vững ở thị trường trong nước, cũng như cạnh tranh ở các thị trường quốc tế, đặc biệt là những quốc gia có đòi hỏi khắt khe về môi trường như EU, Mỹ…

Ưu tiên các mặt hàng organic
Người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sản phẩm xanh và chi nhiều hơn cho các thương hiệu bền vững

5.2 Thách thức

Mâu thuẫn giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh

Doanh nghiệp, đặc biệt là những công ty nhỏ và vừa, gặp khó khăn lớn khi cố gắng cân bằng giữa lợi nhuận và tăng trưởng xanh. Thiếu vốn đầu tư cho sản phẩm tiêu dùng xanh và những hạn chế trong áp dụng công nghệ mới khiến nhiều doanh nghiệp chưa thể đầu tư vào sản xuất bền vững. Mặc dù công nghệ xanh đã phát triển, nhưng trình độ và khả năng áp dụng tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc doanh nghiệp vẫn ưu tiên mục tiêu lợi nhuận hơn là phát triển sản phẩm xanh. 

Trong lĩnh vực xây dựng, hiện chỉ có khoảng 61 công trình được chứng nhận là công trình xanh, một con số rất nhỏ so với tiềm năng thị trường. Những công trình này chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và được xây dựng bởi các tập đoàn đa quốc gia với mục tiêu quảng bá thương hiệu và giảm chi phí vận hành. Sự thiếu hụt công trình xanh và sự tập trung của các dự án này vào các phân khúc cao cấp cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc áp dụng tiêu chuẩn xanh ở các cấp độ khác nhau.

Thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xanh

Mặc dù doanh nghiệp cần đầu tư lớn vào các dự án sản xuất xanh, hiện không có nhiều ưu đãi về vốn vay để hỗ trợ phát triển bền vững. Thiếu nguồn lực và chính sách hỗ trợ cho Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phát triển xanh. Theo khảo sát của Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, 89% doanh nghiệp cho biết không nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước trong sản xuất sản phẩm xanh, và chỉ 26% doanh nghiệp cảm nhận được sự ủng hộ từ các nhà sản xuất và phân phối.

Việc thiếu các chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính từ chính phủ là một trở ngại lớn cho doanh nghiệp trong việc chuyển mình sang phát triển xanh. Các doanh nghiệp cần các chính sách khuyến khích đầu tư xanh và hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án bền vững, từ đó mới có thể vượt qua các khó khăn và đạt được sự phát triển bền vững trong dài hạn.

Trách nhiệm môi trường của doanh nghiệp còn hạn chế

Nỗ lực bảo vệ môi trường không thể chỉ dựa vào các cơ quan quản lý mà cần có sự đồng lòng từ tất cả các bên liên quan. Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ phương thức kinh doanh “chụp giật” sang phát triển bền vững, đặc biệt khi các hiệp định thương mại với quy định môi trường khắt khe có hiệu lực. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải của doanh nghiệp Việt Nam vẫn cao hơn so với mức trung bình toàn cầu, cho thấy sự thiếu hiệu quả trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến việc khai thác tài nguyên không bền vững và ô nhiễm môi trường. Các hoạt động bảo vệ môi trường hiện tại chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức cộng đồng mà chưa có sự kết nối và triển khai rộng rãi. Các thói quen tiêu dùng mới, đặc biệt ở giới trẻ, đã gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường, làm giảm tính bền vững của các hoạt động hiện tại.

Cần có sự cân bằng giữa vốn và lợi nhuận
Doanh nghiệp nhỏ thường khó cân bằng giữa lợi nhuận và đầu tư vào sản phẩm xanh 

Xem thêm: Xu hướng chuyển đổi kép tạo đột phá cho doanh nghiệp

6. Đo lường phát thải nhà kính – Bước đầu tiên trong hành trình doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Đo lường phát thải khí nhà kính là bước đầu tiên quan trọng trong hành trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp các công ty hiểu rõ lượng khí thải của mình mà còn làm cơ sở để xây dựng các chiến lược giảm thiểu hiệu quả. Thực hiện đo lường chính xác là nền tảng để cải thiện báo cáo môi trường, đồng thời đáp ứng các yêu cầu về quy định và chứng nhận xanh.

Giải pháp VertZéro của FPT IS chính là công cụ mạnh mẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đo lường phát thải khí nhà kính một cách tự động và chính xác. Giải pháp số hóa toàn diện quy trình thu thập dữ liệu môi trường, tính toán, quản lý, tạo báo cáo khí thải, đáp ứng các khung tiêu chuẩn toàn cầu về báo cáo phát thải, loại bỏ khí nhà kính như ISO 14064-1, GHG Protocol và các tiêu chuẩn khác.

Giải pháp VertZéro của FPT IS
Giải pháp VertZéro giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình đo lường phát thải của tổ chức

Các bài viết liên quan:

Tiêu dùng xanh được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Bởi vậy, để bắt kịp với thị trường, doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển dịch dần theo hướng sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu thêm về giải pháp Kiểm kê khí nhà kính VertZéro vui lòng liên hệ với chúng tôi TẠI ĐÂY để được tư vấn miễn phí.

Chia sẻ:
Img Contact

Đăng ký nhận tin tức mới nhất từ FPT IS

    Tôi đồng ý chia sẻ thông tin và đồng ý với Chính sách bảo mật dữ liệu cá nhân